10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2019

10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2019

(GDTĐ) – Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2019. Những sự kiện này do các Sở, ngành, địa phương và báo chí giới thiệu, bình chọn, góp ý kiến cùng nhiều nhà nghiên cứu, khoa học và nhân dân Thủ đô. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã cùng tham gia bình chọn các sự kiện này. Tạp chí Giáo dục Thủ đô trân trọng giới thiệu 10 sự kiện.

1. Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội

Ngày 27-11, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, với 392/447 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 81,16% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (Nghị quyết số 97/NQ-QH14). Đây là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước tại 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây.

2. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả nổi bật

Với chủ đề công tác năm 2019 “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, Đảng bộ thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện toàn diện các mặt công tác xây dựng Đảng, thường xuyên chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII). Quyết liệt thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”, tạo sự ổn định xã hội và đồng thuận trong nhân dân để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, rõ chức năng nhiệm vụ. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân, tập hợp sức mạnh xây dựng Thủ đô phát triển.

3. Kinh tế Hà Nội tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay, thu hút đầu tư tiếp tục dẫn đầu cả nước

GRDP năm 2019 của Hà Nội ước tăng 7,62%, đạt kế hoạch đề ra và cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 264,7 nghìn tỷ đồng, đạt 100,6%. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển ước tăng 12,9% (kế hoạch từ 10,5 đến 11%), đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD – cao nhất sau hơn 30 năm đổi mới, hội nhập, là năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu cả nước. Khách du lịch đến Hà Nội đạt 28,945 triệu lượt khách, tăng 10,1%. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 7,025 triệu lượt, tăng 17%; khách du lịch nội địa đạt 21,92 triệu lượt, tăng 8%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 103,812 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2018.

4. Thành phố đạt nhiều thành tựu quan trọng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, công tác xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt trước 2 năm so với mục tiêu Chương trình đề ra. Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện, 356 xã (92%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt tiến độ 2 năm mục tiêu Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm). Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,6%. Những thành tựu đạt được sau 10 năm xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện, ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp hơn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

5. Công tác đối ngoại được tiếp tục đẩy mạnh, phối hợp tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên

Lãnh đạo thành phố đã thăm và làm việc với hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Quan hệ giữa Thủ đô với đối tác các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng tiếp tục được cải thiện với việc thành phố đã ký hơn 10 thỏa thuận quốc tế, tiếp hơn 204 đoàn ngoại giao, lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế đến thăm và làm việc với Hà Nội.

Đặc biệt, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trung ương chuẩn bị tốt các công tác hậu cần, an ninh, hoàn thành xuất sắc vai trò thành phố chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2-2019, để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc trong mắt bạn bè quốc tế về một Thủ đô, đất nước Việt Nam hòa bình, mến khách, năng động, đổi mới mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng.

6. Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO

Ngày 30-10-2019, Tổng Giám đốc UNESCO đã ký quyết định công nhận 66 thành phố trên thế giới tham gia ứng cử chính thức gia nhập vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó có thành phố Hà Nội. Sự kiện này tạo cơ hội thuận lợi cho thành phố trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, với tầm nhìn đưa Hà Nội thành thủ đô sáng tạo của khu vực Đông Nam Á, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới. Đặc biệt ý nghĩa, Hà Nội chính thức tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành phố được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2019).

7. Công tác an sinh xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật

Về đích sớm 2 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn: “Cơ bản không còn hộ nghèo”. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của thành phố Hà Nội. Năm 2019, đã có 15.382 hộ thoát nghèo, đạt 433,5% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn 0,42% (hoàn thành vượt kế hoạch năm 2019: Dưới 1%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,69% (vượt chỉ tiêu: Dưới 1,5% vào cuối năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 1,92% (vượt chỉ tiêu: Dưới 3% vào cuối năm 2020). Có 9 quận không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của trung ương).

8. Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển toàn diện, dẫn đầu cả nước, lần đầu tiên đăng cai tổ chức thành công kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế

Giáo dục Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng, đặc biệt là thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế với 155 giải quốc gia (gồm 14 giải Nhất, 47 giải Nhì, 56 giải Ba, 38 giải Khuyến khích), 287 giải và huy chương quốc tế (gồm 78 Huy chương vàng, 84 Huy chương bạc; 95 Huy chương đồng; 30 giải Khuyến khích).

 

Năm 2019, Hà Nội lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế (International Mathematics and Science Olympiad for Primary School – IMSO), là kỳ thi Olympic toán học và khoa học quốc tế thường niên bằng tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học trên toàn thế giới. Kỳ thi năm nay có  hơn 1,7 nghìn người tham dự, đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kết cả hai môn toán và khoa học của bảng A, Việt Nam là đoàn đạt kết quả cao nhất tại cuộc thi với tất cả 36 học sinh Việt Nam dự thi đều giành huy chương, trong đó có 15 Huy chương vàng, 14 Huy chương bạc và 7 Huy chương đồng.

9. Thể thao Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30)

Tại SEA Games 30, trong thành tích 98 Huy chương vàng, 85 Huy chương bạc, và 105 Huy chương đồng của Đoàn thể thao Việt Nam, Hà Nội đóng góp 34 Huy chương vàng (đạt 34,69%), 27 Huy chương bạc, 25 Huy chương đồng, vượt chỉ tiêu là đóng góp 30% tổng số Huy chương vàng của Đoàn thể thao Việt Nam. Đây là tiền đề thuận lợi để Hà Nội – Việt Nam đăng cai tổ chức thành công SEA Games 31 và Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) vào năm 2021.

10. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tổ chức thành công Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố năm 2019

Năm 2019, giảm 1% về số vụ phạm pháp hình sự; nhiều mô hình, cách làm hay được nhân rộng trên địa bàn cả nước như: Mô hình 141, 142 và 30 tổ công tác giải quyết phức tạp về an ninh trật tự tại cơ sở… Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được tăng cường. Hà Nội đã nắm chắc tình hình, không để xảy ra các hoạt động gây rối, khủng bố, phá hoại; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn thành phố. Hình ảnh Thủ đô bình yên, thân thiện ngày càng in đậm trong lòng bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.

Hà Nội tổ chức thành công Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2019. Cuộc diễn tập tập trung vào 2 nội dung chính: Diễn tập phòng thủ dân sự và Diễn tập phòng thủ thành phố. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước diễn tập thành công phòng thủ dân sự, ngay sau khi có Nghị định số 02/2019/NĐ-CP của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn, không gian rộng, nhiều nội dung mới, nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Thông qua diễn tập đã nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền; vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các sở, ban, ngành, đoàn thể khi chuyển thành phố vào các trạng thái về quốc phòng; khả năng phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trong tác chiến phòng thủ cũng như trong công tác phòng, chống và xử lý các sự cố thảm họa thiên tai có thể xảy ra./.

 

 

GDTĐ