Ngày Xuân gặp những cậu bé “Vàng”

Ngày Xuân gặp những cậu bé “Vàng”

(GDTĐ) – Được vinh danh tại các đấu trường quốc tế, học sinh Thủ đô mang theo niềm tự hào của người con đất Việt khi đại diện cho học sinh Việt Nam đem trí tuệ của mình đi so tài với bạn bè các nước. Ngày Xuân gặp những cậu bé “Vàng” Toán học để thêm hiểu về sự nỗ lực, ý chí và khát vọng của các tài năng trẻ Việt Nam trong xu thế hội nhập hiện nay…

* Bùi Phương Nam: Cậu bé “Vàng” được sinh vào đúng thời khắc giao thừa

Ấn tượng khi gặp Bùi Phương Nam, cậu học trò vừa giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) lần thứ 12 năm 2015 là sự chững chạc, tự tin của một cán bộ lớp mẫn cán, một người anh cả trong gia đình. Học lớp 7A1, trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, đôi khi Nam khiến người đối diện thấy em “lớn” hơn so với tuổi 12 của mình. Nam bảo, có lẽ bởi em sinh ra vào đầu năm, đúng vào thời khắc giao thừa năm Quý Mùi (2003) nên lớn hơn so với các bạn đồng lứa. Mẹ Nam, chị Lương Thị Hồng Thúy chia sẻ: Tôi sinh Nam vào đúng lúc đất trời chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhà nhà vui mừng đón chào năm mới, còn gia đình tôi trọn vẹn hạnh phúc trong niềm vui có thêm thành viên mới… Ngay từ nhỏ, Nam đã quen với nếp sống tự lập trong cuộc sống nên con khá ý thức trong mọi việc, đặc biệt Nam rất ham học, say mê học. Khi mới 2,3 tuổi dù chưa biết đọc, biết viết, Nam đã rất thích thú tìm hiểu, khám phá các con số. Lớn lên, con còn thích tìm hiểu về lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam; thích khám phá kiến thức xung quanh mình nên không bỏ một buổi xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia nào…

 

Yêu thích các con số, nhưng khi còn học tiểu học, Nam không nghiêng về học tủ môn nào mà em đã rèn cho mình ý thức học đều tất cả các môn. Vì vậy, kết quả học tập của em trong suốt 5 năm tiểu học cũng như năm lớp 6 luôn đạt toàn diện. Được học tập trong ngôi trường chất lượng của Hà Nội, từ sự dìu dắt của các thầy cô giáo, niềm đam mê Toán học của em ngày một rõ nét. Nam cho biết: Để đạt kết quả cao nhất trong học tập, em luôn chú ý nghe giảng trên lớp, hoàn thành bài tập được giao khi về nhà.  Trước khi đến lớp, em thường chuẩn bị trước các bài học, sau đó xung phong giơ tay xin phát biểu bài. Với môn Toán cũng như các môn khác, khi thầy cô giáo giao đề bài về nhà làm, em thường tìm thêm các dạng bài tập có liên quan để có thêm kiến thức và rèn kỹ năng làm bài. Em cũng dành thời gian nghiên cứu các định lý của các nhà Toán học thế giới để hiểu sâu sắc hơn về Toán học…

Muốn mở cánh cửa tri thức, Nam luôn chịu khó trau dồi tiếng Anh, vì vậy, lần đầu tiên thi tài ở đấu trường quốc tế nhưng em không gặp khó khăn gì về tiếng Anh (Nam cũng đã từng đoạt giải Ba thi HSG tiếng Anh cấp quận)… Nam còn được cô giáo chủ nhiệm đặt cho biệt danh là “chiến sĩ thầm lặng” khi thấy em luôn lặng lẽ học và phấn đấu không ngừng; khiêm nhường trước những thành tích mình đạt được. Không chỉ học giỏi, Nam còn là lớp phó kỷ luật gương mẫu, tích cực trong mọi hoạt động của lớp, là thành viên nhiệt tình trong các hoạt động thể thao. Học hết mình nhưng cậu bé “Vàng” sinh năm Quý Mùi này cũng vui hết mình với thế giới tuổi thơ bên bạn bè. Khi nhiều bạn học sinh ở lứa tuổi này rất mê chơi trò chơi điện tử thì Nam lại hướng về các trò chơi vận động, chơi các môn thể thao cầu lông, đá cầu, bóng đá cũng như tự tạo trò chơi cho mình. Nam là chủ nhân của nhiều trò chơi được các bạn rất thích thú như: chơi bóng đá giấy, chơi phi tiêu giấy… Những trò chơi lành mạnh này đã mang lại cho em những giây phút thư giãn thoải mái sau mỗi giờ học tập trung.

Những ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, chàng trai sinh đúng đêm Giao thừa bộc bạch: Tết nào em cũng được bố mẹ giao cho nhiệm vụ xách xô nước vào xông nhà, chúc phúc cho các thành viên trong gia đình. Nhớ nhất là cứ mỗi dịp Tết, em lại được bố mẹ cho về quê nội ở Hưng Yên, quê ngoại ở Thái Nguyên để ăn Tết với ông bà, cô bác và anh chị em họ. Ít có cơ hội gặp nhau nên em thấy những thời khắc sum họp bên gia đình trong ngày Tết cổ truyền thật đáng quí.

* Nguyễn Nhật Linh: Vỡ òa niềm hạnh phúc và tự hào khi được xướng tên đoạt giải Vàng

Cùng với Bùi Phương Nam đoạt Huy chương Vàng môn Toán tại IMSO 12, cậu bé “Vàng” Nguyễn Nhật Linh, lớp 7A1, trường THCS Giảng Võ vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi được xướng tên đạt thành tích cao nhất. Cậu học trò nhỏ với nét mặt hồn nhiên, trong sáng, nụ cười rạng rỡ khoe: Lần đầu tiên được cùng với các bạn đi thi giải quốc tế, em khá hồi hộp. Dù khá tự tin với kiến thức được các thầy cô giáo trang bị và tâm lý không bị căng thẳng bởi áp lực thành tích, song em đã òa khóc khi BTC bắt đầu công bố kết quả mà không thấy có tên mình trong bảng thành tích các học sinh đoạt Huy chương Đồng… Em đã nghĩ mình sẽ không đạt được thành tích gì tại kỳ thi, vậy mà thật bất ngờ khi BTC xướng tên em đoạt Huy chương Vàng. Em đã không phụ công các thầy cô giáo và cha mẹ.

 

Yêu thích môn Toán từ khi còn nhỏ, bởi với Linh: Em có thể tính nhanh các phép tính và thấy học Toán thật “đơn giản”. Tuy nhiên, càng học lên các lớp trên, em càng thấy yêu thích môn Toán một cách sâu sắc hơn. Em hiểu rằng, Toán học không chỉ là tính toán mà còn có nhiều ý nghĩa ứng dụng trong cuộc sống và giúp người học phát triển tư duy, khả năng sáng tạo.

Nói về niềm đam mê Toán học của con, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, hiện là giáo viên trường TH Thịnh Hào (quận Đống Đa) cho biết: Ngoài 2 tuổi, biết nói là Linh biết đọc luôn các con số và có thể tính rất nhanh các phép tính đố đơn giản. Với Linh, việc học như một niềm vui, con không bị áp lực, gò ép từ thầy cô, gia đình mà học theo đúng khả năng của mình. Tôi chỉ giúp con rèn phương pháp học, còn con luôn ý thức tự giác học, mày mò tìm thêm thông tin trên mạng để trau dồi vốn tiếng Anh cũng như kiến thức Toán học. Linh cũng khá kiên trì khi học, con luôn cố gắng đi đến cùng của vấn đề chứ không nản chí khi gặp bài toán khó…

Luôn là học sinh giỏi toàn diện trong các năm học, Nhật Linh rèn cho mình phương pháp tự học khi về nhà và tập trung nghe giảng, học bài khi ở trên lớp. Năm lớp 6, khi mới vào học ở THCS Giảng Võ, em đã đoạt giải Nhất cuộc thi Giải toán qua mạng Internet – ViOlympic năm học 2015. Linh bộc bạch: Tham gia các kỳ thi, em thấy mình có cơ hội được cọ xát thực tế, biết được những kiến thức còn chưa chắc của mình để tìm cách học tốt hơn. Em tranh thủ thời gian để học tiếng Anh qua một Website để vừa nâng cao vốn tiếng Anh, vừa cập nhật được thêm những thông tin hữu ích cho việc học.

Đam mê học Toán, thích chơi bóng đá, cậu bé “Vàng” Nguyễn Nhật Linh vẫn giữ nguyên cảm xúc trẻ thơ khi nghĩ về những ngày Tết cổ truyền. Linh cho biết: Những ngày Tết, em thích nhất là có được nhiều thời gian để về quê nội, ngoại ăn Tết. Tết quê không chỉ đầm ấm, sum vầy mà còn có nhiều phong tục độc đáo, hấp dẫn. Em còn thường được mẹ dẫn đi dạo quanh triền con sông Đáy ở quê ngoại Hà Nam, đi ngắm những cánh đồng bát ngát để có thêm vốn từ, trí tưởng tượng khi làm văn và học các môn xã hội… Bước sang năm mới, em sẽ quyết tâm học tập, rèn luyện tốt và đạt kết quả cao nhất trong các kỳ thi đấu sắp tới.

Lương Hoàng Tùng: Cậu bé “Vàng” khiêm nhường, giản dị

Gọi Lương Hoàng Tùng, lớp 9H1, trường THCS Trưng Vương là cậu bé “Vàng” không chỉ bởi em là học sinh đã xuất sắc mang về chiếc Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn Việt Nam sau 4 mùa tham dự cuộc thi Vô địch các đội tuyển Toán quốc tế (WMTC) mà còn bởi ở em hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của một người học sinh chăm ngoan, khiêm tốn, sống chan hòa, đoàn kết với bạn bè. Lương Hoàng Tùng là niềm tự hào của gia đình và của ngôi trường THCS Trưng Vương – nơi đã ươm mầm và chắp cánh cho ước mơ của em được bay cao, bay xa…

 

Sinh ra trong một gia đình nền nếp, có lẽ Lương Hoàng Tùng được thừa hưởng tư chất thông minh và niềm đam mê khoa học từ cả bố và mẹ bởi mẹ em là giáo viên dạy Toán, còn bố là giảng viên của trường Học viện An ninh. Ngay từ nhỏ, Hoàng Tùng đã bộc lộ niềm đam mê với những con số, yêu thích những trò chơi có tính tư duy cao. Và một điều đáng quý ở em mà những bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn ở người con của mình đó là Hoàng Tùng rất ngoan ngoãn, tự giác học tập cũng như làm những công việc nhỏ trong gia đình giúp đỡ bố mẹ. Chị Hoàng Thị Phương Thúy – mẹ của Lương Hoàng Tùng không giấu được niềm vui, khi nói về con trai. Chị chia sẻ: “Vợ chồng tôi không phải vất vả nhiều trong việc nuôi dạy Hoàng Tùng bởi ngay từ nhỏ, cháu đã tự lập, có ý thức tự giác trong mọi công việc. Đều là giáo viên nên vợ chồng tôi cũng hướng dẫn cháu học nhưng không nhiều, điều quan trọng chính là sự quan tâm và niềm đam mê của Hoàng Tùng với môn học mà cháu yêu thích. Để Hoàng Tùng có được kết quả như ngày hôm nay bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của gia đình, cháu may mắn được sự dìu dắt, dạy dỗ của các thầy cô giáo trường THCS Trưng Vương, đặc biệt là thầy giáo chủ nhiệm Bùi Mạnh Tùng đồng thời cũng là giáo viên dạy Toán cho Hoàng Tùng từ khi cháu học lớp 6 đến nay”.

Quả thật, niềm đam mê của cậu bé “Vàng” với môn Toán đã thực sự được thầy giáo Bùi Mạnh Tùng “đánh thức” từ khi em bắt đầu vào học THCS, bởi theo em, thầy giáo Tùng có phương pháp dạy hay, dễ hiểu tạo cho học sinh cách làm việc khoa học. Thầy cho em mượn nhiều sách nâng cao để về nhà tự nghiên cứu, chỗ nào không hiểu đến hỏi thầy, thầy lại nhiệt tình giảng giải. Bên cạnh đó, thầy Bùi Mạnh Tùng cũng cho em tiếp cận với những thầy giáo giỏi ở các trường chuyên, mỗi thầy có một phương pháp riêng, nhờ đó mà càng ngày em càng thấy yêu thích và hứng thú với môn học. Miệt mài, say sưa với môn Toán, năm học lớp 8, Lương Hoàng Tùng bắt đầu gặt hái được những thành công liên tiếp trong các cuộc thi như đoạt giải ba tuần cuộc thi Chinh phục do VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; giải nhì thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC); giải bạc trong kỳ thi The 6th Asean +3 ở Hàn Quốc; giải nhất môn Toán và giải ba môn Toán – tiếng Anh trong cuộc thi giao lưu câu lạc bộ yêu thích của quận Hoàn Kiếm. Bước vào lớp 9, em tiếp tục đoạt giải nhì kỳ thi Toán ITOT và mới đây nhất, trong cuộc thi Vô địch các đội tuyển Toán quốc tế 2015 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham gia của khoảng gần 400 học sinh đến từ gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, em đã mang vinh quang về cho Tổ quốc với chiếc Huy chương Vàng đầu tiên cho đoàn Việt Nam sau 4 lần tham dự WMTC. Khó có thể nói hết được niềm vui, niềm tự hào của đoàn Việt Nam khi tên Lương Hoàng Tùng được xướng lên trong khung giải Vàng. Với Hoàng Tùng, em cũng rất bất ngờ trước kết quả này: “Lúc đó em không biết điều gì đang diễn ra chỉ thấy tên mình ở giữa một loạt tên các bạn Trung Quốc” – Hoàng Tùng chia sẻ. Em cũng cho biết, nhờ có các thầy cô giáo cho làm quen từ trước nên em không thấy bỡ ngỡ với đề thi. Và khi làm bài, em chọn những bài dễ làm trước để ăn chắc điểm.

Đoạt được Huy chương Vàng nhờ sự nỗ lực và bản lĩnh trong thi cử nhưng Hoàng Tùng luôn khiêm tốn cho rằng mình may mắn hơn hai bạn cùng lớp với em cũng tham gia cuộc thi này đó là Nguyễn Minh Đức và Tô Anh Minh – 2 em đều đoạt Huy chương Bạc trong cuộc thi WMTC 2015.

Cuộc thi WMTC đã khép lại nhưng kỷ niệm về cuộc thi, về những người bạn đến từ các quốc gia khác nhau vẫn còn đầy ắp trong tâm hồn các em. 3 cậu học trò nhỏ lại đang tiếp tục chuẩn bị bước vào một cuộc thi mới – cuộc thi HSG văn hóa cấp Thành phố dành cho học sinh lớp 9 với những thử thách mới đang đón đợi các em.

Cô giáo Trần Thị Thanh Thảo- Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm: Dày thêm bảng Vàng thành tích cho ngôi trường có nhiều tài năng Toán học

 

Trường THCS Trưng Vương được biết đến cuộc thi WMTC đúng một tháng trước khi cuộc thi diễn ra. Trường đã cử 3 học sinh lớp 9H1 tham gia. Kết quả cả ba học sinh đều đoạt giải, trong đó Lương Hoàng Tùng đoạt Huy chương Vàng, hai học sinh còn lại là Nguyễn Minh Đức và Tô Anh Minh đều đoạt Huy chương Bạc.

Cả 3 học sinh này đều là những học sinh thông minh, ngoan ngoãn và đều say mê môn Toán. Riêng với Lương Hoàng Tùng, ở em có một điều đặc biệt, tất cả các trò chơi em tham gia cùng các bạn đều là sự trao đổi về môn Toán. Mặc dù đạt thành tích cao nhưng em rất khiêm tốn, ngại nói về mình, chịu khó lắng nghe, học hỏi. Sống giản dị, chan hòa, đoàn kết với các bạn, luôn có ý thức giúp đỡ các bạn trong lớp cùng tiến bộ.

Trường THCS Trưng Vương có truyền thống là nơi đào tạo nhiều tài năng Toán học của Việt Nam như Giáo sư Hoàng Xuân Sính (nữ Tiến sĩ khoa học ngành Toán đầu tiên của Việt Nam) hay Hoàng Lê Minh (học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, Giáo sư Ngô Bảo Châu… Hiện nay, bên cạnh một số thầy cô giáo giỏi chuyên môn đang giảng dạy tại trường, một số cựu giáo chức nổi tiếng như NGND Vũ Hữu Bình, NGND Tôn Thân… là những người rất tâm huyết, yêu trường nên cũng thường xuyên đến hỗ trợ giảng dạy, hướng dẫn, bồi dưỡng cho học sinh, đó cũng chính là một lợi thế của nhà trường. Với kết quả đạt được trong cuộc thi WMTC vừa qua, các em đã góp phần làm dày thêm bảng Vàng thành tích của trường THCS Trưng Vương.

Thầy giáo Vi Mạnh Tường- Phó Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình: Thắp sáng ngọn lửa đam mê Toán và Khoa học cho học trò

Đoàn học sinh trường THCS Giảng Võ, đại diện cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan đã lập thành tích xuất sắc với 12/12 em đều đoạt Huy chương, trong đó có 2 HCV, 6 HCB và 4 HCĐ. Tôi còn nhớ như in các cung bậc cảm xúc của thầy và trò trong đoàn khi BTC công bố kết quả thi. Tất cả cùng vỡ òa niềm vui, niềm tự hào khi thấy tên học sinh của mình được xướng lên trong lễ trao giải. Mặc dù, trước khi bước vào kỳ thi, thầy trò cùng không đặt áp lực về thành tích mà chỉ quyết tâm thi một cách tốt nhất, nghiêm túc nhất, vận dụng hiệu quả các kiến thức đã được trang bị từ ở nhà, song vẫn thật xúc động, tự hào khi lần lượt các em đoạt Huy chương, trong đó có 2 HCV của Bùi Phương Nam và Nguyễn Nhật Linh. Đặc biệt, các em học sinh với sự nỗ lực, quyết tâm của mình đã có thể tự hào về bản thân, về nhà trường, về màu cờ sắc áo của mình, khi tham gia Kỳ thi lần này có nhiều nước có nền Toán học hàng đầu khu vực như Singapore, Trung Quốc…

 

Tham gia cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế, các em không chỉ được cọ xát với các nền Toán học hàng đầu khu vực; được giao lưu và trao đổi văn hóa, quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè từ 20 quốc gia khắp các châu lục mà còn thắp sáng hơn ngọn lửa đam mê khoa học để vươn lên trở thành công dân toàn cầu. Thông qua việc tổ chức cho học sinh tham gia các kỳ thi trên đấu trường quốc tế, nhà trường muốn tạo một phong trào học tập trong học sinh; muốn khơi dậy trong các em niềm tự hào để vươn lên trong học tập, đồng thời dần tiếp cận với phương pháp học liên môn, học tích hợp nội dung các môn khoa học và phát triển vốn tiếng Anh đang rất cần thiết trong xu thế hội nhập hiện nay.

 

Thầy giáo Vi Mạnh Tường- Phó Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình: Thắp sáng ngọn lửa đam mê Toán và Khoa học cho học trò

Đoàn học sinh trường THCS Giảng Võ, đại diện cho đoàn học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan đã lập thành tích xuất sắc với 12/12 em đều đoạt Huy chương, trong đó có 2 HCV, 6 HCB và 4 HCĐ. Tôi còn nhớ như in các cung bậc cảm xúc của thầy và trò trong đoàn khi BTC công bố kết quả thi. Tất cả cùng vỡ òa niềm vui, niềm tự hào khi thấy tên học sinh của mình được xướng lên trong lễ trao giải. Mặc dù, trước khi bước vào kỳ thi, thầy trò cùng không đặt áp lực về thành tích mà chỉ quyết tâm thi một cách tốt nhất, nghiêm túc nhất, vận dụng hiệu quả các kiến thức đã được trang bị từ ở nhà, song vẫn thật xúc động, tự hào khi lần lượt các em đoạt Huy chương, trong đó có 2 HCV của Bùi Phương Nam và Nguyễn Nhật Linh. Đặc biệt, các em học sinh với sự nỗ lực, quyết tâm của mình đã có thể tự hào về bản thân, về nhà trường, về màu cờ sắc áo của mình, khi tham gia Kỳ thi lần này có nhiều nước có nền Toán học hàng đầu khu vực như Singapore, Trung Quốc…

Tham gia cuộc thi Toán và Khoa học quốc tế, các em không chỉ được cọ xát với các nền Toán học hàng đầu khu vực; được giao lưu và trao đổi văn hóa, quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè từ 20 quốc gia khắp các châu lục mà còn thắp sáng hơn ngọn lửa đam mê khoa học để vươn lên trở thành công dân toàn cầu. Thông qua việc tổ chức cho học sinh tham gia các kỳ thi trên đấu trường quốc tế, nhà trường muốn tạo một phong trào học tập trong học sinh; muốn khơi dậy trong các em niềm tự hào để vươn lên trong học tập, đồng thời dần tiếp cận với phương pháp học liên môn, học tích hợp nội dung các môn khoa học và phát triển vốn tiếng Anh đang rất cần thiết trong xu thế hội nhập hiện nay.

Nguyễn Vũ – Hồng Hà, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 73+74, tháng 1-2/2016