Giúp trẻ hiểu đúng, hiểu rõ bản thân mình

Giúp trẻ hiểu đúng, hiểu rõ bản thân mình

(GDTĐ) – Trên đỉnh núi Olympia sừng sững của đất nước Hy lạp, du khách mọi nơi trên thế giới đến thăm quan đều phải ngước nhìn một dòng chữ châm ngôn được khắc trên vách đá rất nổi tiếng: “Bạn phải biết chính bản thân mình”. Đó là lời cảnh tỉnh, răn dạy về một cách sống vô cùng đúng đắn với mỗi con người khi muốn thành công trong cuộc đời.

 

Cuộc sống xã hội vô cùng phong phú và phức tạp đòi hỏi con người phải biết nắm bắt, thích nghi với nó trên cơ sở hiểu đúng, hiểu chính xác về bản thân mình với những sở trường, sở đoản, mặt mạnh, mặt yếu để biết chủ động tìm đúng phương hướng trên con đường vươn tới tương lai. Hiểu chính xác, khách quan, đánh giá đúng ưu thế cũng như khiếm khuyết của bản thân là điều kiện đảm bảo tối ưu nhất để mỗi người chúng ta gặt hái được thành công trong cuộc đời.

Để hiểu đúng được bản thân, trước hết chúng ta phải có cách nhìn vô tư, khách quan để vượt ra ngoài “cái tôi” bản ngã, tự tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của chính mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với tinh thần thực sự cầu thị, mọi người cần tránh cách nhìn nhận chủ quan phiến diện để xác định đúng chỗ đứng thích hợp của mình trong công việc. Mặt khác, với mối quan hệ xã hội hàng ngày chúng ta phải đặt mình giữa những người cùng trang lứa, cùng công việc để so sánh và tìm hiểu khả năng của mình một cách chính xác. Chúng ta cần lắng nghe những ý kiến nhận xét, đánh giá của mọi người trong quá trình giao lưu, tiếp xúc để hiểu đúng hơn về chính mình.

Thực tế cuộc đời của mỗi con người, nếu không hiểu rõ, hiểu chính xác về bản thân mình sẽ dẫn đến bi kịch đau lòng khi ta lạc đường chệch hướng phải ân hận suốt đời. Hình ảnh về nhân vật AQ với “Phép thắng lợi tinh thần” luôn cho mình là “Nhất thiên hạ” trong thiên truyện nổi tiếng của Lỗ Tấn chả là bài học thất bại từ sự ngộ nhận, không đánh giá đúng mình đối với chúng ta hay sao? Trong cuộc sống, nếu chúng ta đánh giá mình quá cao sẽ dẫn đến xa rời thực tế, bản thân luôn chìm đắm trong ảo mộng, huyễn hoặc rồi oán trách đời, trách người, cho rằng mình có tài nhưng không gặp vận! Hậu quả là việc nhỏ bỏ qua không làm, việc lớn không thành với nỗi buồn cay đắng. Ngược lại, nếu chúng ta đánh giá bản thân quá thấp sẽ đồng nghĩa với tâm lý mặc cảm, tự ti, không tin, không dám tự làm một công việc gì dù bản thân có thể làm được. Cách sống tự ti ấy sẽ làm chúng ta luôn phải sống nhờ, sống phụ thuộc vào người khác.

Hiểu rõ, hiểu đúng về bản thân mình là một cách sống thông minh và đúng đắn nhất đối với mỗi con người trên bước đường đời. Nhận thức đúng về bản thân mình thì khi thành công ta không kiêu căng, tự mãn mà quên đi tất cả, xem thường người khác; lúc vấp ngã, thất bại ta cũng không mất đi niềm hy vọng để cố gắng vươn lên.

Rõ ràng, hiểu chính xác về bản thân mình luôn là cách sống cần thiết đối với con người ở mọi lứa tuổi, mọi cương vị công tác, mọi nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Cách sống này cũng được vận dụng một cách rộng rãi trong môi trường học đường đối với học sinh, trong môi trường xã hội đối với người trưởng thành đang lập nghiệp và ngay cả những người cao tuổi đã nghỉ hưu sau nhiều năm cống hiến cho xã hội. Như vậy bất cứ ai cũng phải đánh giá đúng mình để sống và làm việc sao cho thuận buồm xuôi gió.

Với lứa tuổi học sinh, nhất là học sinh THPT cuối cấp sắp ra trường, việc học hành, thi cử, chọn ngành nghề cho cuộc sống tương lai theo nguyện vọng của từng em là rất chính đáng nhưng cần lưu ý đến năng lực của chính mình. Để thi vào các khối A, B, C, D… đều đòi hỏi trình độ học lực về các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội tương ứng nên học sinh lớp 12 cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn trường cho phù hợp. Không phải cứ thích trường này, trường kia theo cảm tính mà phải dựa vào năng lực của chính mình để chọn đúng ngành nghề. Có như thế, chúng ta mới đạt được kết quả khi chọn đúng hướng đi cho cuộc đời. Các bậc ông bà, cha mẹ cần biết đúng khả năng học tập của con em mình để tư vấn cho các em trong việc học hành, thi cử.

Có thể thấy trong cuộc sống không thiếu những tấm gương thành đạt ở nhiều lĩnh vực, nhiều nghề nghiệp khác nhau nhờ hiểu đúng, hiểu chính xác về mặt mạnh, mặt yếu của bản thân mình. Câu chuyện về cuộc đời lập nghiệp của Mark Twain (nhà văn nổi tiếng người Mỹ) là một minh chứng sinh động. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã đi theo con đường kinh doanh nhưng không thành công đến nỗi khuynh gia bại sản phải bán cả cửa hàng của mình để bồi thường do thua lỗ. Song không vì thế mà ông buồn bã mà suy xét thật kỹ điểm yếu, điểm mạnh của bản thân để nhận ra sở trường của mình là viết văn. Ông đã tập trung vào con đường văn nghiệp và kết quả thật rực rỡ khi ông trở thành nhà văn lớn được thế giới biết đến. Ở nước ta, nhờ phát huy được điểm mạnh của chính mình để rèn luyện, nâng cao cũng có nhiều người thành công trên đường đời và trở thành nổi tiếng. Nhà văn Nguyễn Công Hoan với biệt tài viết truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Tuân đi sâu vào thể văn tùy bút vốn là sở trường của mình đã để lại cho đời những tác phẩm khiến mọi người nhớ mãi. Trong lĩnh vực y học, giáo sư Tôn Thất Tùng nổi tiếng là chuyên gia tim mạch tầm cỡ thế giới; giáo sư bác sĩ Nguyễn Tài Thu với cây kim thần diệu đã cứu sống nhiều người… Tất cả những thành công ấy là công sức, tài năng, là sự rèn luyện không biết mệt mỏi của mỗi người khi biết phát huy hết sở trường, mặt mạnh của chính mình.

Như vậy, con người khi hiểu chính xác về mặt mạnh, mặt yếu của mình sẽ càng trở lên mạnh mẽ và khi bước vào đời sẽ đúng đường, đúng hướng. Thế hệ trẻ trong môi trường học đường cần nhận thức được điều đó. Các bậc ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo cần giúp trẻ vươn lên và hiểu đúng điểm mạnh, điểm yếu của mình để định hướng cho cuộc đời với những bước đi chính xác và hiệu quả.

Trần Cự – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 87, tháng 3/2017