Tâm nguyện – Huấn đức giáo dụcBác Hồ nói, viết trực tiếp cho các nhà trường trên địa bàn Hà Nội

Tâm nguyện – Huấn đức giáo dụcBác Hồ nói, viết trực tiếp cho các nhà trường trên địa bàn Hà Nội

(GDTĐ) –

Ảnh tư liệu

“Thày siêng dạy – Trò siêng học”

Ngày 05/11/1946,vừa đi công tác ở Pháp về, mặc dù tình hình Hà Nội rất căng thẳng do sự khiêu khích của thực dân Pháp, Bác Hồ vẫn đến thăm lớp Bình dân học vụ đặt tại trường Hàng Than, khu phố Hàng Bún (sát nơi đóng quân của Pháp). Vào từng lớp học Bác ân cần hỏi học viên làm những nghề gì. Học viên thưa với Bác: người thì kéo xe, người đi ở, người thì đi bán lạc rang, người làm nội trợ. Bác khen ngợi lớp Bình dân này và căn dặn giáo viên, học viên: “Thày siêng dạy – Trò siêng học”. (Tư liệu Ngô Văn Cát – Việt Nam chống nạn thất học – NXB giáo dục Hà Nội 1981).

“Thày quý trò – Trò kính thày”

Sau giải phóng Thủ đô 10/10/1954, nhà nước khẩn trương mở Trường ĐH Nhân dân (đặt tại khu Đấu Xảo, nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô), ngày 21/01/1955 đến dự lễ khai giảng trường này, Bác Hồ có bài nói chuyện với tập thể sư phạm nhà trường. Bác căn dặn: “Trong trường cần có dân chủ… dân chủ nhưng trò phải kính thày, thày phải quý trò, chứ không phải là cá đối bằng đầu”.

Hướng đến sinh viên Bác nhắc nhở: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh đến chừng nào?(Toàn tập, tập 9, tr 265, 266).

Nhà nghiên cứu giáo dục Trần Văn Nhung có tìm ra tư liệu: 6 năm sau 1961, Kennedy trong diễn văn nhậm chức Tổng thống Mỹ có lời phát biểu với ý tưởng tương tự: “Đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho Tổ quốc”.

“Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”

Ngày 21/07/1956, đến thăm một lớp học của trí thức Thủ đô đặt tại một Trường Đại học của Hà Nội, Bác Hồ có lời tâm tình:

“Thời gian các bạn đến nghiên cứu ở trường này tương đối ngắn ngủi, cho nên không thể yêu cầu quá cao, quá nhiều. Những điều các bạn nghiên cứu được ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc vun xới làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa kết quả.Theo ý riêng của tôi thì hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”.

Người nhấn mạnh thêm:

“Nói tóm tắt:Minh minh đức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân. Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Nói một cách khác, tức là:“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr 377).

Trong lời tâm tình này, Hồ Chí Minh đã kết hợp và phát triển ý tưởng của hai bậc Tiên hiền: Tăng Tử (505 -435 TCN), học trò xuất sắc của Khổng Tử và Phạm Trọng Yêm (990-1052), nhà chính trị văn hóa nổi tiếng đời Tống từng nêu yêu cầu cần có trong nhân cách của nhà chính trị giáo dục thời bấy giờ là “Tân dân” (làm mới cho nhân dân).

Ý tưởng trên là tích cực song vẫn có tâm thế ban ơn cho nhân dân. Hồ Chí Minh khôi phục phạm trù “Thân dân” với hàm ý: đem bản thân mình phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây là thông điệp gốc của chân Nho thay cho “Tân dân” từng được Hán Nho, Tống Nho quảng bá.

Theo cách viết trong tiếng Việt, Bác chỉ thêm chữ “h” vào từ “Tân”: “Tân dân” thành “Thân dân”, làm cho ý tưởng nhân văn hơn, đằm thắm hơn.

Nhà trường Việt Nam quán triệt ba việc:“Học đi với lao động/ Lý luận đi với thực hành/ Cần cù đi với tiết kiệm”

Ngày 31/12/1958 đến thăm trường Chu Văn An (Trường Bưởi cũ), Bác Hồ tâm tình với học trò trường này:“Trước: đi học về vứt sách, ăn cơm rồi chơi, không làm việc nhà, vì cho mình là cô, cậu học trò, nhất là học trò trường Bưởi là oai lắm.Bây giờ các cháu đã ngăn nắp, trật tự hơn.Cũng do thế mà chí khí các cháu tốt hơn.Bác nói các cháu chớ giận.Trước các cháu ăn bám bố mẹ.Bây giờ bước đầu ít nhiều các cháu đã biết tự lực cánh sinh như làm vườn, làm mộc, các cháu học tập những người lao động, các cháu không muốn ăn bám bố mẹ, ăn bám xã hội.Trước: các cháu chỉ học trong sách.Bây giờ học và thực hành kết hợp với nhau.Ví dụ: trước học về nông nghiệp, thày và trò chỉ học trong sách vở.Bây giờ: các cháu về nông thôn, cấy cày, trồng trọt, làm phân. Như thế là học kết hợp với hành.Do lao động, tri thức tăng thêm.Do lao động, sức khỏe tăng thêm.Đó là kết quả của lao động sản xuất…”.

Kết luận bài nói chuyện, Bác Hồ đề ra 3 việc cho học trò Chu Văn An:“Học đi với lao động/ Lýluận đi với thực hành/ Cần cù đi với tiết kiệm(Toàn tập, tập 11, tr. 594).

Ba điều Bác Hồ nêu ra trên đây trở thànhtriết lý phát triển nhà trường Việt Nam trong cải cách giáo dục lần thứ 2 (triển khai từ năm 1956) rồi cải cách giáo dục lần thứ 3 (triển khai năm 1979) và giữ nguyên tính cấp thiết cho đổi mới giáo dục hiện nay.

“Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ”

Ngày 22/09/1959, đến thăm Trường mẫu giáo đặt tại khu phố gần Hồ Thiền Quang (nay thuộc quận Hai Bà Trưng), Bác có lời nhắc nhở:

“Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt.”(Toàn tập, tập 12, tr 286).

Ngày nay Giáo dục mầm non là bậc học cho trẻ từ 1-5 tuổi, bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân phải quán triệt tinh thần mẫu giáo (thay mẹ dạy trẻ) mà Bác Hồ nêu ra trong năm 1959.

Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam trong lễ khai giảng năm học 2019 – 2020

Phải tạo được tiếng thơm “Sư hinh” không được “sinh hư”

Năm 1963, biết một số giáo viên công tác ở Trường ĐT (Thường Tín) và Trường LC (Thanh Oai), lúc đó các địa phương này còn thuộc tỉnhHà Đông có những cư xử chưa chuẩn mực, với bút danh CB, Bác viết bài trên báo Nhân dân (ngày 09/07/1963) nhắc nhở:

“Sư hinh nghĩa là đạo đức thơm tho của người thầy. Ngày xưa các cụnhà Nho ta hay dùng hai chữ ấy để khuyến khích những người làm nghề dạy học. Ngày nay tuyệt đại đa số cô giáo và thầy giáo của chúng ta đều cố gắng trau dồi đạo đức cách mạng làm gương mẫu tốt cho học trò và xứng đáng với hai chữ Sư hinh”.

Bác chỉ ra một số việc có dấu hiệu chưa tốt ở 2 trường này và nhắc nhở: “Nghe nói bà con ở Thường Tín và Thanh Oai, nhất là cha mẹ học trò rất thắc mắc về việc đó (tức là những việc làm chưa chuẩn mực – nv) của các thầy. Và có nhiều người đã nói một cách mỉa mai “Sư hinh” hay đã “sinh hư”(Toàn tập, tập 14, tr 134).

Đổi mới giáo dục hiện nay rất cần những người thày “Sư hinh” mà Bác Hồ đã đề cập.

“Cô giáo, thầy giáo phải có chí khí cao thượng, phải tiên ưu hậu lạc”

Ngày 21/10/1964, đến thăm trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bác có bài nói chuyện tâm tình với cán bộ, sinh viên nhà trường và có lời căn dặn thiết tha sau:

“Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa, phải có chí khí cao thượng, phải tiên ưu hậu lạc nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”.

Bác nhắn nhủ:

“Tất cảthày – trò, cán bộ, công nhân viên phải phấn khởi thi đua, phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm làm thế nào đểnhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”(Toàn tập, tập 14, tr 403,404)./.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô, số 120 (tháng 12/2019)