Tạo hứng thú học tập thông qua trò chơi trong dạy nói tiếng Anh

Tạo hứng thú học tập thông qua trò chơi trong dạy nói tiếng Anh

(GDTĐ) – Kỹ năng nói tiếng Anh là kỹ năng dễ gây hứng thú cho người học nhất với các hoạt động đa dạng. Tuy vậy, đây lại là kỹ năng mà nhiều sinh viên e ngại. Việc tạo cho sinh viên khả năng sử dụng tiếng Anh một cách linh hoạt, sáng tạo trong các tình huống giao tiếp hàng ngày, dù chỉ là các tình huống rất đơn giản cũng sẽ có ích và thiết thực hơn so với việc chỉ dạy các cấu trúc ngữ pháp hay các cụm từ vựng đơn lẻ.

Mục đích của việc sử dụng trò chơi trong dạy nói tiếng Anh

Theo quan điểm của A.M.Bucky và D.Betteride (trường Đại học Cambridge, Anh) thì “trò chơi chính là một dạng hoạt động có kèm luật chơi, có mục đích và phải tạo được hứng thú cho người tham gia”. Luật chơi chính là điều chủ yếu tạo nên sự hấp dẫn cho một trò chơi. Luật chơi phải đảm bảo tính hài hước, vui vẻ (tức là để chơi) cũng như tính tranh đấu (người chơi phải cố gắng để vượt qua các luật chơi và phải chứng tỏ mình trước những người khác). Và như vậy một trò chơi với luật lệ bất ngờ, tưởng dễ mà khó, luôn ở vị trí cao hơn một chút so với trình độ người chơi sẽ cuốn hút họ rất nhiều.

Mục đích của trò chơi trong dạy nói tiếng Anh nhằm phát huy khả năng giao tiếp sử dụng tiếng Anh – tức là không phải bất cứ trò chơi nào cũng có thể áp dụng được một cách hiệu quả để phát triển kỹ năng nói. Trong việc lựa chọn trò chơi thì mục đích tạo hứng thú, lôi cuốn người học tự giác nói và giao tiếp với người khác luôn là điều cần quan tâm trước tiên. Nếu đáp ứng được hai yêu cầu trên về mục đích và luật chơi thì việc dạy và học nói tiếng Anh sẽ có những kết quả đáng ghi nhận:

Thứ nhất, nó sẽ làm thay đổi được “nhịp điệu” của giờ học. Học ngoại ngữ cùng với một tốc độ “truyền đạt-tiếp nhận” sẽ làm giảm hứng thú và khả năng tiếp thu của sinh viên. Trò chơi sẽ mang lại một không khí mới “luyện tập-thực hành” để sinh viên củng cố được những kiến thức đã học đồng thời gây hứng thú đối với việc tiếp nhận kiến thức tiếp theo.

Thứ hai, với việc tạo thành các nhóm để chơi trò chơi (pair/ group work) chính là điều kiện để SV phát triển các kỹ năng nói, khắc phục sức ì của họ trong việc sử dụng ngoại ngữ. Cũng chính qua trò chơi mà các kiến thức vừa học được củng cố, luyện tập. SV sẽ sử dụng sáng tạo, hợp lý ngôn ngữ trong những tình huống cụ thể của trò chơi.

Tuy thế, cũng không nên lạm dụng trò chơi trong các giờ học. Cần nhớ rằng trò chơi chủ yếu là để rèn luyện và củng cố các kỹ năng và kiến thức đã học, chứ không phải tiếp nhận kiến thức mới. Do đó trò chơi chỉ nên chiếm một phần trong giờ học. Nó có thể ở đầu giờ (warm-up activities) để gây hứng thú học tập, hoặc giữa giờ giúp SV luyện tập việc sử dụng ngôn ngữ, hay cũng có thể ở cuối giờ học, vừa giảm căng thẳng vừa củng cố kiến thức cho người học. Hơn nữa, nếu như trò chơi quá khó hoặc không phù hợp sẽ làm giảm hứng thú học tập, gây chán nản cho SV. Hoặc nếu sử dụng quá nhiều trò chơi thì dẫn đến việc SV chỉ thích chứ không tập trung vào học, làm giảm hiệu quả của hoạt động. Như vậy, việc sử dụng trò chơi thế nào và thời lượng ra sao phụ thuộc vào sự quyết định khôn ngoan của người giáo viên. Trò chơi cần luôn được thay đổi, biến tấu để phù hợp với từng đối tượng SV, từng giờ học, và phải được hạn chế trong một thời gian nhất định.

Một số trò chơi tạo hứng thú cho sinh viên trong giờ học

Trò chơi Yes/ No Questions               

Ở trò chơi này sẽ có một người

Trao đổi phương pháp học tiếng Anh hiệu quả

chủ trò (có thể là giáo viên hoặc một SV). Nhiệm vụ của người chủ trò là hỏi người tham gia chơi các câu hỏi có hoặc không – yes/ no (bắt đầu bằng những từ để hỏi như are, is, do, does …). Tuy nhiên người trả lời không được sử dụng yes hay no để trả lời mà vẫn phải đảm bảo trả lời câu hỏi một cách nhanh chóng và chính xác. Tất nhiên để làm cho đối thoại được sinh động người hỏi có thể thêm vào câu hỏi không ở dạng yes/ no. Còn về phần trả lời nếu vi phạm luật chơi thì sẽ bị loại để người khác lên thay. Người chiến thắng sẽ là người không mắc sai lầm trong một khoảng thời gian đã quy định trước (khoảng 3 phút).

Ví dụ:

Q (người hỏi): How are you today?

A (người trả lời): I am fine.

Q: Are you sure?

A: I said “I am fine”.

Q: What about me? Do you think I am fine?

A: Certainly

Q: Sorry, can you say that again?

A: Yes, I can. (Người trả lời đã vi phạm luật chơi và bị loại)

Điều cần chú ý là tùy theo đối tượng SV mà giáo viên có thể quy định thêm một số quy tắc nhỏ trong luật chơi, chẳng hạn như trong khi chơi người trả lời có thể sử dụng các từ khẳng định như certainly, of course, “I do”, “I am”, “that’s true”, “that isn’t true”, “that’s not correct”, “exactly”, “precisely”… nhưng mỗi từ chỉ được sử dụng một lần. Quy định này sẽ làm cho trò chơi trở nên khó hơn, nhưng cũng hấp dẫn hơn.

Trò chơi Classroom observation                           

SV trường DHLDXH trong một trò chơi tiếng Anh

Ở trò chơi này, hai SV tham gia chơi ngồi trên bàn đầu tiên, quay mặt lên bảng, các SV còn lại theo dõi. Giáo viên đưa ra các câu hỏi về lớp học và các bạn cùng lớp, cả 2 SV đều có cơ hội trả lời và được tính điểm cho mỗi câu trả lời đúng.

Ví dụ:

How many windows/ tables/ chairs/ students are there?

What are their names?

Who is sitting next to Z/ between X and Y/ opposite X/ on the left/ on the right?

What is she wearing? What colour is Z’s shirt?

Tương tự như vậy đối với các cặp SV khác, giáo viên có thể lựa chọn câu hỏi cho phù hợp với nội dung của bài học

Trò chơi What’s my job – guessing game

 Giáo viên chia SV thành các nhóm từ 3-4 SV, mỗi nhóm sẽ được phát một số card trong đó có ghi các danh từ chỉ nghề nghiệp. Tùy theo thời gian của trò chơi, mỗi SV có thể giữ 1-2 card. Thành viên của các nhóm khác sẽ đặt câu hỏi để tìm ra nghề nghiệp của người đó. Người trả lời phải khéo léo sao cho người hỏi không nhận ra được nghề nghiệp của mình, nhưng vẫn phải trả lời hợp lý các câu hỏi. Người đặt câu hỏi phải hỏi các câu khiến người trả lời bộc lộ được nghề nghiệp của họ. Nhóm nào đoán được nhiều nghề nhất sẽ là nhóm chiến thắng.                                                  

Ví dụ:

Questions:

Do you work indoors or outdoors? / in a trade or profession? / in a factory or an office?

Do you work with your hands? Do you wear a uniform? Do you work long hours? Do you work from 9-5? Do you work regular hours? Do you work at weekends?

Do you work with people or machines? Are you in a service industry?

 

Do you sell something? Do you earn a lot of money? Must you have good qualifications to do your job?

Jobs:

Group 1: police officer, nurse, farmer, shop keeper, artist, engineer…

Group 2: singer, secretary, cook, student, driver, painter…

Group 3: actor, manager, sailor, writer, soldier, surgeon, newsagent.

Việc áp dụng trò chơi trong dạy nói tiếng Anh không phải là mới, nhưng hiệu quả của mỗi trò chơi cũng như mức độ tạo hứng thú cho SV trong giờ học đòi hỏi sự tìm tòi, sáng tạo của giáo viên. Khi có được hứng thú, SV sẽ dần hình thành khả năng sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, từ đó có động cơ học tập tốt hơn.

Trịnh Thị Thủy – Phạm Thị Hồng Hạnh
(Đại học Lao động – Xã hội) – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 79, tháng 8/2016)