Những giọt nước mắt trong ngày Lễ tri ân trưởng thành của trường THPT Yên Hòa
(GDTĐ) – Tối 26/5, gần 500 học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đã chia tay tuổi học trò trong buổi lễ Tri ân trưởng thành ngập tràn cảm xúc. Học sinh, giáo viên và cả các bậc CMHS đã xúc động khi được nói lên những lời muốn nói và nghe lời chia sẻ của hiệu trưởng nhà trường.
Lễ Tri ân trưởng thành của học sinh K56 khóa 2015 – 2018 trường THPT Yên Hòa được đặt chủ đề là “Tôi 18: Hạ Vũ”. Đây không chỉ là buổi lễ chia tay tuổi học trò với những màn biểu diễn văn nghệ đặc sắc mà còn là dịp để các em học sinh bày tỏ lòng biết ơn của mình tới cha mẹ và các thầy cô giáo. Chính vì vậy, cùng dự với thầy trò trường THPT Yên Hòa còn có đông đảo các bậc CMHS và người thân của các em.
Những nội dung của buổi lễ đã cho thấy sức sáng tạo và sự năng động của học sinh trường THPT Yên Hòa. Các em dàn dựng chương trình với một kịch bản xuyên suốt. Điểm nhấn của chương trình phải kể đến các video clip các em tự quay ghi lại những kỷ niệm sâu sắc mà các em đã có trong 3 năm học tại trường, những chia sẻ thẳng thắn, cảm xúc thật của các em về thầy cô, mái trường và cả những người bạn. Còn có cả những nhận xét, lời nhắn nhủ của thầy cô giáo chủ nhiệm tới các em. Bên cạnh đó các em còn dàn dựng các tình huống về mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, về những khó khăn mà các em đang phải gặp phải ở tuổi mới lớn và những thiếu sót của cha mẹ khi chưa hiểu các em với cách xử lý nhân văn. Các em cũng đọc lên những lá thư, lời muốn nói của mình tới bố mẹ và lời nhắn nhủ của bố mẹ với các em.
Giây phút xúc động nhất trong chương trình là khi cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu với học sinh trước khi các em chia tay tuổi học trò. Những lời tâm sự, chia sẻ của cô đã khiến nhiều thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh nhà trường rơi nước mắt xúc động. Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp đã mời tất cả các bậc CMHS cùng các con xích lại gần nhau rồi mới bắt đầu cuộc trò chuyện với lời nhắn gửi: “Hãy đến bên cha mẹ mình và gửi tới cha mẹ kính yêu những điều các con muốn nói, muốn xin lỗi. Có thể 18 năm qua, con chưa từng một lời cảm ơn, chưa từng một lời xin lỗi cha mẹ mình. Không phải vì con không biết mình có lỗi mà vì cái tính bướng bỉnh của tuổi dở ương, cái ngạo nghễ của tuổi trẻ. Các con hãy ôm thật chặt cha mẹ mình và nói những lời cần nói của một người con: “Con yêu cha! con yêu mẹ! con xin lỗi cha! con xin lỗi mẹ!”. Nếu khóc được, con hãy khóc cho lòng nhẹ nhàng hơn. 18 năm là cả 1 quá trình rất dài từ 1 sinh linh nhỏ bé đã trưởng thành như ngày hôm nay”.
Cô Nhiếp đã nhắn nhủ học trò: “Có thể nhiều con không biết rằng, mình là lứa học trò đi vào lịch sử. Với con số năm sinh 2000, tên gọi “rồng vàng”, các con chính là những người đầu tiên, những người thực sự của thế kỉ 21. Các con rời xa mái trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng hành cùng các con 2 năm cuối, cô đã cố gắng làm tất cả những gì có thể được cho các con nhưng giờ phút này đây, lòng cô vẫn khắc khoải lo lắng về lứa học trò đón nhận và đương đầu với cách mạng 4.0… Hội nhập quốc tế không đơn thuần là hội nhập trí tuệ mà còn là hội nhập cả đạo đức và nhân cách. Những giá trị nền tảng, có tính chất phổ cập toàn cầu của đạo đức ngày nay là: trung thực, trách nhiệm, tôn trọng. Khi sống trung thực, trách nhiệm, tôn trọng, các con sẽ biết chấp nhận thất bại với lòng kiêu hãnh, biết chấp nhận lời phê bằng tư thế đĩnh đạc, biết nhận vinh dự với sự nhún nhường, biết yêu thương những người thân yêu của mình, biết trân trọng từng phút giây ấm áp được ở bên gia đình. Khi sống trung thực, trách nhiệm, tôn trọng, các con sẽ trở nên đáng tin cậy, được tôn trọng trong mọi mối quan hệ, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thu phục và thuyết phục người khác trong xu thế hội nhập quốc tế”.
Tô An