Rèn luyện cách sống khoan dung, độ lượng

Rèn luyện cách sống khoan dung, độ lượng

(GDTĐ) – Trong cuộc sống xã hội, nhất là xã hội hiện đại, mối quan hệ giữa con người với con người càng trở nên phức tạp và đa dạng. Những bất đồng về quan điểm, lối sống, sở thích, thói quen, những mâu thuẫn trong làm ăn kinh tế rất dễ dẫn đến hiềm khích, va chạm, đối đầu. Vậy chúng ta nên chọn biện pháp nào, cách sống nào để vừa giải quyết mọi việc ổn thỏa mà vẫn giữ được tình người thân thiện?

 

Khoan dung, rộng lượng với mọi người là một cách sống đẹp, một phẩm chất đáng quí giúp chúng ta hiểu và cảm thông cho người khác với tấm lòng vị tha để thu phục lòng người và tạo ra cho mình những khoảnh khắc hạnh phúc khi đối diện với những tình huống phức tạp trong đường đời. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tuổi trẻ học đường cần rèn luyện ý thức để có được cách sống khoan dung độ lượng cao đẹp này.

Thực tế lịch sử đã không thiếu những câu chuyện sống động và đầy thuyết phục về cách sống khoan dung, độ lượng mà người đời phải lấy đó làm bài học đối nhân xử thế. Mọi người đều biết đến Tào Tháo, một con người nham hiểm, độc đoán và nhiều quyền lực có thể giết bất cứ ai mà ông ta muốn ở thời Tam Quốc Trung Hoa. Ấy vậy mà, Tào Tháo lại tỏ ra điềm tĩnh đến lạ kỳ trước những lời chửi mắng thậm tệ nhằm vào 3 đời nhà ông ta qua bài hịch của phe đối đầu mà Trần Lâm là người khởi thảo. Sau một trận đánh, Trần Lâm bị Tào Tháo bắt giữ và nghĩ mình cầm chắc cái chết vì tội phỉ báng. Thật bất ngờ, Tào Tháo đã không giết Trần Lâm để trả thù mà còn khen Trần Lâm “viết văn cũng rất khá, chửi cũng rất hay” và còn tin dùng dưới trướng. Cảm kích và biết ơn sâu sắc trước tấm lòng rộng lượng của Tào Tháo, Trần Lâm đã quy thuận và đã có nhiều kế sách hay giúp Tào Tháo làm được nhiều việc lớn.

Dưới thời nhà Trần, câu chuyện về cách chủ động giải quyết mối hiềm khích giữa Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với Thái sư Trần Quang Khải, đại diện cho 2 chi của dòng họ Trần tranh giành ngôi thứ cũng là bài học xử thế khi sẵn sàng quên đi mối tư thù để đoàn kết dòng tộc, tập hợp sức mạnh chống lại kẻ thù Nguyên Mông đang chuẩn bị xâm lăng bờ cõi nước ta lần thứ hai. Không chọn cách đối đầu bạo lực “huynh đệ tương tàn”, Trần Quốc Tuấn đã mời Trần Quang Khải đến để trò chuyện, chơi cờ và chân tình muốn hòa hiếu, đoàn kết trong dòng họ. Trần Quốc Tuấn đã sai người nấu lá thơm và tự mình tắm cho Trần Quang Khải trong niềm vui cảm thông, gắn bó tình anh em cốt nhục. Việc làm ấy của Trần Quốc Tuấn đã xóa đi hiềm khích giữa hai người, giữa hai chi trong dòng họ, quên đi thù nhà để đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Cách giải quyết mâu thuẫn có lý, có tình và đầy lòng khoan dung của Trần Quốc Tuấn đã tập hợp được sức mạnh nội tộc, tạo thành niềm tin cho quân sĩ trong cuộc quyết chiến với giặc Nguyên Mông, đem lại độc lập, thái bình cho đất nước.

Như vậy, những người có tấm lòng khoan dung, rộng lượng là những người sống không chỉ cho mình mà còn quan tâm đến người khác với tình cảm rộng mở bao la. Một nhà văn Mỹ đã từng nói: “Không có tấm lòng rộng lượng thì cũng không có khoan dung. Một người sống rộng lượng, cởi mở mới có thể tiếp nhận người khác, thân thiện chung sống với người khác và thừa nhận ý nghĩa tồn tại, vai trò, tác dụng của người đó”. Cuộc sống rộng lượng sẽ khiến cho con người luôn vui vẻ, lạc quan với niềm tin yêu ở bản chất tốt đẹp của mọi người. Khi người khác làm sai, thậm chí có thể xúc phạm mình, sự bình tĩnh, rộng lượng trong cách ứng xử sẽ là cách giải quyết bất đồng hay nhất, hợp lý nhất để cảm hóa đối phương. Bởi thế, lòng khoan dung, độ lượng còn là một sức mạnh để nâng uy tín, tầm vóc con người, có thể tiêu diệt được cái ác, thu phục được nhân tâm, làm thay đổi được tính cách một con người.

Phẩm chất khoan dung sẽ giúp cho con người luôn có hành động nhân văn cao cả giúp ích cho mọi người. Một người có cách sống rộng lượng khi gặp hoàn cảnh khó khăn sẽ làm chủ được mình, duy trì được sự sáng suốt, ổn định tâm lý và cũng thuận lợi khi được nhiều bạn hữu chân thành giúp đỡ. Vì thế, mọi người nói chung, tuổi trẻ học đường nói riêng cần rèn luyện để có cách sống yêu thương rộng mở lòng mình, khoan dung với bạn bè. Đúng như đại thi hào văn học Pháp Victor Hugo thế kỷ thứ XIX đã từng khẳng định: “Trên thế giới rộng lớn nhất là đại dương, rộng hơn đại dương chính là bầu trời, rộng hơn cả bầu trời chính là lòng người”. Nếu mỗi người chúng ta đều có trong mình cách sống khoan dung, rộng lượng như “biển cả chứa trăm con sông” thì tình người trong xã hội sẽ tốt đẹp biết nhường nào.

Rộng lượng, khoan dung không phải là nhân nhượng vô nguyên tắc cho những sai lầm của người khác, cũng không phải là “ba phải”, nhu nhược bản thân mà là sách lược sống khéo léo, mềm dẻo nhưng vẫn kiên quyết để đạt được kết quả mong muốn. Rộng lượng là cách sống thấu hiểu, không làm tổn thương tới tình cảm, không xúc phạm tới thân thể và danh dự người khác mà mâu thuẫn vẫn được giải quyết trong sự hòa giải chân tình, thẳng thắn.

Tuổi trẻ học đường trong nền giáo dục toàn diện và sự quan tâm của thầy cô giáo đã xây dựng được nhiều ngôi trường thân thiện và nhiều học sinh thanh lịch. Tuy vậy, cá biệt vẫn còn những học sinh mắc “bệnh” ghen ghét, đố kỵ, không tôn trọng bạn hữu, tạo nên những mâu thuẫn và cách giải quyết mâu thuẫn thiếu văn hóa. Những biểu hiện không đẹp như thói xấu dèm pha, đả kích nhằm hạ uy tín của bạn là việc làm không thể chấp nhận được. Tệ hại hơn là những hành động bạo lực như ẩu đả, đánh dằn mặt, đánh hội đồng đều là những biểu hiện thiếu thanh lịch, vi phạm pháp luật và đạo đức người học sinh, gây bức xúc cho nhà trường và xã hội.

Cách tối ưu nhất để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng là khoan dung, độ lượng để hòa giải mâu thuẫn trong tình bạn hữu chân thành, tình người cao đẹp. Mong rằng cách sống khoan dung, độ lượng sẽ được tuổi trẻ học đường tiếp nhận và thực hiện trong sự quan tâm, ủng hộ của nhà trường và phụ huynh học sinh.

Trần Cự – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017