Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

Nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu SKKN đoạt giải B cấp ngành năm học 2015-2016 của cô giáo Trần Thị Hồng Loan trường Mầm non số 5 Ngọc Hà – Ba Đình với đề tài “Một số biện pháp giúp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong trường mầm non”.

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non là hoạt động giúp trẻ có thể làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống. Để nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cần thực hiện một số giải pháp:

Chỉ đạo giáo viên thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của năm học

Họp tổ giáo viên nêu nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học trong đó nhấn mạnh đến việc đưa các kỹ năng dạy trẻ tập làm một số công việc tự phục vụ, chú ý yếu tố cá nhân của trẻ.

Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nâng cao nhận thức về kỹ năng sống

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trước tiên giáo viên phải có nhận thức về những nội dung dạy trẻ, để giúp giáo viên có vốn kinh nghiệm nhận thức sâu sắc về việc dạy kỹ năng sống cho trẻ thì cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên bao gồm:

+ Cung cấp tài liệu cho giáo viên tham khảo về những hoạt động dạy trẻ kỹ năng sống.

+ Tập trung bồi dưỡng cho giáo viên về lý thuyết những nội dung mà trẻ còn yếu để giáo viên có kiến thức dạy trẻ.

Bồi dưỡng cho giáo viên hiểu rõ thế nào là dạy kỹ năng sống. Dạy kỹ năng sống là dạy cho trẻ những kỹ năng gì? Dạy kỹ năng sống cho trẻ vào thời điểm nào là hiệu quả nhất. Đặc biệt nhấn mạnh đến những kỹ năng: lao động tự phục vụ; hợp tác, chia sẻ; giao tiếp, lễ giáo; khám phá, học hỏi; mạnh dạn tự tin.

+ Kỹ năng sống tự tin: Ngay từ khi đến lớp giáo viên nên khuyến khích động viên trẻ giới thiệu tên của mình với các bạn trong lớp. Nghĩa là giúp trẻ cảm nhận được mình là ai, cả về cá nhân cũng như trong mối quan hệ với những người khác. Kỹ năng này giúp trẻ luôn cảm thấy tự tin trong mọi tình huống ở mọi nơi, mọi lúc.

Ảnh minh họa

+ Kỹ năng lao động tự phục vụ: Trẻ ở lứa tuổi MN còn rất vụng về, khi để trẻ tự xúc ăn có thể bố, mẹ hoặc cô giáo thấy trẻ lúng túng thì lại đút cho trẻ ăn để tránh rơi vãi, hoặc là khi đến lớp bố mẹ không để cho con cất giầy dép, cởi bớt áo khoác, cất ba lô mà lại làm giúp cho con. Vì thế giáo viên phải dạy cho trẻ tự cầm thìa xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, … lúc đầu có thể chưa quen nhưng dần dần trẻ sẽ thành thục trong việc tự phục vụ cho mình.

+ Kỹ năng vệ sinh cá nhân: Giúp cho giáo viên dạy trẻ có thể tự súc miệng, đánh răng và rửa mặt. Dạy trẻ cách rửa tay trước mỗi bữa ăn và nhận biết khi nào thì quần áo của mình bị bẩn cần phải giặt. Đối với các bé gái, giáo viên phải biết dạy trẻ thói quen tóc tai luôn gọn gàng, biết giúp người lớn dọn dẹp, không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

+ Kỹ năng sống hợp tác: Khi dạy trẻ kỹ năng hợp tác cần giúp trẻ hiểu có những công việc một mình sẽ không thể làm được. VD Cùng bê một chiếc bàn hay một khối gỗ to hoặc một bao tải…. Chính vì vậy phải có sự hợp tác của các thành viên trong nhóm.

+ Kỹ năng ham học hỏi, khả năng thấu hiểu: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần có ở trẻ vào giai đoạn này. Giáo viên cần sử dụng nhiều tư liệu và ý tưởng khác nhau để khêu gợi tính tò mò tự nhiên của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, các câu chuyện hoặc các hoạt động và tư liệu mang tính chất khác lạ thường khêu gợi trí não nhiều hơn là những thứ có thể đoán trước được.

+ Kỹ năng giao tiếp: Giáo viên cần phải dạy trẻ biết thể hiện bản thân và diễn đạt ý tưởng của mình cho người khác hiểu. Nếu trẻ cảm thấy thoải mái khi nói về một ý tưởng hay chính kiến nào đó, trẻ sẽ thấy thích học và sẵn sàng tiếp nhận những suy nghĩ mới.

+ Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi: Ngay từ khi còn bé, nếu trẻ hiểu được nên dùng những lời cảm ơn và xin lỗi trong hoàn cảnh phù hợp thì sẽ rất có lợi cho việc hình thành nhân cách của trẻ sau này. Cho nên giáo viên cần phải biết dạy trẻ sử dụng các lời nói đó vào những hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ khi có người lớn cho quà trẻ phải biết nhận bằng hai tay và nói lời “cảm ơn”, hoặc khi không may lỡ làm bạn ngã thì phải biết dùng lời “xin lỗi” đối với bạn.

+Bồi dưỡng về thực hành cho giáo viên:                                  

Muốn giáo viên dạy được trẻ các kỹ năng sống thì đòi hỏi thao tác của giáo viên phải chuẩn mực và có sự thống nhất, những kỹ năng này phải được các cô giáo hướng dẫn giống nhau không có sự lệch lạc mỗi lớp hướng dẫn một kiểu thì sẽ rất khó cho việc kế thừa từ lớp nhỏ đến lớp lớn.

Phát đĩa dạy trẻ các kỹ năng tự phục vụ cho giáo viên quan sát.

 Cho giáo viên tập thực hành các thao tác để dạy trẻ giống như trong đĩa (giáo viên tự quan sát lẫn nhau và cùng sửa chữa cho nhau để toàn bộ giáo viên phải thao tác thật chính xác).

Chỉ đạo giáo viên lồng ghép giáo dục kĩ năng sống cho trẻ thông qua các hoạt động trong ngày cụ thể như: 

 Thông qua giờ đón và trả trẻ, thông qua hoạt động học, thông qua hoạt động ngoài trời và tham quan dã ngoại, thông qua hoạt động ăn, hoạt động vui chơi, lao động chăm sóc vật nuôi, cây trồng, hoạt động vệ sinh.

Bồi dưỡng giáo viên lập kế hoạch giáo dục kỹ năng sống vào các chủ đề trong năm học

Phân công các khối trưởng phụ trách việc lập kế hoạch dạy trẻ kỹ năng sống  cho phù hợp với từng độ tuổi, đưa ra bàn bạc đến thống nhất. Giáo viên lên lịch dạy trẻ kỹ năng sống theo từng chủ đề như gia đình, giao thông, thế giới động vật, thế giới thực vật, nước và hiện tượng tự nhiên…

Kiểm tra đánh giá giáo viên thực hiện lồng ghép các nội dung kỹ năng sống cho trẻ trong trường mầm non

 Kiểm tra đột xuất các giờ đón và trả trẻ.

 Kiểm tra đánh giá học sinh vào đợt kiểm tra định kỳ.

 Đánh giá giáo viên qua các đợt hội giảng.

Tuyên truyền cho các bậc cha mẹ và cộng đồng về kỹ năng sống 

Tuyên truyền đến các bậc phụ huynh những văn bản chỉ đạo, những chính sách, chế độ liên quan đến công tác giáo dục mầm non. Trong đó đặc biệt quan tâm đến nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Hướng dẫn giáo dục k năng sống cho trẻ tại gia đình

Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng cảm xúc và xã hội bằng cách tạo ra các mối liên kết bạn bè tại gia đình. Cha mẹ hãy hỏi trẻ muốn mời ai về nhà chơi? Mối quan hệ này được trẻ duy trì khi đến trường, khi có được mối liên kết với một trẻ nào đó trong lớp, các mối quan hệ khác sẽ hình thành tiếp theo một cách dễ dàng hơn.

Trong gia đình, việc dạy trẻ những nghi thức văn hóa trong ăn uống rất cần thiết. Để trẻ có được những kỹ xảo, thói quen sử dụng đồ dùng một cách chính xác, thuần thục và khéo léo, không chỉ đòi hỏi trẻ phải thường xuyên luyện tập, mà còn phải đáp ứng được những nhu cầu của trẻ, đó là cung cấp cho trẻ những mẫu hành vi văn hóa, những hành vi đúng, đẹp, văn minh của chính cha mẹ và những người xung quanh.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi tập thể

Cho trẻ đi tham quan dã ngoại tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao một cách thiết thực, khuyến khích sự tham gia chủ động, tự giác của học sinh. Tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động vui chơi giải trí tích cực khác phù hợp với lứa tuổi của học sinh.

Xây dựng môi trường giáo dục knăng sống cho trẻ

Trong lớp, chỉ đạo giáo viên trang trí các góc mở cho trẻ được trải nghiệm và tham gia hoạt động. Tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, tổ chức giao lưu các lớp với nhau, tổ chức mừng sinh nhật một nhóm trẻ … thông qua các hoạt động đó nhằm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ một cách nhẹ nhàng và có hiệu quả.

Sau khi thực hiện các biện pháp trên, giáo viên đã nắm vững các nội dung giáo dục kỹ năng sống đối với trẻ mầm non và biết vận dụng vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ trên các nhóm lớp một cách phù hợp với các hoạt động và các chủ đề. Mạnh dạn, tự tin hơn khi tổ chức họp phụ huynh, mạnh dạn trao đổi những ý tưởng của cá nhân khi sinh hoạt chuyên môn hoặc khi góp ý về chuyên môn, thao giảng … Biết tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho trẻ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống. 100% trẻ đều được giáo viên tạo mọi điều kiện được trải nghiệm thực tế, khuyến khích khơi dậy tính tò mò, phát triển trí tưởng tượng, năng động, mạnh dạn, tự tin. Trẻ có thói quen lao động tự phục vụ, được rèn luyện kỹ năng tự lập; kỹ năng nhận thức; kỹ năng vận động thô, vận động tinh thông qua các hoạt động hàng ngày trong cuộc sống ở nhà trường. Trẻ đã trở thành những con người nhanh nhẹn, có kiến thức và kỹ năng về lao động tự phục vụ như tự đánh răng, rửa mặt, rửa tay, mặc quần áo…

Trên đây là một số nét chính của đề tài “Một số biện pháp giúp chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong trường mầm non” của cô giáo Trần Thị Hồng Loan – Trường MN Số 5 Ngọc Hà Ba Đình Hà Nội. Mọi chi tiết xin truy cập vào website: http://khohoclieu.hanoiedu.vn.

Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 80, tháng 9/2016