Những “mùa xuân” đam mê sáng tạo
(GDTĐ) – “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, lời khẳng định của Bác Hồ trong thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước nhân dịp Tết 1946 đã trở thành kim chỉ nam trong việc xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong suốt 70 năm qua, đồng thời nhắc nhở người trẻ có ý thức về vai trò quan trọng của mình với sự phát triển của Tổ quốc. Học theo lời dạy của Bác, học sinh Thủ đô đã không chỉ học tập tốt, rèn luyện tốt mà còn tích cực nghiên cứu khoa học với mong muốn đưa đất nước phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhìn lại những sáng tạo của các em tại Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Thành phố (Hasef) năm học 2015- 2016 có thể thấy, các em đã thực sự là những “mùa xuân” của xã hội, mang đến những hy vọng về một Việt Nam giàu có, thịnh vượng trong tương lai.
Ánh sáng khoa học soi đường
Ở ngôi trường THPT Thăng Long, ai cũng nhắc đến Nguyễn Thị Mỹ Linh (lớp 11D2) với sự khâm phục nghị lực của cô học trò nhỏ này. Cuộc đời đã không cho Mỹ Linh có được đôi mắt tinh anh, lành lặn. Tuy nhiên, quyết tâm chinh phục con chữ và kiến thức khoa học để soi sáng tương lai đã giúp em vượt qua mọi khó khăn trên con đường đến trường. Từ nhỏ, Mỹ Linh đã sống xa gia đình để học tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu với ước mong mai này sẽ có thể tự kiếm sống và giúp đỡ những người như mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng đã từ lâu em ấp ủ chế tạo ra một sản phẩm công nghệ giúp người khiếm thị bớt đi nhọc nhằn.
Mỹ Linh Chia sẻ: “Từ trải nghiệm thực tế của bản thân em và sự quan sát các bạn khiếm thị khác, em thấy việc tìm kiếm một đồ vật nào đó của mình gặp khá nhiều khó khăn và tốn thời gian vì người khiếm thị không thể bao quát mọi vật bằng mắt mà chỉ có thể kiểm soát bằng đôi bàn tay. Vậy nên cứ mỗi khi muốn tìm đồ vật gì là lại phải sờ xung quanh. Việc làm đó có lúc đem lại hiệu quả nhưng cũng có lúc không vì chẳng may bị sờ sót một vị trí nào đó hoặc đồ vật mình cần tìm không nằm trong phạm vi mình có thể sờ thấy. Nhận ra khó khăn đó và ưu thế thính giác của người khiếm thị, em có ý tưởng xây dựng và chế tạo thiết bị xác định vị trí đồ vật cho người khiếm thị”.
Ý tưởng đã có từ lâu, tuy nhiên, để có thể biến những sáng kiến ấy trở thành sản phẩm hữu hình đòi hỏi Mỹ Linh nhiều công sức, nỗ lực. Trước tiên, cô học trò nhỏ đã tìm kiếm và nghiên cứu tài liệu ở thư viện, trên internet và các tài liệu khoa học của nước ngoài. Sau đó, Mỹ Linh đã vận dụng tri thức lĩnh hội được từ trong nhà trường, đặc biệt là Toán học, Vật lý và Công nghệ thông tin. Linh phải tìm ra nguyên lý vận hành sản phẩm, đo đếm chính xác tỷ lệ, kết cấu các bộ phận, đồng thời phải sử dụng máy tính với các phần mềm thiết kế để tạo ra mô hình sản phẩm. Bố mẹ ở xa, nữ sinh này phải ở trọ gần trường để tiện cho việc học tập. Vì vậy, khó khăn khi thực hiện công trình nghiên cứu không chỉ về vấn đề kinh phí mà còn ở việc tìm kiếm, mua các vật liệu cần thiết cho công trình nghiên cứu của mình.
Đã có lần Mỹ Linh nản chí bởi tìm mãi mà không thấy được vật liệu mình cần, rồi khi lắp ráp xong nhưng sản phẩm thử nghiệm không hoạt động… Tuy nhiên, với sự đam mê và kiên trì, cuối cùng em cũng đã tạo ra được sản phẩm như mình mong muốn. Thiết bị gồm 1 điều khiển có 8 nút tương ứng với 8 thiết bị nhận đã được viết sẵn chương trình với mã là một chữ số để gắn vào các đồ dùng cần thiết. Khi sử dụng, người dùng muốn xác định thiết bị thu nào thì ấn vào nút tương ứng của thiết bị đó. Khi ấy lệnh sẽ được gửi đến các thiết bị nhận. Khi nhận lệnh, vi xử lí của các thiết bị nhận sẽ kiểm tra lệnh đó có chùng khớp với nó không. Nếu khớp, thiết bị nhận sẽ phát ra âm thanh thông qua loa chip. Âm thanh này sẽ kết thúc khi người dùng không bấm nút ấy nữa hay nói cách khác là nhả tay khỏi nút đó. Khác với các thiết bị đã có trên thị trường, thiết bị xác định vị trí đồ vật cho người khiếm thị của Mỹ Linh có thể giúp người dùng xác định được chính xác những đồ vật cần thiết trong khi các thiết bị đang lưu hành trên thị trường không đảm bảo được tính năng đó. Bên cạnh đó, nó còn ưu điểm giá thành rẻ và rất gọn nhẹ, có thể gắn vào móc khóa hay vé xe buýt, giúp người khiếm thị dễ dàng mang theo mọi lúc. Sản phẩm này đã được thử nghiệm với các học sinh khiếm thị tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu dùng thử và mang lại hiệu quả bất ngờ.
Khi cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học được phát động, Mỹ Linh đã mạnh dạn mang Đề tài: “Thiết bị xác định vị trí đồ vật cho người khiếm thị” đi thi với mong muốn chia sẻ sáng kiến với các chuyên gia và những bạn bè yêu thích khoa học, đón nhận những góp ý để ngày càng hoàn thiện hơn nữa sản phẩm của mình. Sản phẩm đã được các nhà khoa học đánh giá cao và đoạt giải Nhất lĩnh vực, giải Nhì toàn cuộc của cuộc thi Hasef cấp Thành phố.
Sáng tạo vì cộng đồng
Nhìn vào danh sách đề tài sáng tạo của học sinh Hà Nội trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật năm 2015 có thể thấy, đa phần các đề tài đều xuất phát từ trải nghiệm của các em và hướng đến cộng đồng. Nhiều công trình đã giải quyết những vấn đề cấp thiết mà các nhà quản lý đang gặp phải như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp hiện đại…
Một trong những đề tài tạo được ấn tượng mạnh cho các chuyên gia và đạt giải Nhất toàn cuộc cấp Thành phố là “Nghiên cứu xây dựng quy trình và tạo kháng thể kháng độc tố Fumonisin B1 từ lòng đỏ trứng gà”. Tác giả của đề tài, hai học sinh “Nguyễn Minh Hiếu (lớp 12 Sinh, THPT Chu Văn An) và Đoàn Ngọc Hiếu (10 Toán 1, THPT Amsterdam) chia sẻ: “Nước ta là nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, rất thuận lợi cho nấm mốc phát triển. Cho tới nay, đã phát hiện được hàng trăm loài nấm mốc và độc tố nấm mốc có mặt trong thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn. Nấm mốc phát triển trên lương thực không những sử dụng các chất dinh dưỡng của hạt: protein, glucid, lipit và các vitamin, chúng còn tiết ra các độc tố đặc biệt nguy hiểm với sức khỏe con người và động vật. Tuy nhiên khác với độc tố của vi khuẩn, độc tố vi nấm (mycotoxin) không phải là protein nên hệ miễn dịch của người và động vật khó phát hiện sự có mặt các độc tố này. Hiện có 20 loại độc tố mycotoxin có trong thực phẩm và ngũ cốc, đã được xác định là có liên quan chặt chẽ đến an toàn thực phẩm. Trong đó, Fumonisin là độc tố mới được phát hiện gần đây, là nhóm các mycotoxin có độc tính cao với động vật và người. Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để sàng lọc, định lượng fumonisin là dựa trên kỹ thuật miễn dịch và sắc ký như ELISA, HPLC, LC/MS. Tuy nhiên, các kỹ thuật trên đòi hỏi kĩ thuật viên có trình độ, phương tiện và trang thiết bị hiện đại, các kit chẩn đoán đa phần nhập ngoại nên giá thành xét nghiệm cao. Gần đây, kĩ thuật chế tạo kháng thể từ lòng đỏ trứng gà (Immunoglobulin Yolk – IgY) được đề cập và ứng dụng nhiều đã mở ra một hướng nghiên cứu mới trong chế tạo kháng thể nhằm chế tạo kit phát hiện độc tố. Chính vì vậy, chúng em đã hợp tác với nhau để tiến hành nghiên cứu với mong muốn sẽ tạo ra một kháng thể chống lại độc tố này”.
Không chỉ quan tâm đến khoa học tự nhiên, học sinh Thủ đô còn dùng khoa học để giải thích các vấn đề xã hội và tìm giải pháp để điều chỉnh những hiện tượng tiêu cực. Trong số 82 đề tài tại cuộc thi, lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi có số lượng đề tài nhiều nhất với 18 đề tài. Có những vấn đề gần gũi với học sinh hàng ngày nhưng không phải ai cũng biết nhìn nhận dưới góc độ khoa học, chẳng hạn như “ngôn ngữ teen”. Hai học sinh Phạm Thành Long và Trương Minh Trí, lớp 10A4, trường THPT Phan Huy Chú đã đi tìm giải pháp để thay đổi hành vi nhằm điều chỉnh sự lạm dụng “ngôn ngữ teen” của học sinh. Nói về đề tài của mình, các em cho biết: “Ngôn ngữ teen là hiện tượng biến thể về ngôn ngữ, được các học sinh sử dụng phổ biến trong giao tiếp hàng ngày. Việc sử dụng ngôn ngữ này đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như sự biến dạng của ngôn từ, sự lai căng, pha tạp của các thể loại ngôn ngữ làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt. Vấn đề đặt ra là làm sao để học sinh vừa có thể thỏa chí sáng tạo và thể hiện tính cách cá nhân, sự hài hước của bản thân trong việc sử dụng “ngôn ngữ teen” nhưng vẫn tránh được những tác động tiêu cực của ngôn ngữ này trong cuộc sống”.
Một điều đáng mừng khi sáng tạo khoa học, kỹ thuật hiện nay đã thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh nhỏ tuổi. Cuộc thi cấp Thành phố có tới 24 đề tài của học sinh các trường THCS với những đề tài rất hữu ích, thiết thực với tầm nhìn không hề “nhỏ” so với lứa tuổi của các em. Đơn cử như đề tài “Xét mối liên hệ tương quan giữa ba thiên thể trong hệ mặt trời” của hai học sinh Nguyễn Cẩm Nhung và Bùi Ngọc Mai, lớp 8G trường THCS Dịch Vọng. Các em cho biết mục đích nghiên cứu giúp học sinh có cái nhìn khách quan về các hiện tượng trong tự nhiên, về những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng và ảnh hưởng của nó tới đời sống, đồng thời hy vọng những đóng góp của đề tài sẽ là những tham khảo hữu ích cho các bạn học sinh trên mọi miền của tổ quốc. Hơn nữa, đề tài còn làm rõ điều kiện xảy ra, mô tả hiện tượng nhật thực, nguyệt thực và nguyên nhân thủy triều, sự ảnh hưởng của thủy triều đến đời sống.
Trong khi đó, nhóm học sinh của trường THCS Lương Mỹ, huyện Chương Mỹ lại lựa chọn đề tài chưng cất tinh dầu, tạo ra sản phẩm đuổi muỗi trong nhà từ sả chanh, húng thơm bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước làm dung dịch đuổi muỗi, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Sản phẩm thành công là tinh dầu sả vàng nhạt, không màu trong suốt, giá thành thấp hơn so với các sản phẩm trên thị trường. Còn học sinh của trường THCS Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), một huyện xa xôi và còn nhiều khó khăn của Thủ đô đã nghiên cứu “ảnh hưởng của mạng xã hội tới lối sống của giới trẻ và giải pháp”. Không chỉ phân tích những mặt trái của mạng xã hội, các em còn thành lập câu lạc bộ những người yêu internet để tuyên truyền trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa… về cách sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tích cực, từ đó hạn chế tác động tiêu cực của mạng xã hội tới học sinh.
Nhìn vào những công trình nghiên cứu của học sinh Thủ đô, người lớn có thể thấy được nhiều điều đáng mừng ở tuổi trẻ. Điều dễ nhận thấy nhất là các em không sống ích kỷ, vô tâm mà có sự quan sát cuộc sống xung quanh, phát hiện những vấn đề tồn tại để tìm ra những giải pháp cải thiện tình hình. Các em đã biết quan tâm đến những người xung quanh mình, cùng lo những nỗi lo của xã hội. Các em cũng đã biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, là minh chứng rõ nét cho thành quả của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo đang được ngành GD&ĐT tích cực triển khai. Từ những công trình nghiên cứu của các em cũng xuất hiện những tài năng trẻ với sự nghiêm túc trong sáng tạo, mang đến hy vọng vào những “mùa xuân đầy quả ngọt” cho Tổ quốc trong tương lai.
Tô An(Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 73+74, tháng 1-2/2016)