Tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: “Cuộc đua” căng thẳng
(GDTĐ) – Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 – 2017, Hà Nội có trên 81.000 thí sinh tham gia dự thi.
Dù con số này giảm so với năm học trước, song chỉ tiêu vào lớp 10 trường công chỉ có 53.000 học sinh, nên “cuộc đua” vào THPT năm nay khá căng thẳng.
Tăng cường ôn luyện
Năm học 2016 – 2017, Hà Nội dự kiến có 81.500 học sinh tốt nghiệp THCS, số lượng chỉ tiêu vào hệ THPT là 62.500 (giảm khoảng 4.000 chỉ tiêu so với năm trước). Trong đó, các trường THPT công lập tuyển 53.000 học sinh, trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh, còn lại là chỉ tiêu các trường dạy nghề. Chỉ tiêu đầu vào giảm, đồng nghĩa việc lấy điểm đầu lớp 10 vào sẽ tăng.
Thời điểm này, dù từng trường chưa công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10, song khảo sát tại một số trường chuyên, trường THPT “top đầu” cho thấy, số lượng chỉ tiêu đầu vào giảm nhẹ. Điều này khiến phụ huynh, học sinh không khỏi lo lắng. Nguyễn Thu Trang – học sinh lớp 9 trường THCS Đống Đa cho biết, dự kiến thi vào trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa) và THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân). Vì lo trượt một suất vào trường công nên Trang đã tập trung ôn luyện trước cả một năm. “Theo dõi các năm trước, được vào học trường công không dễ, nhất là trường công lập nhóm giữa rất căng thẳng vì lượng chỉ tiêu vào trường ít. Thế nên, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, em phải ôn luyện 2 môn Văn và Toán từ hè năm ngoái” – Trang chia sẻ. Cũng dồn sức cho kỳ thi sắp tới, em Nguyễn Văn Thành, nhà ở phường Định Công (quận Hoàng Mai) cho hay, nhà trường chưa tổ chức ôn tập, nhưng gia đình đã tìm thầy giáo ôn luyện cho em ngay từ đầu năm học.
Việc ôn tập cho học sinh khối 9 cũng được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhắc nhở, yêu cầu các nhà trường lên kế hoạch cụ thể. Không chỉ ôn tập Văn, Toán, mà các môn học khác vẫn phải đảm bảo dạy theo đúng chương trình, không dạy trước, cũng không được cắt xén chương trình.
Cân nhắc kỹ nguyện vọng
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 – 2017, Hà Nội tiếp tục thực hiện kết hợp thi tuyển với xét tuyển (dựa trên kết quả học tập của 4 năm học THCS). Thời gian thi từ ngày 8 – 10/6; sáng 8/6 thi Ngữ văn, chiều 8/6 thi Toán, thí sinh thi chuyên sẽ thi thêm môn Ngoại ngữ vào sáng 9/6; các môn chuyên vào chiều 9/6 và ngày 10/6.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội nhiều năm nay luôn căng thẳng, bởi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại sẽ phải học trường dân lập, hệ giáo dục thường xuyên và học trường nghề. Tuy nhiên, nếu học sinh biết “lượng sức” thì cánh cửa vào trường công vẫn rộng mở.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay, mỗi thí sinh có 2 nguyện vọng để dự tuyển vào 2 trường khác nhau. Để lựa chọn hiệu quả, ông Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định, các em chọn nguyện vọng theo đúng năng lực thực thì dễ đạt mục tiêu. Ở nguyện vọng 1, chọn trường mình mong muốn và tự tin thi đỗ; nguyện vọng 2 chọn trường điểm đầu vào thấp hơn nguyện vọng 1. “Phụ huynh không nên quá căng thẳng khi chọn trường cho con, quan trọng không phải là vào trường nào mà chính là bản thân con mình có quyết tâm học hay không, có mong muốn để vào trường đó hay không” – ông Lâm đưa ra lời khuyên.
Chia sẻ thông tin về kỳ thi sắp tới, ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, trước khi đăng ký dự thi, thí sinh nên tham khảo kỹ phần điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các năm học trước, từ đó chọn trường phù hợp. Nội dung đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Học sinh có thể tự ôn, hoặc ôn tập tại trường theo hướng dẫn của giáo viên. Để kỳ thi vào lớp 10 THPT nghiêm túc, chất lượng, lãnh đạo Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THCS trên toàn TP có kế hoạch ôn tập, chú trọng bồi dưỡng học sinh, hạn chế điểm liệt trong kỳ thi.
Ông Chất nhấn mạnh: “Sở GD&ĐT nghiêm cấm các trường vận động học sinh có học lực yếu không tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các trường THCS trên toàn TP chú trọng bồi dưỡng học sinh yếu kém, không được chạy theo thành tích, nâng điểm, làm đẹp học bạ”.
Theo Kinh tế và Đô thị