Kỹ năng sư phạm: Phối hợp nhiều lực lượng tham gia vào công tác giáo dục

Kỹ năng sư phạm: Phối hợp nhiều lực lượng tham gia vào công tác giáo dục

(GDTĐ) –

*Xác định đúng mục tiêu

Nhận công tác ở trường THPT Trần Nhân Tông, thầy Hiệu trưởng trước đây đã dày công xây dựng nề nếp, trật tự đưa vị thế của trường từ tốp cuối lên hàng trung bình, tiếp tục đưa vị thế của trường đi lên là việc không dễ, nhưng không vì thế mà lại đứng nguyên hoặc tụt lùi, vấn đề lúc này đối với tôi là phải xác định đúng mục tiêu trước mắt của nhà trường.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Sau nhiều cuộc họp bàn trong Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm, với các tổ chức quần chúng trong nhà trường, chúng tôi đã xác định được hướng đi của mình. Đó là tập trung đi sâu vào công tác đạo đức, “Xây dựng phong cách giáo viên và học sinh Trần Nhân Tông Hà Nội”. Khi đã xác định được mục tiêu, cả nhà trường phấn đấu theo mục tiêu đó.

Trước tiên, nhà trường tổ chức họp cha mẹ học sinh các lớp quán triệt khẩu hiệu “Xây dựng phong cách giáo viên và học sinh Trần Nhân Tông Hà Nội”.Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ là tổ chức phối hợp và giám sát việc thực hiện của cả thầy và trò. Ban sẽ có phần thưởng cho những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc về đạo đức hàng năm. Đặc biệt, đối với học sinh, gia đình sẽ đôn đốc, giám sát và chịu trách nhiệm về những sinh hoạt của con em mình trong thời gian các em ở nhà. Phong trào được các bậc cha mẹ học sinh rất ủng hộ.

Trong trường sự chuyển biến thể hiện từ các đồng chí ở tổ bảo vệ. Công tác bảo vệ trật tự trị an được tăng cường, từ khâu kiểm tra tư thế, tác phong của học sinh khi bước vào cổng trường, đến việc kiểm tra các dụng cụ học sinh mang đến trường. Vào giờ chào cờ ngày thứ hai đầu tuần, nhà trường mời các đồng chí công an phường đến nói chuyện với học sinh về tình hình trật tự trị an và công tác phòng chống tội phạm xã hội. Hiệu quả thật bất ngờ, những vụ đánh lộn giảm hẳn, học sinh nhuộm tóc xanh đỏ, đeo hoa tai, vòng mũikhông được đến trường, thế là các em phải tự từ bỏ. Các giờ chào cờ, sinh hoạt của nhà trường có thêm nội dung, có sức thu hút sự chú ý của học sinh. Công tác chủ nhiệm của các thầy cô giáo đỡ vất vả hơn, hiện tượng học sinh hư giảm mạnh, việc tốt của học sinh ngày càng nhiều lên.

Tuy nhiên, lúc này xuất hiện một vấn đề mới, một số thanh niên hư ở nơi khác có xích mích với học sinh của trường thường đứng đợi khi tan học gây gổ đánh nhau trước cổng trường. Nhà trường phải nhờ các đồng chí công an phường đến can thiệp, thường xuyên mặc sắc phục đứng trước cổng trường giờ tan học, thế nên các vụ đánh lộn được dẹp bỏ. Các em học sinh an tâm, cha mẹ học sinh thấy con em mình được an toàn càng tích cực ủng hộ chủ trương của nhà trường hơn.

Công tác giáo dục đạo đức đạt được kết quả phấn khởi, phong trào “Xây dựng phong cách giáo viên, học sinh Trần Nhân Tông Hà Nội” thu được kết quả ban đầu, nhà trường bước sang giai đoạn mới tập trung chú ý vào nâng cao chất lượng văn hóa.Có nền tảng đạo đức ngoan các em học sinh mới chú ý vào học tập. Số học sinh bỏ học giảm rõ rệt. Đây là cơ sở để các thầy cô giáo nâng cao hiệu quả giờ dạy, tạo hứng thú học tập cho các em. Các đội tuyển học sinh giỏi được hình thành. Nhiều thầy cô đạt danh hiệu GVDG cấp Quận, cấp Thành phố. Lần đầu tiên nhà trường có học sinh dự thi học sinh giỏi cấp Thành phố, có một số em đạt giải học sinh giỏi Quốc gia môn Sử, Địa, Tin học. Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh. Đoàn thanh niên nhà trường được Thành đoàn Hà Nội, Quận đoàn Hai Bà Trưng tặng Bằng khen, Giấy khen. Hàng năm tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT của học sinh đều đạt 100%, tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học đạt 50 – 60%. Vị thế của nhà trường được nâng lên. Trường lọt vào tốp 10 trường có điểm tuyển sinhvào 10 cao nhất Hà Nội.

Những năm tháng công tác ở trường THPT Trần Nhân Tông, tôi đã rút ra một điều, việc xác định đúng mục tiêu của nhà trường trong từng giai đoạn là vô cùng quan trọng. Trong hàng loạt các vấn đề của nhà trường, biết sắp xếp làm việc gì trước, việc gì sau là thể hiện một tầm nhìn, một chiến lược và sách lược đúng đắn.

*Linh hoạt trong công tác xã hội hóa giáo dục

Trường THPT Trần Nhân Tông nằm ngay giữa khu chợ Giời, nơi buôn bán đủ các mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy. Vì thế công tác quản lý học sinh của nhà trường gặp không ít khó khăn. Đặc biệt công tác quản lý giáo dục học sinh, đưa các em vào nề nếp, không để các hoạt động ngoài chợ ảnh hưởng đến việc học tập của các em, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường là một việc không hề đơn giản.

 

Nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của công tác quản lý học sinh, tôi họp bàn rất kỹ trong Ban giám hiệu và các đoàn thể của nhà trường. Chúng tôi hiểu rất rõ, chỉ quản lý được học sinh trong khu vực nhà trường, còn khi các em đã ra ngoài thì rất khó quản lý các em. Chỉ có thể làm được việc đó khi huy động được các lực lượng xã hội tham gia vào công tác này. Nhưng phải làm thế nào?

Xác định ba lực lượng xã hội nhà trường cần có sự phối hợp là Ủy ban nhân dân phường, Công an phường Đồng Nhân nơi trường đóng và Ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi đã trực tiếp đến gặp các đồng chí lãnh đạo phường Đồng Nhân, xin được sự ủng hộ, giúp đỡ của phường trong công tác quản lý giáo dục học sinh. Đồng chí Bí thư và Chủ tịch UBND phường rất nhiệt tình ủng hộ. UBND phường giúp quản lý các điểm chơi game, các nhà hàng không bán hàng cho học sinh trong giờ học, công tác phối hợp giáo dục với nhà trường được đưa vào kế hoạch công tác hàng tháng, hàng quý của phường. Công an phường giải tán các tụ điểm bán hàng, quán cóc quanh trường, những điểm đỗ xe, giữ xe máy được đưa lùi ra xa cổng trường hơn. Các gia đình xung quanh trường không cho học sinh gửi xe máy để giảm tình trạng học sinh đi học bằng xe máy vi phạm luật giao thông.

Nhờ sự hỗ trợ giúp sức của các lực lượng xã hội, công tác giáo dục của nhà trường đạt được hiệu quả rất khả quan. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Số học sinh bỏ học, trốn học đi chơi game, tụ tập ngồi quán xágiảm hẳn, cuối năm hầu như không còn. Hiện tượng học sinh đi học bằng xe máy rồi gửi xe ở nhà dân quanh trường được chấm dứt. Hàng tháng nhà trường tổ chức báo cáo với Ủy ban nhân dân phường, Công an phường về những tiến bộ, hạn chế của học sinh. Những đề nghị của nhà trườngđều được các đơn vị chấp thuận và hoan nghênh.Các đồng chí công an phường còn có sáng kiến là tổ chức gặp gỡ trao đổi giáo dục học sinh cá biệt tại văn phòng nhà trườngcó sự chứng kiến của phụ huynh. Việc làm này có hiệu quả tích cực, vì các em được giáo dục sớm, ngăn chặn được những hậu quả sẽ xảy ra, bố mẹ các em được tham gia không còn khoảng cách giữa nhà trường với gia đình và lực lượng công an.

Sự nghiệp giáo dục là của toàn xã hội. Một mình nhà trường không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Ở đâu cũng có các lực lượng xã hộicó sức mạnh và sẵn sàng ủng hộ nhà trường trong công tác giáo dục. Vấn đề là các nhà trường có biết tranh thủ và vận động các lực lượng đó tham gia vào giúp đỡ, ủng hộ nhà trường làm tốt công tác giáo dục hay không. Công tác xã hội hóa giáo dục là rất quan trọng nhưng để làm tốt cần phải có các biện pháp linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh từng trường, từng địa phương./.

NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 113+114, tháng 5,6/2019