Bài học từ trái tim đến trái tim

Bài học từ trái tim đến trái tim

(GDTĐ) – Chỉ sau gần 1 tiếng đồng hồ ngồi nghe giảng, nhiều học sinh đã bật khóc nức nở, nhiều em khác mắt đỏ hoe cố giấu đi những giọt nước mắt đang trực trào ra… Giờ học không có tài liệu, không có đánh giá, cho điểm, không có những kiến thức cao siêu, nhưng đã đem lại cho học sinh nhiều giá trị sống đích thực mà lâu nay các em chưa hiểu hết, chưa thấy hết…

 

Những giọt nước mắt… hạnh phúc

Sân trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) trang nghiêm trong giờ sinh hoạt chuyên đề “Dưới cờ Tổ quốc – Lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô”. Dường như khác với mỗi ngày, sân trường im phăng phắc không tiếng nói cười của học sinh, chỉ thấy tiếng giảng viên nói trầm ấm, thân tình. Có lẽ các em đều hiểu rằng, tiếng nói cười của mình giờ càng trở nên vô duyên, đáng trách, bởi những gì các em được nghe ngày hôm nay là những bài học về cuộc sống, về cách làm người có ích… mà không phải lúc nào các em cũng được nghe, được hiểu ngọn nguồn.

Giảng viên Nguyễn Thành Nhân- Học viện thanh thiếu niên Việt Nam bắt đầu bài giảng của mình bằng những câu chuyện. Những câu chuyện tuy ngắn ngủi nhưng chứa đựng những giá trị sống sâu sắc về tình cảm của cha mẹ với con cái, của thầy cô với học trò, của người với người… Sau mỗi câu chuyện là hình ảnh những đứa trẻ chưa biết trân trọng tình cảm máu thịt mà cha mẹ dành cho mình, chúng quay lưng lại với chính cha mẹ mình khi họ làm những điều không đúng với ý muốn của chúng. Những người cha, người mẹ dành cả đời cho con cái, nhưng họ nhận được những lời nói, hành động khiến họ không khỏi đau lòng. Vậy mà họ vẫn thứ tha, vẫn một lòng lo cho con… Nhiều học sinh có lẽ đã tìm được mình ở đâu đó sau mỗi câu chuyện nên nước mắt cứ thế tuôn rơi. Với thầy Nhân thì đó là “những giọt nước mắt hạnh phúc”.

Chăm chú lắng nghe những câu chuyện nhỏ mang đậm tính nhân văn, em Đoàn Thu Hiền- lớp 8A2 bộc bạch: Những gì mà em nghe được và cảm nhận được khiến em cảm thấy yêu thương cha mẹ mình hơn và thấm thía sâu sắc hơn nỗi khổ và sự hy sinh cao cả mà cha mẹ dành cho mình. Thầy Nhân đã giúp em và các bạn hiểu được giá trị của cuộc sống, những điều thầm lặng mà cha mẹ không nói với con và khiến cho mọi người phải tự điều chỉnh, thay đổi cách suy nghĩ của mình. Em muốn gửi đến các bạn một thông điệp: “Hãy trân trọng những gì mình đang có; đừng bao giờ tự đánh mất chính mình chỉ vì sự vô cảm và ích kỉ của bản thân”.

Cùng chung tâm trạng, em Nguyễn Thanh Châu, lớp 6A11 nghẹn ngào: Em đã khóc rất nhiều khi nghe thầy Nhân nói chuyện. Em hiểu hơn tấm lòng của cha mẹ, của thầy cô dành cho chúng em. Em chỉ muốn chạy thật nhanh về bên bố mẹ để nói lời “cảm ơn” và “xin lỗi” trước những việc làm còn chưa đúng của mình. Bên cạnh đó, qua nghe các câu chuyện, các tình huống ứng xử trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, chúng em có thể hạn chế được những thói quen xấu, tự xây dựng những thói quen tốt cho bản thân, như: thói quen trong sinh hoạt, trong tư duy và cả trong tâm lý – tình cảm… Em mong sẽ được tham gia nhiều giờ chuyên đề như thế này để hiểu hơn về những giá trị sống xung quanh mình.

 

Ôm những cô, cậu học trò nhỏ còn ngân ngấn nước mắt vào lòng, cô giáo Vương Thanh Huyền- Chủ nhiệm lớp 6A11 xúc động: Học trò rất trong sáng, hồn nhiên. Có những điều, những giá trị sống các con chưa hiểu hết. Nghe những câu chuyện xuất phát từ trái tim, những tình cảm chân thực nhất, ý nghĩa nhất đã chạm đến trái tim của các con. Các con như cây non, gia đình, nhà trường cứ cần mẫn chăm tưới là các con sẽ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Thầy cô và cha mẹ cùng đồng hành với con thì những mặt trái của xã hội, những thói hư tật xấu sẽ không thể tác động, chi phối lên sự phát triển tâm sinh lý của các con. Những giọt nước mắt ngày hôm nay sẽ giúp các con trưởng thành hơn, hiểu hơn về tình yêu cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh mình…

Hiểu hơn về giá trị cuộc sống

Thầy Nhân chia sẻ: Trong suốt một tiếng đồng hồ, các bạn rất chăm chú lắng nghe bài giảng, khi thầy phân tích về những cái sai của các bạn trong giao tiếp ứng xử với bố, với mẹ nhiều bạn đã rơi nước mắt và nhận ra sai lầm của mình. Tôi có hỏi: “Bao nhiêu bạn sẽ nói lời xin lỗi bố mẹ sau chuyên đề này?” gần như 100% cánh tay của các bạn đã giơ lên. Nhận ra cái sai và chấp nhận nói lời xin lỗi là một điều tuyệt vời, không phải ai cũng có can đảm như vậy. Nước mắt không phải là yếu đuối, mà đó là những giọt nước mắt hạnh phúc khi mình thức tỉnh kịp thời.

“Trẻ em của chúng ta có nhiều yếu tố tốt, nhưng chưa có nhiều thói quen tốt. Một phần bởi các em không được học trong nhà trường, trong khi lại mải mê sa vào các trò chơi ảo qua chát, gameonline… Cái xấu thường được tiếp nhận rất nhanh, nó khiến nhiều em có sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi sống”- Thầy Nhân khẳng định.

Trước thực trạng này, những câu chuyện, đề tài thầy mang đến cho học sinh các nhà trường qua các buổi nói chuyện đều hướng đến ý nghĩa: “Hãy để hạnh phúc được nhân lên”. Sau mỗi câu chuyện là những tâm tình, tấm lòng của người cha, người mẹ dành cho đứa con yêu trước khi đi ngủ với lời thì thầm: Con yêu ơi, nhất định con sẽ trở thành người có ích trong cuộc sống; là hình ảnh cả gia đình sẵn sàng tham gia tình nguyện vì cộng đồng; là việc đứa cháu ngoan, đứa con ngoan biết chăm sóc ông bà, cha mẹ khi ốm; là đứa trẻ biết sống trung thực, không nói dối… Thầy giáo Đặng Việt Hà- Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An nhận định: Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đội ngũ cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh nhà trường. Nhà trường sẽ cố gắng tạo nhiều hoạt động như thế, để qua đó, học sinh hiểu hơn về giá trị sống, trân trọng hơn tình cảm, công ơn của cha mẹ, thầy cô dành cho mình, từ đó có sự thay đổi hành vi, nhận thức một cách tích cực và chủ động hơn…

Chị Đoàn Thị Yến, phụ huynh học sinh trường THCS Chu Văn An xúc động: Tôi đã được hòa mình vào một buổi học ngoại khoá mang đậm ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc. Theo tôi, các con ai cũng có tình yêu thương với cha mẹ và thầy cô nhưng mỗi người sẽ thể hiện theo cách riêng của mình. Cũng có những bạn trẻ do được nuông chiều quá, không biết thế nào là sự gian khổ hi sinh của bố mẹ dành cho mình nên rất thờ ơ. Nhưng khi nghe thầy Nhân kể những câu chuyện cảm động đã làm thức tỉnh tình yêu thương với cha mẹ mà từ trước đến giờ con đã vô tình không để ý. Mong rằng sẽ còn nhiều buổi học ngoại khoá như thế này để giúp con sống có tình yêu thương với cha mẹ thầy cô và bạn bè. Để con biết trân trọng những gì đang có…

Thực tế, để xây dựng thói quen tốt, và loại bỏ thói quen xấu, không phải bắt đầu từ những điều lớn lao, mà phải “gieo hạt” ngay trong những điều gần gũi, bình thường, thân thuộc nhất với các em: cách uống nước, giao tiếp, tạo dựng tình bạn, trò chuyện với bố mẹ, kiểm soát cảm xúc bản thân, ước mơ đúng cách và đạt đến ước mơ… và càng không phải những lý thuyết phức tạp, mà phải là những “bí quyết” nho nhỏ, dễ dàng nhưng hữu ích, để các em có thể áp dụng ngay và cảm nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Từ đó, các em được tiếp thêm động lực và quyết tâm để đạt đến những điều cao hơn. Qua quá trình đó, mục đích sau cùng là các em “tự động” có được thói quen tự đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện chính mình ngay từ những việc nhỏ nhất đến những điều lớn lao nhất.

Ngân Vũ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 88, tháng 4/2017