Hãy nhìn vấn đề một cách toàn diện hơn

Hãy nhìn vấn đề một cách toàn diện hơn

(GDTĐ) – ??? Là một giáo viên dạy môn Thể dục, gần 20 năm trong nghề thầy giáo mà lòng tôi vẫn có lúc chưa yên, chưa kể có những phút giây thấy nghẹn ngào cay đắng.

Ảnh minh họa

Vợ tôi cũng là giáo viên môn Âm nhạc dạy ở một trường tiểu học. Ở Việt Nam, những môn học như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật… được xếp vào nhóm “các môn phụ”, nên không thực sự được coi trọng. Cha mẹ cho con đi học, chỉ quan tâm đến các môn Văn, Toán, và gần đây là môn Tiếng Anh. Cán bộ quản lý các trường, kể cả các đồng nghiệp cũng nhìn chúng tôi, những giáo viên dạy môn phụ với con mắt rất … bình thường.

Chính vì vậy, các thầy, cô giáo dạy các môn phụ cũng ít được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngày lễ, những đồng nghiệp dạy môn chính hay chủ nhiệm lớp phải chuẩn bị hàng mấy cái xô để đựng hoa do học sinh và cha mẹ các em đến tặng, riêng vợ chồng tôi, gom góp của cả hai người chưa được một bó hoa đủ cắm một lọ ở nhà. Có năm còn chẳng có hoa, vợ tôi phải xin của mấy cô bạn là giáo viên chủ nhiệm để có bó hoa cầm tay mang về cho đỡ tủi.

Nhà nước, Bộ GD&ĐT luôn luôn đề cao giáo dục toàn diện cho học sinh, giúp các em phát triển đầy đủ cả về các mặt đức, trí, thể, mĩ, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Giáo viên dạy môn phụ chúng tôi vẫn thiệt thòi, khó khăn. Tôi rất mong trong thời gian tới, Nhà nước và ngành giáo dục xem xét, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ giáo viên môn phụ, để họ yên tâm công tác, có niềm vui với nghề, hết lòng vì nghề hơn. Không biết có nhiều người nghĩ và có mong muốn như tôi không?

(tran.hoabinh74@yahoo.com.vn)

*** Trước tiên, chúng tôi rất cảm thông với nỗi niềm tâm sự riêng của các thầy cô giáo dạy “môn phụ” như trong email bạn đề cập, nhưng hoàn toàn không ủng hộ cách nhìn nhận, đánh giá cũng như đề xuất, kiến nghị của bạn về việc cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ giáo viên dạy môn phụ.

Chúng ta đều là giáo viên, được các trường sư phạm đào tạo để trở thành thầy giáo, cô giáo và mọi giáo viên đều có giá trị như nhau. Trong bằng cấp, cũng như trong quyết định tuyển dụng, các bạn vẫn được gọi là viên chức, ngạch giáo viên. Không có bất cứ văn bản nào ghi “giáo viên chính”, “giáo viên phụ”. Đúng là đây đó, vẫn có cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh coi các môn Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc là môn phụ và giáo viên dạy các môn ấy là giáo viên phụ. Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề nhận thức cá nhân, chứ không đại diện cho cái nhìn của toàn xã hội.

Cứ nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy các bạn không thiệt thòi gì so với những giáo viên chủ nhiệm ở bậc tiểu học hay giáo viên dạy các môn Văn, Toán, Lý, Hóa ở bậc trung học. Bạn và họ đều phải qua tuyển dụng, cũng tập sự, lương cũng được xếp theo ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước. Các bạn cũng hưởng chế độ lên lương, phụ cấp chức vụ, trách nhiệm, đứng lớp… không kém gì “giáo viên chính”. Thậm chí, bạn là giáo viên Thể dục, còn được hưởng chế độ bồi dưỡng và hỗ trợ trang phục hàng năm theo Quyết định số 51/2012/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 16/11/2012. Cụ thể, giáo viên dạy Thể dục được hưởng chế độ bồi dưỡng được tính bằng 0,1% mức lương tối thiểu chi cho 1 tiết dạy thực hành. Giáo viên Thể dục được cấp 2 bộ quần áo thể thao dài tay, 2 đôi giầy thể thao, 4 đôi tất thể thao, 4 áo thể thao ngắn tay/năm.

Nhiều giáo viên dạy các “môn phụ” phấn đấu tốt, có thể trở thành các chuyên viên làm việc ở Phòng hay Sở GD&ĐT, trở thành cán bộ quản lý của các trường. Chế độ, chính sách, cơ hội nghề nghiệp của các “giáo viên phụ” không thua kém gì các “giáo viên chính”. Chắc điều này bạn biết rất rõ?

Ngoài ra, nhiều giáo viên dạy các môn Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật giỏi chuyên môn, có thể “sống khỏe” bằng chính nghề nghiệp của mình như tham gia dạy ở các Trung tâm thể dục – thể thao, các Nhà văn hóa, các câu lạc bộ. Thường thì, người giỏi không lo thiếu việc, không lo “đói”.

Có thể bạn chỉ nhìn vào giá trị của một chút quà mà phụ huynh học sinh tặng các thầy cô nhân ngày lễ, tết mà chạnh lòng. Hãy biết nhìn xa hơn, rộng hơn. Ở đời, sự tôn kính nào cũng kèm theo trách nhiệm nặng nề. Các giáo viên chủ nhiệm tiểu học hay các giáo viên bộ môn chính như Toán, Văn, Anh… họ chịu nhiều sức ép từ nhà trường, từ học sinh và phụ huynh học sinh lắm đấy bạn ạ, Hãy nhìn các vấn đề toàn diện hơn, để yêu công việc, yêu nghề hơn bạn nhé.

Đinh Đoàn, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 69 (tháng 10/2015)