Lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ

Lưu giữ những kỷ niệm tuổi thơ

(GDTĐ) – Đã sinh ra làm người, ai cũng có tuổi ấu thơ đầy kỷ niệm. Tuổi ấu thơ bắt đầu bằng tiếng khóc “oe oe” chào đời với đôi môi nhỏ xinh lần tìm bầu sữa mẹ để nhận được dòng sữa thơm mát, ngọt ngào chắt chiu từ tình yêu thương của mẹ. Làm sao có thể quên những bước đi chập chững đầu tiên, tiếng nói bập bẹ đầu tiên khi trẻ cất tiếng gọi mẹ, gọi cha đầy yêu thương tha thiết… Tuổi ấu thơ có biết bao điều đáng nhớ cần được lưu giữ như một phần tài sản đáng quí, đáng trân trọng đối với mỗi con người.

Trước đây, do hoàn cảnh làm ăn kiếm sống vất vả, do thiếu phương tiện và chưa có thói quen lưu giữ những kỷ niệm tuổi ấu thơ của trẻ nên nhiều gia đình đã bỏ qua việc làm này. Kết quả là trẻ không được nhìn thấy những kỷ vật tuổi nhỏ của mình khi trưởng thành. Có chăng, các em chỉ biết những kỷ niệm tuổi thơ qua hồi ức mà ông bà, cha mẹ kể lại. Như vậy là quá ít ỏi và là điều thiệt thòi đối với con trẻ. Chúng ta biết rằng, tuổi ấu thơ có nhiều kỷ niệm vui buồn gắn với gia đình, bố mẹ và những người thân yêu. Có thể là tuổi thơ bình lặng, hạnh phúc đầy may mắn, cũng có thể là tuổi thơ dữ dội không ít điều buồn khổ tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của từng gia đình đã tạo nên những số phận khác nhau cho trẻ. Dù thế nào đi nữa, tuổi thơ vẫn rất cần được lưu giữ trong hành trang của một đời người vì nó là những kỷ niệm đầu đời cần nhớ, đáng nhớ để con người từ đó biết vượt qua mặc cảm, có nghị lực và ý chí để bước đi đúng hướng trong cuộc đời, vươn tới tương lai.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Ngày nay, trong bối cảnh của một xã hội phát triển toàn diện về mặt kinh tế và khoa học kỹ thuật, đời sống nhân dân được nâng cao cả về tinh thần, vật chất sẽ là điều kiện tốt để mọi người biết quan tâm tới quyền lợi nhiều mặt của trẻ em. Không chỉ ở gia đình, ở trường học mà ngoài xã hội, trẻ em phải được học tập, vui chơi và được chăm sóc đầy đủ để trở thành người có ích cho xã hội bởi vì các em là tương lai, là chủ nhân của đất nước sau này. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, tuổi ấu thơ của các em cần phải được coi trọng, cần được lưu giữ những kỷ niệm đầu đời một cách chu đáo, đầy đủ. Vì vậy, trách nhiệm và cũng là việc làm lý thú của các bậc ông bà, cha mẹ là giúp trẻ có thói quen biết lưu giữ những kỷ vật tuổi thơ khi các cháu còn nhỏ tuổi, chưa có ý thức, chưa tự mình sưu tập những vật dụng thân thiết từng gắn bó một thời với đời sống sinh hoạt và quá trình học tập của mình.

Sống ở Hà Nội, tôi có quen thân một ông bạn già đang ở cái tuổi thất thập cũng rất thích thú và quan tâm tới việc sưu tập những kỷ niệm về tuổi thơ cho đứa cháu đích tôn năm nay 12 tuổi với tên gọi thân mật ở nhà là Bim. Cùng với ông bà nội, bố mẹ cháu cũng là người có ý thức về công việc này nên đã mua hẳn một chiếc tủ nhỏ để cháu cất giữ những kỷ vật tuổi thơ của mình. Chiếc tủ có nhiều ngăn được bố mẹ cháu sắp xếp khoa học, ngăn nắp và đẹp mắt gồm những đồ vật tuổi thơ theo thứ tự thời gian phù hợp với sự trưởng thành của cháu qua năm tháng và được ghi chú rõ ràng. Thật bất ngờ và thú vị khi tôi được ngắm nhìn “chiếc tủ tuổi thơ” được kê gọn gàng trong một góc phòng của cháu, ngay cạnh bàn học tập hàng ngày. Trong các ngăn tủ của cháu Bim, khá nhiều những đồ vật bình dị nhưng vô cùng có ý nghĩa được lưu giữ cẩn thận. Đó là những chiếc mũ vải, mũ len nhỏ bé, xinh xinh, những chiếc tã lót cùng áo quần nhỏ xíu khi bé Bim dùng lúc mới lọt lòng. Ngoài ra, còn nhiều thứ đồ chơi mà một thời cháu Bim thích thú: những quả bóng nhựa nhiều màu sắc, những con vật được làm bằng nhựa, được nhồi bông đủ loại từng quây quần quanh bé vẫn được giữ gìn trong sự yêu thương, trân trọng của cả gia đình. Khi đến tuổi đi học, những chiếc cặp sách, ba lô đựng đồ dùng học tập mà Bim mang theo người để cùng bạn bè tung tăng đến trường nay vẫn được lưu giữ trên ngăn tủ, tuy nó cũ kỹ nhưng là một kỷ vật thiêng liêng đối với Bim. Với sự hướng dẫn của bố mẹ, khi học lên THCS cháu Bim đã có thể tự mình biết giữ lại những đồ vật mà cháu yêu thích, gắn bó. Đó là đồ chơi điện tử, tập ảnh kỷ niệm về lớp học và bạn bè, nhiều truyện tranh và sách thiếu nhi mà cháu đã từng say mê nay được cất giữ cẩn thận như truyện Cổ tích Việt Nam, “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nguyễn Huy Tưởng, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài…

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, việc lưu giữ tư liệu cũng có những tiến bộ vượt bậc. Điều này đã giúp cho nhiều gia đình học sinh biết sử dụng các phương tiện như máy vi tính, máy ảnh, điện thoại thông minh… để quay, chụp lưu lại những kỷ niệm sâu sắc trong đời sống con người. Tuổi thơ, tuổi trẻ học đường cũng nhờ các phương tiện tiên tiến trên mà lưu giữ cho mình nhiều kỷ niệm sống động, đáng nhớ một thời.

Cuộc sống của con người rất cần những kỷ niệm, nhất là kỷ niệm thời ấu thơ. Biết nhớ về kỷ niệm và biết trân trọng lưu giữ kỷ niệm cuộc đời sẽ làm đời sống con người thêm phong phú, thi vị và giúp ta yêu mến mình hơn, có trách nhiệm với cuộc đời nhiều hơn. Những kỷ niệm về tuổi thơ của con trẻ khi được lưu giữ trân trọng sẽ góp phần làm tăng thêm nét đẹp về nếp sống văn hóa gia đình, giúp trẻ biết yêu thương và quan tâm tới mọi người, biết sống hướng thiện, hòa đồng với con người.

Nên chăng, ngay từ bây giờ, các bậc ông bà, cha mẹ cần hướng dẫncon cháu có ý thức, có niềm đam mê và thói quen để biết lưu giữ và trân trọng những kỷ niệm về tuổi thơ của mình. Chắc chắn những kỷ niệm tuổi ấu thơsẽ làm cuộc sống con người thêm hữu ích, thơ mộng, đẹp đẽ hơn.

Thanh Dương – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019