Nhạc sỹ Phú Quang: Niềm tin mang đến cho đời những bản tình ca

Nhạc sỹ Phú Quang: Niềm tin mang đến cho đời những bản tình ca

(GDTĐ) – Nhắc đến nhạc sỹ Phú Quang, người ta nghĩ ngay đến người nhạc sỹ của những bản nhạc tự sự trữ tình, sâu lắng, da diết đi vào lòng người như: Em ơi, Hà Nội phố; Lãng đãng chiều đông Hà Nội; Nỗi nhớ mùa đông; Điều giản dị; Dòng sông không trở lại; Tình khúc 24; Biển nỗi nhớ và em…

 

Ngồi với anh trong quán cà phê vào một sáng mùa thu ngoài trời lất phất mưa bay, nghe anh tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề mới thấy thấm thía cuộc đời người nghệ sỹ có những lúc thăng trầm, có cái được cái mất không phải ai cũng hiểu. Nhưng rồi đọng lại tất cả vẫn là niềm tin, là những điều tốt đẹp vẫn hiện hữu cùng sự yêu mến của người hâm mộ giúp anh thăng hoa hơn để tiếp tục dâng tặng cho đời những bản tình ca nồng nàn, đắm say.

Lắng đọng những bản tình ca

Nhạc sỹ Phú Quang sinh năm 1949. Cơ duyên đưa Phú Quang đến với nghề sáng tác đó là khi anh 17 tuổi, sau nhiều lần thất vọng về lòng tin vì bị đối xử không công bằng ở cái tuổi có bao nhiêu ước mơ hoài bão. Và cũng vì mất lòng tin mà chỉ trong một đêm thức trắng anh đã cho ra đời bản nhạc đầu tiên với tên gọi “Niềm tin”. “Niềm tin” ấy anh đã có được từ một câu nói khích lệ, động viên của một thầy hiệu trưởng trường nhạc rằng: “Thầy tin người như em chắc chắn sau này sẽ thành công vì thầy đọc được điều đó trong con người em”. Và trong cái đêm thức trắng ấy, anh đã nghiệm ra một điều rằng sáng tác cũng như người ta đi cầu nguyện. Cầu nguyện không phải để xin chúa trời ban cho một cái gì mà là để người ta nói ra được những bức bối trong lòng và người nghệ sỹ sáng tác cũng vậy không phải hy vọng cuộc đời cho mình cái gì mà là một cách để giải tỏa những nỗi buồn, để nhìn cuộc đời một cách bình thản hơn.

Âm nhạc của Phú Quang chủ yếu là những bản tình ca lấy cảm hứng xoay quanh nỗi buồn vui của con người. Bởi theo anh những tác phẩm gần gũi nhất là những tác phẩm viết về con người. Cũng bởi vậy những cung bậc cảm xúc buồn, vui, nhớ thương, khao khát đã được anh đưa vào trọn vẹn trong các tác phẩm của mình.

Với Phú Quang, viết là hoài niệm về những gì đã qua, bởi vậy anh cứ đắm đuối để những hoài niệm ấy lắng đọng vào những bản tình ca đưa người nghe ùa về những miền ký ức, nhớ về một góc phố, một con đường, về một tình yêu đã qua, để cùng chìm đắm trong những cảm xúc buồn, vui, hạnh phúc, nhớ thương, tiếc nuối để rồi thấy thêm yêu cuộc sống này và trân trọng hơn những gì mình đang có.

Dường như Phú Quang yêu tất cả những gì thuộc về Hà Nội. Nào là một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may, một Hà Nội đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương, một Hà Nội với rất nhiều sinh linh mồ côi trong cây bàng mồ côi mùa đông, nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông… Nhạc sỹ tâm sự thực ra anh có tới hơn 400 tác phẩm trong đó chỉ có hơn 20 bài hát về Hà Nội nhưng may mắn được người nghe đón nhận và hát nhiều. Trong cái gia tài âm nhạc đồ sộ ấy chỉ có hơn 20 bài hát viết về Hà Nội nhưng chắc hẳn phải yêu Hà Nội đến thế nào thì anh mới có được những sáng tác đi vào lòng người như vậy. Để rồi khi nhắc đến Em ơi, Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội hay Lãng đãng chiều đông Hà Nội… là người nghe lại nhớ ngay đến nhạc sỹ Phú Quang. Ngoài ra anh cũng viết nhiều về các vùng đất khác nhau, về con người, về nỗi buồn. Buồn không phải bởi vì lo chuyện cơm áo, gạo tiền mà vì anh mong muốn khát khao làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho cuộc đời này.

Là một người có biệt tài phổ nhạc cho thơ, nhạc sỹ Phú Quang quan niệm thơ không phải ca từ, không phải lời thơ như thế nào thì phổ nhạc như thế mà anh chỉ mượn cái tứ của các nhà thơ để từ đó phát triển đẩy đến ý của mình. Rất ít bài thơ anh lấy nguyên để phổ nhạc, có những bài anh chỉ dùng 8 chữ hoặc một câu nhưng vẫn lấy tên tác giả bởi anh trân trọng và cảm ơn họ, bởi không có cái tứ thơ ấy thì anh cũng không có được những tác phẩm được khán giả đón nhận. Chẳng hạn chỉ từ 8 chữ “Vội vã trở về, vội vã ra đi” trong bài thơ Hà Nội của nhà thơ Doãn Thanh Tùng mà anh đã có được tác phẩm “Hà Nội ngày trở về” để rồi “Chẳng thể nào qua hết từng con phố. Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió, và rêu phong bên những gốc cây già”. Và cũng bởi trân trọng và biết ơn các nhà thơ mà bao giờ anh cũng trả họ nửa tiền tác phẩm. Theo anh các nhà thơ thiệt thòi đủ thứ vì vậy phải sòng phẳng với họ, đấy là cái lẽ sống ở đời.

 

Còn lại niềm tin

Với một người đàn ông, sau tất cả thì điều trân quý nhất vẫn là một mái ấm gia đình cùng người vợ đảm và những người con ngoan ngoãn, thành đạt. Phú Quang cho rằng trong tình yêu, hai người phải biết tôn trọng lẫn nhau và anh đã may mắn có được điều đó. Trong 3 người con của Phú Quang thì chỉ có người con cả -nghệ sỹ, tiến sỹ Piano Trinh Hương là theo con đường âm nhạc cùng cha. Trinh Hương có năng khiếu âm nhạc từ bé và cũng ảnh hưởng tính tự lập từ cha. Cô sang Nga học từ năm 13 tuổi và hiện đã có chồng là nghệ sỹ Violon tài năng Bùi Công Duy. Hình ảnh Phú Quang trực tiếp chỉ huy dàn nhạc, chơi piano và hát cùng con gái, con rể trong các đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng người hâm mộ về những đêm nhạc có sự hội tụ của những tài năng trong cùng một gia đình.  

Tháng 11 tới, nhạc sỹ Phú Quang sẽ mang đến cho người hâm mộ 2 món quà. Đó là 4 đêm nhạc Phú Quang với 2 chương trình khác nhau giới thiệu những tác phẩm đã được người nghe yêu mến cũng như một số tác phẩm mới của anh. Đêm nhạc có sự tham gia của những ca sỹ mà tên tuổi gắn liền với dòng nhạc Phú Quang như  Ngọc Anh, Hồng Nhung, Thanh Lam… Đặc biệt, anh sẽ cho xuất bản cuốn sách với tựa đề “Chuyện bình thường và những ghi chép lăng nhăng”. Ở đó  ngoài phần giới thiệu 81 bài hát của anh cùng xuất xứ của nó, còn lại sẽ là phần mà theo anh là “những ghi chép lăng nhăng” nhưng anh chắc chắn rằng những điều ghi chép trong đó là sự thật. Là những câu chuyện thăng trầm của cuộc đời anh, là những cái được cái mất. Mặc dù ở đó có những câu chuyện hơi khốc liệt nhưng được anh viết với một thái độ bình tĩnh, bởi sau những thị phi ở đời điều đọng lại trong anh vẫn là niềm tin. Niềm tin ấy anh đã có được từ người thầy hiệu trưởng trường nhạc năm nào, niềm tin ấy còn được mang đến từ một cô giáo dạy anh từ hồi anh học lớp 5. Chính nhờ sự bao dung, nhân hậu của cô mà sau này mỗi khi gặp những điều không may mắn anh đã nghĩ về cô để vững vàng hơn. Và còn nhiều người tốt nữa mà anh đã gặp trong đời. Cuối cùng, niềm tin ấy còn được thắp sáng lên bởi những đêm nhạc của anh mà dù muộn vẫn được khán giả ngồi xem đến cùng. Còn gì hạnh phúc hơn với người nghệ sỹ là được công chúng yêu mến và chỉ có anh mới biết không chỉ tài năng mà chính sự lao động cần cù, nghiêm túc đã tạo nên một Phú Quang của ngày hôm nay.

Lệ Huyền – (Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 80, tháng 9/2016)