Quan điểm về quản lý giáo dục, nhận diện năng lực của người Hiệu trưởng

Quan điểm về quản lý giáo dục, nhận diện năng lực của người Hiệu trưởng

(GDTĐ) –

“Quản lý giáo dục” là lĩnh vực liên ngành, xuyên ngành

Lý luận “Quản lý giáo dục” được phát triển mạnh mẽ vào những năm cuối của thế kỷ XX do giáo dục trở thành tiêu điểm của sự phát triển. Lĩnh vực này vừa có tính liên ngành, vừa có tính xuyên ngành. Nếu công việc của một thầy giáo, cô giáo chỉ cần khái quát bằng Khoa học + Nghệ thuật thì người quản lý các thầy, cô giáo phải có: Học thuật + Nghệ thuật.

Dựa vào quan điểm này có công thức sau cho người quản lý giáo dục, quản lý nhà trường: Quản lý nhà trường = Học thuật + Nghệ thuật

 

Công thức trên theo cách biểu diễn của Toán học có thể biến đổi thành:

Quản lý nhà trường = (Học + Nghệ) thuật

Đến đây xuất hiện 3 phạm trù:

 

Phạm trù “Học” đề cập đến tầm nhìn, phạm trù “Nghệ” đề cập đến tính chuyên nghiệp và phạm trù “Thuật” đề cập đến phong cách của người quản lý nhà trường.

 

Người Hiệu trưởng dù phụ trách loại hình nào cũng phải kiến tạo cho mình sự hài hòa về Tầm nhìn – Tính chuyên nghiệp – Phong cách làm việc. Có thể minh họa qua tam giác ABC trong đó BC: Tầm nhìn, AB: Tính chuyên nghiệp, AC: Phong cách.

Nếu chỉ đi trên hai cạnh của tam giác mà không vươn sang cạnh thứ ba đều chưa thành công. Cũng chưa thật thành công nếu xây dựng tam giác mà giao điểm của ba đường cao lại rơi ra ngoài tam giác.

Ba năng lực căn bản của người Hiệu trưởng

Như vậy, ở phần trên đã khẳng định ba năng lực cần có của người Hiệu trưởng.

Tầm nhìn đòi hỏi ở người Hiệu trưởng phải có năng lực tư duy: Trong bối cảnh hiện đại, người quản lý nói chung, đặc biệt là người quản lý giáo dục (Hiệu trưởng) phải có 5 loại tư duy (ý tưởng của Howard Gardner – cha đẻ của thuyết Đa thông minh): Tư duy nguyên tắc; Tư duy tổng hợp; Tư duy sáng tạo; Tư duy tôn trọng; Tư duy đạo đức.

Tính chuyên nghiệp đòi hỏi người Hiệu trưởng phải có năng lực xử lý công việc: Thông thường khi xử lý công việc, người Hiệu trưởng cần phải biết kết hợp hài hòa bảy năng lực sau: Năng lực kế hoạch; Năng lực tổ chức; Năng lực chỉ đạo; Năng lực giám sát/kiểm tra; Năng lực ra quyết định; Năng lực điều chỉnh/điều phối; Năng lực xử lý thông tin.

Khái quát chung là: “Năng lực chọn việc đúng mà làm và năng lực làm khéo việc đã chọn” (right doing và doing right).

Luôn luôn phải biết phản biện lại “cái” mình định làm và “cách” mình xử lý. Nói gọn là: What/Why và How/Why.

Một số sách báo nói về quản lý hiện đại thường khuyên người quản lý bao giờ cũng phải sử dụng thuần thục ba từ: What, How, Why.

Cái gì? Tại sao là cái đó mà không phải là cái khác?

Cách gì? Tại sao là cách đó mà không phải là cách khác?

Phong cách đòi hỏi người quản lý phải có năng lực làm việc với con người: Năng lực làm việc với con người đòi hỏi người quản lý thực hiện sự quản lý “SM” (Soul management) khơi gợi được lương tâm, thức tỉnh được lương tri và phát triển được lương năng (năng lực lành mạnh) trong mỗi con người mình đang điều khiển.

Ba kiểu tác động đến con người của Hiệu trưởng

Người Hiệu trưởng thực hiện sự quản lý của mình theo các đối tượng đa dạng, song nhóm gộp lại thì có ba bộ phận chung sau:

–         Quản lý học sinh.

–         Quản lý giáo viên.

–         Quản lý cán bộ – nhân viên.

Peter Drucker, cha đẻ của lý thuyết quản lý hiện đại đã đề cập đến ba kiểu quản lý và có thể suy ra là ba năng lực quản lý mà người Hiệu trưởng cần rèn luyện đó là:

–         Năng lực quản lý của sĩ quan quân đội.

–         Năng lực quản lý của nhạc trưởng.

–         Năng lực quản lý của huấn luyện viên bóng đá.

Có một Hiệu trưởng từng đạt nhiều thành công trong thực tiễn kể lại rằng: Khi quản lý học sinh cần có phong cách của một người chỉ huy quân đội, khi quản lý giáo viên cần có phong cách của một nhạc trưởng và khi quản lý cán bộ – nhân viên cần có phong cách của một huấn luyện viên bóng đá (biết lúc nào đá theo đội hình “3-5-2”, lúc nào đá theo đội hình “4-4-2”…).

“Quản lý giáo dục” nói chung và “quản lý nhà trường” nói riêng càng ngẫm càng thấy vừa là học thuật vừa là nghệ thuật. Hai tác giả nổi tiếng của Trung Quốc là Lý Ân và Lý Dương trong cuốn “Nghệ thuật quản lý” đã đề cập đến mười nghệ thuật trong quản lý đó là: Nghệ thuật dùng quyền; Nghệ thuật dùng người; Nghệ thuật dùng mưu lược; Nghệ thuật dùng lý lẽ; Nghệ thuật dùng lợi ích; Nghệ thuật dùng tình thế và xu thế; Nghệ thuật dùng giới hạn; Nghệ thuật dùng tình cảm; Nghệ thuật dùng lời nói và Nghệ thuật dùng thời gian.

 

Nghiền ngẫm lý luận là cần, song cần hơn là sự tổng kết thực tiễn. Các bài học từ thực tiễn, từ những Hiệu trưởng giỏi luôn luôn là những “cây đời mãi mãi xanh tươi”.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo- Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 64 (tháng 4/2015)