Báo động về danh dự và an toàn của nhà giáo
(GDTĐ) – Thời gian vừa qua các cơ quan truyền thông của cả nước đã đưa tin và phản ánh những bức xúc của nhà giáo, của người dân khắp mọi miền đất nước về hành vi không chấp nhận được của một số phụ huynh, đó là phụ huynh có bằng luật sư nhưng vẫn khăng khăng bắt ép cô giáo dạy lớp 4 phải quỳ 40 phút đúng với số thời gian cô giáo bắt học sinh của mình phải quỳ ở lớp. Có học sinh THCS dám bóp cổ cô giáo khi cô giáo đang giáo dục bạn gái của mình trong lớp. Một thầy giáo bị anh trai của học sinh đến tận lớp học đánh dập mũi phải đi cấp cứu vì thầy chót tát em mình trên lớp…? Và tiếp đó gần 500 thầy cô giáo ở huyện Krông Pắc, Đắk Lắk lại đột ngột bị dừng hợp đồng lao động…
Nêu lên một vài sự việc cụ thể đã làm ầm ĩ dư luận xã hội, các nhà trường, cộng đồng mạng… để có thể thấy danh dự, nhân phẩm, cuộc sống an toàn của các nhà giáo ở khắp nơi đang bị đe dọa và xâm hại. Vậy nguyên nhân từ đâu và cách giải quyết như thế nào để bảo vệ các nhà giáo, các nhà trường?
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Để xảy ra những việc đau lòng vừa qua trước tiên là do cách ứng xử của các thầy cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm đã hành xử không đúng nguyên tắc sư phạm, không phù hợp với đạo đức nhà giáo, không có ý chí quyết bảo vệ nhân phẩm, an toàn cho bản thân.
Để giáo dục học sinh, trong nguyên tắc và phương pháp sư phạm, nhà giáo được quyền phạt học sinh để duy trì nền nếp kỷ luật của một nhà trường, một lớp học. Nhưng những hình thức kỷ luật đó phải mang ý nghĩa giáo dục, học sinh phải “tâm phục khẩu phục”. Đặc biệt bất cứ hình thức kỷ luật nào cũng không được hạ nhục, vi phạm nhân cách người học. Đối với các cháu mầm non, tiểu học càng cần phải được tôn trọng và cách đối xử sư phạm lại càng phải khéo léo, như vậy giáo dục mới có tính thuyết phục. Bên cạnh đó, trong nhà trường, dùng phương pháp giáo dục nào cũng phải kết hợp với cha mẹ học sinh để tranh thủ sự đồng tình, đồng thuận. Tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ không có hiệu quả giáo dục mà còn phản tác dụng.
Các nhà giáo cũng phải thấy rằng nếu ta vi phạm nhân phẩm và thân thể của trẻ là chúng ta không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo, những điều nhà giáo không được làm mà chúng ta còn vi phạm pháp luật về “quyền trẻ em”; Luật hình sự “Xâm hại thân thể người khác”.
Có giáo viên nêu vấn đề, nếu cấm các hình thức kỷ luật với học sinh, nhà giáo chỉ có cách giữ thái độ mặc kệ để học sinh tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm liệu có được không, có còn là nhà trường nữa không?
Chắc chắn không thể thực hiện theo cách tiêu cực thiếu trách nhiệm như vậy vì càng thả nổi, học sinh càng lấn tới, chỉ có thái độ nghiêm túc khéo léo và sử dụng những phương pháp giáo dục kỷ luật tự giác chúng ta mới thành công, mới làm tròn sứ mệnh “trồng người”. Sau quân đội, các nhà trường phải luôn luôn là nơi có môi trường kỷ luật tốt nhất.
Tuy nhiên, từ những sự việc nói trên có thể thấy lỗi nhà giáo một phần, lỗi của cán bộ quản lý các nhà trường phần nhiều hơn. Bởi sản phẩm của cán bộ quản lý không phải chỉ là những quyết định chỉ đạo mọi người làm theo. Mà sản phẩm quan trọng nhất của mỗi cán bộ quản lý trường học chính là nhân cách của thầy và của trò.
Để giáo viên không nắm được nguyên tắc, kỹ năng sư phạm, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, danh dự của nhà giáo và để cha mẹ học sinh, người ngoài vào xâm hại nhà giáo, không bảo đảm an toàn về con người và nhân phẩm cao quý của nhà giáo lỗi trước tiên là của cán bộ quản lý trường học. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải cho phép các nhà trường được tự chủ, được bầu và lựa chọn các cán bộ quản lý của mình sao cho có tâm, có tầm và có tài để chèo lái con thuyền giáo dục của mỗi nhà trường. Những cán bộ quản lý khi đồng nghiệp bị nguy nan lại bỏ mặc là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, thiếu trình độ, thật sự không xứng đáng làm quản lý. Thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long An sau sự việc giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh đã xin từ chức là một bài học đau xót song đây cũng là tấm gương của các nhà giáo có liêm sỉ, có văn hóa từ chức để bảo vệ danh dự cho đồng nghiệp và thể hiện mình là người có trách nhiệm cao, trách nhiệm đến cùng trong công tác quản lý. Đây là hành vi rất đáng khuyến khích và hoan nghênh.
Còn về phía các bậc phụ huynh đã không phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để cùng giáo dục con em mình lại đến trường hành hung hạ nhục thầy cô giáo, đó là những việc làm đáng lên án. Các cơ quan pháp luật phải vào cuộc, sớm đưa ra kết luận và có các hình phạt tương ứng, có vậy mới răn đe những người khác, làm sao để danh dự, an toàn của nhà giáo luôn được đảm bảo. Truyền thống tôn sư trọng đạo của ông cha ta bao đời phải được giữ vững và ngày càng được tôn vinh chứ không phải ngày một bị hủy hoại. Phải đề cao trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, các trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải làm tròn chức năng nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo vệ nhân phẩm, danh dự và quyền lợi của nhà giáo cũng rất lớn. Mỗi cấp chính quyền phải có cách chỉ đạo, quản lý để mỗi địa phương có trường học đều được đảm bảo an toàn, đều được chăm lo, bảo vệ một cách nghiêm cẩn và bất cứ địa phương nào còn để mất an toàn cho thầy cô giáo thì những người đứng đầu của các địa phương đó phải chịu trách nhiệm, cũng phải rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm. Lâu nay trách nhiệm này chưa được làm rõ một cách kịp thời. Chính quyền địa phương chưa thật sâu sát tình hình các nhà trường. Các cơ quan chức năng thuộc chính quyền địa phương quản lý chưa thấy rõ trách nhiệm, chưa có phương án quản lý, bảo vệ cụ thể. Chỉ khi nào xảy ra chuyện mới nhìn ngó đến một cách qua loa, không quy nổi trách nhiệm cá nhân.
Hy vọng thời gian tới, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo chính quyền các địa phương sẽ có hợp đồng trách nhiệm cụ thể để đảm bảo an toàn về danh dự, nhân phẩm, an toàn về cơ thể, đời sống vật chất, tinh thần nhà giáo được chăm lo bảo vệ tốt hơn.
Quy tắc ứng xử văn hóa trong các nhà trường được học sinh, thầy cô giáo và cha mẹ học sinh cùng thực hiện tốt thì những vấn đề đau lòng của nhà giáo mới sớm được chấm dứt.
Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích một bài thơ của nhà giáo Lê Huyền gửi cho các bạn đồng nghiệp bị xâm hại:
“Có thể em buồn vì chuyện hôm nay
Nhưng hãy tin rồi ngày mai sẽ khác
Người dân ta với tinh thần “hiếu học”
Nghề của mình vẫn cao quý em ơi”
Nhà giáo Nguyễn Vũ Hải Linh – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017