Ứng dụng bản đồ tư duy nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh
(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của thầy giáo Đàm Duy Nguyên trường THCS Trưng Vương, huyện Mê Linh đạt giải B cấp ngành với đề tài “Ứng dụng bản đồ tư duy để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh cấp THCS”.
Trong giảng dạy ngữ pháp Tiếng Anh nếu giáo viên sử dụng bản đồ tư duy thì có thể giúp học sinh thay đổi cách ghi bài theo lối truyền thống, tức là ghi hết dòng này đến dòng khác. Sử dụng được bản đồ tư duy giáo viên sẽ làm phong phú thêm kho tư liệu về phương pháp, thủ thuật dạy học của mình, góp phần vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo ra nhiều thử thách cho học sinh trong học tập, từng bước rèn luyện khả năng tư duy cho học sinh.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Đưa ra chủ đề
Giáo viên đưa ra chủ đề (vấn đề ngữ pháp sẽ học trong giờ học đó) đây chính là từ khóa để học sinh xây dựng bản đồ tư duy và hướng học sinh chú ý đến từ khóa, ghi nhớ từ khóa điều đó sẽ giúp học sinh nắm bắt được toàn bộ nội dung cần truyền đạt.
Bước 2: Vẽ chủ đề ở trung tâm
GV hướng dẫn cho học sinh sử dụng một tờ giấy trắng (Không kẻ ô) đặt nằm ngang và vẽ chủ đề (có chứa từ khóa) ở chính giữa tờ giấy, từ đó phát triển ra các ý khác ở xung quanh. Ngoài ra giáo viên cũng cho học sinh biết là các em có thể sử dụng các màu sắc theo sở thích của mình để thực hiện vẽ sơ đồ. Chủ đề trung tâm có thể là chữ hoặc là hình, nếu kết hợp cả 2 thì càng tốt.
Bước 3: Vẽ thêm các tiêu đề phụ (nhánh cấp 1)
Đối với mỗi chủ đề, giáo viên nên yêu cầu học sinh dành khoảng 1-2 phút để suy ngẫm về nó và ghi lại các ý tưởng. Nếu chưa biết diễn tả bằng Tiếng Anh, học sinh có thể sử dụng Tiếng Việt hay từ điển. Sau đó giáo viên hướng dẫn cho học sinh tiến hành phát triển các nhánh:
– Tiêu đề phụ nên được viết nằm trên các nhánh dày để làm nổi bật ý.
– Tiêu đề phụ nên gắn liền với trung tâm
– Tiêu đề phụ nên được vẽ theo hướng chéo góc chứ không nằm ngang, như vậy nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ tỏa ra một cách dễ dàng hơn.
Bước 4: Vẽ các nhánh cấp 2, cấp 3 …
– Ở bước này, giáo viên hướng dẫn cho học sinh vẽ nối tiếp nhánh cấp 2 vào nhánh cấp 1, nhánh cấp 3 vào nhánh cấp 2 … để tạo ra sự liên kết.
– Khuyến khích học sinh vẽ theo ý tưởng riêng và nhiều nhánh cong hơn đường thẳng, như thế sẽ làm cho sơ đồ tư duy nhìn mềm mại, uyển chuyển và dễ nhớ hơn.
Bước 5: Thêm các hình ảnh minh họa
Ở bước này, GV nên để trí tưởng tượng của học sinh bay bổng hơn bằng cách khuyến khích học sinh thêm nhiều hình ảnh nhằm giúp các ý quan trọng thêm nổi bật, cũng như lưu chúng vào trí nhớ tốt hơn.
Bước 6: Báo cáo, nhận xét
– GV gọi một vài học sinh hoặc đại diện của các nhóm học sinh lên báo cáo, thuyết minh về bản đồ tư duy mà nhóm mình đã thiết lập. Qua hoạt động này, GV vừa biết rõ việc hiểu kiến thức của các em vừa là một cách rèn cho các em khả năng thuyết trình trước đông người, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn.
– Giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận, bổ sung, giúp học sinh hoàn thiện bản đồ tư duy về vấn đề ngữ pháp, từ đó dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm của bài học.
Mục lục
ToggleĐiều kiện để áp dụng bản đồ tư duy:
Việc ứng dụng BĐTD để giảng dạy và học tập rất dễ tổ chức, có thể thực hiện được ở mọi lúc mọi nơi. Giáo viên có thể cho học sinh sử dụng mọi vật liệu, chất liệu như phấn, giấy, bút chì, bút màu v.v… để khai thác bài học, bài làm của mình theo mô hình BĐTD, thậm chí các em có thể sử dụng các hình ảnh tự vẽ, tự sưu tầm, các chất liệu trong tự nhiên, các tư liệu mới tìm kiếm được … để trình bày, trang trí trên sản phẩm học tập của mình một cách khéo léo, hấp dẫn phù hợp với nội dung bài học và thể hiện tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ. Những HS thạo về công nghệ thông tin thì có thể vẽ bằng phần mềm Mindmap hoặc PowerPoint.
Một số cách và hình thức cụ thể
Cách 1: Đưa ra một BĐTD mẫu cho HS tham khảo cách ghi chép và khái quát nội dung bài học ở bước củng cố bài.
Cách 2: Giao cho HS tự vẽ BĐTD ở nhà sau giờ ôn tập theo gợi ý hoặc chủ đề đã cho của giáo viên, khuyến khích các em ghi chép cả những điều mà các em học được từ các sách tham khảo. Cách này dễ thực hiện hơn cả; GV có thể thu một số bài, chấm, nhận xét, cho điểm để động viên các em tự học ở nhà.
Cách 3: Đưa ra một BĐTD có thể bằng từ tiếng Anh hoặc tiếng Việt hoặc là bằng hình ảnh, để giúp các em nhớ từ lâu và sâu, yêu cầu HS điền nghĩa tiếng Việt bên cạnh từ tiếng Anh hoặc ngược lại, sau đó HS phải hoàn thành chủ đề ở ý trung tâm.
Cách 4: GV vừa giảng vừa vẽ BĐTD cho HS làm theo trong phần ôn tập kiến thức ngữ pháp trước khi thực hành.
Hình thức ứng dụng BĐTD
Ứng dụng BĐTD trong bước “Warm up”:
Warm up là bước đầu tiên trong tiến trình của một giờ lên lớp, vì vậy GV thường dẫn dắt HS vào bài bằng cách thiết kế một vài hoạt động giúp HS ôn lại kiến thức đọc ở những bài trước có liên quan đến kiến thức mà các em sắp được học trong bài mới.
Ví dụ: Unit 11: At the store – Period 70: A2-3 (English 6)
Trong phần A2, HS được học cấu trúc câu hỏi: “How many + countable noun…?” và “How much + uncountable noun…?”. Để dẫn dắt HS vào bài, trong bước warm up, GV yêu cầu HS sử dụng bản đồ tư duy phân loại một số đồ vật thành 2 nhóm: Nhóm danh từ đếm được (Countable nouns) và nhóm danh từ không đếm được (Uncountable nouns). Các em làm việc theo nhóm 4 HS, sử dụng bìa trắng, bút sáp màu do giáo viên chuẩn bị trước, trong thời gian 2 phút, nhóm nào thể hiện nội dung đó bằng bản đồ tư duy đẹp, đúng yêu cầu sẽ là nhóm thắng cuộc. Với hoạt động đó, học sinh rất sáng tạo, hào hứng tham gia vào bài học.
Ứng dụng BĐTD trong dạy kỹ năng đọc ở phần “Post-reading”:
Đây là bước HS hệ thống tóm tắt lại những gì các em vừa khai thác được trong bài học và vận dụng những kiến thức vừa học để liên hệ thực tế thông qua hoạt động nói hoặc viết.
Ví dụ: Unit 5-The Media -Period 32- Read (English 9)
Sau khi học sinh tìm hiểu bài đọc, ở phần “Post- reading” GV yêu cầu học sinh sử dụng BĐTD để thảo luận về những ích lợi và hạn chế của “Internet”. Các em hoạt động theo nhóm 5 HS, thảo luận và ghi chép bằng BĐTD. Sau đó giáo viên có thể gọi đại diện của các nhóm HS, sử dụng BĐTD của nhóm mình để trình bày trước lớp.
Ứng dụng BĐTD ở phần dạy ngữ liệu và phần “Production”:
Với các tiết dạy ngữ liệu mới, sử dụng BĐTD vô cùng tiện lợi và có hiệu quả.
Ví dụ: Unit 12- Let’s eat- Period 77: A1 (English 7).
Trên BĐTD giới thiệu với học sinh cấu trúc câu với “neither and either”: “Hoa’s aunt doesn’t like durians and neither does Hoa/ Hoa doesn’t like durians, either”.
Qua hình ảnh và tình huống cụ thể, các em không những nắm vững được cách dùng của “So, too, neither and either” mà còn sử dụng BĐTD để thực hành rất tốt.
Ứng dụng BĐTD trong dạy kỹ năng viết:
Khi dạy kỹ năng viết, sử dụng BĐTD hiệu quả nhất là trong các hoạt động pre-writing. Phương pháp này giúp HS thiết kế được một dàn ý chi tiết cho bài viết, xây dựng những luận điểm nhờ đó thấy rõ mối quan hệ giữa chúng. Cũng bởi đặc tính hấp dẫn, bắt mắt và dễ hiểu, HS sẽ thấy hưng phấn hơn khi nhìn vào BĐTD. Điều này cũng thôi thúc HS phải làm cách nào cho tác phẩm đó trông không chỉ đẹp mà còn phải lôgic đồng nghĩa với việc các em đã lập được một dàn ý mạch lạc, chặt chẽ.
Ứng dụng BĐTD trong dạy kỹ năng nói:
Trước khi nói, HS phải thiết kế được một dàn ý chi tiết, lôgic, chặt chẽ. Việc sử dụng BĐTD trong các hoạt động pre-speaking là điều rất cần thiết. Sau khi lập được một dàn ý chi tiết, lôgic, chặt chẽ, HS có thể tự tin trình bày bài nói một cách mạch lạc, lưu loát mà không bỏ sót ý.
Ứng dụng BĐTD trong phần củng cố bài học “Consolidation”:
Vào cuối tiết học, giáo viên có thể sử dụng bản đồ tư duy để tổng kết nội dung của tiết học đó.
Qua phương pháp học tập bằng BĐTD, các em chủ động, tự tin hơn trong học tập và phát biểu ý kiến của mình trước tập thể, tăng tính chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy.
Trên đây là một số nét chính của đề tài “Ứng dụng bản đồ tư duy để nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh cấp THCS” của thầy giáo Đàm Duy Nguyên – trường THCS Trưng Vương- Mê Linh. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hanoiedu.vn.
nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 96, tháng 12/2017