Kinh nghiệm ôn tập cuối năm phần lịch sử Việt Nam cho học sinh lớp 12

Kinh nghiệm ôn tập cuối năm phần lịch sử Việt Nam cho học sinh lớp 12

(GDTĐ) – Tạp chí GDTĐ xin giới thiệu sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Tạ Thị Thu Hường – Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thường Tín đoạt giải B cấp ngành với đề tài “Kinh nghiệm ôn tập cuối năm cho học sinh lớp 12 THPT cấp GDTX – phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1946-1954″.

Chiến dịch Điện Biên Phủ – tranh minh họa, nguồn: internet

Lịch sử lớp 12 với khoảng thời gian khá dài gồm Lịch sử Việt Nam từ 1919-2000 và Lịch sử thế giới từ 1945-2000. Nhưng trên thực tế quỹ thời gian học tập lại quá ít. Vì vậy, để đạt được kết quả cao trong kỳ thi, việc ôn luyện cho học sinh có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các em thông qua hệ thống câu hỏi, biểu bảng phát triển tư duy lô-gic, biết đối chiếu so sánh các kiến thức lịch sử, nhận biết thông tin phân tích tổng hợp đánh giá … từ đó biết vận dụng kiến thức làm bài thi có chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Mở đầu tiết ôn tập, để học sinh có cái nhìn tổng quan về bối cảnh lịch sử, mốc thời gian chính, đặc điểm của từng sự kiện – chiến dịch lớn và mối quan hệ giữa các sự kiện, các chiến dịch trong giai đoạn 1946-1954, giáo viên nêu câu hỏi giai đoạn 1946-1954 có những nội dung lớn nào?

Học sinh trả lời câu hỏi, giáo viên rút ra kết luận, có những vấn đề lớn sau:

+ Từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946: Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, Đảng, Chính phủ đã đề ra những biện pháp trước mắt, lâu dài, nhằm xây dựng củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, diệt giặc đói, giặc dốt, chống nội phản ngoại xâm.

+ Từ tháng 12/1946 đến tháng 7/1954: Cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến trường kì anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược qua các chiến dịch:

–         Các cuộc chiến đấu giam chân địch trong các đô thị.

–         Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

–         Chiến dịch Biên giới thu đông 1950.

–         Các chiến dịch do ta mở ở Trung du và đồng bằng Bắc bộ từ cuối 1950 đến giữa 1953.

–         Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Từ đó hướng dẫn học sinh ôn tập theo những dạng bài cụ thể.

Dạng bài thứ nhất: Lập bảng niên biểu lịch sử

Giáo viên hướng dẫn học sinh cách thức, phương pháp trả lời câu hỏi trong bảng biểu.

Việc làm bảng niên biểu giúp học sinh ghi nhớ được những sự kiện cơ bản về lí do ta tiến hành toàn quốc kháng chiến, ngày toàn quốc kháng chiến và những sự kiện tiêu biểu mở đầu và kết thúc các chiến dịch.

Những sự kiện mang tính quyết định cho thắng lợi của dân tộc ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1946-1954.

Giáo viên nhận xét và rút ra kết luận để học sinh hoàn thiện bảng niên biểu trong vở ghi.

Dạng bài thứ 2: Sử dụng bảng kiến thức dưới dạng bảng phụ

Đối với những bài ôn tập có nội dung diễn biến các cuộc đấu tranh, những thành tựu kinh tế, văn hóa… giáo viên xây dựng sẵn bảng kiến thức hoàn chỉnh về nội dung (ngắn gọn, cơ bản). Trong quá trình dạy, giáo viên chỉ đi sâu khai thác, nhấn mạnh một số nội dung, sự kiện chính và kết hợp trình chiếu bảng cho học sinh nắm được những nội dung cơ bản.

Dạng bài thứ 3: Ôn tập theo sơ đồ cây

Đây là dạng bài theo phương pháp dạy học mới nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Đặc biệt là giúp các em phát triển tư duy lô -gíc trong quá trình học tập và nghiên cứu lịch sử.

Để thực hiện dạng bài này giáo viên đưa ra câu hỏi minh họa sau:

Em hãy trình bày âm mưu của địch, chủ trương của ta, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của chiến dịch Việt Bắc Thu đông 1947 theo sơ đồ cây.

GV hướng dẫn học sinh cách tiếp cận khai thác sơ đồ và từ đó thực hiện bài tập của mình.

Trên máy chiếu hiện lên khung sơ đồ cây để trống – yêu cầu học sinh dựa vào gợi ý trên khung sơ đồ cây để làm bài tập vào vở – sau đó gọi học sinh trả lời. Học sinh khác bổ sung nhận xét, giáo viên chốt ý và trình chiếu từng nội dung đáp án trong sơ đồ cây để học sinh hoàn thiện vào vở ghi của mình.

Dạng bài thứ 4: Bài tập điền khuyết

Với dạng bài này đòi hỏi học sinh phải thuộc kiến thức lịch sử một cách chính xác, tỉ mỉ nhằm vừa ôn luyện kiến thức cũ, vừa rèn luyện tính cẩn thận chính xác.

Câu hỏi: Hãy điền vào chỗ trống những chữ còn thiếu trong những câu sau:

–         Trong 2 ngày 18,19/12/1946 hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã họp tại Vạn Phúc – Hà Đông quyết định ………………. kháng chiến.

–         Chúng ta muốn hòa bình………………………………….… ….một lần nữa.

–         Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do Đảng ta đề ra là……………… ………………………………….cánh sinh.

–         Ở Hà Nội khoảng 20h ngày 19/12/1946………………………….…..bắt đầu.

Học sinh làm bài.

Giáo viên gọi học sinh lên bảng làm bài tập, học sinh khác bổ sung hoàn thiện.

Giáo viên phân tích để học sinh hiểu sâu hơn các kiến thức đã nêu trong câu hỏi.

Dạng bài thứ 5: Lập bảng so sánh các vấn đề trong lịch sử

Dạng bài này không chỉ làm cho học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản mà còn tìm ra được điểm giống và khác nhau giữa các văn kiện lịch sử, các chiến dịch.

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm câu hỏi sau: Em hãy lập bảng so sánh để thấy được từ chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 đến chiến dịch Biên giới thu đông 1950 là bước phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược?

Đây là một bài tập khó hơn vì học sinh phải nắm chắc kiến thức của 2 chiến dịch; đối chiếu so sánh chỉ ra những điểm khác nhau giữa 2 chiến dịch, từ đó lý giải được vì sao lại có sự khác nhau đó.

Giáo viên hướng dẫn học sinh những nội dung cần chú ý để so sánh sau đó kẻ làm mẫu trên bảng để các em dựa vào đó hoàn thành bảng so sánh.

Giáo viên gọi 2 em học sinh lên bảng làm bài, cả lớp làm vào vở.

Giáo viên yêu cầu cả lớp nhận xét bổ sung, sau đó kết luận để các em hoàn thiện phần so sánh trong vở.

Dạng bài thứ 6: Phân tích nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của một vấn đề lịch sử

Đây là dạng bài phân tích một vấn đề cụ thể dựa trên cơ sở trình bày kiến thức lịch sử nên giáo viên nêu câu hỏi hướng dẫn để học sinh tự làm.

Câu hỏi: Nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của hiệp định Giơnevơ.

Giáo viên gọi một học sinh nêu tóm tắt tiến trình hội nghị Giơnevơ để học sinh nhớ lại kiến thức cơ bản và quá trình đấu tranh đưa tới việc kí kết hiệp định.

Giáo viên nêu vấn đề: Từ tiến trình hội nghị, em hãy rút ra nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của hiệp định.

Giáo viên gọi học sinh phát biểu, học sinh khác bổ sung, giáo viên nhận xét và chốt ý.

Với câu hỏi này, học sinh sẽ nắm được những nguyên nhân đưa tới thắng lợi ngoại giao lớn nhất của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời qua đó thấy được mối quan hệ giữa thắng lợi quân sự và thắng lợi ngoại giao. Sự kết hợp sáng tạo, tài tình trong đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao của Đảng ta.

Dạng bài thứ 7: Tổng hợp khái quát

Đây là dạng bài nhằm tóm tắt cô đọng những kiến thức cơ bản đã học trong một bài, một chương. Yêu cầu học sinh phải lựa chọn những kiến thức tiêu biểu nhất, ngắn gọn, cô đọng để điền vào bảng tổng hợp.

Câu hỏi: Hãy lập bảng tóm tắt về kết quả, ý nghĩa của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947, Biên giới thu đông 1950, Điện Biên Phủ 1954. Từ đó rút ra nhận xét.

Để gây hứng thú học tập cho học sinh, trên bảng giáo viên dùng bảng phụ bảng tóm tắt có che phần đáp án.

Giáo viên gọi học sinh trả lời, giáo viên bóc phần đáp án để học sinh đối chiếu kết quả rồi hoàn thiện trong vở ghi.

Sau khi đã hoàn thành bảng tổng hợp, giáo viên gọi 1 học sinh trả lời ý 2 của câu hỏi.

Giáo viên hướng dẫn học sinh nhận xét qua số liệu được ghi trên bảng tổng hợp.

Giáo viên gọi học sinh trả lời rồi nhận xét và chốt ý.

Với việc hoàn thiện các câu hỏi theo dạng bài tổng hợp, khái quát này, học sinh sẽ nắm được toàn bộ kiến thức cơ bản về những thắng lợi quân sự của ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó có thể vận dụng làm bài thi học kì, thi THPT Quốc gia đạt kết quả cao.

Sau khi áp dụng đề tài “Kinh nghiệm ôn tập cuối năm cho học sinh lớp 12 THPT cấp GDTX – phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1946 – 1954”, trong các giờ ôn tập cuối năm lớp 12, học sinh đã có  hứng thú, say mê, tập trung ôn bài. Qua mỗi tiết ôn tập đã hướng dẫn được các em rèn luyện kỹ năng sử dụng và khai thác được kiến thức cơ bản phục vụ ôn tập và trả lời các câu hỏi. Hiệu quả giờ ôn tập thông qua việc thu phiếu học tập của học sinh đạt chất lượng cao.

Trên đây là một số nét chính của đề tài “Kinh nghiệm ôn tập cuối năm cho học sinh lớp 12 THPT cấp GDTX – phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1946-1954” của cô giáo Tạ Thị Thu Hường – Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thường Tín. Mọi chi tiết xin truy cập vào website:http://khohoclieu.hannoiedu.vn.

BBT – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 89+90, tháng 5 – 6/2017