Minh triết “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng vào đổi mới giáo dục
(GDTĐ) – Minh triết “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” (Lấy cái không thay đổi ứng phó với vạn cái thay đổi) của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được vận dụng một cách linh hoạt trong thời kỳ cách mạng mới giành được chính quyền mà nó còn là hành trang cho các nhà quản lý giáo dục vận dụng vào công tác quản lý trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Hoàn cảnh ra đời câu nói “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến”
Ngày 31/5/1946, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Phạm Văn Đồng lên đường đi Pháp. Bác đi với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, còn đoàn đại biểu Chính phủ đi đàm phán về việc thực hiện Hiệp định sơ bộ Việt – Pháp ký ngày 6/3/1946. Tình thế đất nước lúc đó vô cùng ngặt nghèo. Nhân dân rất lo lắng về chuyến đi xa của Bác. Tuy nhiên Bác và Thường vụ Trung ương đã có chủ định: Người muốn nhân cơ hội này tại Paris khẳng định vị thế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên thế giới.
Tiễn Bác hôm đó tại sân bay Gia Lâm có đông đủ nhân dân Hà Nội, các thành viên Chính phủ.
Trong hồi ký “Những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Văn học 1972) đ/c Võ Nguyên Giáp kể lại:
“Sân bay đông nghịt người. Hồ Chủ tịch đi một vòng chào các đại biểu và đồng bào. Đồng bào vẫy cờ, vỗ tay hoan hô và chen lấn ra phía trước để được nhìn rõ Người.
Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh Thúc Kháng nói:
– Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải ra đi ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến”.
Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu. Bác đã uỷ nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng”.
Tháng 7/1946, khi Bác đang ở Pháp thì Hà Nội xẩy ra vụ Ôn Như Hầu, bọn Việt gian muốn lợi dụng ngày 14/7 (Quốc khánh Pháp), các đơn vị quân Pháp dự định tổ chức diễu binh, bọn chúng sẽ bắn vào lính Pháp tạo nên một cuộc bạo loạn rồi nhân cơ hội đó làm một cuộc đảo chính. Cụ Huỳnh với tư cách Quyền Chủ tịch nước khi biết rõ âm mưu đen tối của bọn phản động nhớ lời Bác trao gửi, dù tuân theo nguyên tắc đại đoàn kết dân tộc song đã không chần chừ ký lệnh bắt giam bọn đầu sỏ.
Ý nghĩa hiển ngôn và ý nghĩa hàm ngôn của Minh triết “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến”.
Trở lại lời trao gửi tới cụ Huỳnh Thúc Kháng “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến”. Ở đây Hồ Chí Minh đã lấy 4 phạm trù trong các kiểu diễn đạt:
Dĩ = Lấy (từ cách nói Dĩ ân báo oán, Dĩ trực báo oán, lấy ân lượng, lấy sự thẳng thắn để cởi báo oán thù).
Bất biến = Không thay đổi.
Ứng = Ứng phó (từ cách nói “Tùy cơ ứng biến” tùy tình hình mà ứng phó).
Vạn biến = Cái thay đổi, biến đổi dù có động thái đổi thiên hình vạn trạng (từ cách nói “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”: dù sấm sét ầm ầm mà tâm vẫn vững vàng).
Người gộp thành hai bộ, mỗi bộ 3 từ, tạo nên một mệnh đề có 6 từ ở thế tương lập với nghĩa hiển ngôn:
“Lấy cái không thay đổi ứng phó với vạn cái thay đổi”
Hàm ngôn của thông điệp này là: Nhà Cách mạng Hồ Chí Minh gửi tới Bậc Túc nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng điều tâm niệm “Phấn đấu giữ vững mục tiêu chiến lược của cuộc đấu tranh và linh hoạt sáng tạo trong chiến thuật đối phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra do kẻ thù nham hiểm bày đặt” (Ý tưởng phân tích của GS.Bùi Khánh Thế).
Ngày nay thông điệp “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” giúp chúng ta có minh triết hành động theo 2 chiều:
Chiều thứ nhất: Xác định được vấn đề có tính nguyên tắc, lấy đó làm điểm tựa để giải quyết mọi vấn đề khác, mọi sự biến đổi khác.
Chiều thứ hai: Thấy việc gì có lợi có hiệu quả thì làm ngay, song không bao giờ xa rời mục tiêu đã chọn lựa được coi là chính đáng.
Có thể vận dụng thông điệp “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” vào việc nhận thức một số vấn đề lý luận quản lý hiện đại. Trước động thái thực tiễn thường có yêu cầu người quản lý biết điều hành công việc theo tinh thần quản lý sự thay đổi (Management In Changing). Đó là việc “Tri biến”: xác định được lộ trình và chiến lược hành động hợp lý các nhiệm vụ trên cơ sở phân tích SWOT (Nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ may, đe doạ) do tổng hợp được lục tri: “Tri kỷ – Tri bỉ” (biết mình, biết người); “Tri thế – Tri thời” (biết tình thế, xu thế – biết thời cơ, nguy cơ); “Tri túc – Tri chỉ” (biết thế nào là đủ – biết đến đâu phải dừng).
Quá trình “Tri biến” khi quán triệt “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” giúp cho người quản lý thành đạt được mục tiêu khả thi hơn, toàn diện hơn.
Quản lý học hiện đại cũng nêu ra 4 kỹ năng then chốt cho người quản lý. Đó là: kỹ năng nhận thức sự kiện, kỹ năng liên kết các sự kiện, kỹ năng chọn lựa được hành động có tính nguyên tắc và kỹ năng xử lý hành động thích ứng với hoàn cảnh.
Kỹ năng chọn lựa được hành động có tính nguyên tắc chính là kỹ năng “Dĩ bất biến” còn kỹ năng xử lý hành động thích ứng với hoàn cảnh chính là kỹ năng “Ứng vạn biến”.
Với “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến”, người quản lý có tư duy thì toàn thể (Thingking: Global) và hành động thì cụ thể (Action: Local). Như vậy ý tưởng của Hồ Chí Minh đã đưa ta nhận thức một số vấn đề then chốt của quản lý từ truyền thống đến hiện đại.
Vận dụng Minh triết “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” vào công tác quản lý giáo dục
Từ tháng 9/1945 đến những năm cuối của thế kỷ 20, đất nước đã tiến hành hai cuộc Đổi mới giáo dục và ba cuộc Cải cách giáo dục. Minh triết hành động “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” của Bác Hồ đã được những người điều hành nền giáo dục quán triệt trong việc tổ chức hệ thống giáo dục và hoạt động nhà trường.
Khi cách mạng mới thành công, nước ta dùng chương trình giáo dục Hoàng Xuân Hãn. Trong kháng chiến chống Pháp nước ta đã tổ chức hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm, sau khi thắng Pháp chuyển sang hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, khi đất nước thống nhất áp dụng hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm.
Dù hệ thống giáo dục biến đổi cho thích hợp với từng giai đoạn cách mạng và hoàn cảnh người học, song mục tiêu giáo dục, đất nước đã kiên trì xây dựng được một nền giáo dục tuân thủ các nguyên tắc Dân tộc – Khoa học – Đại chúng, một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân.
Theo đường lối của Đại hội Đảng các khóa 11, 12 bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ mới, đất nước tiến hành cuộc chấn hưng giáo dục với mục tiêu xây dựng một nền giáo dục “Trung thực – Lành mạnh – Hiện đại”. Ta đang triển khai cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục. Có thể coi đây là một cuộc cải cách giáo dục lớn vì nó thực hiện sự đổi mới toàn diện từ thể chế, cơ cấu hệ thống, nội dung, phương pháp giáo dục .
Tiến hành cuộc đổi mới giáo dục lần này đất nước có thuận lợi về Thế và Lực hơn hẳn thời kháng chiến, song cũng không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là nền giáo dục đang phải đứng trước một trạng thái kinh tế có sự giao thoa của 3 làn sóng: Kinh tế xã hội chủ nghĩa; Kinh tế thị trường và Kinh tế tri thức. Đang có những sự va chạm mạnh về quan điểm giá trị (Chủ yếu do các quan hệ kinh tế của 3 làn sóng trên tác động vào giáo dục) đối với cả 5 cấp độ: Nền giáo dục; Hệ thống giáo dục quốc dân; Nhà trường; Quá trình dạy học; Sự phát triển nhân cách.
Xuất hiện những nghịch lý giữa một bên là các tín điều có tính kinh điển về phát triển giáo dục theo trạng thái cũ và một bên là sự sôi động của thực tiễn do áp lực của thị trường. Nếu không vận dụng sáng tạo tinh thần “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” thì chúng ta không tránh khỏi sự luẩn quẩn cả về mặt tư duy và giải pháp hành động.
Phát triển giáo dục ngày nay thường có sự tranh luận: Thương mại hoá giáo dục hay không Thương mại hoá giáo dục, thừa nhận có “Thị trường giáo dục” hay không có phạm trù này?
Tiếp tục làm sáng tỏ các vấn đề lý luận đã nêu ra là điều cần thiết song tinh thần “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” sẽ là: Nhà quản lý biết mở ra được nhiều trường, thu hút được nhiều người đi học, kích thích lòng ham học hỏi của thanh niên, giúp họ lập chí lập thân lập nghiệp, có loại trường chính quy, các loại trường không chính quy. Tất cả đều hướng theo mục tiêu xây dựng xã hội học tập để mọi người được đi học và học được (Ứng vạn biến). Song tất cả các loại hình học tập mở ra để nhân dân và thế hệ trẻ được học tập phải có sự quản lý theo mục tiêu dân chủ nhân văn (Dĩ bất biến).
Tổ chức việc dạy học ngày nay đang có sự tranh luận dạy học lấy người học làm trung tâm hay dạy học lấy người thầy làm trung tâm.
“Dạy học lấy người học làm trung tâm” là quan điểm của Dewey có từ đầu thế kỷ 20. Nó đã được tiếp nhận ở nước Nga Xô viết thời Tân kinh tế. Sau này nó không có sức sống khi nền kinh tế Xô viết đi vào phương thức kế hoạch tập trung. Giáo dục học tuân thủ các nguyên tắc do Viện sĩ Cairốp đề xuất: Người thầy có vai trò then chốt và quyết định đối với quá trình giáo dục, dạy học. Lý luận này thực tế vẫn còn ý nghĩa cho công tác dạy học của bối cảnh mới.
Tinh thần “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” cho vấn đề này sẽ là: Bất cứ sự dạy học nào cũng phải tuân thủ tính mục đích, tính kế hoạch, tính tổ chức (Dĩ bất biến), còn người thầy phải tuỳ vào điều kiện cụ thể, tuỳ đặc điểm của đối tượng mà xử lý đúng đắn bốn vai trò: Người chỉ huy truyền đạt mệnh lệnh, Người điều phối, Người lãnh đạo, Người cố vấn (Ứng vạn biến). Tranh luận “Ai là trung tâm” của quá trình dạy học không phải là điều chính của lý luận dạy học. Cái chủ yếu của lý luận dạy học, vô luận đối với bất cứ loại hình nhà trường nào là tổ chức được quá trình dạy học từ bỏ kiểu sư phạm quyền uy ban ơn chuyển thành kiểu sư phạm của tình bạn dân chủ, phải vì lợi ích của cộng đồng.
Vấn đề này đã được Bác Hồ nhắn nhủ:
“Trong nhà trường thầy phải quý trò, trò phải kính thầy, có điều gì cùng bàn bạc dân chủ với nhau, không được cá đối bằng đầu”.
Công tác giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay đang chịu áp lực của nhiều hệ giá trị do đời sống toàn cầu tác động vào đất nước khi Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức WTO. Thái độ để mặc cho thế hệ trẻ tu dưỡng hoặc thái độ gò ép họ trong tác phong hành vi đều không thoả đáng.
“Dĩ bất biến” Ở đây là phải giúp cho thế hệ trẻ sống “Hiếu trung – Tình nghĩa”. Đó là giá trị cội nguồn (Ý tưởng của GS Phạm Minh Hạc) đồng thời phải rèn luyện cho họ “Nhập gia tuỳ tục – Nhập giang tùy khúc” (Ứng vạn biến) trước các hoàn cảnh sống, hoàn cảnh lao động, hoàn cảnh học tập rất đa dạng.
Trong Di chúc (bản viết tháng 5/1968), Bác Hồ có lời dạy:
“Đầu tiên là công việc đối với con người … Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”.
Ngay tại thời điểm đó bằng mẫn cảm chính trị sư phạm, Người đã thấy những khuyết tật, bất cập của nền giáo dục. Người khuyên phải sửa đổi chế độ giáo dục chính là phải biết đổi mới, cải cách giáo dục (Ứng vạn biến) song ngay sau đó Người nhấn mạnh “Cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”, tức là vì lợi ích của nhân dân (Dĩ bất biến).
Minh triết hành động “Dĩ bất biến – Ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh chính vì lẽ đó luôn luôn là hành trang cho mọi cán bộ quản lý giáo dục từ người chỉ đạo làm chính sách vi mô đến từng thầy giáo đang tác nghiệp trên bục giảng.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 84, tháng 12/2016)