Chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV: Trăn trở rào cản… kì thị
(GDTĐ) – Không còn nguồn thuốc ARV miễn phí, từ năm 2019 việc điều trị cho bệnh nhân HIV sẽ chính thức được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để có được thẻ bảo hiểm y tế không dễ dàng đối với bệnh nhân HIV vì nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí có những bệnh nhân bỏ nhà, di cư, không xuất trình được giấy tờ tùy thân. Đó là chưa kể tới rào cản người nhiễm HIV sẽ ngại ngần bị kì thị khi không còn được khám riêng…
Thanh quyết toán thuốc ARV từ nguồn BHYT
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 (90 % người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) trong phòng, chống HIV/AIDS.
Mặc dù những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống đại dịch này, nhưng HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nguy hiểm. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nguy cơ cao có xu hướng tăng, nhất là trong nhóm nghiện chích ma túy và trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Bên cạnh đó, các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn tài trợ đã bị cắt giảm, nguồn ngân sách trong nước gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, trước kia 80-90% nguồn thuốc ARV cung cấp để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam là do nguồn viện trợ từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn viện trợ từ nước ngoài hiện đã bị cắt giảm và dự kiến từ năm 2020 sẽ không còn. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2188 quy định về việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Theo đó, từ 1/1/2019, toàn bộ người nhiễm HIV từ 16 tuổi trở lên sẽ được thanh quyết toán thuốc ARV từ nguồn BHYT thay vì nguồn tài trợ cấp miễn phí như hiện nay.
Bà Ritu Singh- Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR (chương trình viện trợ dành cho 15 quốc gia để phòng chống HIV/AIDS mà Việt Nam là một trong số những nước được tài trợ), Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.
Theo bà Dương Thúy Anh – Phó Chánh văn phòng Cục phòng chống HIV/AIDS, một trong những điểm mới mà ngành y tế triển khai quản lý, hỗ trợ người có HIV là trong năm 2019 sẽ triển khai hệ thống quản lý bệnh nhân tham gia điều trị ARV gồm quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, hồ sơ bệnh án điện tử; kết nối dữ liệu tối thiểu 433 cơ sở điều trị và lồng ghép hệ thống thanh toán BHYT. Hệ thống này sẽ quản lý các bệnh nhân có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT, xác định được danh tính bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân chuyển viện sang các địa bàn, tuyến khác; bảo đảm bệnh nhân nhận các nguồn thuốc khác nhau cũng tổng hợp nắm được con số, không bị trùng lặp trong cấp phát thuốc. Hệ thống này cũng cấp mã định danh và quản lý người bệnh trên toàn hệ thống; theo dõi, giám sát quản lý, sử dụng và quyết toán thuốc kháng HIV nguồn BHYT.
Bệnh nhân phải thích ứng với nhiều thay đổi
Mặc dù chính sách dành cho người bệnh mắc HIV đã đồng bộ và không có rào cản cho người mắc HIV tiếp cận với nguồn thuốc ARV từ BHYT. Chỉ có một nhóm rất nhỏ không muốn dùng thẻ, hoặc họ không có giấy tờ tùy thân (khoảng 3%). Tuy nhiên, những điều này đã được Thông tư 27 giải quyết bằng việc hỗ trợ ban hành thẻ BHYT có ảnh. Như vậy, những trở ngại về giải pháp cho người có thẻ không còn khó khăn. Khó khăn là liệu người có thẻ có dùng hay không vì sự phân biệt kỳ thị. Nhiều khi sự phân biệt kỳ thị làm hạn chế tiếp cận dịch vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết thêm, để tránh sự kỳ thị của cộng đồng, với các bệnh nhân bị HIV khi đến khám bảo hiểm y tế thì sẽ không tách ra luồng riêng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin của người bệnh HIV có thẻ bảo hiểm y tế để tránh việc họ tự kỳ thị chính mình.
“Điều trị HIV là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội. Điều này dễ dẫn đến không tuân thủ điều trị hay bỏ điều trị, gây nguy hại đến không chỉ bản thân bệnh nhân mà còn có tác động không tích cực đến cộng đồng” – chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng ban điều hành Liên minh hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV chia sẻ, bởi “Bệnh nhân điều trị HIV không chỉ đối mặt với những mệt mỏi về thể chất do tác dụng phụ của thuốc gây ra mà còn vấp phải nhiều sự kỳ thị, xa lánh của xã hội”.
Trong bối cảnh điều trị HIV được chuyển sang bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn, bệnh nhân HIV còn cần thích ứng cùng một lúc với nhiều thay đổi: Môi trường khám chữa bệnh mới (từ phòng khám riêng biệt sang bệnh viện), nhân viên y tế mới, các quy trình và thủ tục mới, cũng như nỗi lo toan về tài chính khi không còn được chi trả toàn bộ cho việc khám, điều trị HIV như trước đây.
Trong khi đó, người nhiễm HIV thành phần đa dạng, có gia đình 3-4 người nhiễm. Chưa kể nhiều người nhiễm do sử dụng ma túy, không có công ăn việc làm. Bên cạnh đó, có những người bị dị ứng với một số loại thuốc trong điều trị HIV, nếu không điều trị thay thế bằng loại thuốc khác thì người bệnh sẽ không thể tiếp tục tuân thủ, dẫn đến nguy cơ bỏ điều trị là rất lớn. Liệu BHYT có những loại thuốc cho những người này chuyên dùng không? Nếu không có, lẽ nào họ sẽ phải chấp nhận buông tay, chờ chết? HIV có thể lây nhiễm trong cộng đồng nên được hỗ trợ để tuân thủ điều trị là cách tốt nhất để ngăn chặn.
Bác sỹ Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, không có bệnh nào phải điều trị nghiêm ngặt, phải tuân thủ phác đồ chặt chẽ như HIV. Bởi chỉ có tuân thủ tuyệt đối, bệnh nhân mới có sức khỏe tốt. BS Cường khẳng định: “Chỉ cần người bệnh chủ quan uống sai giờ, lúc đầu vài phút, vài tiếng, vài ngày, thậm chí cả tháng vì thấy mình… không sao. Nhưng uống kiểu này sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị. Do đó, việc thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tuân thủ điều trị. Nếu không cẩn thận sẽ làm xáo trộn, gây hậu quả khi nhiều người nhiễm HIV bỏ dùng thuốc”.
Đồng thời, BS Cường cũng lo ngại, nếu người nhiễm HIV xuất trình thẻ để nhận thuốc như các bệnh khác liệu họ có bị kỳ thị không? Những người bình thường có chấp nhận để người nhiễm HIV được điều trị như người khác không? Chưa kể sống ở một nơi, nhưng mua BHYT một nơi và phải về đó nhận thuốc, đây có thể nói là rào cản lớn nhất hiện nay với những người nhiễm HIV…
Sự kì thị đối với người nhiễm HIV là vấn đề mà các tổ chức quốc tế lo ngại nhất về công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Sau gần 30 năm phòng chống HIV, hiện vẫn có khoảng 50.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam chưa được phát hiện bệnh. Đây là thách thức lớn của mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức mới đây, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội cho biết, năm 2017, Hà Nội phát hiện 800 trường hợp nhiễm HIV. Năm 2018, nhờ đẩy mạnh xét nghiệm, số trường hợp này tăng lên 1.290 người. Trong 3 tháng đầu năm 2019, có 400 trường hợp đã được xét nghiệm dương tính với HIV (tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018). Tính đến tháng 3/2019 có 13.500 người HIV đang điều trị, hiện vẫn còn gần 5.000 người nhiễm không được điều trị, đây là nguồn có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Có những trường hợp biết đích danh nhiễm nhưng từ chối điều trị hoặc có những người khai tên địa chỉ khác xong đi nơi khác do họ tự kỳ thị. Hà Nội đã giao nhiệm vụ 18 cơ sở điều trị tăng 5.000 chỉ tiêu điều trị mới, nâng tổng số lên 17.000 người. Với các biện pháp tăng cường phát hiện, Hà Nội kỳ vọng sẽ phát hiện 3.000 trường hợp trong năm 2019 để đưa vào điều trị, không bị bỏ sót người bệnh. Đặc biệt để tăng số người nhiễm HIV được điều trị, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã có cơ chế khuyến khích mọi người dân đưa người bệnh về điều trị ARV. Theo đó, bất kỳ người dân nào đưa được người nhiễm HIV đến các trung tâm y tế điều trị sẽ được “thưởng nóng”. Tuỳ theo các trường hợp khác nhau sẽ được thưởng các mức khác nhau: Mức thấp nhất là 200.000 đồng/người trích từ ngân sách TP; mức 600.000 đồng/người với bệnh nhân đã từng điều trị ARV và mức cao nhất lên tới 1,8 triệu đồng/người (trích từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Theo bà Lã Thị Lan, đó là những giải pháp mạnh để tăng tỷ lệ điều trị ARV cho người nhiễm. – H.Anh ghi |
Nguyễn Mỹ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019