Trường học cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm
(GDTĐ) – Trước tình hình dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời điểm hiện nay là dịch tả lợn châu Phi, nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phòng chống dịch bệnh.
Đảm bảo an toàn bữa ăn của trẻ
Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và các vật nuôi khác nhưng người và vật nuôi khác lại có thể mang mầm bệnh và lây nhiễm sang lợn. Cụ thể, bệnh lây lan qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo, trâu, bò, dê, cừu… Ngoài ra, bệnh dịch tả lợn châu Phi còn có nguy cơ lây lan rất cao từ trang trại, khu nuôi lợn xung quanh do dùng chung nguồn nước. “Vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở môi trường tự nhiên và trong các sản phẩm của lợn… Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh hiệu quả, do đó việc khống chế, ngăn chặn kịp thời là giải pháp quan trọng để hạn chế lây lan” – ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Hà Nội hiện có hơn 1.600 trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường, chiếm khoảng 65% trong tổng số trường của toàn thành phố. Trong số các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, số trường mầm non và tiểu học chiếm tỷ lệ hơn 90%.Ngay khi có thông tin về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn Hà Nội, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm; bảo đảm nhập thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng và thời gian sử dụng. Nhà trường phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có giấy phép và có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quản lý chặt chẽ khẩu phần ăn của học sinh; công khai thực đơn, đơn giá hằng ngày; chú trọng cải tiến các bữa ăn và phối hợp món ăn trong ngày cho hợp lý, bảo đảm dinh dưỡng theo từng độ tuổi.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thông tin từ các cơ quan chức năng đã khẳng định bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, bởi vậy các trường không nên quá lo lắng mà tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
Để bữa ăn trưa của trẻ thật sự an toàn, trường mầm non 1-6 (quận Hoàn Kiếm) đã đưa ra nhiều giải pháp như phối hợp với Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường tăng cường kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào nhà trường, kêu gọi ban đại diện phụ huynh cùng kiểm tra giám sát chặt chẽ việc giao nhận thực phẩm đầu giờ. Kiểm tra vệ sinh khu chế biến, dụng cụ chế biến và việc sơ chế, qui trình chế biến món ăn.
Nhà trường yêu cầu các công ty cung ứng thực phẩm cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, giấy chứng nhận, xét nghiệm về các mặt hàng thực phẩm một cách rõ ràng, cụ thể để đảm bảo toàn bộ thực phẩm đều có nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt trong thời gian có dịch tả lợn châu Phi, nhà trường yêu cầu đơn vị cung ứng có cam kết với nhà trường về chất lượng thực phẩm đưa vào nhà trường, nhất là với thịt lợn.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và in các bài tuyên truyền treo ở cửa lớp để mọi người có kiến thức về dịch bệnh và có biện pháp chủ động ứng phó. Về phía các lớp, nhà trường chỉ đạo đưa nội dung giáo dục an toàn thực phẩm và cũng giới thiệu một số dịch bệnh đang diễn ra vào các giờ hoạt động chung nhằm giúp trẻ tích cực tham gia giữ vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm như lao động tự phục vụ, giữ vệ sinh môi trường, rèn thói quen vệ sinh cá nhân và các hành vi văn minh nơi công cộng, tạo môi trường thân thiện trong trường lớp mầm non…
Bên cạnh đó, nhà trường chủ động xây dựng lại thực đơn nhưng vẫn đảm bảo định lượng calo giữa các chất và các món ăn kết hợp phải phù hợp, hài hòa và cách chế biến đa dạng, trẻ ăn ngon miệng,ăn hết suất…
Phụ huynh cùng giám sát chất lượng thực phẩm trường học
Mới đây, ngành GD&ĐT quận Tây Hồ đã tổ chức thành công “Ngày hội dinh dưỡng trẻ thơ” cấp học mầm non năm học 2018 – 2019. Ngày hội không chỉ có sự tham dự của các trường học mà còn có các đơn vị cung cấp thực phẩm cho các trường và nhiều phụ huynh. Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho biết, trước yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn bếp ăn trường học, một trong những việc được quận chú trọng là phổ biến và kết nối 3 bên phụ huynh, nhà trường, đơn vị cung cấp thực phẩm để cùng chia sẻ, tìm hiểu, giám sát hoạt động các bên với cùng mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn trường học.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, trong các trường mầm non, công tác nuôi dưỡng luôn chiếm một vị trí quan trọng và trở thành 1 tiêu chí đánh giá chất lượng của mỗi nhà trường. Từ năm học 2017-2018, phòng GD&ĐT quận Tây Hồ đã triển khai phần mềm tính khẩu phần ăn trực tuyến cho tất cả các trường mầm non và nhóm lớp tư thục trên địa bàn quận. Qua đó, công tác nuôi dưỡng trong các nhà trường đã có những thay đổi tích cực. Khái niệm cho trẻ ăn no, ăn đủ nhờ phần mềm xây dựng khẩu phẩn ăn đã được định lượng một cách cụ thể phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của từng độ tuổi.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Vũ, hướng tới một bữa ăn đủ lượng, đủ chất, cung cấp cho trẻ những dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển cũng mới chỉ là điều kiện cần. Cho trẻ ăn đủ, ăn đúng mới chỉ đạt được một nửa yêu cầu trong nuôi dưỡng. Quan tâm tới chất lượng bữa ăn, nhưng bữa ăn cũng rất cần được trẻ đón nhận một cách hạnh phúc. Chế biến đủ chất nhưng phải ngon miệng trẻ mới thực là yêu cầu phải đạt tới. Ngày hội dinh dưỡng của quận Tây Hồ được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần, hướng đến mục tiêu cung cấp bữa ăn đủ chất, đủ lượng, đẹp mắt, ngon miệng, cung cấp cho trẻ những dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Thông qua Ngày hội, trên cơ sở những thông tin do các đơn vị cung ứng thực phẩm có mặt tại đây cung cấp, phụ huynh sẽ hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát chất lượng thực phẩm, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các trẻ phải đạt được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiệu trưởng trường MN Đoàn Thị Điểm Công Thị Thu cho biết: Để đảm bảo an toàn bữa ăn cho trẻ, đặc biệt trước các thông tin về dịch bệnh, sau khi yêu cầu đơn vị cung ứng sản phẩm cam kết chất lượng sản phẩm cung cấp, nhà trường đã dán công khai nội dung cam kết trên bảng tin của các lớp và đăng trên website của nhà trường để phụ huynh biết. Phụ huynh cũng được mời để cùng với các bộ phận của nhà trường chứng kiến việc giao nhận lương thực, thực phẩm hàng ngày…
Cũng như vậy, tại trường MN Nhật Tân, phụ huynh đã đồng hành với CBGV, nhân viên nuôi dưỡng của nhà trường giám sát đơn vị cung ứng sản phẩm. Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Nhung khẳng định: Nhà trường mời đại diện phụ huynh từng khối lớp trực tiếp nắm bắt qui trình giao nhận thực phẩm một cách công khai, minh bạch. Ngoài kiểm tra hoạt động của đơn vị cung ứng theo qui định, trong thời điểm có dịch bệnh, nhà trường còn tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất vào sáng sớm (có sự tham gia của phụ huynh học sinh) để thu nhận được thông tin chính xác nhất nguồn gốc số thực phẩm nhập về trường, tránh xảy ra việc cung ứng sản phẩm không đúng như cam kết, ngoài ra cũng để phụ huynh yên tâm khi gửi con tại trường.
Đảm nhận giáo dục, nuôi dưỡng 750 trẻ, trường MN Nhật Tân xác định rõ tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ. Cô giáo Nhung cho biết: Nhà trường thực hiện nghiêm túc việc lấy mẫu thực phẩm sống đi xét nghiệm; lưu mẫu thức ăn chín; nhập thực phẩm và chế biến thực phẩm đảm bảo theo đúng yêu cầu; cập nhật thông tin dịch bệnh một cách đầy đủ để tuyên truyền đến CBGV và cha mẹ học sinh…
Anh Trà – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 112, tháng 4/2019