Phát triển năng lực giao tiếp cho sinh viên khoa sư phạm tiểu học qua dạy tiếng Việt

Phát triển năng lực giao tiếp cho sinh viên khoa sư phạm tiểu học qua dạy tiếng Việt

(GDTĐ) – Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị TW 8 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo với quan điểm định hướng đào tạo chuyển trọng tâm quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức, kĩ năng sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học đã đặt ra vấn đề cấp bách trong đào tạo giáo viên. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai “Đề án xây dựng chương trình GDPT sau 2015” với sự đổi mới toàn diện, đồng bộ và nhất quán nền giáo dục từ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học đến kiểm tra đánh giá, chương trình được cấu trúc lại theo định hướng phát triển năng lực người học. Trong đó, năng lực giao tiếp (NLGT) được coi là một năng lực chính không thể thiếu trong việc đào tạo con người.

Tầm quan trọng của năng lực giao tiếp trong nghề sư phạm

Giao tiếp là mặt đặc trưng nhất trong hành vi của con người, nó không những là điều kiện quan trọng của sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức, nhân cách mà còn đảm bảo cho con người đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Đối với nghề dạy học, giao tiếp không những có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách người giáo viên mà còn là một bộ phận cấu thành hoạt động sư phạm, là thành phần chủ đạo trong cấu trúc năng lực sư phạm của người giáo viên. Giao tiếp là phương thức, công cụ cơ bản nhất để tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục. Do đó, vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ đào tạo nghề sư phạm là mỗi sinh viên phải được chuẩn bị và chủ động tự chuẩn bị cho mình về năng lực giao tiếp sư phạm, để khi bước vào nghề họ nhanh chóng thích ứng với công việc, sẵn sàng giải quyết ngay được những tình huống trong giao tiếp sư phạm. Nhà trường sư phạm là nơi thực hiện nhiệm vụ này. Muốn đạt kết quả tốt trong việc chuẩn bị năng lực giao tiếp cho sinh viên sau khi ra trường, trước tiên phải có sự đánh giá về đặc điểm giao tiếp của họ thông qua dạy học Tiếng Việt để làm cơ sở cho việc xác định chương trình, kế hoạch đào tạo một cách phù hợp.

Hiện nay, đại đa số sinh viên đã có được những tri thức, kỹ năng giao tiếp nhất định nhưng còn vụng về, nhút nhát, thụ động trong lớp học cũng như việc trao đổi giữa các bạn cùng học và với giảng viên. Vì vậy, phát triển năng lực giao tiếp cho sinh viên thông qua dạy học Tiếng Việt là việc làm hết sức cần thiết.

Một số giải pháp phát triển năng lực giao tiếp cho sinh viên sư phạm tiểu học trong dạy Tiếng Việt

*Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

a. Mục đích: Nhằm đánh giá thực trạng kỹ năng giao tiếp của sinh viên sư phạm tiểu học và các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp của SV hiện nay.

b. Nội dung: Xây dựng phiếu điều tra gồm 10 câu hỏi tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

+  Nhận thức của SV về KNGT

+  Thái độ của SV với các KNGT

+  Thói quen thực hiện các KNGT

+  Các yếu tố ảnh hưởng đến KNGT

c.  Cách tính điểm

Đối với những câu hỏi nhằm tìm hiểu quan niệm của SV về KNGT, để câu hỏi mở, qua đó SV bày tỏ nhận thức của mình về KNGT. Đối với những câu hỏi về vai trò của KNGT, đưa ra 5 mức độ khác nhau cho SV lựa chọn và yêu cầu các em giải thích lí do chọn. Sau đó tính số phần trăm, từ đó tìm hiểu được nhận thức của các em về KNGT.

Đối với những câu hỏi nhằm tìm hiểu thái độ thói quen hành vi của SV về KNGT, đưa ra ba mức độ “đồng tình, phân vân, không đồng tình” và “thường xuyên, đôi khi, không bao giờ” sau đó cho điểm 3,2,1 (tương ứng với lựa chọn của SV và tính điểm trung bình cho từng câu hỏi, từ đó đánh giá thái độ, thói quen, hành vi của các em.

Đối với các câu hỏi tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến KNGT, sử dụng câu hỏi 1 để tìm hiểu về những người ảnh hưởng, câu hỏi 2 tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ thói quen GT của SV. Dựa vào đó tính điểm trung bình cho mỗi yếu tố, từ đó đánh giá nhân tố và yếu tố nào ảnh hưởng nhiều nhất đến KNGT của các em.

d. Các bước tiến hành

Trắc nghiệm SV: nêu mục đích, yêu cầu, hướng dẫn SV cách trả lời câu hỏi một cách cụ thể.

+  Phát phiếu cho SV

+  Yêu cầu SV trả lời trung thực, đầy đủ, nghiêm túc các câu hỏi

+  Thời gian trả lời không quá 20 phút

+  Thu phiếu, xử lý số liệu để làm cơ sở rút ra kết luận khi cần thiết.

Ngoài phiếu điều tra cho SV, xây dựng phiếu hỏi cho GV và phụ huynh…

*Phương pháp quan sát

a. Mục đích: Tìm hiểu kỹ năng giao tiếp của SV trong thời gian ở giảng đường cũng như các hoạt động khác ở lớp, khoa, trường để làm rõ hơn kết quả từ các phương pháp khác.

b. Đối tượng quan sát: Quan sát biểu hiện KNGT của sinh viên khoa sư phạm tiểu học

– Nội dung quan sát: Kỹ năng giao tiếp

– Cách tiến hành: Thống nhất với giáo viên bộ môn Tiếng Việt và ban cán sự lớp xin dự giờ sinh hoạt lớp, giờ học tập trên lớp. Tham gia buổi sinh hoạt đoàn của liên chi, tham gia hoạt động phong trào của đoàn khoa tổ chức.

– Ghi kết quả quan sát theo mẫu.

– Tổng hợp biên bản quan sát, xử lý số liệu.

*Phương pháp xử lý tình huống giao tiếp

a. Mục đích: Bài tập tình huống được xây dựng nhằm đánh giá:

– Thực trạng nhận thức của SV về quy tắc chuẩn mực khi GT với người lớn, bạn bè.

– Khả năng lựa chọn hành vi, cử chỉ và lời nói về KNGT của SV

b. Nội dung: Đưa ra ba tình huống GT có tính mô phỏng, mỗi tình huống có 2 yếu tố lựa chọn là hành vi cử chỉ và lời nói. Trong mỗi yếu tố này có 4 phương án trả lời, trong đó SV chỉ được chọn cho mình phương án phù hợp nhất. Các tình huống này phản ánh rõ rệt các yếu tố cần đánh giá được xác định ở trên và đề nghị SV lựa chọn phù hợp với nhận thức và hành vi lời nói của mình nhằm đánh giá KNGT của SV.

c. Cách tính điểm: Mỗi tình huống mô phỏng 2 yếu tố lựa chọn:

– Hành vi, cử chỉ: Có 4 phương án trả lời, trong đó có một phương án tối ưu nhất phù hợp với chuẩn mực KNGT và 3 phương án giải quyết không phù hợp

– Lời nói: cũng tương tự như hành vi cử chỉ có 4 phương án trả lời, trong đó có một phương án tối ưu nhất phù hợp với chuẩn mực KNGT và 3 phương án giải quyết không phù hợp, rồi tính số lượng phần trăm đúng sai.

d. Cách tiến hành

– Phát phiếu mô phỏng tình huống giao tiếp cho từng SV

– Đề nghị SV đánh dấu vào các phương án lựa chọn thích hợp ở cột hành vi, cử chỉ và lời nói.

– Thời gian làm không quá 15 phút

– Sau đó thu phiếu, xử lý số liệu và rút ra kết luận.

*Phương pháp nghiên cứu chân dung

a. Mục đích: Phân tích một số trường hợp SV có KNGT ở mức độ khác nhau có liên quan đến hoàn cảnh sống. Tìm những nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ khác nhau đó

b. Cách tiến hành: Sau khi có kết quả khảo sát sơ bộ, tiến hành lựa chọn 5 SV có mức độ biểu hiện KNGT ở mức độ khác nhau và có thể gặp gỡ trao đổi với những SV để có thông tin cụ thể hơn.

*Phương pháp phỏng vấn

Ngoài các phương pháp trên, sử dụng thêm phương pháp phỏng vấn nhằm tìm hiểu thông tin biểu hiện về nhu cầu giao tiếp của sinh viên.

a.Mục đích: Nhằm tìm hiểu thêm thông tin về thực trạng KNGT của SV để làm khách quan kết quả nghiên cứu.

b. Đối tượng phỏng vấn: tiến hành phỏng vấn một số đại diện tiêu biểu nhằm bổ sung các số liệu bằng phiếu trưng cầu ý kiến với nội dung soạn sẵn.

c. Phỏng vấn trực tiếp: khi phỏng vấn thật tế nhị, gây được cảm tình đối với người phỏng vấn, tạo sự thoải mái trong cuộc trao đổi, nắm bắt thái độ biểu hiện của đối tượng được phỏng vấn thông qua nội dung câu hỏi.

*Tổ chức thực nghiệm tác động

Với 45 SV thuộc nhóm thực nghiệm tác động, tiến hành:

Trang bị cho các em một số kiến thức về KNGT: Cung cấp tài liệu và lên lớp giảng cho các em về KNGT.

-Trò chuyện với các em về những vấn đề có liên quan.

Tiến hành thảo luận nhóm về các vấn đề GT có văn hóa: với 45 SV, chia ra 6 nhóm, mỗi nhóm thảo luận một vấn đề sau đó trình bày trước lớp, các nhóm nhận xét bổ sung cho nhau.

-Giải quyết các bài tập tình huống theo nhóm.

Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao hiểu biết cho SV về KNGT đối với người lớn, bạn bè và người thân.

Dạy học và đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực nói chung và phát triển năng lực giao tiếp nói riêng là một quan điểm mang tính chiến lược của mỗi quốc gia cũng như trong mỗi nhà trường. Đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục, rất cần sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Bộ GD&ĐT, sự trợ giúp của sở GD&ĐT và liên kết hợp tác của các phòng GD&ĐT, các trường học ở địa phương. Bên cạnh đó, nhà trường cần coi trọng công tác phát triển đội ngũ theo Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 28/11/2014 của Bộ GD&ĐT và BNV. Thực hiện tốt công tác đào tạo sinh viên theo hướng phát triển năng lực và chú trọng đào tạo sinh viên sư phạm về phát triển NLGT. Bởi SV sư phạm là những người GV trong tương lai, họ cần được cung cấp những tri thức, NLGT nhằm giúp họ sống tốt, làm việc thành công trong các mối quan hệ xã hội, trong môi trường làm việc của mình và hoàn thành sứ mệnh của một nhà giáo đào tạo ra những thế hệ tương lai có chất lượng cho đất nước, phát triển hòa nhập với thế giới.

Ths. NCS Lê Thị Hồng – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 96, tháng 12/2017