Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội: Kiến tạo bước chuyển trong giai đoạn mới
(GDTĐ) – Từ trước đến nay khi nói về trường Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, các nhà quản lí giáo dục thường ví von trường như là “cánh tay nối dài” của Sở GD&ĐT Hà Nội. Ngôi trường này không chỉ thực hiện chức năng nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục (CBQLGD) mà còn là nơi kiến tạo, triển khai các ý tưởng, các kế hoạch nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn qua các thời kì lịch sử, đặc biệt trong thời kì đổi mới và hội nhập, hiện thực hóa Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Kế thừa và phát triển…
Cùng PGS.TS Nguyễn Thị Yến Phương – Hiệu trưởng nhà trường đi tham quan cơ sở vật chất của trường và ngược dòng lịch sử, chúng tôi được biết về bề dày truyền thống của ngôi trường vừa tròn 50 mùa xuân. Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội thành lập ngày 27/4/1968, tiền thân là Trường Cán bộ, giáo viên Hà Nội. Trải qua 50 năm (1968 – 2018) xây dựng và trưởng thành, Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để từng bước vươn lên khẳng định vị trí của mình trong việc củng cố, đẩy mạnh chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô theo từng giai đoạn. Chính vì hiểu được vai trò quan trọng đó, lãnh đạo Thành phố Hà Nội qua các thời kì luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhà trường. Điều này được minh chứng không chỉ ở sự tồn tại, phát triển bền vững trong 50 năm qua của nhà trường mà còn có thể tự hào rằng: Đây là ngôi trường của địa phương còn lại duy nhất trên toàn quốc làm công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD (các trường Bồi dưỡng nhà giáo của các tỉnh/thành hiện đã sáp nhập vào trường Cao đẳng hoặc Đại học).
Từ ngôi trường đơn sơ nhà tranh vách đất trong thời kì chiến tranh, đến nay trường đã có một cơ ngơi khang trang, trang thiết bị dạy và học hiện đại với 22 phòng học, 02 phòng hội thảo, 01 hội trường lớn có sức chứa 350 chỗ có thể vừa tổ chức các hội thảo, hội nghị lớn vừa có thể làm phòng học khi cần triển khai các nội dung bồi dưỡng chung; 01 trung tâm tư liệu có diện tích 350 m2 lưu giữ hơn 22.000 đầu sách sắp xếp khoa học, 20 máy tính nối mạng Internet và mạng LAN giúp học viên dễ dàng tra cứu dữ liệu thư viện; 04 phòng máy tính, 03 phòng thí nghiệm; có đủ phòng học tiếng Anh, phòng âm nhạc và nhiều phòng chức năng khác với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác hoạt động chuyên môn; một khu bếp ăn đạt tiêu chuẩn phục vụ học viên khi đến trường tham dự các khóa bồi dưỡng, tập huấn cả ngày. Đội ngũ CBQL và giảng dạy về cơ bản đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Đến nay nhà trường có 04 tiến sỹ, 27 thạc sỹ, 04 đồng chí đang làm nghiên cứu sinh, 04 đồng chí đang theo học thạc sĩ, 03 đồng chí đang học văn bằng 2, 03 đồng chí được cử đi học lớp Trung cấp lí luận chính trị.
Thực hiện yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam mà Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu trong cả nước về văn hóa – xã hội, với địa bàn rộng, quy mô mạng lưới trường lớp và đội ngũ nhà giáo đông nhất nước, giáo dục Thủ đô muốn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới này thì việc đầu tiên cần làm là xây dựng đội ngũ nhà giáo, CBQLGD đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo yêu cầu cao về chất lượng. Do đó, mục tiêu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” luôn được Thành phố và Ngành quan tâm, không chỉ trang cấp cơ sở vật chất mà còn cấp ngân sách, duyệt hàng chục tỉ đồng cho công tác bồi dưỡng của trường. Mỗi năm nhà trường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lí cho hàng trăm CBQLGD, các Tổ trưởng chuyên môn các cấp từ MN đến THPT; bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt giáo viên các cấp học, ngành học với hàng chục chuyên đề có nội dung cập nhật, thiết thực, bám sát trọng tâm nhiệm vụ theo chỉ thị năm học của Bộ GD&ĐT và nhiều chuyên đề với nội dung chuyên sâu, đặc thù. Hai năm nay, nhà trường đã triển khai thành công công tác bồi dưỡng hè tại các quận, huyện, thị xã. Chỉ tính riêng năm học 2017 – 2018, nhà trường đã đưa hàng chục chuyên đề về cơ sở, tổ chức trên 2.000 lớp bồi dưỡng cho hơn 80.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cách làm này đã giúp 100% giáo viên trên toàn thành phố có điều kiện được thụ hưởng cùng nội dung, chất lượng bồi dưỡng chuyên đề như nhau.
Tạo những bước chuyển mới
PGS.TS Nguyễn Thị Yến Phương – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có chất lượng, từ năm học 2017 – 2018 mà đặc biệt là năm học này nhà trường đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng bám sát với yêu cầu đổi mới, chủ động tổ chức thực hiện các phương án bồi dưỡng theo hướng thiết thực, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu người học, để khi thành phố Hà Nội áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì các nhà giáo và CBQLGD Hà Nội đã được trang bị sẵn sàng về cả yếu tố tâm lí, kĩ năng và kiến thức, bước vào triển khai với tâm thế thuận lợi nhất.
Theo đó, nhà trường đã triển khai các lớp bồi dưỡng thường xuyên theo yêu cầu của các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lí nhà nước về giáo dục cho nguồn CBQL và CBQL mới được bổ nhiệm; tích cực mở các lớp bồi dưỡng tới 100% giáo viên, nhân viên tại các quận, huyện, thị xã; xây dựng hệ thống moduel các chuyên đề bồi dưỡng gửi các Phòng GD&ĐT để các Phòng lựa chọn nội dung phù hợp với nhu cầu và nhà trường sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng tại các sơ sở giáo dục. Với cách thức như vậy, giáo viên của các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa hoàn thành số giờ bồi dưỡng hàng năm theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT vừa được thụ hưởng nội dung, chất lượng như nhau, góp phần xóa dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trên toàn thành phố.
Song song với việc xây dựng kế hoạch “dài hơi” về nội dung, chương trình bồi dưỡng, nhà trường luôn bám sát chức năng nhiệm vụ, thiết kế những chuyên đề mang tính yêu cầu cấp thiết cho chương trình giáo dục phổ thông mới như: Bồi dưỡng về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; một số vấn đề về nội dung và phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hiện nay; Các phương pháp dạy học kĩ năng sống/giáo dục trải nghiệm; Dạy học tích hợp liên môn; Các chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường…
Hiện tại nhà trường đang sở hữu nguồn thông tin tư liệu phong phú đa dạng từ hàng chục ngàn đầu sách đến các cơ sở dữ liệu khác như: luận án, luận văn, giáo trình, bài giảng điện tử Eleaning, đĩa DVD thiết kế bài giảng và toàn bộ sáng kiến kinh nghiệm đoạt giải cấp Ngành, cấp thành phố của các môn học thuộc các khối, bậc học khác nhau. Với vốn tri thức đó, nhà trường đang ấp ủ ý tưởng sẽ xây dựng một Trung tâm Hội nghị trực tuyến kết nối với 30 quận, huyện, thị xã và thư viện điện tử hiện đại phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy của tất cả cán bộ, giáo viên và nhân viên trong và ngoài thành phố.
Bên cạnh đó, với chức năng nhiệm vụ về liên kết đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã liên kết với các Học viện, trường Đại học mở các lớp cử nhân về QLGD, các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trong thời gian tới nhà trường sẽ hướng tới liên kết đào tạo giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội để có thể đứng lớp theo yêu cầu tích hợp liên môn của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, nhà trường sẽ chú trọng xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia giáo dục đã và đang công tác tại Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục Đại học, các viện nghiên cứu, cán bộ quản lí giỏi của các trường học để xây dựng chương trình, viết tài liệu bồi dưỡng và tham gia giảng dạy, phục vụ công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Niềm tin vào tương lai
Trao đổi với chúng tôi những dự định mới cho tương lai, trong ánh mắt lấp lánh ánh lên niềm hi vọng vẫn thoáng hiện chút ưu tư lo lắng của PGS.TS Nguyễn Thị Yến Phương. Lãnh đạo nhà trường tin vào sự đồng lòng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vì sự nghiệp chung, nhưng để những dự định mới thành công và làm tròn vai cho công việc thường niên cũng là thách thức không nhỏ. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học, mời các chuyên gia nước ngoài về học tập và chia sẻ kinh nghiệm; chú trọng bồi dưỡng đội ngũ của trường, mời chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước về giảng dạy một số chuyên đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, phát triển chương trình…, xây dựng các nhóm chuyên môn phù hợp với các chuyên đề đang có trong kế hoạch để đội ngũ nhà trường vững vàng triển khai công tác giảng dạy cho các cơ sở.
Chặng đường 50 với những dấu mốc lịch sử thắp lên trong các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường niềm tự hào về truyền thống của trường. 50 năm cũng là một mốc thời gian đánh dấu cho bước chuyển sang một giai đoạn mới, tầm nhìn mới. Trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị đã có, nhà trường tiếp tục tìm hướng đi để phù hợp với yêu cầu phát triển chung của xã hội và sự kì vọng của Ngành. Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đòi hỏi phải có đội ngũ CBQLGD các cấp đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Vì vậy, việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD được tập thể nhà trường xác định là một khâu then chốt từ mục tiêu, nội dung, chương trình đến phương thức bồi dưỡng theo hướng phát triển năng lực thực hiện nhiệm vụ, tạo tiền đề để “dạy tốt, học tốt và quản lý tốt”.
Thành tích tiêu biểu
1.Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba năm 2000;
2.Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1998, 2014;
3.Bằng khen của Bộ GD&ĐT trong các năm: 1986, 1996, 2000, 2011;
4.Danh hiệu lá cờ đầu ngành học Thủ đô do UBND Thành phố tặng các năm học: 1999 – 2000 và 2001- 2002;
5.Bằng khen của UBND TP Hà Nội các năm: 2000, 2001, 2002, 2012;
6.Bằng khen của Liên hiệp Công đoàn thành phố tặng năm 1999 và năm 2000;
7.Trường Tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố liên tục từ năm 1995 đến năm 2004.
Thành tích tiêu biểu1.Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng ba năm 2000;2.Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1998, 2014;3.Bằng khen của Bộ GD&ĐT trong các năm: 1986, 1996, 2000, 2011;4.Danh hiệu lá cờ đầu ngành học Thủ đô do UBND Thành phố tặng các năm học: 1999 – 2000 và 2001- 2002;5.Bằng khen của UBND TP Hà Nội các năm: 2000, 2001, 2002, 2012;6.Bằng khen của Liên hiệp Công đoàn thành phố tặng năm 1999 và năm 2000;7.Trường Tiên tiến xuất sắc cấp Thành phố liên tục từ năm 1995 đến năm 2004. |
Tùng Dương – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017