Nguyễn Thị Tuyết Dung: Từ bé gái mê trái bóng đến nữ tuyển thủ quốc gia

Nguyễn Thị Tuyết Dung: Từ bé gái mê trái bóng đến nữ tuyển thủ quốc gia

(GDTĐ) – Kỹ năng xử lý bóng khéo léo, thi đấu năng nổ, dứt điểm hiểm hóc… là những ấn tượng của người hâm mộ về tiền vệ mang áo số 7 của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam: Nguyễn Thị Tuyết Dung. Đến với trái bóng bằng đam mê, nhờ nỗ lực tập luyện, cô gái với phong cách “tomboy” cá tính đã khẳng định được vị trí trụ cột vững chắc của mình trong màu áo câu lạc bộ và đội tuyển. Năm 2017, cô vinh dự được đưa vào danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng trong chương trình 100 Phụ nữ của BBC.

 

Khi trái bóng đánh thức đam mê

* Tuyết Dung đã đến với bóng đá như thế nào? Ai là người đã truyền niềm đam mê trái bóng cho bạn?

– Ngày còn nhỏ, tôi hay chơi bóng đá với các bạn nam trong xóm. Trong một lần có thông tin tuyển sinh của đội bóng đá nữ Hà Nam trên TV, bác tôi có nói với bố tôi cho tôi đi thi thử. Vốn đam mê bóng đá, khi nghe thấy điều đó, tôi thích quá liền nằng nặc đòi bố mẹ cho đi. Tôi may mắn vì nhận được sự ủng hộ của bố mẹ. Hôm đi thi, tôi nhớ mãi, bố mẹ, các anh chị, các bác cũng đi theo cổ vũ.

Ngày nhỏ, tôi rất hâm mộ chị Văn Thị Thanh khi xem chị thi đấu SEA Games 23 tại Việt Nam. Khi được vào cùng đội với chị (CLB Phong Phú Hà Nam), tôi lấy chị làm tấm gương để thi đấu hết mình và đặt ra mục tiêu được thi đấu ở môi trường đỉnh cao.

* Xa gia đình để tập luyện bóng đá từ nhỏ, bản thân là con gái, bạn gặp phải những khó khăn nào? Bạn đã vượt qua khó khăn đó ra sao?

– Tôi nhớ lần đầu tiên xa nhà để tập bóng là năm 13 tuổi. Hồi đó, chưa có điện thoại như bây giờ. Mỗi lần nhớ nhà, tôi chỉ biết ngồi khóc một mình. Thỉnh thoảng, nhớ nhà quá, tôi chạy ra bưu điện cách đội khoảng nửa cây số, gọi điện về nhà. Nhà tôi cũng chưa có điện thoại bàn, phải gọi nhờ nhà hàng xóm để gọi bố mẹ sang nói chuyện. Nói chung, có rất nhiều khó khăn, nhưng một phần vì niềm đam mê bóng đá, một phần vì muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi luôn cố gắng hết mình trong tập luyện và thi đấu.

* Được trở thành một tuyển thủ quốc gia là niềm vinh dự lớn với mọi cầu thủ. Tuy nhiên, để có được vinh dự đó chưa bao giờ là dễ dàng. Câu chuyện lên tuyển của Tuyết Dung như thế nào?

– Tôi vẫn nhớ lần tập trung đội tuyển đầu tiên là vào cuối năm 2011 để chuẩn bị cho giải Vô địch Bóng đá nữ Đông Nam Á. Lúc đó, do còn trẻ nên tôi bỡ ngỡ rất nhiều, chưa mạnh dạn trên sân. Sau đó, tôi được các chị chỉ dạy, bản thân cũng chủ động học hỏi từ các chị. Giải đấu đó, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba. Tuy không giành được vị trí cao nhất, nhưng tôi luôn nhớ mãi lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia. Sau giải đấu đó, tôi đã trưởng thành nhiều hơn.

* Tuyết Dung có thể giúp độc giả hình dung rõ hơn về vị trí thi đấu của bạn trong đội hình của đội tuyển nữ Việt Nam?

– Tôi thi đấu ở vị trí tiền vệ. Đây là vị trí xương sống của một đội bóng. Vị trí nào trên sân cũng quan trọng, nhưng theo tôi, vị trí tiền vệ là quan trọng nhất vì đây là vị trí thu hồi, phân phối bóng và triển khai tấn công. Khi lên công, lúc về thủ linh hoạt, đa dạng.

* Thể thao gắn với thăng trầm, có lúc thành công, khi thất bại. Bạn có thể chia sẻ một vài trận đấu khó quên trong sự nghiệp thi đấu của mình đến thời điểm này?

– Đó là năm 2014, một năm thăng trầm. Đầu năm, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam để tuột mất tấm vé tham dự World Cup trên chính sân nhà trước Thái Lan. Một thất bại cay đắng. Nhưng cũng chính cuối năm đó, đội tuyển đã vượt qua Thái Lan để trở thành một trong bốn đội mạnh nhất tại Á Vận hội (ASIAD) 17 tại Incheon, Hàn Quốc.

Năm 2017, bóng đá nữ Việt Nam giành HCV SEA Games 29 ở Malaysia. Trên đỉnh vinh quang, chúng tôi cảm thấy vô cùng sung sướng. Tất cả cùng hòa vào với nhau. Khi thất bại cũng có những giọt nước mắt, khi chiến thắng cũng khóc vì hạnh phúc sau những tháng ngày khổ công tập luyện. Đối với tôi mà nói, mang về thành tích cho người hâm mộ là niềm vinh dự lớn nhất.

* Bóng đá đã thay đổi cuộc sống của Tuyết Dung như thế nào?

– Bóng đá là niềm đam mê của tôi. Bên cạnh đó, bóng đá đã mang lại cho tôi nhiều thứ. Chính nhờ theo bóng đá, tôi được đi rất nhiều nơi. Nếu tôi ở nhà, có lẽ cuộc sống của tôi sẽ bớt phong phú hơn. Bóng đá cũng đã mang lại cho tôi một chút về vật chất, dù không phải nhiều, nhưng nó đã giúp tôi tự trang trải cuộc sống, và giúp đỡ bố mẹ một phần nào đó. Tôi cũng đang theo học đại học với hy vọng có thể trở thành một huấn luyện viên tốt trong tương lai.

Thèm cảm giác được quan tâm, chào đón như bóng đá nam

* Thu nhập hay sự quan tâm dành cho bóng đá nam và nữ vẫn còn một khoảng cách lớn, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Bạn mong đợi điều gì từ sự thay đổi đến với bóng đá nữ nước nhà trong thời gian tới?

-Sự quan tâm đối với bóng đá nam và bóng đá nữ ở Việt Nam vẫn còn chênh lệch lớn. Nếu nói không chạnh lòng thì không đúng. Chúng tôi thấy mình cũng giành được vinh quang nhưng chưa bao giờ được chào đón nồng nhiệt như vậy. Chúng tôi thèm cảm giác được tất cả mọi người ra đường ăn mừng giống như U23 Việt Nam vừa qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lấy đó làm động lực để thi đấu thật tốt ở những giải đấu sắp tới. Tôi mong muốn có nhiều mạnh thường quân quan tâm đầu tư bài bản cho thế hệ trẻ của bóng đá nữ để những lứa kế cận chúng tôi có thể theo được những cường quốc hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc…

* Hãy giúp độc giả hình dung rõ hơn về HLV Mai Đức Chung, người thầy có nhiều duyên nợ với bóng đá nữ Việt Nam?

– Không chỉ với riêng tôi, mà với tất cả cầu thủ trong đội, HLV Mai Đức Chung giống như một người bố, người thầy. Bác đã cùng chúng tôi vượt qua những giải đấu quan trọng. Bác luôn thương học trò như con. Chúng tôi luôn kính trọng bác.

* Được quốc tế chú ý khi ghi hai bàn từ hai cú đá phạt góc ở hai cánh khác nhau, bằng hai chân khác nhau trong chiến thắng 7-0 trước Malaysia ở giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2015; đồng thời được BBC chọn vào danh sách 100 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2017, cảm xúc của Tuyết Dung như thế nào trước những sự kiện như vậy?

– Sau những sự kiện như vậy, khi ra đường tôi đã được nhiều người nhận ra và chúc mừng, khiến tôi cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, mục tiêu của tôi không dừng lại ở đó. Bản thân tôi sẽ luôn vượt qua chính mình, cố gắng tập luyện và thi đấu tốt hơn nữa từ cấp câu lạc bộ đến đội tuyển quốc gia.

* Thế hệ bóng đá nữ Việt Nam hiện nay đang làm rất tốt những gì thế hệ của những Mai Lan, Kim Chi, Văn Thị Thanh, Kim Hồng… đã tạo dựng. Năm 2018, bóng đá nữ Việt Nam có nhiều mục tiêu lớn ở tầm châu lục. Chiến thắng mới đây của U23 Việt Nam tại U23 châu Á có trở thành động lực để đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thi đấu quyết tâm và tự tin trước những đối thủ hàng đầu châu lục?

– Giải đấu quan trọng trước mắt là giải Vô địch Bóng đá nữ châu Á 2018. Bản thân tôi và đồng đội đã có hơn một tháng tập huấn cùng nhau. Khó khăn trước mắt cũng rất nhiều vì Việt Nam phải chạm trán với ba đối thủ hàng đầu châu lục ngay tại vòng đấu bảng là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. Chúng tôi đặt ra mục tiêu vượt qua chính mình, biết đâu đó, chúng tôi có thể làm nên lịch sử giống như U23 Việt Nam.

* Ngoài đời thường, Tuyết Dung chắc hẳn một cô gái rất cá tính?

– Đúng vậy, ngoài đời thường, tôi rất cá tính. Có lẽ do nghề nghiệp của mình, có một chút nổi loạn, ăn mặc theo phong cách “tomboy” một chút. (cười)

*Xin cảm ơn Tuyết Dung và chúc bạn đạt được nhiều thành tích cao hơn nữa cùng bóng đá nữ Việt Nam!

Cầu thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung:
– Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2014.
– Quả bóng Bạc Việt Nam năm 2017.
– HCV SEA Games 29 tại Malaysia năm 2017.

Cầu thủ Nguyễn Thị Tuyết Dung:

 

– Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2014.

– Quả bóng Bạc Việt Nam năm 2017.

– HCV SEA Games 29 tại Malaysia năm 2017.

Trần Thắng – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 99, tháng 3/2017