Hạnh phúc với những gì mình có để vươn lên
(GDTĐ) – Mỗi người đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng theo lẽ thường tình của tạo hóa mà chúng ta cần nhận thức được để biết sống hạnh phúc từ những gì mình đang có và tạo dựng cho mình cuộc sống có ý nghĩa trong tương lai.
Trong quan niệm xã hội, người ta thường lấy cuộc sống sung túc, đầy đủ về mặt kinh tế làm thước đo hạnh phúc. Điều đó đúng nhưng không phải quyết định tất cả. Thực tế cuộc đời đã minh chứng không ít những con người, những gia đình lao động bình thường phải tần tảo kiếm sống hàng ngày nhưng cuộc sống vẫn vui vẻ, lạc quan, đầy ắp tiếng cười trong một không khí gia đình đầm ấm, hòa thuận. Bằng bàn tay lao động, bằng những thành quả mà họ gặt hái được, con người biết trân trọng, yêu mến những gì mình có và đó chính là niềm hạnh phúc cuộc đời. Như vậy, nỗi bi ai của đời người không phải sự nghèo đói hay thiếu thốn tiền bạc, mà ở chỗ con người không nhận ra những tài sản tinh thần quí giá để thấy cuộc sống nhân văn cao đẹp hơn.
Mỗi chúng ta đều có hoàn cảnh sống khác nhau, số phận khác nhau, có người sống trong những gia đình khá giả, có người gia đình còn khó khăn về mặt kinh tế. Tuổi trẻ học đường ở các trường THPT không ít các bạn xuất thân từ những gia đình lao động bình thường, từ những vùng quê hoặc miền núi rất dễ mặc cảm với sự thiếu thốn của bản thân khi đến trường. Các em có thể chưa đủ đồ dùng học tập, còn thiếu quần áo đẹp và phải đi bộ đến lớp nhưng đừng lấy đó làm buồn vì chính cuộc sống lao động đã cho các em sở hữu một cơ thể cường tráng với cơ bắp rắn chắc cùng một không gian thiên nhiên khoáng đạt, thơ mộng của một vùng quê mà mỗi sáng thức dậy các em thấy mình đang được tự do hít thở bầu không khí trong lành. Niềm may mắn và hạnh phúc đó đang là điều mơ ước đối với người thành phố.
Tuổi trẻ cần biết đón nhận hạnh phúc với những gì mình đang có để phấn đấu vươn lên trong cuộc đời. Chúng ta hãy tự hào về chính mình với hình thể, khuôn mặt và phẩm hạnh mà cha mẹ đã cho, vun đắp cho ta từng bước trưởng thành. Chúng ta cũng vui sướng, tự hào với cuộc sống hôm nay khi đang được tu dưỡng học tập trong nhà trường với sự dìu dắt tận tình của các thầy cô giáo và tình yêu thương, gắn bó của bạn bè. Vì thế, học sinh chúng ta không nên mặc cảm, ghen tỵ một cách mù quáng trước những gì người khác có để dẫn đến những suy tính nhỏ nhen, những hành động liều lĩnh làm mất phẩm chất của một con người. Những việc làm không tốt như dèm pha, đả kích thậm chí xâm phạm thân thể bạn khi thấy bạn hơn mình là những biểu hiện không thể chấp nhận được. Tệ hại hơn nữa, nếu vì muốn cuộc sống giàu sang mà con người dấn thân vào con đường trộm cắp, buôn bán ma túy, làm ăn bất chính… thì đó là con đường tội lỗi, phi pháp, không thể mang lại cuộc sống bình yên.
Với tuổi học trò nhất là học sinh THPT chúng ta có nhiều thế mạnh, nhiều thuận lợi về sức khỏe, năng lực, nhiệt huyết để thường xuyên rèn luyện phẩm chất, trình độ học vấn và kỹ năng sống để chuẩn bị bước vào đời. Những điểm mạnh của mỗi con người khi được khuyến khích, rèn giũa, phát huy sẽ là niềm say mê, là lẽ sống để tạo dựng cho ta một cuộc sống hạnh phúc. Thật vui sướng và tự hào khi có nhiều tấm gương tuổi trẻ được đất nước tôn vinh khi biết phát huy sở thích và thế mạnh sẵn có của mình để trở thành những tài năng như Hoàng Hữu Quốc (lĩnh vực toán học), Lê Quang Liêm (VĐV cờ vua)… Ngay cả trong học sinh chúng ta, mỗi con người đều có niềm đam mê từ những điểm mạnh riêng để không ngừng rèn luyện, phấn đấu, từ đó giúp ta định hướng đúng để chọn ngành nghề thi vào các trường cao đẳng, đại học. Tất nhiên, con đường mà ta lựa chọn bắt đầu từ những mặt mạnh của chính mình sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc đích thực cho cuộc đời.
Bằng lòng với những gì mình có không có nghĩa là chấp nhận cuộc sống an phận thủ thường. Cuộc đời phía trước còn dài, chúng ta chủ động đón nhận thời cơ từ chính điểm mạnh của mình, nỗ lực vươn lên với niềm tin không biết mệt mỏi, tiếp tục rèn luyện nâng cao về phẩm hạnh, chuyên môn để có cuộc sống tốt đẹp. Rất nhiều những tấm gương là học sinh phổ thông, là sinh viên ở các trường đại học đã vươn lên từ cuộc sống sinh hoạt khó khăn của gia đình và bản thân, phát huy những điểm mạnh mà mình có để rèn luyện và lập nghiệp. Nhiều người đã trở thành học sinh giỏi, sinh viên giỏi được thầy yêu, bạn quí, niềm hạnh phúc mà các em có chính là do được xây đắp từ tiềm năng, sở thích của mỗi người.
Khi đã có niềm tin mãnh liệt với những gì mình có để vươn lên bằng ý chí, quyết tâm thì ngay cả những con người khiếm khuyết, tật nguyền, cuộc sống tưởng chừng buông xuôi bỏ mặc số phận khi phải sống nhờ vào người khác vẫn có thể tìm ra hướng đi tươi sáng cho cuộc đời. Đã có nhiều tấm gương người khuyết tật tự tìm cách kiếm sống và hòa nhập với xã hội một cách tự tin, lạc quan khiến những người lành lặn cũng phải khâm phục, ngưỡng mộ, học tập. Tấm gương về Lê Văn Công quê Hà Tĩnh, bị liệt cả hai chân nhưng anh vẫn còn đôi cánh tay mạnh mẽ là niềm hy vọng, vui sống. Anh đã đến với môn thể thao nâng tạ của người khuyết tật với nghị lực phi thường và anh đã thành công với nhiều lần đạt HCV seagames, đặc biệt là tấm HCV danh giá Paralympic Rio 2016. Thảo Vân -người con gái tật nguyền nhỏ bé, suốt đời phải ngồi xe lăn nhưng chị vẫn quyết tâm học tập với tinh thần thép để trở thành người có học vấn và sử dụng thành thạo ngoại ngữ, vi tính, kỹ năng điều hành công việc. Với cương vị giám đốc Trung tâm nghị lực sống cho người khuyết tật, chị không những mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân mà còn giúp đỡ cho nhiều người cùng cảnh ngộ có việc làm, cuộc sống ổn định.
Thanh Dương – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 101+102, tháng 5-6/2018