Làm gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình?

Làm gì để giữ gìn hạnh phúc gia đình?

(GDTĐ) – Trong lúc chờ Việt Nam coi hạnh phúc là một lĩnh vực khoa học độc lập, các nhà nghiên cứu cho rằng, để giữ hạnh phúc, các gia đình cần đối mặt với thách thức một cách thông minh. Đó là ý kiến chung của các đại biểu trong buổi tọa đàm “Quan niệm về hạnh phúc của người Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Chỉ có hạnh phúc khi có tiền?

Việt Nam là một quốc gia được đánh giá có khung pháp lý tiến bộ về bình đẳng giới và đạt được kết quả đáng khích lệ về thực hiện bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, người phụ nữ đã vươn lên khẳng định mình và đạt được rất nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Nhưng phụ nữ hiện nay có hạnh phúc không lại là một câu hỏi đáng suy nghĩ. Người phụ nữ Việt Nam ngày nay đang nghĩ gì về hạnh phúc của họ? Hạnh phúc của người phụ nữ được hiểu như thế nào khi đặt trong mối quan hệ gia đình?

Theo kết quả điều tra xã hội của Mỹ (GSS) bắt đầu từ năm 1972 và điều tra thường niên cho thấy, những năm 1970, phụ nữ hạnh phúc hơn nam giới nhưng sau đó mức độ hạnh phúc của phụ nữ có xu hướng giảm, trong khi mức độ hạnh phúc của nam giới ở một khoảng ổn định. Đến những năm 1990, phụ nữ hạnh phúc ít hơn nam giới. Điều này liên quan đến quyền lực kinh tế và quyền của người phụ nữ. Phong trào giải phóng phụ nữ, quyền tự do kinh tế, chính trị, xã hội đã thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và họ cũng kỳ vọng rằng người phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, trên thực tế không phải vậy. Người phụ nữ vừa phải nỗ lực kiếm tiền ngoài xã hội, vừa phải chăm sóc con cái và làm việc nhà.

Ở Việt Nam, Ths. Bùi Thị Hương Trầm- Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nhận định, cuộc sống vật chất của con người ngày một nâng cao nhưng điều này không đảm bảo rằng người Việt Nam nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng cảm thấy hạnh phúc hơn. Quan niệm kiểu “hạnh phúc là một tấm chăn hẹp” hay “chỉ có hạnh phúc khi có tiền” … đang dần len lỏi vào suy nghĩ của người phụ nữ hiện đại. Những đức tính truyền thống  như sự hy sinh, nhường nhịn, chung thủy, lòng khoan dung… có thể không còn là những giá trị quan trọng trong suy nghĩ của một bộ phận phụ nữ hiện nay.

Nhà nghiên cứu Ngô Quang Hưng cho rằng, trước đây, phổ biến trong hôn nhân gia đình là lấy rồi mới yêu. Vợ chồng là do cha mẹ lựa chọn. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Tuy quan điểm này lạc hậu, lỗi thời nhưng hôn nhân xưa khá bền vững. Đó là sự đảm bảo chắc chắn từ ý thức hệ gia đình và sự chấp nhận mang tính bản năng khi đã cùng chung sống. Ngày nay, trai gái yêu nhau rồi mới lấy nhau. Con cái tự quyết định việc chọn vợ, chọn chồng cho mình, ít chịu sự can thiệp ép buộc của cha mẹ. Đây là xu thế tiến bộ văn minh, dân chủ. Tuy nhiên, xu hướng này cũng bộc lộ những khiếm khuyết khi sự tự do được hiểu theo nghĩa thái quá, bị lạm dụng và gây nhiều hệ lụy cho đạo đức và hạnh phúc gia đình. Xuất hiện muôn hình vạn trạng dạng tình yêu lệch chuẩn, tình yêu sinh viên, tình yêu khu công nghiệp, tình yêu cận huyết thống, vị thành niên ở nông thôn vùng cao, sống thử ở đô thị, hôn nhân không có tình yêu với nước ngoài… Đây là mặt trái của tình yêu hôn nhân tự do thời hiện đại.

Cần khôn khéo tránh xa tệ nạn xã hội

GS.TS Lê Thị Quý cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học năm 2008, với câu hỏi: “Theo ông bà, một gia đình hạnh phúc thì sẽ có những tiêu chuẩn nào?”, 5 tiêu chuẩn được nhiều người lựa chọn nhất là “Gia đình hòa thuận” (chiếm 88,6%); “Mọi người có ý thức xây dựng gia đình” chiếm 80,9%; “Con cái vâng lời cha mẹ” (chiếm 78,6%); “Gia đình bình đẳng (chiếm 72,3%) và “Mọi người khỏe mạnh” (chiếm 70,6%). Điều ngạc nhiên là, mặc dù sống trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng sự lựa chọn nội dung “Giàu có, kiếm được nhiều tiền” là tiêu chuẩn của gia đình hạnh phúc lại chiếm tỷ lệ rất ít (22%). Điều này cho thấy, người Việt Nam mong có một tổ ấm hạnh phúc thực sự chứ không phải vật chất, hào nhoáng. Hầu hết những người được hỏi đều thừa nhận gia đình Việt Nam hiện nay cần phải được kế thừa các giá trị truyền thống. Đó là tình thương yêu trong các mối quan hệ gia đình, các chuẩn mực về cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em, vợ chồng hòa thuận. Nếu gia đình nào như thế sẽ được coi là gia đình hạnh phúc.

PGS.TS Lê Ngọc Văn (Viện nghiên cứu Gia đình và Giới) cho rằng: “Trên thế giới, từ lâu, hạnh phúc đã trở thành một lĩnh vực khoa học độc lập, trong khi ở Việt Nam, lĩnh vực này hầu như còn bỏ trống”.

Nghiên cứu về hạnh phúc và vấn đề đo lường hạnh phúc của người Việt Nam là cần thiết. Việc triển khai nghiên cứu hạnh phúc của người Việt Nam và bộ chỉ số đánh giá hạnh phúc không chỉ khẳng định cam kết với quốc tế mà còn góp phần minh chứng bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cung cấp những tri thức nền tảng trong việc hình thành quan niệm, sự lựa chọn hạnh phúc của người dân. Điều này cũng giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng chiến lược phát triển, quản lý sự phát triển xã hội một cách bền vững…

Trong lúc chờ Việt Nam coi hạnh phúc là một lĩnh vực khoa học độc lập, các nhà nghiên cứu đưa ra ý kiến, để giữ hạnh phúc, các gia đình cần đối mặt với thách thức một cách thông minh. Theo đó, mỗi gia đình phải là một pháo đài kiên cố giữ gìn giá trị đạo đức gia đình, tránh các tệ nạn xã hội, tránh tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em…

Nên chăng, đã đến lúc gia đình và các tổ chức xã hội cần tăng cường tuyên truyền cho lớp trẻ những kiến thức về tình yêu, trang bị cho họ những kỹ năng sống phù hợp. Đó là cách tốt nhất giúp xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bảo Châu – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 89+90, tháng 5 – 6/2017