Thủy triều đỏ và chất kịch độc gì khiến cá tôm có thể chết hàng loạt?
(GDTĐ) – Trong cuộc họp báo ngày 27/4 mới đây, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, một trong những nguyên nhân làm cá chết tại các tỉnh miền Trung có thể là Thủy triều đỏ, hay còn gọi là tảo nở hoa.
Hiện tượng này thường xảy ra trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm ở nhiều vùng biển của Việt Nam và thế giới. Trong môi trường thuận lợi, một số loại tảo độc trong nước biển sẽ phát triển nhanh và hình thành thủy triều đỏ.
Thuở ban đầu, thủy triều đỏ được sử dụng để chỉ sự nở hoa của loài tảo Karenia brevis, nhưng sau này cũng được áp dụng chung cho nhiều loại tảo khác.
Hiện tượng “nở hoa” thường đồng hành với sự giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ô-xy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.
Báo chí dẫn lời một tiến sĩ thuộc Viện Hải dương học – Nha Trang (năm 2006) cho hay, mầm mống của tảo sẵn có trong nước biển nên có thể “nở hoa” bất cứ ở đâu khi gặp điều kiện thuận lợi, chẳng hạn như nhiệt độ tăng, việc trao đổi nước kém, hoặc điều kiện dinh dưỡng trong môi trường tăng, hay ô nhiễm môi trường biển…
Độc tố do tảo sinh ra gồm nhiều nhóm khác nhau, chúng được tích lũy trong thịt động vật thủy sinh thông qua chuỗi thức ăn và là nguyên nhân trực tiếp của nhiều dạng ngộ độc khác nhau. Người ta thống kê có các dạng ngộ độc sau: Gây liệt cơ, tiêu chảy, gây mất trí nhớ, ngộ độc thần kinh…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây hại. Trong đó, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa thường xảy ra ở vùng biển Bình Thuận và kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh độc tố sinh ra từ các loài tảo độc có tiên mao (Dinoflagellata) có thể làm tổn thương mang, ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của động vật thủy sinh, gây hiện tượng xuất huyết, vỡ mạch máu hay tác động đến hệ thần kinh của động vật thủy sản.
Ngoài ra sự nở hoa của tảo độc còn có thể làm biến động lớn các chỉ tiêu về môi trường như: DO, PH, kiềm, làm thay đổi hàm lượng kim loại nặng trong nước biển thông qua quá trình trao đổi ion kim loại của các tế bào tảo. Một nghiên cứu ở Trung Quốc đã phát hiện một số loài tảo có tiên mao (Dinoflagellata) thuộc giống Psymneseum có thể thải ra độc tố làm vỡ các mạch máu làm cho tôm cá chết hàng loạt.
Thủy triều đỏ là một cơn ác mộng đối với người dân ven biển không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện tượng này xuất hiện bất ngờ. Thủy triều đỏ từng khiến cá chết hàng loạt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Mexico, Canada và Trung Quốc. Khoảng 36 tấn cá chết ở Hong Kong vào cuối năm ngoái được cho là do hiện tượng này. Năm 2013, thủy triều đỏ tại bờ biển đảo Borneo, phần do Malaysia kiểm soát (đảo chia làm ba phần thuộc chủ quyền của ba nước Brunei, Indonesia và Malaysia), làm hai người thiệt mạng, sau khi họ ăn sinh vật biển bị nhiễm độc.
Theo các nhà khoa học, có thể hạn chế thiệt hại do “thủy triều đỏ” gây ra, với điều kiện phải đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cơ bản. Đối tượng nghiên cứu ở đây không chỉ là tảo gây hại, mà phải điều tra cả những yếu tố tác động đến môi trường biển như tính chất vật lý, hóa học, nhiệt độ, dòng chảy, nguồn nước thải ra biển, đặc điểm kinh tế – xã hội…
Theo Kinh tế và Đô thị