Người mẹ hiền thứ hai của tôi

Người mẹ hiền thứ hai của tôi

(GDTĐ) – Hồi đó, theo đánh giá của mọi người, tôi là một học sinh tuy có sức học không tồi nhưng lại là trùm sò của các trò quậy phá. Mà khi đó tôi cũng không chăm chỉ học hành. Có lẽ bởi tôi có phần thông minh hơn người khác nên cho dù thời gian học không nhiều nhưng tôi vẫn theo kịp được chương trình trên lớp. Đó cũng là nguyên nhân tại sao các thầy cô hay phàn nàn về tôi với gia đình nhiều nhất lớp. Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi bắt đầu từ khi tôi lên lớp 9…

Học trò cá biệt

Bước vào năm học cuối cấp 2, lớp chúng tôi được đón một giáo viên chủ nhiệm mới. Cô gần năm mươi tuổi, dáng gầy gầy, gương mặt lúc nào cũng nghiêm nghị. Ngay từ buổi học đầu tiên, tôi đã cảm thấy không thích cô cho lắm bởi trông cô quá mức khuôn mẫu. Chẳng hiểu lý do gì mà tôi đã bị vào “tầm ngắm” của cô ngay từ đầu năm học. Lên bảng trả bài, kiểm tra vở ghi, vở bài tập… không một tuần nào là tôi không bị “dính” cả. Lũ bạn còn bảo tôi: “Chắc mày nghịch ngợm quá nên bị cô ghét!”.

Mặc dù bị cô gọi kiểm tra bài vở nhiều lần nhưng tôi vẫn chẳng mấy quan tâm. Khi cô kiểm tra vở thì tôi nói dối là để quên ở nhà, cô kiểm tra bài tập thì tôi chống chế bằng đủ các lý do như: “Vì bài này dễ nên em không làm”, “Bài này khó quá, em không làm được ”….

Cho đến một hôm tôi lại bị gọi lên kiểm tra vở. Không thể lấy lý do là quên vở nữa nên tôi đành mượn tạm vở của đứa bạn ngồi cạnh mình. Mọi chuyện có lẽ đã xong nhưng thật không may tôi lại làm rơi vở và thế là nhãn vở lộ ra. Cô không nói gì nhưng đôi mắt hơi buồn.

Dù cô tha thứ cho lần kiểm tra đó nhưng tôi chỉ cảm thấy hơi áy náy và không hề thay đổi định kiến cứng nhắc về cô. Nhà trường tổ chức cho các lớp cắm trại thì cô xin nghỉ không đến trong khi giáo viên chủ nhiệm lớp bên cạnh còn mua kem cho học sinh lớp mình và còn mời cả lớp tôi ăn nữa; chuyến đi thăm quan giữa kì cô cũng không đi mà để cô giáo dạy Văn đi cùng lớp tôi … Bấy nhiêu những điều ấy thôi hỏi làm sao tôi thích cô cho được?

Ảnh minh họa

Người thắp sáng niềm tin và hy vọng

Rồi kì thi cấp ba sắp đến. Bạn bè xung quanh ai cũng lao đầu vào ôn luyện trong khi tôi vẫn cứ nhởn nhơ rong chơi bởi tôi luôn tự mãn vào kết quả học tập của mình, cũng chẳng hi vọng mấy vào việc thi trường chuyên lớp chọn gì cả. Tôi thích học một trường bình thường, làm một con người bình thường hơn, chẳng cần ganh đua với ai.

Có lẽ nhận ra suy nghĩ ấy của tôi, cô đã gọi tôi vào văn phòng và nhẹ nhàng hỏi:

– Em không có ý định học tập nghiêm túc để thi vào trường chuyên hả Thùy?

Tôi im lặng không nói gì cả.

– Cô nghĩ học lực của em có thể tiến được xa hơn nữa. Em hãy thử cố gắng một lần xem sao? Ngay từ đầu, cô đã hi vọng vào em vì cô biết sức học của em hơn các bạn khác ở môn Toán rất nhiều. Vì bản thân mình và vì những hi vọng người khác đặt vào em, em có thể cố gắng được không?

Tôi lặng người, không thể nghĩ rằng cô lại nói những điều ấy với tôi. Tôi cứ nghĩ cô gọi tôi vào để trách mắng và phê bình… Tôi không nghĩ là cô lại đặt niềm tin vào tôi nhiều đến như thế. Làm sao có thể đặt niềm tin vào một đứa con gái nghịch ngợm nhất lớp như tôi?

– Em có nghe cô nói không Thùy? Em cần cố gắng chăm chỉ học tập. Có công mài sắt có ngày nên kim. Cô tin em sẽ làm được!

– Em… em xin lỗi cô!

Tôi cố gắng mãi mới thốt ra được một câu rồi ngay lập tức xoay người bước ra ngoài. Đã lâu lắm rồi chưa ai đặt hi vọng vào tôi cả. Có lẽ do ngày trước tôi học tương đối tốt nên dường như cố gắng của tôi vẫn hay bị xem như chuyện đương nhiên, còn bây giờ tôi bỏ bê, không học hành gì cả nên cũng chẳng ai hi vọng gì. Tôi không muốn khóc nhưng mắt cứ nhòe dần đi và nước mắt cứ thế rơi xuống.

Sau đó tôi mới biết, thì ra không phải cô không quan tâm đến lớp tôi hay ghét bỏ gì tôi. Cô gọi tôi lên kiểm tra nhiều để chắc chắn là tôi vẫn theo kịp lớp. Ngày cắm trại cô không đi vì sợ làm hỏng không khí tự nhiên của lớp bởi cô biết lớp có ác cảm với sự nghiêm túc của mình. Kem của cô chủ nhiệm lớp bên vốn là do cô nhờ mua hộ. Buổi thăm quan cô cũng muốn đi nhưng con gái cô sốt cao phải vào bệnh viện… Nhiều lúc tôi vẫn luôn tự hỏi có phải tôi đã phiến diện khi đánh giá một người quá vội vàng. Tôi tự trách mình bởi lâu nay đã nghĩ sai về cô .

Có công mài sắt có ngày nên kim

Kể từ ngày hôm đó, tôi đã rất quyết tâm học tập. Phải mất một khoảng thời gian để tôi có thể lấp đầy những kiến thức đã bỏ bê trước đó và cũng thật may là tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè. Thấy được sự cố gắng của tôi, cô đã rất vui, khi nhìn vào ánh mắt cô, tôi luôn thấy một niềm hi vọng. Và đúng như lời cô từng nói “có công mài sắt có ngày nên kim”. Sau bao ngày phấn đấu, nỗ lực, tôi đã đạt được mục tiêu của mình. Và cho đến bây giờ, kết quả là tôi đã được ngồi ở đây, được học trong lớp chuyên Toán của trường THPT chuyên Nguyễn Huệ- điều mà tôi, gia đình tôi và cả cô đều mong đợi. Cô thực sự là người đã thắp sáng niềm tin và hi vọng mà lâu nay đã lụi tàn trong tôi.

Ngày tôi nhận giấy báo điểm, tôi thấy ánh mắt cô tràn đầy niềm tự hào và hãnh diện.

– Em thấy không? Đừng bao giờ mất đi hi vọng vào bản thân. Có cố gắng mới gặt hái được thành công tương xứng.

Bây giờ nghĩ lại tôi mới nhận ra mình đã học được nhiều điều từ cô, không nên đánh giá một cách vội vàng về người khác, cho dù cuộc sống có thế nào thì hi vọng sẽ không bao giờ tắt…

Xin được gửi đến cô ngàn lời cảm ơn từ tận sâu trái tim mình. Cảm ơn cô đã thức tỉnh và hi vọng vào em. Cảm ơn cô- người mẹ hiền thứ hai …

Nguyễn Minh Thùy
Lớp 10 Toán 2, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 67, tháng 8/2015)