Nhạc sỹ Nguyễn Hà Hải: Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi luôn là niềm đam mê của tôi

Nhạc sỹ Nguyễn Hà Hải: Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi luôn là niềm đam mê của tôi

(GDTĐ) – Từng là một nhà giáo, một Tổng phụ trách Đội nhiều năm, nhạc sỹ Nguyễn Hà Hải (tên thật là Nguyễn Quang Hải)–nguyên Phó trưởng phòng Văn hóa Văn nghệ – Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, hiện là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Thành phố Hà Nội, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành rất nhiều tình cảm cho các em thiếu nhi thông qua các ca khúc vừa ngắn gọn, vừa dễ hiểu, dễ hát. Không chỉ vậy, anh còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước qua các ca khúc viết về những vùng đất mà anh đã đặt chân tới. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giáo dục Thủ đô về dự định sáng tác trong thời gian tới, nhạc sỹ Hà Hải cho biết anh đang ấp ủ và sẽ tiếp tục cho ra đời những bài hát dành cho trẻ em bởi anh luôn mong muốn các em được hát những ca khúc vừa phù hợp với lứa tuổi vừa mang đậm bản sắc dân tộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Hà Hải

Viết cho thiếu nhi phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ

* Là người có rất nhiều sáng tác cho thiếu nhi được công chúng yêu mến và ghi nhận, xin anh cho biết xuất phát từ đâu mà anh lại đam mê viết các ca khúc cho thiếu nhi đặc biệt là cho lứa tuổi mẫu giáo?

– Từ nhỏ tôi đã được gia đình cho học đàn Violon. Năm lớp 6, khi học ở trường cấp 2 Quang Trung, chính thầy giáo dạy nhạc cho tôi lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Đình Phúc đã gieo vào tâm hồn chúng tôi tình yêu âm nhạc qua các hợp xướng nhỏ như Bạch Đằng Giang, Tiến về Hà Nội… Sau này lớn lên, tôi tự học ghi ta, tập đánh đàn, khi vào học tại khoa Sinh -Địa trường Đại học Sư phạm hệ cấp 2, tôi đã cùng những người bạn của mình lập nhóm nhạc đi hát tại các đám cưới, ở sinh nhật của bạn bè… Năm 1971, sau khi tốt nghiệp, tôi được phân về dạy ở trường cấp 2 Mỹ Đình đồng thời làm Tổng phụ trách Đội. Những mùa hè được đi học tập huấn các bài hát để về hướng dẫn cho các em nên tôi thuộc rất nhiều ca khúc thiếu nhi của các nhạc sỹ như: Huy Du, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Phong Nhã, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Mộng Lân, Hoàng Hà… Từ những ca khúc được nghe và được hát trực tiếp cộng với bản tính thích ca hát và sáng tác, tôi đã quyết tâm sáng tác ca khúc cho thiếu nhi bởi vì hoạt động đội rất cần các bài hát mang tính phong trào vì vậy tôi cứ tự học, tự nghiên cứu và tự viết một số bài hát chủ đề về nhà trường. Tôi đam mê sáng tác ca khúc cho thiếu nhi từ lúc nào không hay. Năm 1978, tôi tham gia lớp học sáng tác ở Nhà Văn hóa TP. Các thầy giáo như Hoàng Lân, Hồ Bắc, Hồng Đăng đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Năm 1982, tôi nhận được 4 giải thưởng của Sở GD&ĐT Hà Nội về sáng tác trong đó có bài hát Hoa thơm dâng Bác (ca khúc này được chọn là 1 trong 50 ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX).

Từ năm 1984, khi con gái đầu của tôi được 4 tuổi, với tình yêu con, tình yêu trẻ, tôi đã viết bài “Cá vàng bơi”, “Vì sao chim hay hót”, “Tiếng chào theo em”… Sau này, bé Xuân Mai đã hát những bài hát này và những bài hát đó đã được phổ biến rộng rãi cho các bé ở lứa tuổi mẫu giáo.

*Xin anh chia sẻ một chút về kỷ niệm khi viết ca khúc đầu tiên?

Ca khúc đầu tiên tôi viết lại không phải là một ca khúc thiếu nhi mà là một bài hát dành cho người yêu cùng học sư phạm, sau này là vợ tôi. Đó là bài hát “Hoàng hôn bên sông”. Lúc đó, tôi thấy các bạn cùng trang lứa thích hát những bài hát về các dòng sông của nước ngoài như Nga, Pháp, Na-Uy. Tôi đã nghĩ các dòng sông của Việt Nam cũng rất đẹp, tại sao mình lại không viết một bài hát về dòng sông của nước mình. Vậy là từ suy nghĩ đó mà ca từ và giai điệu của bài hát cứ thế đến một cách tự nhiên. Tình yêu cảnh đẹp quê hương đất nước hòa với tình yêu đôi lứa đã làm nên ca khúc đầu tiên này của tôi: “Hoàng hôn lưu luyến bên sông êm đềm/ Mờ xa Thành phố lung linh ánh đèn/Tình em sông xanh chảy về biển sáng…./Để tình ta mãi bền lâu…”. Các bạn ở trong trường sư phạm đã rất thích bài hát đó và hát mỗi khi nhớ nhà. Bài hát tự lan truyền và được rất nhiều người đến bây giờ vẫn còn nhớ.

*Vậy, ca khúc nào để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất?

Có thể nói, ca khúc để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất đó là bài hát “Suối cá Bác Hồ”. Chính nhạc sỹ Phong Nhã đã gợi ý và giúp đỡ tư liệu để tôi viết lời bài hát. Lúc đầu tôi định viết là “Ao cá Bác Hồ trên vùng cao” nhưng nhạc sỹ Phong Nhã đã góp ý cho tôi sửa thành “Suối cá Bác Hồ”. Bài hát đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và được in đúng ngày 19/5/1979 trên Báo Nhân dân. Bài hát này đã để lại kỷ niệm sâu sắc trong tôi bởi nếu không được sự giúp đỡ của nhạc sỹ Phong Nhã và nhạc sỹ Hoàng Hà, Mộng Lân (Đài Tiếng nói Việt Nam) thì tôi đã không thể có được một ca khúc mang đậm dấu ấn vùng cao như vậy. “Những dòng suối vùng cao/Vui với đàn em thơ/Đón chào đàn cá nhỏ/Từ ao Bác Hồ” và “Chúng cháu hứa/Gắng chăm nom/Cho thêm nhiều đàn cá của Bác Hồ”.

*Đã từng là một giáo viên, một Tổng phụ trách Đội nhiều năm, công việc đó đã giúp ích gì cho anh trong việc sáng tác?

Trải qua những hoạt động trực tiếp với các em học sinh, hiểu được tâm tư, tình cảm của các em cộng thêm nhiều năm được tập huấn ở trường Đội Lê Duẩn đã giúp tôi có suy nghĩ và mong muốn sáng tác những bài hát phù hợp với giai đoạn mới nói lên được tình cảm của các em đối với nhà trường, với thầy cô bằng những hành động cụ thể. Tôi thấy rằng, nếu các em yêu những công việc dù là rất nhỏ như trồng một cái cây, nuôi một con vật đồng thời giúp ông bà bố mẹ những công việc trong gia đình và hát lên được điều đó, đấy mới là phẩm chất của Thiếu nhi Việt Nam cho nên các tác phẩm của tôi viết đều cố gắng làm toát lên được những công việc tình cảm của chính các em.

Ảnh minh họa

* Là một nhạc sỹ viết nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi, anh có suy nghĩ gì khi trẻ em bây giờ thích hát các bài hát người lớn?

– Khi xem các cuộc thi hát trên truyền hình như Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí… tôi cảm thấy rất lo khi thấy các em toàn hát những bài hát người lớn, rất ít bài hát thiếu nhi. Phải chăng người lớn chúng ta muốn các em trưởng thành quá sớm mà quên đi tuổi thơ của mình. Phải chăng các nhà tổ chức nghĩ rằng hát những bài hát ngắn gọn mang tính giáo dục thì không hay bằng bài hát người lớn hay sao? Riêng tôi, tôi nghĩ rằng để hát một bài hát thiếu nhi đúng tình cảm, sắc thái dù là rất ngắn cực kỳ khó. Hiện nay, các em thích hát những bài hát nước ngoài vì vậy chúng ta phải có tuyên truyền giới thiệu cho các em những bài hát Việt vừa mang tính thời đại vừa phù hợp với giai đoạn để các em được thể hiện tài năng và lòng yêu nước do đó các bài hát viết cho thiếu nhi phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, ca từ đẹp và phải mang đậm bản sắc dân tộc.

Và những tác phẩm thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước

* Được biết từ khi về công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, anh đã viết nhiều ca khúc ghi dấu ấn những nơi anh đến, anh có thể chia sẻ về điều này?

– Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác hệ đại học 5 năm, được sự chỉ bảo tận tình của thầy cô, bạn bè, nhất là thầy Đỗ Hồng Quân, cô Nguyễn Thị Nhung… năm 1997, tôi được phân công về công tác tại phòng VHVN của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – là nơi được tiếp xúc với phong trào văn hóa văn nghệ của các địa phương và được đi giao lưu nhiều nơi. Đi đến đâu tôi cũng thấy nét đẹp riêng của vùng đất mình đặt chân đến. Là một nhạc sỹ ham mê sáng tác, tôi luôn nghĩ sẽ viết bài hát về những vùng đất mình đã đến để khi người dân ở nơi đó hát lên sẽ cảm thấy tự hào về quê hương mình. Ví dụ tôi đã có những bài hát như: “Bài ca Hà Nội – Điện Biên”, “Hát cùng Nha Trang”, “Lâm Hà – Bài ca xanh”, “Cát Bà yêu thương”, “Bình minh trên quê hương Thạch Thất”, “Thanh Trì hướng tới tương lai”, “Danh thơm nét đẹp Nam Từ Liêm”… Đó cũng chính là tình cảm của tôi đối với những vùng đất yêu thương của Tổ quốc.

*Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đang đến gần, mọi người lại nhớ đến bài hát “Quốc hội Việt Nam trọng trách, niềm tin” của nhạc sỹ Nguyễn Hà Hải, xin anh cho biết hoàn cảnh ra đời của bài hát này?

– “Quốc hội Việt Nam trọng trách, niềm tin” là một trong hai bài hát tôi viết năm 2015 với ước vọng kỷ niệm 70 năm ngày ra đời nước CHXHCN Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 70 năm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên. Là một công dân, một đảng viên, một hội viên hội nhạc sỹ, tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm đối với đất nước, qua tác phẩm đó gửi gắm tình cảm tấm lòng tin yêu của người dân đối với những mốc son lịch sử của Quốc hội Việt Nam do đó tôi đã quyết định viết bài hát này.

*Sáng tác về đề tài Quốc hội với nhiều mốc lịch sử, với biết bao thành tựu đáng ngợi ca cùng bao nhiêu cảm xúc muốn thể hiện không hề đơn giản, vậy anh đã viết bài hát này như thế nào?

 

Quả thật viết về đề tài Quốc hội không phải dễ. Vì vậy, dù cấu tứ đã định sẵn, cảm hứng âm nhạc cũng tràn ngập nhưng phải mất 5 ngày liền tôi ngồi bên cây đàn, cân nhắc từng ca từ, lựa chọn từng nốt nhạc, sắp xếp các câu để làm bật lên hình ảnh Quốc hội. Tôi muốn viết bài hát này để cho tất cả người dân đều có thể hát và truyền tải được đúng tinh thần của ca khúc vì vậy phải rất cô đọng đôi khi chỉ dùng một, hai câu để nói lên quá trình lịch sử 70 năm của Quốc hội Việt Nam nhưng lại không đòi hỏi kỹ thuật cao: “Người đại diện cho nhân dân/Qua bao thăng trầm, vẹn nguyên ý chí/ Đoàn kết toàn dân muôn người như một/Quốc hội Việt Nam trọng trách, niềm tin…”.

*Là một công dân, anh có mong muốn gì về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021sắp tới?

Là một công dân, một đảng viên đã làm công tác tuyên giáo nhiều năm, tôi thường dành thời gian xem các chương trình truyền hình trực tiếp các phiên họp của Quốc hội khóa XIII, tôi thấy thực sự cảm phục ý thức, trách nhiệm, công sức của các đại biểu QH trong những vấn đề trọng đại của đất nước. Tôi tin tưởng rằng với đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Quốc hội, Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam cùng với hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới sẽ chung sức chung lòng đưa đất nước Việt Nam lên tầm cao mới.

* Xin anh chia sẻ một chút về những dự định sáng tác của anh trong thời gian tới?

– Trong những tháng đầu năm 2016, tôi đã viết thêm được một số bài hát mới cho thiếu nhi như liên khúc “Tết sẻ chia, Tết yêu thương”, “Ếch nhỏ hát í a”, “Đẹp như cô chú công an”, “Hành khúc thiếu nhi thủ đô” và một số ca khúc dành cho người lớn như “Sắc màu tranh quê”, “Đàn bầu có một dây thôi”... Tôi đang ấp ủ và thời gian tới sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều bài hát dành cho trẻ em bởi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi luôn là niềm đam mê của tôi.

*Xin cảm ơn anh!

Hồng Hà (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 77, 78/tháng 5,6/2016)