Giáo viên Hà Nội với dạy học trải nghiệm
(GDTĐ) – Dạy học trải nghiệm đòi hỏi giáo viên phải có nhiều kỹ năng, đồng thời vất vả hơn so với dạy học truyền thống. Thế nhưng, các giáo viên ở Hà Nội đã không ngại khó, ngại khổ để mang đến cho học trò những bài học sinh động, mang kiến thức đến với các em một cách tự nhiên, dễ hiểu. Và để thông qua mỗi giờ dạy, các em dần hình thành cho mình những kỹ năng quan trọng tạo tiền đề đạt đến thành công trong tương lai.
Vất vả nhưng thành quả ngọt ngào
Cô giáo Dương Thị Thu Hà, giáo viên môn Sinh học Trường THPT Lê Lợi đã đưa HS đến Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, khám phá trong rừng với trò chơi “truy tìm kho báu” HS vận dụng các kiến thức để giải các mật thư bố trí trong rừng. Học sinh của cô cũng được gặp gỡ với Ban lãnh đạo Viện Điều tra, quy hoạch rừng. Thông qua việc đặt câu hỏi giúp các em hình thành được kĩ năng đặt câu hỏi, tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp. Trải nghiệm tại Bảo tàng, HS nhận thấy được sự đa dạng tài nguyên sinh vật, quan sát video “Tuyệt chủng của tê giác một sừng” từ đó có thái độ yêu quý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Sự chia sẻ của lãnh đạo Viện giúp các em có niềm tin đối với khoa học, làm động lực để học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Đó không phải là tiết học trải nghiệm đầu tiên mà cô Thu Hà thực hiện. Để tạo điều kiện cho HS có cơ hội cọ sát với thực tế, cô Hà cũng đã tổ chức các giờ học trải nghiệm cho học sinh tại: Làng nghề Vạn Phúc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khu Công nghệ cao Đại học Bách khoa Hà Nội…
Hoạt động trải nghiệm do cô Dương Thị Thu Hà thực hiện dựa trên sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nội dung bài học cũng như các quy định về dạy học. Cô cho biết, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới 2018 đã công bố với thời lượng 3 tiết trên tuần xoay quanh 4 nội dung phát triển cá nhân, lao động, hoạt động cộng đồng xã hội và định hướng nghề nghiệp. Hình thức trải nghiệm do giáo viên lựa chọn và xây dựng (hoạt động câu lạc bộ, tổ chức các trò chơi, sân khấu hoá, thực địa, hội thi, hoạt động chiến dịch hay các hoạt động nhân đạo).
Cô Hà chia sẻ, với mỗi tiết học trải nghiệm như vậy, giáo viên phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thời phải tính đến nhiều phương án, xem xét dưới nhiều góc độ. Chính vì vậy, giáo viên vất vả hơn rất nhiều so với các tiết dạy học truyền thống. Là giáo viên chủ nhiệp lớp, tôi hiểu HS của mình cần gì. Các chuyến đi liên tiếp, vậy làm sao để các em hào hứng, phụ huynh ủng hộ và giảm tối thiểu chi phí trải nghiệm để bất kì HS nào cũng có thể tham gia được. Để triển khai được mỗi chuyến trải nghiệm, tôi đã phải xây dựng kế hoạch, chương trình trải nghiệm; liên hệ với đơn vị trải nghiệm thực tế; hướng dẫn cho học sinh kiến thức, kĩ năng chuẩn bị trải nghiệm, nói rõ nội dung, yêu cầu và hình thức đánh giá của chuyến đi; đưa học sinh đi trải nghiệm; tiến hành tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm cho HS….
“Đi trải nghiệm, giúp HS làm quen với việc đi trải nghiệm, hình thành kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp với môi trường mới, yêu thích thế giới tự nhiên, gắn kiến thức bộ môn sinh học với thực tiễn. Mỗi chuyên đề trải nghiệm, HS có cơ hội thể hiện bản thân. Trong suốt quá trình trải nghiệm, giáo viên nhận biết được đặc điểm, tính cách, hiểu HS hơn về thuận tiện cho quá trình giáo dục tại trường. Sự đa dạng về hình thức đánh giá kết quả trải nghiệm, mỗi chuyến đi và yêu cầu HS viết nhật kí cho riêng mình, giáo viên rút kinh nghiệm cho HS sẽ giúp các em nhận biết được những ưu điểm và nhược điểm của bản thân, trưởng thành hơn qua mỗi chuyến đi trải nghiệm. Đặc biệt, qua mỗi chuyến đi giúp giáo viên và bản thân HS nhận ra được những năng khiếu và đam mê của bản thân như tài năng nấu ăn, quay phim, lồng tiếng, diễn xuất, kinh doanh, tổ chức và quản lí, trách nhiệm trong công việc được giao”, cô Thu Hà hào hứng chia sẻ về thành quả sau những tiết dạy học trải nghiệm.
Xem video là chưa đủ
Thầy giáo Phạm Tuất Đạt – Giáo viên môn Vật lý Trường THPT Lê Quý Đôn – Đống Đa đã trải qua gần 15 năm đứng lớp với không ít thành tích cũng như kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Nói về tầm quan trọng của dạy học trải nghiệm, thầy Đạt phân tích: “Bản thân tôi là giáo viên Vật lý- một bộ môn khoa học gắn liền với thực nghiệm. Nhờ thực nghiệm, tôi có thể biến một số kiến thức Vật lý xa vời và trừu tượng đối với HS trở nên gần gũi và sáng tỏ. Thông qua thực nghiệm, tôi cảm nhận được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Đặc biệt, những tri thức Vật lý được hình thành bằng con đường thực nghiệm, dường như khắc sâu hơn trong trí não của học trò, như thể đã gieo vào đó những hạt mầm của đam mê và hạnh phúc”.
Chia sẻ bí quyết để mang kiến thức Vật lý phức tạp đến gần hơn với học trò, thầy Đạt chia sẻ: “Học sinh có thể làm được thí nghiệm nào hãy cố gắng cho các em trực tiếp tự làm và trực tiếp trải nghiệm thí nghiệm ấy. Giáo viên có thể làm được thí nghiệm nào thì hãy cố gắng làm cho HS dù chỉ là thí nghiệm để minh họa lại kiến thức”.
Trước quan điểm của nhiều giáo viên hiện nay cho rằng, với thí nghiệm dễ, đã có trên Google hay Youtube thì thôi, giáo viên không phải làm biểu diễn, học sinh không phải làm trực tiếp nữa, giáo viên chỉ cần gửi HS đường link để các em xem thôi là đủ. Thầy Đạt phản biện: “Đó là sai lầm nghiêm trọng. Bởi ngoài tri thức Vật lí, thông qua thí nghiệm, giáo viên còn cần rèn cho HS rất nhiều kĩ năng khác nữa. Thậm chí có những hiện tượng Vật lí xem qua tưởng đã hiểu hết, đến khi làm trực tiếp mới ngộ ra nhiều điều”.
Trên thực tế, có những bài giảng thầy Đạt đã nghĩ không thể cho trò làm thí nghiệm được. Tuy nhiên, có dịp quan sát kinh nghiệm của giáo viên khác, thầy đã mở mang ra nhiều điều. Thầy Đạt kể lại: “Tôi đã từng làm Ban giám khảo cho cuộc thi GVDG cấp Quận. Tôi thấy rõ sự công phu trong tất cả các bài giảng. Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất đến từ một cô giáo rất trẻ trường THPT Phúc Lợi với bộ thí nghiệm tự thiết kế cho mạch RLC nối tiếp (một bài học tưởng chừng không thể làm thí nghiệm được lại xuất hiện thí nghiệm, cô giáo biến điều không tưởng thành hiện thực). Cô giáo trẻ nhất cụm có điểm số cao nhất cụm. Sau đó thi Thành phố, cô giáo lại một lần nữa được giải Nhất. Điều này càng giúp tôi rõ ràng hơn một điều, người giáo viên tâm huyết, sáng tạo luôn có cách để giúp HS được trải nghiệm thực tế”.
Theo thầy Đạt, để việc giảng dạy đạt hiệu quả, thí nghiệm được thực hiện an toàn, trước một năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu giáo viên dành thời gian lên phòng thí nghiệm phân loại các thiết bị thí nghiệm và chuẩn bị đồ dùng thí nghiệm để vào năm học sẵn dùng. Yêu cầu liệt kê xem thiết bị nào còn tốt; thiết bị nào bị hỏng nhưng có thể sửa chữa được thì sửa chữa ngay; thiết bị nào hỏng đến mức không thể khắc phục được cần bổ sung bằng việc mua mới thì báo cáo bằng văn bản để xem xét.
Thầy Đạt cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Trên nền những thiết bị được cấp sẵn, những vật dụng dễ tìm kiếm và thiết kế, tôi luôn cố gắng suy nghĩ và phân loại: Bài học nào sử dụng phương pháp thực nghiệm và bài học nào không sử dụng phương pháp thực nghiệm; Bài học nào dùng thí nghiệm chứng minh và bài học nào dùng thí nghiệm minh họa; Thí nghiệm nào của HS và thí nghiệm nào của giáo viên; Thí nghiệm nào làm trên lớp và thí nghiệm nào làm ở nhà; Thí nghiệm nào có sẵn trong phòng thí nghiệm và thí nghiệm nào ta có thể thiết kế; Thời điểm nào làm thí nghiệm gì và mục tiêu tương ứng là gì? Tất cả những nỗ lực đó tôi dùng để kiểm soát, biến hóa và tạo cảm xúc cho HS cũng như tìm được niềm vui cho chính bản thân mình khi đứng lớp”.
Học sinh được trực tiếp thực hiện dự án
Với mỗi môn học, người giáo viên tâm huyết luôn tìm ra cách để giúp học trò được trải nghiệm thực tế, họ không ngần ngại giúp nhau để có những tiết dạy thực sự hiệu quả. Trường THCS Cầu Giấy đã xây dựng nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển để cùng tiến bộ trong chuyên môn. Cô giáo Nguyễn Thị Mai – giáo viên môn Vật lý, Chủ tịch Công đoàn của trường cho biết: “6 nhóm nhà giáo được thành lập, mỗi nhóm nhà giáo đều là sự tập hợp các nhà giáo nhiệt tình, tâm huyết, mỗi người có một thế mạnh riêng (người mạnh về CNTT, người mạnh về phương pháp và không ngại đổi mới, người am hiểu về lĩnh vực chuyên môn). Các nhóm đã có nhiều việc làm đổi mới trong đó phải kể đến các nhóm hoạt động tích cực có hiệu quả như nhóm nhà giáo chuyên môn Vật lý, nhóm nhà giáo liên môn Văn – Sử; Sử – Địa – GDCD và Lý – Hóa – Sinh – Địa”.
Với bộ môn Vật lý, khi cho HS tìm hiểu về các ứng dụng của Máy cơ đơn giản, các thầy cô đã giao cho HS về nhà tìm hiểu trong gia đình mình có những dụng cụ gì là máy cơ đơn giản; tổ chức cho HS học ngoài công viên để tìm hiểu về cấu tạo và nguyên lí hoạt động của các thiết bị trò chơi là máy cơ đơn giản; HS được viết các dự án và chế tạo các sản phẩm dựa trên kiến thức đã học. Khi dạy chương trình Vật lý 7, giáo viên của trường THCS Cầu Giấy đã cho HS thực hiện 3 dự án nhỏ trải nghiệm ở nhà tương ứng với 3 chương kiến thức, đó là: Dự án Kính tiềm vọng; dự án Vật lý và Âm nhạc; dự án Nhà chế tạo tài năng. Thông qua quá trình HS thực hiện các dự án, chúng tôi nhận thấy HS rất hào hứng và chính trong quá trình thực hiện nhiều em đã có những ý tưởng sáng tạo bất ngờ.
Đồng thời, để tăng hứng thú cho HS trong các giờ lên lớp, ngoài việc sử dụng triệt để và hiệu quả đồ dùng dạy học được trang bị ở nhà trường, các thầy cô còn chú trọng việc nghiên cứu cải tiến, chế tạo đồ dùng dạy học từ các nguyên vật liệu đơn giản, dễ kiếm dễ tìm và rẻ tiền như Bộ thí nghiệm chưng cất nước khi dạy chủ đề Sự chuyển thể (Vật lý 6); Bộ thí nghiệm nghiên cứu Lực điện từ; Hệ thống phối hợp các máy cơ đơn giản…
Với nhóm nhà giáo liên môn: Sử – Địa – GDCD tăng cường hoạt động trải nghiệm thông qua dạy học dự án, ví dụ như Dự án “Em tìm hiểu kinh đô xưa”. HS được học tập trên lớp, sau đó đi thực tế tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) và Hoàng Thành Thăng Long. Ngoài việc xem các đoạn phim giới thiệu về hai địa điểm này, các em còn được giao nhiệm vụ tìm kiếm thông tin về địa điểm. Đặc biệt HS được sáng tạo tranh cổ động theo chủ đề thuộc dự án “Bảo vệ phát huy giá trị di sản thành Cổ Loa” và sản phẩm tranh cổ động theo nhóm sẽ được trưng bày và HS trình bày ý tưởng vào chiều thứ 6 tại Cổ Loa – Đông Anh – Hà Nội. Trong quá trình học tập, trải nghiệm, GV phát phiếu học tập cho học sinh, giao nhiệm vụ cho học sinh như đắp thành Cổ Loa bằng đất đem từ Cổ Loa về, thuyết trình về sản phẩm của nhóm, tham gia các trò chơi như làm oản, đắp thành, bắn nỏ, nhà khảo cổ học nhí đi tìm hiện vật…. Cách học như vậy đã giúp HS được tận mắt chứng kiến những di tích lịch sử dân tộc, được nghe giới thiệu từ hướng dẫn viên và tham gia các trò chơi. Các em đã được khơi dậy sự hứng thú, niềm đam mê trong học tập và có được những hiểu biết về nhiều lĩnh vực.
Các thầy cô giáo đã cho thấy, bất kỳ môn học nào, thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều “có đất” cho các hoạt động trải nghiệm của học trò. Điều quan trọng là giáo viên hiểu rõ bài học và luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi những phương pháp, cách thức mới lạ để đưa kiến thức đến với học trò.
Vũ Toàn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019