Vận động không ngừng để theo đuổi đam mê
(GDTĐ) – Những ngày làm giúp việc, bán xôi, ngủ dưới gầm cầu thang, học bổ túc… ở tuổi thiếu niên đã rèn cho Đặng Thị Hương ý chí vượt khó, nghị lực đáng khâm phục và khao khát cháy bỏng được khám phá những chân trời tri thức mới. Năm 2013, Hương đã ghi “cú đúp” giải thưởng sinh viên quốc tế xuất sắc bang Victoria (Úc) và sinh viên quốc tế xuất sắc do Thủ hiến bang Victoria trao tặng. Ngày hôm nay, cô gái “khát chữ” của hơn chục năm trước vẫn giữ vững tinh thần học hỏi mọi lúc, mọi nơi. Với sự vận động không ngừng nghỉ tại xứ sở Kangaroo, Hương đã và đang tích cực đóng góp trở lại cộng đồng thông qua các dự án về giáo dục, trao đổi văn hóa và kết nối cộng đồng.
Năng động tận hưởng nền giáo dục tiên tiến
* Những ngày này Hương đang rất bận rộn tại Úc, bạn có thể chia sẻ cùng độc giả công việc hiện tại của mình?
– Hiện nay, tôi đang học kỳ cuối cùng để chuẩn bị tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Swinburne trong hai tháng tới. Ngoài ra, tôi vẫn làm những đầu công việc chính thường ngày tại khách sạn Sofitel Melbourne on Collins cũng như là quản lý chương trình Nhà tài trợ học viên Koto, làm tình nguyện viên Koto Quốc tế và làm tư vấn du học cho công ty Tư vấn Du học Úc V-education có trụ sở tại thành phố Brisbane, Úc. Đó là những đầu mục công việc chính diễn ra hàng ngày của tôi. Cuộc sống luôn bận rộn nhưng cũng rất thú vị.
* Và được biết, bạn cũng rất tích cực tham gia các dự án tình nguyện khác?
– Tôi đang tham gia tình nguyện và hỗ trợ các dự án khác như: Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, Dự án Đi học tại Việt Nam, tham gia vào các sự kiện kết nối cộng đồng, giáo dục của bang Victoria với vai trò là Đại sứ Sinh viên quốc tế và tham gia vào tổ chức Asian Australian Alliance với vai trò Lãnh đạo trẻ. Ở đó, chúng tôi tổ chức các hội thảo và chương trình có liên quan tới lợi ích của cộng đồng người châu Á tại Úc. Học kỳ cuối tại trường cho tôi nhiều cảm xúc và cảm hứng để sẵn sàng cho những mục tiêu mới.
* Hơn bốn năm sống tại Úc, chắc hẳn bạn đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp và trải nghiệm quý giá ở xứ sở Kangaroo?
– Quả thực, rất khó để có thể chia sẻ hết những trải nghiệm quý giá của tôi trong suốt quãng thời gian qua. Trước khi sang Úc, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ ở lại Úc lâu hơn ba năm, cũng chưa từng nghĩ mình sẽ “phải lòng” thành phố này đến thế. Có những lúc đứng giữa Melbourne tôi vẫn thấy nhớ nhung thành phố đáng yêu này.
Trong suốt những năm tháng sinh viên của mình, tôi thường tham gia các sự kiện ở trường. Khi còn là sinh viên Học viện Box Hill, tôi thích các buổi đi biển cắm trại cùng các bạn sinh viên quốc tế, cùng hát hò nhảy múa, chơi các trò chơi tới khuya. Những chuyến đi đó tràn trề nhựa sống của tuổi trẻ. Trên một xe buýt có 20 người thì có 17 quốc tịch khác nhau, vì thế chúng tôi có cơ hội trao đổi khá nhiều về các nền văn hoá trên thế giới.
Những ngày tháng trên giảng đường còn là những ngày học mệt nhoài tới khuya hay những căng thẳng chuẩn bị cho các kỳ thi, những lần thảo luận nhóm hay đối chất với thầy cô về bài vở, dự án; cuối mỗi học kỳ, cả đám bạn lại rủ nhau vào quán bar xả stress hay cả những lần tôi tổ chức các buổi nấu đồ ăn Việt Nam cho các bạn sinh viên cùng trường về ẩm thực Việt Nam. Hoặc đơn giản chỉ là những buổi chiều bình yên đi bộ dưới nắng chiều lấp lánh trên giảng đường, những buổi gặp gỡ, kết nối với đối tác cho các dự án, hay mùi cà phê thơm lừng trên mỗi ngóc ngách của Melbourne… Tất cả đều để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc.
* Với sinh viên quốc tế từ các nước nói chung, du học sinh Việt Nam nói riêng, làm thế nào để hòa nhập nhanh với môi trường Úc?
-Để hòa nhập nhanh, trước tiên, các bạn cần phải tham gia vào các hoạt động ở trường, sau đó là các hoạt động của cộng đồng người bản địa. Các sự kiện trao đổi văn hoá là cơ hội tốt để gặp gỡ nhiều người bạn thú vị, tìm hiểu về văn hoá các vùng miền nơi bạn tới. Chúng khơi dậy tính tò mò, sở thích khám phá những trải nghiệm mới, giúp cuộc sống của các bạn sôi nổi hơn. Dần dần, việc hòa nhập không còn là vấn đề khó khăn nữa.
* Theo bạn, môi trường giáo dục ở Úc có những đặc điểm nổi bật nào?
-Dựa trên những điều bản thân được trực tiếp trải nghiệm và quan sát, tôi nhận thấy nền giáo dục Úc dạy cho con người tư duy phản biện tốt và mang tính toàn diện. Môi trường học tập tự do, dựa trên tinh thần khơi gợi tài năng và tố chất của mỗi người, kích thích trí tò mò, sáng tạo và khả năng khám phá. Đó là một nền giáo dục không mang tính áp đặt khi cả giáo viên và cha mẹ đều tôn trọng sự lựa chọn của con em họ, khơi gợi sự sáng tạo cùng khả năng thực tế cao giúp học sinh Úc luôn chủ động trong học tập, cuộc sống và không có thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Ngoài ra, tôi thấy người Úc rất đề cao giáo dục gia đình. Chúng ta mới chỉ biết rằng thanh niên nước ngoài cứ 18 tuổi là được tự do và chuyển ra ngoài sống, nhưng chúng ta chưa thực sự biết rằng suốt 18 năm đầu đời, các bạn trẻ Úc được trang bị đầy đủ kỹ năng sống và bản năng sinh tồn. Nghĩa là, gia đình đã hỗ trợ xây dựng nội lực vững mạnh để giúp con em họ đối mặt với cuộc sống mới.
Nhận sự yêu thương và đóng góp trở lại cộng đồng
* Trong thời gian du học ở Úc, bạn đã nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt và người dân bản địa như thế nào?
– Khi bắt đầu chương trình học thạc sĩ của mình, gia đình tôi có một biến cố lớn là anh trai tôi đột ngột qua đời, khi ấy tôi có nguy cơ cao là không thể quay lại Úc để nhập học vì một vài thủ tục visa và tài chính. Ngay lập tức, cô giáo cũ của tôi hiện đang dạy tại Swinburne đã gửi thư khắp trường để giúp tôi xin học bổng. Chính quyền bang Victoria, nơi tôi làm Đại sứ Sinh viên Quốc tế cũng đã viết thư để tôi gửi cho Bộ Di trú về trường hợp về Việt Nam khẩn cấp của mình. Đặc biệt, khi tôi rơi vào tình trạng khó khăn về học phí và cần một phần hỗ trợ từ cộng đồng thông qua chiến dịch “A thirst for education” với mục tiêu gây quỹ từ đám đông để có thể tiếp tục đóng học, một lần nữa tôi được bạn bè và cộng đồng hỗ trợ rất nhiều, cả vật chất lẫn tinh thần. Chính tình yêu thương của cộng đồng đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Tôi luôn biết ơn cuộc sống vì đã cho tôi được là một phần của cộng đồng nơi đây.
* Bạn có thể chia sẻ thêm về dự án “Taste of Vietnam” góp phần mang ẩm thực Việt đến với những người bạn quốc tế của mình?
– Những người bạn của tôi cứ rủ tôi về gia đình họ nấu ăn, thậm chí có lần tôi đi cùng một người bạn lái xe mất ba tiếng đồng hồ về quê của cô ấy chỉ để nấu một bữa ăn Việt và mọi người luôn rạng rỡ khi được ăn nem rán Hà Nội, bún chả, bún dọc mùng… Từ đó, tôi có thêm nhiều cảm hứng nấu nướng hơn. Có lần tổ chức sự kiện cho Koto, tôi quyết định dành tặng một voucher làm tiệc và cho vào đấu giá, không ngờ mọi người hào hứng đấu giá lên tới gần 2000 đô-la. Tôi càng thấy sức mạnh của đồ ăn Việt Nam. Tôi tiếp tục mở thành dự án và quảng bá tới người dân Úc, tôi tổ chức các bữa tiệc lên tới khoảng 50 người để gây quỹ cho Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam, tôi tới công ty Small Giant nấu ăn cho họ mời các đối tác trong khối doanh nghiệp xã hội tới ăn. Có lần nghỉ hè, tôi đi làm thêm trong văn phòng bầu cử của bang Victoria, cuối cùng công việc đó chuyển sang thành nấu đồ Việt Nam cho tất cả nhân viên của văn phòng trong suốt thời gian chuẩn bị bầu cử chính quyền bang năm 2014. Bản thân gia đình chú Rhys và cô Liz, người cho tôi ở nhờ gần ba năm qua, mặc dù là người Úc nhưng qua các bữa ăn, giờ cô chú có thể phân biệt được sự khác biệt cũng như chất lượng của các loại nước mắm. Thậm chí khi ăn phở, chú tôi đã có thể phân biệt được đó có phải là gà Việt Nam chạy bộ hay là gà công nghiệp Úc. Cô tôi có thể biết được vì sao món cơm rang ngon vì nó cần có ngô ngọt và lạp xưởng. Nói chung, câu chuyện về đồ ăn luôn vô cùng thú vị và qua đó tôi cũng có thêm nhiều trải nghiệm và những người bạn mới.
* Luôn muốn có những đóng góp trở lại cho cộng đồng tại Việt Nam, nhìn về tương lai, bạn có những dự định mới nào có thể chia sẻ?
– Trong suốt quá trình du học tại Úc, trái tim của tôi vẫn luôn có một vị trí rất lớn dành cho Việt Nam, vì thế các sự kiện, dự án tôi làm đều liên quan tới cộng đồng Việt Nam. Hiện tại, bên cạnh việc học, tôi đang cùng hai cộng sự của mình ở trong nước gấp rút hoàn thành bản kế hoạch kinh doanh để hy vọng tháng Sáu này có thể khai trương dự án, dự kiến sẽ phát triển về giáo dục và trao đổi văn hoá, kết nối cộng đồng. Tôi cũng rất háo hức chờ tới ngày dự án chính thức đi vào hoạt động để có thể chia sẻ với độc giả rõ hơn hoạt động của dự án.
Ngoài ra, tôi mong muốn có thể sử dụng kiến thức đã học áp dụng vào làm các dự án cộng đồng liên quan tới việc hỗ trợ những người yếu thế. Trẻ em nghèo và phụ nữ bị bạo hành gia đình là hai nhóm người rất dễ bị tổn thương, cần được hỗ trợ nhiều hơn cả. Về giáo dục cho trẻ em nghèo, tôi và các cộng sự hiện đang làm Dự án Đi học, với mục tiêu giúp con của các nạn nhân bị bạo hành gia đình được tới trường và hưởng môi trường sống lành mạnh. Nhóm chúng tôi phần lớn đều là du học sinh, tôi hiện đang ở Úc, người thì du học ở Singapore, Hàn Quốc và có tình nguyện viên ở Việt Nam và chúng tôi cũng hoàn toàn làm tình nguyện. Sau khi tốt nghiệp, tôi hy vọng có thể tiếp tục triển khai được dự án giúp các phụ nữ bị bạo hành có một công việc ổn định và bền vững hơn. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình cũng đòi hỏi tôi dành nhiều thời gian và trách nhiệm, nên tôi nghĩ cứ từ từ làm mọi việc và xây dựng nội lực bản thân vững chắc. Khi mọi thứ đủ vững mạnh, tôi tin mình sẽ làm mọi việc tốt hơn. Bản thân tôi không thích làm việc theo phong trào, tôi muốn hướng tới sự bền vững dù điều đó có thể khó khăn hơn rất nhiều…
* Xin cảm ơn bạn!
Thông tin về Du học sinh Đặng Thị Hương: |
Sinh ngày: 10/9/1986. Quê quán: Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Thành tích: – Đại sứ Sinh viên quốc tế của Học viện Box Hill năm 2013. – Sinh viên quốc tế xuất sắc của bang Victoria, Úc năm 2013. – Sinh viên quốc tế xuất sắc do Thủ hiến Bang Victoria trao tặng. Hiện nay, đang theo học thạc sĩ tại Đại học Công nghệ Swinburne, Úc. |
Trần Thắng, (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77+78, tháng 5-6/2016)