Nhà văn Lê Minh Khuê: “Tôi luôn bị ám ảnh bởi những vấn đề hậu chiến”
(GDTĐ) – Là một trong những nhà văn hàng đầu Việt Nam hiện nay, Lê Minh Khuê đã giành được nhiều giải thưởng văn học trong nước và quốc tế. Bên cạnh những truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh, đề tài hậu chiến cũng là điều mà nhà văn luôn trăn trở. Đó là nỗi ám ảnh về “sự bất lực” hay đôi khi là sự tha hóa của con người. Tuy nhiên, cũng trong những câu chuyện đó, độc giả vẫn thấy được một tấm lòng vị tha, bao dung và khát vọng về một xã hội tốt đẹp hơn ở nhà văn.
Một thời tuổi trẻ đi qua cuộc chiến tranh…
Đến căn nhà giản dị của nhà văn Lê Minh Khuê trong một con ngõ nhỏ trên đường Xuân Thủy, được nghe người phụ nữ điềm đạm kể về những năm tháng tuổi trẻ của chị, chúng tôi thêm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian truân nhưng cũng đầy vẻ vang của dân tộc.
Năm 1965, cô gái Lê Minh Khuê mới 16 tuổi đã tình nguyện đi thanh niên xung phong trên các tuyến đường miền Trung vô cùng ác liệt. Bởi đây là trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt nguồn chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Nhà văn kể: “Máy bay Mỹ bay dọc tuyến đường Một suốt ngày suốt đêm. Ngoài ra, còn có cả pháo kích từ Hạm đội 7 bắn vô. Hầu như, có lúc không nghe thấy gì cả, chỉ có tiếng pháo và tiếng bom đạn”.
Năm 19 tuổi, Lê Minh Khuê trở thành phóng viên chiến trường của báo Tiền Phong có mặt tại hầu hết các mặt trận tiêu biểu. Nữ phóng viên trẻ tuổi chỉ với chiếc ba lô, 1 cuốn sổ, cây bút và tờ giấy giới thiệu của cơ quan đã dũng cảm cùng với bộ đội ta trên các mặt trận đầy khói lửa hiểm nguy để phản ánh hiện thực cuộc chiến tranh. Bà nhớ lại: “Có khi bị máy bay vây hãm dọc đường, rất nguy hiểm. Nhưng may mắn, khi đi tác nghiệp, đi đến đâu tôi cũng được bảo vệ. Viết xong 1 mẩu tin, 1 bài báo, tôi lại gửi bất cứ ai ra Bắc. Thường họ chẳng biết mình là ai nhưng hầu hết thư đều đến được tòa soạn”. Còn tại mặt trận đường Chín – Nam Lào, vì không được lên tận chiến trường, Lê Minh Khuê thường đón bộ đội quay trở về sau những đợt phản công để phỏng vấn và viết bài. Năm 1973, bà tiếp tục xung phong đi B (Mặt trận miền Nam) và chứng kiến những ngày cuối cùng của chiến tranh.
“Những ngôi sao xa xôi” là truyện ngắn viết về chiến tranh tiêu biểu của nhà văn Lê Minh Khuê. Tác phẩm được viết năm 1969 tại Hà Nội lấy cảm hứng từ chính câu chuyện của những chiến sĩ thanh niên xung phong mà nhà văn đã từng sống và chiến đấu cùng. Nhà văn chia sẻ: “Họ – những trinh sát chạc tuổi tôi, có nhiệm vụ đo đạc và lấp hố bom, phá bom nổ chậm để đảm bảo an toàn cho bộ đội ta trên các tuyến đường hành quân. Công việc hết sức nguy hiểm nhưng những thanh niên sống có lý tưởng luôn dũng cảm đương đầu”.
Là tác phẩm đầu tay của nhà văn, “Những ngôi sao xa xôi” không dữ dội so với các tác phẩm viết về thời hậu chiến của Lê Minh Khuê, bà bảo: “Tôi viết theo cách rất tự nhiên. Tác phẩm vì thế mang trong mình sự trong sáng, hồn nhiên như chính tuổi thanh xuân của những người chiến sĩ”. “Những ngôi sao xa xôi” là truyện ngắn Việt Nam duy nhất vinh dự có mặt trong cuốn sách “Nghệ thuật truyện ngắn thế giới” (The Art of the short story) cùng với nhiều tác phẩm của các tác gia nổi tiếng thế giới như: Lep Tonxtoi, Mark Twain, Ernest Hemingway, James Joyce, Jack London…. Tác phẩm cũng nhận được sự đánh giá cao của nhiều nhà văn trên thế giới. Cá tính trong ngôn ngữ, trong xây dựng nhân vật; yếu tố hiện thực và lãng mạn; tính lý tưởng của tác phẩm chính là những lý do giúp truyện ngắn được đánh giá cao.
… Luôn trăn trở với đề tài hậu chiến
Chiến tranh đi qua, nhà văn Lê Minh Khuê hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề thời hậu chiến đầy gai góc. Lúc này, khó khăn, thử thách không còn là bom đạn chiến tranh mà là lòng thù hận, sự xô bồ và tha hóa của con người trong cơ chế thị trường… Nhà văn tâm sự: “Tôi luôn bị ám ảnh bởi những đề tài sau cuộc chiến”.
Nhà phê bình văn học Lê Thị Hồ Quang nhận định: “Trong truyện ngắn của bà, ta bắt gặp rất nhiều tin tức, sự kiện như được cắt ra từ các mẩu tin trên báo chí hàng ngày. Nhưng từ những “chất liệu thô” của thời cuộc, nhà văn biết cách gạn lọc và nâng cấp lên thành những vấn đề nhân sinh đáng suy ngẫm. Đằng sau những thông tin sự vụ, bà nhìn thấy những câu chuyện về cuộc sống con người, những chuẩn mực đạo đức của một xã hội, văn hóa của một thời đại”.
Truyện vừa “Nhiệt đới gió mùa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài hậu chiến của Lê Minh Khuê. Câu chuyện xoay quanh mối thù hận giữa những người ruột thịt trong gia đình. Mối thù hận giữa 2 người đàn bà quanh một người đàn ông, mối thù hận của hai anh em ruột thịt đứng hai đầu chiến tuyến. Người đời thường muốn né tránh những trái ngang này nhưng càng né tránh chỉ càng làm tổn thương nhau…
So với những tác phẩm đầu tay, “Nhiệt đới gió mùa” có giọng điệu dữ dội, thể hiện thái độ dũng cảm dám nhìn thẳng vào những vấn đề ngang trái sau cuộc chiến của tác giả: “Tôi viết tác phẩm vào thời điểm mà chiến tranh đã đi qua, hai phía của cuộc chiến đã có thể nhìn nhau. Tuy nhiên, họ vẫn chỉ nhìn thấy 1 nửa sự việc và như vậy không thể hoà giải được”. Tác phẩm khiến độc giả không khỏi day dứt, để rồi, sau tất cả những thù hận, tội ác và đau thương, ánh sáng của tình yêu thương và sự bao dung lại trở về để cứu rỗi những nhân vật của nhà văn.
Cả thời tuổi trẻ đi qua cuộc chiến tranh, khi hòa bình lập lại, nhà văn Lê Minh Khuê bằng ngòi bút “sắc lẹm” của mình vẫn tiếp tục viết, tiếp tục trăn trở về những vấn đề gai góc trong xã hội hiện đại. Giọng văn Lê Minh Khuê trong những sáng tác về đề tài hậu chiến luôn dữ dội, khắc nghiệt. Những mảng màu tối sáng trong cuộc sống, qua đôi mắt tinh tường, sự nhảy cảm và thái độ dũng cảm của nhà văn, đều được khắc họa rõ nét, đôi khi đến “trần trụi”. Bởi Lê Minh Khuê luôn tâm niệm: “Làm bất cứ nghề gì cũng cần sự nghiêm túc, phải làm cho tới nơi tới chốn”.
Nói về văn chương, Lê Minh Khuê nhấn mạnh: “Văn chương nếu muốn thành công, nhà văn cần phải có cuộc sống dày dạn, trải nghiệm”. Là người sùng bái tuổi trẻ và cũng luôn dành cho thế hệ trẻ một cái nhìn ưu ái, nhà văn chia sẻ: “Thế hệ các nhà văn trẻ rất nhiều người tài năng, chỉ có điều, sức sáng tạo của họ chưa đủ để phát triển ý tưởng của mình thành những điều lớn lao. Họ thường bị cá nhân quá, để ý về bản thân mình là chính. Đọc có thể hay nhưng không khuấy động được. Hãy cho họ thời gian. Sau này, họ có thể trở thành lớp nhà văn rất tài năng của Việt Nam và tôi cũng rất mong điều đó”.
Nhà văn Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Bà đã từng tham gia thanh niên xung phong, là phóng viên chiến trường trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi hòa bình lập lại, bà chuyên tâm sáng tác các tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa. Nhà văn vinh dự nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam các năm 1987 và 2001. Năm 2008, Lê Minh Khuê trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng văn học Lee Byeong-ju của Hàn Quốc. Các tác phẩm của bà được dịch sang nhiều thứ tiếng như: Thụy Điển, I-ta-li-a, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức… |
…
Trần Văn Thắng (Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 52, tháng 4/2014)