Xin đừng làm Mẹ khóc
(GDTĐ) – Rằm tháng Bảy âm lịch – ngày chính lễ của Mùa Vu Lan báo hiếu. Từ một nghi lễ tôn giáo, Vu Lan dần trở thành một nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống của người Việt Nam.
Dù cuộc sống thời công nghiệp có gấp gáp, con người thời hiện đại phải đối mặt với nhiều mối quan hệ phức tạp thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa trong mỗi con người. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý công ơn đấng sinh thành dưỡng dục. Ngày Vu Lan là dịp để mỗi người suy nghĩ và hành động thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đạo làm con đối với cha mẹ.
Ai trong chúng ta đã không từng lớn lên từ bàn tay chăm sóc của mẹ, sự nâng đỡ của cha? Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, mẹ đã rơi nước mắt vì ta – những giọt nước mắt hạnh phúc sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. Khi ta biết lắng nghe cuộc sống, mẹ dạy ta cảm nhận; khi ta bập bẹ học nói, mẹ chỉ ta cách gọi cha; khi ta chập chững những bước đi đầu tiên của cuộc đời, cha luôn cầm tay dẫn dắt! Cha dạy ta cách đứng vững, mẹ ôm ta vào lòng sau những vấp ngã của cuộc đời. Dù đi đâu, làm gì, mẹ cha cũng luôn dõi mắt theo ta. Cha mẹ luôn dang rộng vòng tay khi ta cần che chở. Chúng ta đã lớn khôn bằng tất cả niềm vui và nỗi buồn của đấng sinh thành.
Vì thế, đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ – người có công sinh thành dưỡng dục giúp ta nên người. Công lao ấy cao tựa Thái Sơn; tinh khiết, thẳm sâu như suối nguồn vô tận. Người làm cha mẹ luôn lấy sự thành đạt của con cái làm vui. Con cái biết giữ gìn nền nếp gia phong, sống kính trên, nhường dưới, không đánh mất mình trước những cám dỗ của cái xấu, cũng là cách thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ. Báo đáp công ơn cha mẹ thông qua việc phụng dưỡng hàng ngày, chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật… luôn được xem là tiêu chí đầu tiên trong việc đánh giá lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Ai không làm được điều này, tệ hơn nữa là ngược đãi, hắt hủi cha mẹ sẽ bị xã hội lên án.
Thật đáng trân trọng khi ngày càng có nhiều người, nhất là giới trẻ tham gia lễ hội Bông hồng cài áo trong mùa Vu Lan với tất cả sự thành kính thiêng liêng, để khi cài lên ngực một bông hồng, cùng lời nhắc nhở: “Ai còn cha còn mẹ, xin đừng làm người khóc; Ai còn cha còn mẹ, xin đừng để người buồn”, mỗi người trong chúng ta có dịp nhìn lại những gì mình đã làm cho đấng sinh thành. Thật vui khi ngày càng có nhiều tấm gương hiếu thảo với ông bà cha mẹ, những gia đình văn hóa, những lễ mừng thọ trân trọng, thành kính, giúp người già thêm vui để sống khỏe trong tình thương yêu, sự hiếu thuận của cháu con.
Vu Lan là mùa báo hiếu, là dịp để chúng ta hồi hướng đến ông bà tổ tiên, cầu chúc cho linh hồn họ được siêu sinh tịnh độ, cầu cho cha mẹ mình được hưởng phúc an lành. Nhưng đâu phải cứ đốt cho nhiều giấy tiền, vàng mã là ông bà tiên tổ được siêu sinh! Chắc gì một đám mừng thọ linh đình với hàng trăm quan khách, ô tô vòng trong, vòng ngoài với mâm cỗ đạm bạc của những nông dân nghèo ít chữ trong tục “Giỗ sống cha mẹ” ở một số miền quê, ai sẽ hiếu thảo với cha mẹ hơn ai! Người già lắm bệnh tật, ăn uống chẳng bao nhiêu. Điều quan trọng là sự quan tâm chăm sóc của người thân. Người xưa thường nói: “Miếng trầu không đẹp ở người têm mà đẹp ở người đem dâng”!
Xã hội không có quyền đối xử tệ bạc và bất công với người già. Là con cháu lại càng không được phép thờ ơ, vô cảm với đấng sinh thành ra mình. Bởi không xã hội nào coi việc ngược đãi, tàn ác với cha mẹ là điều bình thường!
“Trẻ em không nghe người lớn nói gì, nhưng chúng sẽ căng mắt ra nhìn xem người lớn làm gì và chúng sẽ làm theo”. Đừng để phải khóc trước mặt con cái khi đã quá muộn, nhất là những việc mà mỗi người có thể làm được cho cha mẹ mình từ hôm nay!
Theo Kinh tế và Đô thị