Tác động của Brexit đến sinh viên quốc tế

Tác động của Brexit đến sinh viên quốc tế

(GDTĐ) – Trong cuộc trưng cầu dân ý để quyết định việc Anh ở lại hay rời bỏ Liên minh châu Âu (gọi là vấn đề Brexit) cuối tháng 6 vừa qua, kết quả sít sao 52-48% nghiêng về phía những người ủng hộ Brexit đã gây ra những cú sốc trên khắp các thị trường tài chính toàn cầu, đồng thời tiềm ẩn những hệ lụy trong ngắn hạn và dài hạn đối với nước Anh, Liên minh châu Âu cũng như toàn thế giới trên nhiều lĩnh vực. Và giáo dục cũng không phải là ngoại lệ.

 

Còn ít nhất 2 năm nữa Vương quốc Anh mới chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nhưng người ta đã nhận thấy một số tác động của vấn đề này đối với các sinh viên. Trong bối cảnh sự ổn định của nền kinh tế Anh và việc đi lại tự do qua biên giới châu Âu hiện đang gặp thách thức, quyết định nước Anh rời khỏi EU có thể gây ra những hệ lụy cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với sinh viên quốc tế.

Điều quan trọng là địa vị của Anh trong EU và quan hệ của nước này với các quốc gia thành viên khác sẽ không thay đổi trong chốc lát. Sẽ mất ít nhất hai năm để Anh hoàn tất các thủ tục rời khỏi EU và sẽ có nhiều điều phải đàm phán trong thời gian chờ đợi.

Tuy nhiên, tác động đối với nền kinh tế và đồng bảng Anh đã quá rõ ràng. Mặc dù đồng bảng Anh đã hồi phục nhẹ sau khi mất giá tới hơn 10% nhưng nó vẫn còn yếu so với các đồng tiền khác. Do đó, nó tác động tới cả các sinh viên quốc tế đi và đến nước Anh, những người chi trả hoặc dự định chi trả học phí bằng một đồng tiền khác với đồng tiền của quốc gia họ.

Cho tới khi Vương quốc Anh đàm phán các thỏa thuận với EU, các vấn đề về hậu cần của các chương trình trao đổi sinh viên giữa Anh và phần còn lại của châu Âu sẽ vẫn có lời giải. Có những lo ngại, nhất là trong các sinh viên rằng chính họ sẽ phải trả mức học phí cao hơn cho các chương trình “sinh viên quốc tế” so với mức phí của các nước khác thuộc Liên minh châu Âu khi họ tới Anh học tập và có thể có những hạn chế về thị thực.

Một người phát ngôn của Hội đồng Anh, cơ quan cung cấp sự giúp đỡ và tư vấn cho sinh viên quốc tế tìm kiếm cơ hội học tập tại Anh, nói: “Với vai trò là tổ chức quốc tế của Anh trong lĩnh vực quan hệ văn hóa và các cơ hội giáo dục, Hội đồng Anh đã và đang làm việc với các quốc gia láng giềng châu Âu trong hơn 80 năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ đó”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi luôn tin vào nguồn sức mạnh của việc hợp tác với các thiết chế đa quốc gia và chúng tôi sẽ tìm các cách thức để tiếp tục hợp tác với các quốc gia châu Âu khác, các thiết chế của EU để tạo cơ hội nhằm xây dựng các mối liên kết và tạo dựng sự tin cậy”.

Một số quốc gia không là thành viên của EU như Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia vào Erasmus+ (European Community Action Scheme for the Mobility of University Students+) – chương trình trao cơ hội du học cho các sinh viên ở châu Âu. Một người phát ngôn của Erasmus+ bình luận: “Chúng tôi đang làm việc với các đồng nghiệp trong chính phủ và sẽ đánh giá các bước đi tiếp theo cũng như trao đổi sâu hơn về vấn đề này”.

Tuy nhiên, ông Fernando M Galan Palomares, Chủ tịch của Hiệp hội Sinh viên châu Âu (European Students’ Union là tổ chức bảo trợ của 45 hiệp hội sinh viên quốc gia của 38 quốc gia châu Âu và thông qua các thành viên của nó đại diện cho hơn 15 triệu sinh viên) cho biết ông dự đoán việc trao đổi sinh viên giữa Anh và phần còn lại của châu Âu sẽ giảm mạnh do mức học phí cao hơn, các quy định thị thực “không thân thiện” cũng như cơ hội tiếp cận với y tế và việc làm giảm sút.

Ông nói: “Điều này sẽ gây ra những hậu quả về mặt tài chính cho nền giáo dục Vương quốc Anh và cũng sẽ làm giảm tính đa dạng của các cơ sở đại học của chúng ta, hạn chế cơ hội của các sinh viên được học tập cùng với sinh viên từ khắp châu Âu, điều chắc chắn sẽ khiến sự gắn kết và đa dạng kém hơn. Các trường đại học của Anh sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi nguồn thu nhập từ các chương trình của EU, điều sẽ buộc các trường phải tăng học phí để bù đắp”.

Tuy nhiên, ông Palomares cũng chia sẻ ông hy vọng các sinh viên ở Vương quốc Anh và phần còn lại của châu Âu sẽ tiếp tục giữ vững tình đoàn kết. Ông nói: “Sinh viên trên khắp châu Âu nhận thấy rằng hợp tác và thống nhất là nền tảng cho một châu Âu hòa bình, phát triển, các sinh viên hiện có trách nhiệm đi đầu trong việc đoàn kết, thống nhất khi đối mặt với sự thù địch và sợ hãi”.

Hiệp hội sinh viên toàn quốc của Anh đã bày tỏ sự thất vọng đối với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit và hối thúc chính phủ Anh lắng nghe ý kiến của sinh viên. Megan Dunn, Chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội sinh viên toàn quốc Anh, cho biết: “Chúng tôi có những câu hỏi cấp bách về mức độ ảnh hưởng của cuộc bỏ phiếu Brexit đối với sinh viên như thế nào, nhất là những sinh viên của các nước EU ở Vương quốc Anh và sinh viên Anh học tập ở các quốc gia EU khác, và kêu gọi chính phủ cung cấp những đảm bảo cho tình hình của họ”.

Bất chấp mong muốn rõ ràng của đa số cử tri Anh về sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với tình trạng nhập cư ngày càng phức tạp, các tổ chức giáo dục, các trường đại học của nước này đang nỗ lực để bảo vệ địa vị và cơ hội việc làm của các sinh viên quốc tế và đang tìm kiếm những sự đảm bảo cho họ từ phía chính phủ. Ông Jo Johnson, Bộ trưởng Bộ Đại học của Anh cho biết các sinh viên EU hiện nay và các ứng viên cho năm 2017 sẽ không phải đối mặt với bất cứ thay đổi nào về tài trợ và học phí.

Một số thông tin về Brexit và sinh viên châu Âu

*Có hơn 120.000 sinh viên EU (không kể sinh viên Vương quốc Anh) theo học ở Anh trong năm học 2014-2015.

*Số sinh viên các nước EU (không kể sinh viên Anh) chiếm 6,4% tổng số sinh viên đại học và sau đại học tại các trường đại học của Anh vào năm ngoái.

*Vương quốc Anh sẽ vẫn là một thành viên của Liên minh châu Âu trong ít nhất 2 năm nữa sau khi Điều 50 (Hiệp ước Lisbon) được áp dụng để bắt đầu tiến trình nước Anh chính thức rời EU.

*Những sinh viên các nước EU học ở Anh khi nước này chính thức rời EU có thay đổi trạng thái liên quan tới các yêu cầu thị thực của họ hay không còn chưa chắc chắn.

*Các sinh viên có thể phải trả mức học phí dành cho “sinh viên quốc tế” cao hơn và những hạn chế thị thực nếu họ ghi danh vào các trường đại học Anh sau khi nước này rời khỏi EU.

*Vương quốc Anh có thể tiếp tục tham gia vào chương trình học bổng Erasmus nhưng điều này không được đảm bảo.

Trần Thắng (Tổng hợp) – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 79, tháng 8/2016)