Tạp chí Giáo dục Thủ đô: 10 năm miệt mài bắc nhịp cầu trí tuệ
(GDTĐ) – Là cơ quan ngôn luận, nghiên cứu lý luận của ngành GDĐT Hà Nội, Tạp chí Giáo dục Thủ đô đến nay vừa tròn 10 năm đồng hành với giáo viên, học sinh và phụ huynh Hà Nội trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Với các thông tin, bài nghiên cứu, hình ảnh về những con người thật, việc làm thật, Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã giúp quảng bá hình ảnh giáo dục của Thủ đô, nâng cao kiến thức, năng lực cho giáo viên và học sinh, đồng thời tạo cầu nối vững chắc giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội trong việc phát triển giáo dục. Bằng những việc làm của mình, Tạp chí đã phần nào góp thêm vào thành tích 65 năm của ngành GDĐT Thủ đô.
Chặng đường góp sức không ngừng nghỉ
Trong những ngày tháng 10 lịch sử, khi những cành cây sưa rung rinh trong gió, đón ánh nắng ấm áp của mùa Thu, nhà báo Nguyễn Quang Đông Thành – Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục Thủ đô bồi hồi lật giở từng trang của cuốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô đầu tiên được xuất bản cách đây tròn một thập kỷ. Trên gương mặt anh ánh lên sự tự hào và cả những xúc cảm thật khó tả.
Nhà báo Nguyễn Quang Đông Thành nói về lịch sử 10 năm của Tạp chí mà anh dành trọn tâm huyết, như thể anh đang kể câu chuyện của chính cuộc đời mình. Trước khi Tạp chí ra đời trên cơ sở nâng cấp của Bản tin Giáo dục Thủ đô, anh đã có 5 năm giữ cương vị Phó chánh văn phòng Sở GDĐT Hà Nội, đồng thời là Trưởng ban biên tập của bản tin. Được xuất bản số đầu tiên tháng 9/1996, Bản tin Giáo dục Thủ đô sau 13 năm hoạt động, đến tháng 5/2009 đã xuất bản được 63 số bản tin.
Tổng biên tập Nguyễn Quang Đông Thành chia sẻ, anh nhớ như in sự kiện ngày 26/10/2009, đó là ngày Tạp chí Giáo dục Thủ đô chính thức được thành lập theo Quyết định số 5509/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển vượt bậc của bản tin Giáo dục Thủ đô ngày trước, đồng thời sự ra đời của Tạp chí còn tạo nên nét riêng nổi bật của giáo dục Hà Nội, địa phương đầu tiên và duy nhất trên cả nước có Tạp chí riêng cho ngành. “Trong bối cảnh Chính phủ đang rà soát, sắp xếp hệ thống báo chí thì việc ra đời của Tạp chí ngày đó đã khẳng định được sự cần thiết của Tạp chí đối với sự phát triển của giáo dục Thủ đô và báo chí Thủ đô cũng như cho thấy sự quan tâm của các cấp, ngành dành cho Tạp chí” – anh Thành nhấn mạnh.
Ban đầu trụ sở làm việc của Tạp chí được đặt tại số 81 phố Thợ Nhuộm, cùng với các phòng ban khác của Sở GDĐT Hà Nội, sau đó do yêu cầu phát triển về quy mô và đặc thù công việc nên Tạp chí được chuyển về địa chỉ số 6, Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Theo Tổng biên tập Nguyễn Quang Đông Thành, một trong những yếu tố quan trọng giúp Tạp chí nhận được sự đánh giá cao từ những người làm công tác giáo dục là từ khi được thành lập đến nay, Tạp chí xây dựng được Hội đồng khoa học uy tín, là những nhà nghiên cứu nổi tiếng, những cán bộ quản lý giáo dục tài năng, tâm huyết và giàu kinh nghiệm. Trước hết phải kể đến nhà giáo, nhà Hà Nội học, Công dân Thủ đô Ưu tú Nguyễn Vinh Phúc; Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa, Công dân Thủ đô ưu tú Giang Quân. Không chỉ là những thành viên của Hội đồng khoa học của Tạp chí Giáo dục Thủ đô từ những ngày đầu khi Tạp chí thành lập mà hai học giả nổi tiếng đã tận tâm gắn bó với Tạp chí đến tận những ngày cuối đời.
TS Nguyễn Hữu Độ – Thứ trưởng Bộ GDĐT khi còn giữ chức Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng đã từng là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Tạp chí. Người đã có công lớn trong việc thành lập Tạp chí Giáo dục Thủ đô và cũng là người ủng hộ mạnh mẽ và đưa ra nhiều chiến lược cho sự phát triển của Tạp chí.
Hiện nay, Hội đồng khoa học Tạp chí gồm: TS. Chử Xuân Dũng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng; Nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; NGND.GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc; PGS.TS Đặng Quốc Bảo; NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm; NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn. Sự tham gia tích cực của những cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu đã giúp Tạp chí Giáo dục Thủ đô thêm tin cậy về chất lượng thông tin, giàu có về hàm lượng khoa học trong mỗi cuốn Tạp chí.
Không chỉ nhận được sự cố vấn tích cực của Hội đồng khoa học, Tạp chí Giáo dục Thủ đô còn nhận được sự đồng hành thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên đông đảo, đó là những nhà giáo, nhà báo và cả những học sinh của các trường học trên địa bàn Thành phố. Điều đó giúp cho nguồn tin luôn được phong phú, đồng thời đa dạng các góc nhìn, mang đến sự hấp dẫn, thú vị cho độc giả.
Tạp chí khoa học nhưng không khô cứng
Hiện nay, Tạp chí Giáo dục Thủ đô được phát hành hàng tháng tới hơn 155 nghìn CBGV-NV và hơn 2 triệu học sinh toàn thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, mỗi bài viết được đăng tải trên Tạp chí không chỉ đáp ứng tính thời sự mà cần có sự đúc kết, dự đoán và đặc biệt là mang tính định hướng. Giữa một “rừng” thông tin từ cuộc sống và trên mạng internet thì Tạp chí Giáo dục Thủ đô chính là nguồn thông tin chính xác, khoa học mà thầy và trò trông đợi, tin cậy. Hiểu được điều này, từ khi ra đời đến nay Tạp chí luôn phản ánh kịp thời các hoạt động giáo dục và đào tạo, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, hoạt động của TP, ngành. Phản ánh đầy đủ, trung thực hoạt động của thành phố và ngành về giáo dục và đào tạo; cách nhìn nhận, đánh giá về giáo dục, đào tạo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục có uy tín; đăng tải các gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong giáo dục, đào tạo…
Trong 10 năm, khó có thể đong đếm sức lan tỏa và những hiệu ứng xã hội tích cực mà Tạp chí Giáo dục Thủ đô mang đến cho bạn đọc. Một trong những dấu ấn đáng nhớ là sau khi đọc bài viết “Tâm phật của bà giáo bát thập cổ lai hy” trên Tạp chí Giáo dục Thủ đô số tháng 11 năm 2013, Bộ trưởng bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã rất xúc động trước tấm lòng và sự nỗ lực của bà giáo Hồ Hương Nam (ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), người đã âm thầm dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật 16 năm qua. Sau đó, theo thông tin của bài viết, Bộ trưởng đã đích thân đến tận nơi để thăm và tặng quà cho bà giáo nhân dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, khiến bà vô cùng cảm động.
Tạp chí đã xây dựng ổn định 6 chuyên mục, gồm: Vấn đề – Sự kiện, Nghiên cứu – Trao đổi nghiệp vụ, Gia đình – Nhà trường – Xã hội, Gương mặt cơ sở, Văn hóa – Văn nghệ, Có thể bạn chưa biết. Mỗi chuyên mục đã để lại dấu ấn riêng trong lòng độc giả. Tuy nhiên, theo khảo sát, chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi nghiệp vụ được thầy và trò ngành GDĐT Thủ đô đặc biệt yêu thích. Ở chuyên mục này, các thầy cô giáo có thể đọc những bài báo khoa học của những nhà nghiên cứu uy tín, những chia sẻ kinh nghiệm quản lý, sáng kiến kinh nghiệm trong việc giảng dạy, thiết kế đồ dùng học tập của đồng nghiệp. Đây chính là nguồn tư liệu quan trọng giúp giáo viên và học sinh tự tin thực hiện đổi mới giáo dục.
Nói về sự chuẩn mực và đặc trưng của Tạp chí Giáo dục Thủ đô, nhà giáo, chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn từng đánh giá một cách hóm hỉnh: “Tạp chí Giáo dục Thủ đô là Tạp chí khoa học nhưng lại không khô cứng. Có thể ví Tạp chí giống như một cô gái vừa xinh đẹp, nhưng lại có sự kín đáo, đúng mực trong tà áo dài duyên dáng. Điều này thật đáng quý trong bối cảnh đa số các cô gái sành điệu đến mức quên cả truyền thống, hoặc cố tình ăn mặc phản cảm để thu hút sự chú ý”.
Đặc biệt, từ khi Tạp chí được cấp chỉ số ISSN (tháng 10/2014), các bài viết trên Tạp chí ngày càng được độc giả đánh giá cao, đồng thời cũng nhận được nhiều bài viết của các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu gửi về để chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến với độc giả. Không chỉ đảm bảo sự chính xác về thông tin mà những bài viết được đăng trên Tạp chí có chỉ số ISSN được xét làm tiêu chí ưu tiên hoặc cộng điểm trong quá trình nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ. Chính vì vậy, sức hút của Tạp chí Giáo dục Thủ đô với các cán bộ, giáo viên ngày càng lớn.
Tạp chí trở thành người bạn thân thiết, hữu ích của thầy và trò thủ đô bởi những người làm Tạp chí thường xuyên lắng nghe nguyện vọng, mong muốn và phản hồi của độc giả. Không chỉ gắn bó, phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn của Sở GDĐT Hà Nội, cán bộ, phóng viên của Tạp chí đã trực tiếp xuống làm việc với các Phòng GDĐT các quận, huyện để từ đó có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu về thông tin và xây dựng phương hướng phối hợp trong công tác tuyên truyền.
Khác với nhiều Tạp chí khoa học chuyên ngành khác, khô cứng, rập khuôn đến mức người đọc cảm thấy mất hết sự hứng thú trong việc đọc thì Tạp chí Giáo dục Thủ đô biết cân bằng giữa khoa học và thực tế, viết về khoa học nhưng gần gũi và dễ hiểu. Chính vì vậy, Tạp chí không chỉ thiết thực cho giáo viên và những người làm trong ngành giáo dục mà cuốn Tạp chí còn nhận được sự đón nhận của đông đảo các bậc CMHS. Nhiều người đã tìm thấy mình trong những tình huống giáo dục được nêu trong các bài viết đăng trên Tạp chí. Từ đó họ biết cách ứng xử với con tế nhị và khoa học. Những gương người tốt, việc tốt trên Tạp chí cũng góp phần lan tỏa lối sống đẹp, tinh thần lạc quan tới đông đảo học sinh và phụ huynh.
Nhận xét về Tạp chí Giáo dục Thủ đô, Trưởng phòng GDĐT quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương khẳng định: “Tạp chí có rất nhiều chuyên mục hay, phong phú, thiết thực, thông tin kịp thời về các hoạt động của ngành. Thông qua Tạp chí, CBGV có thêm những tư liệu hay, phục vụ cho việc giảng dạy, nắm bắt được những hoạt động, thông tin của ngành và của các cấp về hoạt động giáo dục, đào tạo. Chính vì vậy, không chỉ bản thân thường xuyên đọc Tạp chí Giáo dục Thủ đô, tôi cũng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của phòng GDĐT quận đọc Tạp chí để tuyên truyền sâu rộng đến các trường, học tập những sáng kiến kinh nghiệm, những tấm gương điển hình tiên tiến của Thủ đô và đất nước được đăng tải trên Tạp chí”.
Nắm bắt xu thế thời đại
Có thể nói, loài người đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng số, “Công nghiệp 4.0” (Industrie 4.0) thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)… Báo chí đang chứng kiến, đồng thời bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc cách mạng này và Tạp chí Giáo dục Thủ đô cũng vậy. Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể tận dụng công nghệ để phát triển, hạn chế các tác động tiêu cực của nó.
Trước xu hướng phát triển của báo chí quốc tế, Tạp chí Giáo dục Thủ đô đã ra mắt trang thông tin điện tử tổng hợp www.giaoducthudo.com.vn (được Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử – Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép tháng 6/2015). Bên cạnh việc đăng tải các bài viết từ Tạp chí in để độc giả trên toàn thế giới có thể tìm đọc, Trang thông tin điện tử thường xuyên được cập nhật thông tin thời sự nóng hổi. Tính riêng lượng tin, bài do phóng viên Tạp chí thực hiện được đăng tải đồng thời lên Cổng thông tin điện tử của Sở GDĐT Hà Nội và Trang thông tin điện tử của Tạp chí là gần 300 tin, bài/năm. Như vậy, trong 5 năm Trang thông tin điện tử được phát hành thì đã có hơn 1.500 tin, bài được đăng tải kịp thời phục vụ bạn đọc.
Tận dụng những lợi thế của truyền thông đa phương tiện (hình ảnh, video, âm thanh), những tin, bài được đăng tải trên trang thông tin điện tử đã thu hút được lượng truy cập cao. Có những tin bài có tới gần 34 nghìn lượt đọc. Ngoài ra, Tạp chí cũng đăng tải các tin, bài từ các cơ quan báo chí liên kết khiến nguồn thông tin trở nên ngày càng phong phú.
Trong cuộc sống hiện đại, khi độc giả đang loay hoay giữa một “mớ” hỗn độn thông tin sai lệch, phản cảm, bi quan thì việc tìm đọc những bài viết trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Tạp chí Giáo dục Thủ đô giúp các em học sinh nắm được thông tin chính xác, đồng thời có thêm những động lực để học tập và thêm lạc quan vào tương lai, giúp các bậc CMHS có thêm những kinh nghiệm bảo vệ hạnh phúc gia đình, chăm sóc và nuôi dạy con cái một cách khoa học.
Tổng biên tập Nguyễn Quang Đông Thành khẳng định: “Khi ngành GDĐT đang tích cực đổi mới căn bản, toàn diện thì mỗi cán bộ, phóng viên của Tạp chí cũng luôn chủ động đổi mới. Theo quyết định của Thành phố phê duyệt thì Tạp chí có 16 vị trí việc làm, nhưng thực tế Tạp chí chỉ có 7 người làm việc, mỗi người kiêm nhiệm từ 2 đến 3 vị trí. Chính vì vậy áp lực công việc là rất lớn. Tạp chí đã không ngừng đổi mới trong quản lý để phát huy hết năng lực và sự sáng tạo của từng người, để gắn bó, đoàn kết từng thành viên trong cơ quan. Mỗi nhân viên tăng cường ứng dụng CNTT để tăng tốc độ thực hiện các thủ tục, hóa đơn, giấy tờ. Mỗi phóng viên tích cực cập nhật xu thế làm báo hiện đại để có những tin, bài nhanh, chính xác, đa chiều, hình ảnh đẹp…”.
Tổng biên tập Nguyễn Quang Đông Thành cũng chia sẻ: “Tạp chí Giáo dục Thủ đô có những bước phát triển mạnh trong 10 năm qua là nhờ sự góp sức của tất cả các cán bộ, phóng viên, nhân viên, cộng tác viên. Tạp chí cũng luôn nhận được sự ủng hộ tích cực của Sở GDĐT Hà Nội – cơ quan chủ quản, đồng thời nhận được sự chỉ đạo, định hướng thường xuyên của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội. Trong bối cảnh thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch và phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, mong rằng cuốn Tạp chí Giáo dục Thủ đô tiếp tục được quan tâm, phát triển để phục vụ ngành và toàn xã hội ngày càng tốt hơn nữa”.
Vũ Toàn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 117, tháng 10/2019