Nhà giáo giữ vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục
(GDTĐ) – Pháp luật Việt Nam coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và xác định rõ: nhà giáo giữ vai trò quan trọng quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, theo NGƯT.PGS.TS Luật sư Chu Hồng Thanh – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), hiện nay việc thực hiện các chính sách thực tế đối với các nhà giáo còn nhiều điều phải bàn. Để các nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề cần phải có chế độ lương tương xứng với vị thế và cống hiến của những người thầy.
Các trường sư phạm cần nâng cao nội lực tự vươn lên và tiên phong trong lĩnh vực “trồng người”
*Chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29/NQ – TW, để bắt kịp với tiến trình đó, theo PGS, đội ngũ nhà giáo có vai trò gì và phải thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học?
-Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường và các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm giáo viên giảng dạy ở các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, kiến thiết quốc gia và mở rộng ra là trong bất cứ thời đại nào “người thầy” cũng giữ vai trò cực kỳ quan trọng, muốn phát triển thì không thể không “tôn sư trọng đạo”. Ngày nay pháp luật ở Việt Nam và phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và xác định rõ: Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Mức độ đề cao vai trò của nhà giáo có khác nhau phụ thuộc vào quan điểm và chính sách của từng quốc gia, tuy nhiên phát triển đất nước mà không coi trọng xây dựng đội ngũ trí thức và không có những người thầy giỏi thì chỉ là ảo tưởng. Trong Luật giáo dục Việt Nam năm 2005, vai trò của người thầy đã được xác định rất rõ với những nội dung như trên, nhưng việc chỉ đạo, tổ chức lãnh đạo, quản lý và thực hiện chính sách thực tế đối với nhà giáo thì có thể khẳng định rằng còn rất yếu kém, còn nhiều điều phải thảo luận thêm.
Nghị quyết số 29/NQ – TW của Đảng có những nội dung rất quan trọng, xác đáng và khá cụ thể về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu và còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn ngay từ trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Dư luận xã hội nhiều người cho rằng hiện nay nhà giáo không những chưa được tôn vinh thích đáng mà còn chưa được bảo vệ để hành nghề, nhà giáo là nghề chỉ phục vụ, cống hiến và hy sinh mà không được chăm lo, không có điều kiện để phát huy trí tuệ, tài năng và nâng cao chất lượng đội ngũ. Chính vì nghề giáo đang là nghề “bất đắc dĩ” nhất trong xã hội nên nhiều thí sinh không muốn đăng ký vào sư phạm mà chỉ muốn vào các trường quân đội, công an, tài chính, ngân hàng… để ra trường có quyền, có tiền, có nghề nghiệp ổn định.
Để phát huy vị thế và vai trò của mình trong phát triển giáo dục và trong xã hội thì nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học, đồng thời nhà nước phải quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học.
*Trong thời gian vừa qua, điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp, các trường không có nguồn tuyển, ngành sư phạm không thu hút được sinh viên. Chúng ta đang thực hiện đổi mới giáo dục nên chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên có vai trò hết sức quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức điểm đầu vào thấp như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên trong tương lai gần, PGS suy nghĩ gì về vấn đề này?
-Đúng là mức điểm đầu vào tuyển sinh thấp sẽ ảnh hưởng đến sản phẩm đầu ra, tuy nhiên chất lượng giáo viên trong tương lai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vẫn có khả năng thực tế đầu vào tuyển sinh lấy điểm thấp nhưng “lò” đào tạo tốt thì vẫn có thể cho ra sản phẩm chất lượng. Chính vì vậy một mặt phải tính đến mặt bằng tuyển sinh chung để bảo đảm công bằng và chọn được những người có tâm, có tài và đức vào nghề sư phạm, mặt khác việc củng cố và nâng cao chất lượng các trường sư phạm hiện nay phải là một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu trong hoàn thiện hệ thống giáo dục.
Luật Giáo dục quy định, trường sư phạm do nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trường sư phạm được ưu tiên trong việc tuyển dụng nhà giáo, bố trí cán bộ quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ký túc xá và bảo đảm kinh phí đào tạo. Trường sư phạm có trường thực hành hoặc cơ sở thực hành. Nhà giáo của các cơ sở giáo dục có thể được tuyển dụng từ những người đã tốt nghiệp các trường sư phạm, nhưng cũng có thể được tuyển dụng theo phương thức ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có phẩm chất tốt và người có trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có nguyện vọng trở thành nhà giáo, nhưng trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy thì phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm theo yêu cầu phát triển mới. Chính vì vậy, không chỉ các chương trình đào tạo sư phạm mà các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng cần phải được rất coi trọng để bảo đảm chất lượng. Luật Giáo dục quy định trường sư phạm do nhà nước thành lập nên trách nhiệm pháp lý trong việc củng cố và thực hiện các chính sách ưu tiên đối với các trường sư phạm, chăm lo và tạo điều kiện để các trường sư phạm phát triển … trước hết thuộc về nhà nước. Tuy nhiên, Luật Giáo dục cũng đề cao vai trò tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đòi hỏi các trường sư phạm cần nâng cao nội lực tự vươn lên không chỉ ngang tầm thời đại mà còn tiên phong trong lĩnh vực “trồng người”, hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng những người thầy.
Chế độ đãi ngộ phải tương xứng với vị thế và cống hiến để nhà giáo ổn định phát triển nghề nghiệp
*Thực tế cho thấy, tương quan giữa thu nhập và lao động của nhà giáo còn mất cân xứng dẫn đến một số nhà giáo không yên tâm với nghề, việc thu hút người giỏi làm nghề gặp nhiều khó khăn. Theo PGS, chúng ta cần có chính sách gì để tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý yên tâm công tác?
-Thu nhập của nhà giáo nói chung hiện nay không những thấp nhất trong thang bảng lương viên chức, không tương xứng giữa thu nhập và lao động mà còn trong nhiều năm không thay đổi. Ở các nước phát triển, chế độ lương của nhà giáo phải bảo đảm tương xứng với vị thế và cống hiến của họ để nhà giáo ổn định phát triển nghề nghiệp. Trong những ngày vừa qua ở Hà Lan đông đảo nhà giáo đã bãi công vì lương của họ 10 năm liền không có sự biến động, sau đó chính sách lương của chính phủ đã phải đáp ứng nhu cầu chính đáng này của nhà giáo. Ở nước ta, Luật Giáo dục không chỉ quy định nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác mà còn quy định nhà giáo được hưởng thang bảng lương cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Luật cũng quy định nhà nước dành ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm tỷ lệ tăng chi ngân sách giáo dục hằng năm cao hơn tỷ lệ tăng chi ngân sách nhà nước. Ngay từ tháng 10 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi tiếp đoàn nhân sĩ, trí thức dự kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa 1: “Khi nào nền tài chính dồi dào, chính phủ phải nghĩ ngay đến giáo viên là những người từ tầng dưới lên tầng trên lãnh trách nhiệm đào tạo nhân tài cho tổ quốc”. Tuy nhiên hơn một thập kỷ qua kể từ khi có Luật Giáo dục 2005 đến nay tình hình không được cải thiện bao nhiêu, vấn đề đã trở nên rất “nóng” khi ngày càng có nhiều nhà giáo không yên tâm với nghề, không ít người có năng lực đã buộc phải từ bỏ sự nghiệp để tìm thương trường lao động kiếm sống. Một lần nữa nghị quyết số 29/NQ – TW xác định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Nội dung này gần như trở thành “nguyên lý”, không thể không làm, nhưng để thực hiện được thì quá khó vì vấp phải sự phản ứng hoặc ghen tỵ không nhỏ, trong đó có cả sự bảo thủ trì trệ của những người và cơ quan quản lý ngân sách, tài chính, hành chính nhà nước. Không chỉ lĩnh vực giáo dục mà các lĩnh vực kinh tế xã hội khác, hiện tượng chủ trương đường lối và luật đã có nhưng không thực hiện được đang tồn tại hiện hữu như một sự nhờn thuốc điều trị. Mặt khác cần phải xác định rất rõ “giáo dục” có nghĩa là hệ thống giáo dục quốc dân và “nhà giáo” là những người làm nhiệm vụ dạy học trong hệ thống giáo dục quốc dân chứ không phải là “giáo dục” và “nhà giáo” theo nghĩa rộng, nếu không xác định rõ các nội hàm khái niệm trên thì không thể tập trung kinh phí để cải thiện tình hình, tình trạng lãng phí, phân tán và bất bình đẳng trong đầu tư cho giáo dục sẽ còn tiếp tục là câu chuyện dài dài.
*Luật Thủ đô ra đời đã trở thành một căn cứ chính thức cho việc phát triển giáo dục trên địa bàn Thành phố. PGS nhìn nhận như thế nào về xu hướng phát triển của GD&ĐT Hà Nội xem xét dưới giác độ Luật Thủ đô?
-Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Điều 12 của Luật Thủ đô xác định nhiệm vụ phát triển giáo dục bao gồm 3 nội dung chính như sau: Một là, thực hiện phổ cập và phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô theo quy hoạch. Hai là, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề trên địa bàn Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước. Ba là, xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện… Như vậy Luật nhấn mạnh yêu cầu quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô, vấn đề quy hoạch cần được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên đây là khâu yếu nhất trong hoạt động quản lý nhà nước hiện nay, không có quy hoạch tốt thì không thể có hệ thống tốt. Liên quan trực tiếp tới xây dựng và thực hiện quy hoạch là vấn đề tài chính dành cho giáo dục, rõ ràng không thể bằng lòng được với cơ chế xin-cho ngân sách tồn tại dai dẳng như hiện nay.
Theo yêu cầu của Luật Giáo dục và thực hiện chủ trương của Đảng tại Hội nghị TW 6 mới đây về sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thì Hà Nội cần cùng với Chính phủ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan đi đầu trong việc giảm thiểu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, tăng số lượng các trường công lập và ngoài công lập đối với giáo dục mầm non, sử dụng ngân sách để kích thích sự hình thành hệ thống giáo dục có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và Thủ đô Hà Nội.
*Xin cảm ơn PGS!
Kiều Giang, Hồng Hà (thực hiện) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017