Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”

Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”

(GDTĐ) – Sáng 8/11, tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007 – 2017; đánh giá một năm triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” năm học 2016 – 2017; trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ I, năm học 2016 – 2017.

Nhìn lại 10 năm rèn đạo đức, ươm mầm sáng tạo

Sau 10 năm thực hiện, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực, về đạo đức của người thầy; Tạo sự chuyển biến to lớn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo Thủ đô và chất lượng giáo dục, mang lại niềm tin của xã hội và nhân dân. Từ cuộc vận động, đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tận tuỵ với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng, xã hội tôn vinh. Nhiều nhà giáo đã phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác phát triển Đảng được các nhà trường chú trọng, nếu như năm học 2011-2012, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo đạt 28,8% thì năm học 2016 – 2017, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo tăng lên 35%; trong 10 năm qua toàn Ngành đã kết nạp được 15.940 đảng viên mới.

Văn nghệ chào mừng

Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, đội ngũ nhà giáo Hà Nội đã không ngừng học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học để phục vụ cho công tác giảng dạy, chú trọng nâng cao trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo, đạt theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý. Nếu năm học 2011-2012 trình độ giáo viên đạt trên chuẩn (Mầm non: 37,4%; Tiểu học: 92%; THCS: 62,4%; THPT: 5,9%; GDTX: 3,2%; TCCN: 26,2%) thì đến năm học 2016-2017 tỷ lệ trên chuẩn của các cấp học đã tăng lên (Mầm non: 63,5%, Tiểu học: 92,6%, THCS: 79,4%, THPT: 28,6%, TCCN: 58,1%).

Về sự sáng tạo, phong trào viết SKKN ngày càng được đẩy mạnh và phát triển cả về số lượng, chất lượng. Nhiều SKKN có giá trị được phổ biến, áp dụng trong thực tế giảng dạy. Trong 10 năm qua, toàn Ngành có 211.956 SKKN được xếp loại cấp trường; 114.092 SKKN được xếp loại cấp quận, huyện; 50.314 SKKN xếp loại cấp Ngành. Phong trào tự làm đồ dùng dạy học được triển khai thường xuyên ở các đơn vị và triển lãm, thi cấp quận, huyện, cấp Thành phố.

Toàn cảnh hội nghị

Sau một năm thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, mỗi cán bộ, giáo viên đều có sự sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, đề xuất các giải pháp cụ thể, cách làm sáng tạo. Toàn ngành đã có 6.525 chuyên đề đổi mới sáng tạo.

Đánh giá 10 năm thực hiện cuộc vận động tại Hà Nội, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp nhận định: Cuộc vận động “Mồi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo được Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai từ năm 2007 trên cơ sở cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngành GD&ĐT Thủ đô đã bám sát với chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các nội dung được cụ thể hóa, tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả và được đông đảo các thầy, cô giáo hưởng ứng tích cực”.

Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp lưu ý: Hiện toàn ngành Giáo dục đang chung sức thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Để góp phần cùng toàn ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua và cuộc vận động, trọng tâm là thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Hà Nội cần cụ thể hóa nội dung rèn luyện đạo đức, tự học, đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của mỗi nhà giáo. Kết quả thực hiện của mỗi nhà giáo là tiêu chuẩn để đánh giá, xét thi đua của tập thể, cá nhân trong cả năm học; Mỗi đơn vị, trường học căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp, trên cơ sở của các tiêu chuẩn về đạo đức, về việc tự học và về đổi mới, sáng tạo.

PCT UBND TP Hà Nội Ngô Văn Sửu, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”

Phát biểu tại hội nghị, TS Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Trong 10 năm qua, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thực sự mang lại sức sống ý nghĩa trong các nhà trường, đem đến nhiều kết quả tích cực. Giáo dục và đào tạo Thủ đô tiếp tục có nhiều bước tiến bộ, thành tích ấn tượng. Cụ thể, kết quả thi HSG tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng. Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,36 trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Những kết quả ấy có được là nhờ sự cống hiến bền bỉ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường.

Để thực hiện tốt hơn các cuộc vận động, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị toàn ngành cần tiếp tục làm tốt phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên, chuẩn bị tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng kỹ năng lập kế hoạch dạy học, dạy học tích cực, đánh giá… Chú trọng nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên xây dựng nhà giáo mẫu mực. Các thầy cô giáo bên cạnh truyền thụ kiến thức thì cần dạy học sinh bằng chính nhân cách, phẩm chất của mình. Đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa – học sinh thanh lịch”, giáo viên cần có chuyên môn giỏi, phong cách đẹp, phẩm chất tốt. Đồng thời, các nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục, văn hóa nhà trường mang tính mô phạm, tất cả vì học sinh thân yêu. Nếu không quan tâm và chú ý đúng mức tới việc xây dựng môi trường học tập sẽ làm mất đi truyền thống, nét đẹp của giáo dục Thủ đô. Hiệu trưởng các nhà trường cần xây dựng môi trường làm việc để giáo viên được thể hiện  năng lực, trí tuệ, sự sáng tạo của mình, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp, Cục Trưởng cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Hoàng Đức Minh trao Bằng khen của CĐGD Việt Nam cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”

Tại lễ tổng kết, 12 tập thể và 8 cá nhân được CĐGD Việt Nam tặng Bằng khen; 21 tập thể và 22 cá nhân được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen; 42 tập thể và 91 cá nhân được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007 – 2017. Cũng tại buổi lễ, một số tập thể, cá nhân đã được CĐGD Việt Nam tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016 – 2017.

Tôn vinh 50 “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”

Đặc biệt, tại buổi lễ lần đầu tiên Ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho các nhà giáo tiêu biểu. Giải thưởng cao quý này được Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội xây dựng Kế hoạch triển khai với mục đích tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” trong năm học 2016 – 2017; Khích lệ các nhà giáo Hà Nội tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục mỗi cơ sở, tạo ra những hiệu quả mới, những chuyển biến mới ở mỗi đơn vị nhà trường; Quan tâm, động viên nhà giáo ở những cơ sở giáo dục còn khó khăn có những sáng tạo độc đáo, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà cùng đại diện nhà tài trợ trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho các thầy cô giáo

Giải thưởng đã được các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc triển khai sâu rộng đến các nhà giáo thông qua: Phát động, xây dựng tiêu chí, đăng ký thi đua giải thưởng… tạo không khí thi đua sôi nổi góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục toàn diện.

 

Nhằm lựa chọn chính xác, tôn vinh các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục; phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng, tạo không khí thi đua phấn khởi, sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội đồng xét duyệt 100 nhà giáo tiêu biểu, mỗi nhà giáo được trực tiếp báo cáo những đổi mới sáng kiến sáng tạo trước Hội đồng thẩm định và trả lời một số câu hỏi mà Hội đồng thẩm định đưa ra. Hội đồng thẩm định đã lựa chọn ra được 50 nhà giáo tiêu biểu để trao giải và tôn vinh tại Hội nghị tổng kết.

* Trước khi hội nghị bắt đầu, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hợp; PCT thường trực UBND TP Hà Nội Ngô Văn Sửu; Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng Ban Giám đốc Sở; các cán bộ quản lý, giáo viên có mặt tại hội nghị đã hưởng ứng phong trào ủng hộ đồng bào miền Nam, Trung bộ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ do cơn bão số 12. Phát biểu phát động phong trào, Chủ tịch CĐGD Hà Nội Trần Thị Thu Hà đã đề nghị toàn thể CBGV-NV các đơn vị, trường học tiếp tục tham gia phong trào ủng hộ nhằm chia sẻ làm vơi bớt những đau thương, mất mát và khó khăn chồng chất của người dân.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng các CBQL, giáo viên tham gia ủng hộ đồng bào bị lũ lụt

 

Tô An