Giáo dục mầm non: Lớn mạnh cùng thời gian
(GDTĐ) – Ra đời từ nhu cầu tự phát, giáo dục Mầm non đã dần trưởng thành, trở thành một bộ phận quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Quy mô trường, lớp và số lượng trẻ đến trường ngày một tăng. Ngành giáo dục mầm non Hà Nội đã vượt qua muôn vàn những khó khăn của chiến tranh, vinh dự được Bác Hồ đến thăm nhiều trường mầm non nhất cả nước. Trong thời bình, ngành học này lại tiếp tục tiến lên trên những sóng gió, thách thức của thời kỳ đổi mới.
Giai đoạn 1954 -1971:
Bà Phạm Thị Sửu – nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT nay đã 78 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng bà vẫn minh mẫn và nhớ tường tận từng sự kiện của giáo dục mầm non từ những ngày Thủ đô giải phóng năm 1954. Bà công tác trong ngành giáo dục mầm non Thủ đô từ năm 1954 đến năm 1977 thì được bổ nhiệm làm Vụ phó, rồi Vụ trưởng phụ trách giáo dục mầm non của toàn quốc và vẫn được xem như Vụ trưởng đầu tiên của giáo dục Việt Nam.
Bà Sửu nhớ lại: “Ta may mắn được tiếp quản giáo dục mẫu giáo từ trước giải phóng. Trước đó, chúng ta đã có 10 năm thực hiện mẫu giáo kháng chiến. Những trường đầu tiên từ kháng chiến trở về là nòng cốt để xây dựng và phát triển mầm non Thủ đô. Đó là trường con em quân đội 12 Lý Nam Đế do Trần Đăng Ninh đề nghị Bác Hồ thành lập, Trại nhi đồng Miền Bắc do cán bộ TW Hội Phụ nữ, Trại nhi đồng Miền Nam. Đây là những nơi đầu tiên giúp các cô giáo Hà Nội có cơ sở thực tập. Người đào tạo giáo viên cho Hà Nội cũng chính là cán bộ của các trại nhi đồng đó”.
Theo lời kể của bà Sửu, khi hòa bình lập lại, các tầng lớp nhân dân ai cũng hứng khởi. Khi đó, cả nước còn 2 nhiệm vụ lớn là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và xây dựng miền Bắc XHCN. Để tạo điều kiện cho phụ nữ làm việc, các nhóm trẻ, nhà trẻ, các lớp mẫu giáo đã được tổ chức để trông nom các cháu trong thời gian mẹ đi làm, thậm chí có cả nhóm trẻ ca tối cho các chị em làm ca muộn. Ngày đó có sự phối hợp giữa Hội phụ nữ và giáo dục Hà Nội. Thành hội thành lập Ban xã hội phụ trách nhà trẻ-mẫu giáo ở các khu phố. Các khu phố Hoàn Kiếm, Ba Đình Đống Đa, Hai Bà Trưng thành lập các lớp vỡ lòng-mẫu giáo (nhiều phố ghép lại thành trường- đặt tên trường theo dãy số tự nhiên (từ 1,2,3…). Sự phát triển của mầm non, tiếng cô dạy trẻ, tiếng trẻ thơ cười đùa khiến không khí Thủ đô thêm náo nức, hồ hởi, một Thủ đô tươi vui trong hòa bình.
Sau giải phóng Thủ đô, giáo dục mầm non vẫn còn non nớt. Theo số liệu thống kê, năm học 1954 -1955, cả Hà Nội có 2 trường mẫu giáo tư thục với 8 lớp và 254 cháu. Sau này, trường mầm non đầu tiên được thành lập là Mầm non A Hà Nội (tháng 4/ 1955) do hội Phụ nữ quản lý. Trước giải phóng Thủ đô, chúng ta có một số trường tư thục như trường Chim Non (phố Lò Đúc), Sao Sáng (số 5 Nguyễn Thượng Hiền), Hội quán Trung Hoa (nay là mầm non Tuổi thơ, quận Hoàn Kiếm), trường Thành nhân (Hoàn Kiếm)…Tuy nhiên sau giải phóng, các trường tư thục không bị đóng cửa mà được vận động, cải tạo, chuyển đổi sang trường công lập. Theo bà Sửu, đây là một chủ trương rất đúng đắn.
Hà Tây giai đoạn 1954 – 1971 đã xây dựng các trường mầm non điểm, làm mô hình mẫu cho các trường khác. Trong số đó phải kể đến mô hình của trường mầm non Hòa Xá (huyện Ứng Hòa), được thành lập năm 1961. Đây là trường trọng điểm, một trong những ngọn cờ đầu của giáo dục mẫu giáo khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó là trường Mẫu giáo Tam Hưng – một mô hình điểm khu vực nông thôn của Hà Tây. Sau này có trường Vạn Phúc. Theo cô Trần Kim Duyên – nguyên Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu không có các trường điểm đó, mẫu hình đó thì ngành mầm non khó phát triển.
Tiếp lời kể của bà Sửu, công tác tuyển chọn giáo viên ngày đó được Thành phố giao cho Trường TCSP Mẫu giáo Hà Nội (nay là trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội). Lớp đầu tiên được mở ngày 9/12/1956 gồm có 36 học viên. Những bài thi đánh giá đạo đức, tác phong làm việc và thái độ, cách ứng xử với trẻ được chú trọng trong công tác đào tạo lúc bấy giờ. Giáo sinh học đến đâu sẽ được kiến tập đến đó. Năm 1960, Tổ mẫu giáo trong sở GD&ĐT Hà Nội được thành lập để quản lý các lớp mẫu giáo, vỡ lòng.
Những năm 1965 – 1975, Đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh phá hoại hòng hủy diệt miền Bắc XHCN. Ngành giáo dục Hà Nội đứng trước nhiệm vụ hết sức nặng nề là trong bất kỳ tình huống nào cũng tổ chức cho con em nhân dân học an toàn. Trong giai đoạn này, số lớp mầm non đã tăng lên 729 lớp với 803 giáo viên và hơn 23 nghìn trẻ. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, với vô vàn khó khăn, thiếu thốn, có khi cả cô và trò đều phải đi sơ tán, tổ chức nuôi và dạy trong hầm tối, thậm chí có lúc còn nguy hiểm đến tính mạng…song những cô giáo mầm non vẫn kiên trì với nghề, gắn bó với trẻ để bố mẹ các cháu yên tâm làm nhiệm vụ. Những tấm gương tiêu biểu ngày ấy như: nhà giáo Hoàng Lan Dung, Bùi Thị Nghĩa, Trần Thị Bắc, Trần Thị Dung, Phạm Ngọc Nhung, Phi Vân Khanh…. và nhiều những gương cao đẹp khác đã âm thầm cống hiến làm nên thành tích chung của GDMN Hà Nội. Bộ GD&ĐT cũng đã dựa vào giáo dục mầm non của Hà Nội để phát triển giáo dục mầm non của cả nước.
Giai đoạn 1971 – 1986
Đảng và Nhà nước nhận thấy chăm lo cho các nhà trẻ, trường mẫu giáo thực sự là một nhiệm vụ chính trị có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người, xây dựng đất nước. Đồng thời, khi được tiếp cận với các nước phát triển ta thấy họ đã đưa công tác này vào sự nghiệp giáo dục của đất nước họ. Các tổ chức nhà trẻ mẫu giáo của một nước nói lên sự hiểu biết về công tác trồng người (lớp kế cận) của nước đó. Chính vì vậy, năm 1971, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương (UBBVBMTE), là một cơ quan ngang bộ để chăm lo cho sự nghiệp trồng người, lo cho vấn đề nòi giống tương lai. Như vậy việc quản lý giáo dục mầm non gồm: Tổ mẫu giáo của Sở GD&ĐT Hà Nội; Uỷ ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Hà Nội.
Từ những năm 1973 – 1974, ngoài các công tác rất cấp thiết là tổ chức bộ máy và đào tạo cán bộ đã bước đầu hoạt động đều tay thì UBBVBMTE làm công tác quy hoạch mạng lưới nhà trẻ tại các quận, huyện. Mục đích của việc quy hoạch mạng lưới nhà trẻ nhằm: Thay đổi diện mạo nhà trẻ đúng với nuôi dạy trẻ; Tạo điều kiện cho việc nuôi dạy trẻ: nơi chơi, nơi dạy, nơi ăn ngủ; Giải quyết về mặt địa dư và dân cư để việc gửi con của cha mẹ được thuận lợi. Ngoài công tác quy hoạch mạng lưới, Thành phố cũng nâng quy mô một số nhà trẻ lên 100-200 cháu để sắp xếp các nhóm trẻ quá nhỏ đủ điều kiện nuôi dạy trẻ vào các nhà trẻ, từ đó hợp lý việc chăm sóc các cháu. Đối với các nhà trẻ lớn thì thực hiện cả 2 việc: nhận cháu nhà trẻ, mẫu giáo. Song song với các mặt công tác tổ chức cán bộ, đào tạo, xây dựng và quy hoạch mạng lưới nhà trẻ, thành phố rất quan tâm đến việc trang thiết bị để tạo điều kiện cho việc nuôi dạy trẻ được tốt. Chính vì vậy, các đồ dùng trong nhà trẻ ngày càng đầy đủ, đúng quy cách và phù hợp theo các lứa tuổi.
Từ những năm 1975, khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, ngành học MN (gồm nhà trẻ và trường mẫu giáo) phát triển trên toàn Thành phố. Sự quan tâm, chăm chút cho trẻ thơ của toàn xã hội được thể hiện rất rõ qua các phong trào “Hai cây-một con”; “Ly sữa -quả chuối”… nhằm huy động nhiều trẻ đi nhà trẻ, đi mẫu giáo và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Những cái tên như nhà trẻ 27 Hàng Điếu, nhà trẻ Nhà máy Dệt 8-3, MN 20/10, MN A Hà Nội, Mẫu giáo MN B Hà Nội, nhà trẻ Đình Quán Từ Liêm, MN Yên Sở, MN Phù Đổng… đã trở thành địa chỉ tin cậy và gần gũi của nhiều người dân Hà Nội ngay từ những ngày ấy.
Những năm sau đó, Thành phố tập trung cho công tác đào tạo giáo viên cũng như cán bộ quản lý và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Đến năm 1978, bộ máy từ quản lý từ quận, huyện đến Thành phố tạm ổn định và hoạt động đều. Việc đào tạo ra một đội ngũ cán bộ trẻ, có văn hóa, có nghiệp vụ hoàn toàn do Hà Nội tự xây dựng, kinh phí đào tạo do Uỷ ban nhân dân thành phố cấp… Từ bộ máy và đội ngũ cán bộ hình thành, bộ mặt nhà trẻ Hà Nội đã thay đổi nhiều về số và chất lượng nuôi dạy trẻ, từ một ngành xã hội chưa biết đến thì sau khi được thành lập ngành bà mẹ trẻ em đã là một ngành sự nghiệp của thành phố.
Năm 1987, UBBVBMTE được sáp nhập vào Sở giáo dục. Trong thời gian 15 năm hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBBVBMTE, ngành giáo dục mầm non đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đó là sự nghiệp nuôi dạy trẻ được coi là một bộ phận trong sự nghiệp trồng người. Từ chỗ xã hội coi người làm công tác nuôi dạy trẻ là người không cần học, thì nay xã hội thấy việc đào tạo các cô nuôi dạy trẻ là một việc phải làm và cần làm. Từ lúc có người dạy trẻ là người không có chuyên môn, người thừa, đội ngũ của cơ quan, xí nghiệp được đưa vào làm nhà trẻ, bậc lương không có – đa số là lương tạp vụ, không được học hành, không có tiền đồ, nên đa số không yêu nghề. Cùng với đó, khi UBBVBMTE thành lập đã tập trung một số chế độ chính sách để cho những người làm công tác nuôi dạy trẻ yên tâm với nghề nghiệp. Các nhà trẻ đã có một đội ngũ người dạy trẻ có nghiệp vụ tối thiểu 3 tháng (cô đã làm lâu năm) và cô 9 tháng. Công tác nhà trẻ mẫu giáo thực sự giải phóng cho phụ nữ, thực sự cải thiện kinh tế cho các gia đình…
Giai đoạn 1986 – 2008
Năm 1986 là đánh dấu một bước tiến quan trọng của đất nước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra nhiều định hướng đổi mới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng – đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính sách xã hội, Giáo dục mầm non trở thành một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiệm vụ của giáo dục mầm non lúc này là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách và tạo tiền đề cho trẻ chuẩn bị bước vào những năm đầu của bậc học phổ thông. Nhiều phong trào thi đua của ngành học được phát động, phong trào “Xây dựng nhóm, lớp MN đủ điều kiện”, phong trào xây dựng lá cờ đầu, xây dựng trường, nhóm lớp điểm…đã từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các trường MN ở cả nội và ngoại thành. Ngành học MN đã khẳng định được vị trí của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân.”
Nhớ lại công tác giáo dục mầm non thời kỳ này, bà Nguyễn Thị Tách – nguyên là PGĐ Sở GD&ĐT Hà Tây kể: “Những năm 1980, Hợp tác xã tan vỡ không nuôi nổi nhà trẻ. Chúng tôi đã bắt đầu cuộc đi cứu nhà trẻ khỏi tan vỡ. Khi đó có nhiều việc phải làm. Nhà trẻ và mẫu giáo nhập với nhau nên phải xây dựng các trường. Hà Tây khi đó là tỉnh đầu tiên hợp nhất nhà trẻ và mẫu giáo thành trường mầm non. Thứ hai là công tác xây dựng đội ngũ bởi Hà Tây chỉ 10% giáo viên được đào tạo nên phải thực hiện cuộc cách mạng đào tạo. Chúng tôi yêu cầu Hiệu trưởng các trường điểm phải có trình độ đại học. Về xây dựng cơ sở vật chất, phải tiến hành xóa đi những nhà kho để mỗi xã có 1 trường chính, mỗi thôn có 1 điểm trường. Ngành học mầm non muốn phát triển phải giải quyết các vấn đề đó. Ngoài ra, với giáo viên không chỉ có đào tạo mà còn phải kèm theo chế độ chính sách. Ngày đó, giáo viên chỉ được trả mấy chục cân thóc. Hợp tác xã mất mùa không được thóc có khi nửa năm các cô không có thóc. Chính vì thế việc giáo viên có thêm trợ cấp, mua gạo để sinh sống, được đóng bảo hiểm là cuộc cách mạng chính sách đối với họ”.
Từ năm 1996, thực hiện Nghị quyết TW 2 khoá VIII của Đảng về GD&ĐT và Khoa học công nghệ, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục tiếp tục được nâng cao, việc đa dạng hoá các loại hình giáo dục và công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non (năm 2002), cùng với những chủ trương, chính sách của Thành phố đầu tư cho giáo dục và gần đây nhất là Quyết định 149 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển GDMN giai đoạn từ 2006 – 2015 đã tạo thêm tiền đề, động lực để CB, GV MN yên tâm góp sức xây dựng và phát triển ngành học. Những nỗ lực ấy đã góp phần đáng kể làm nên những thành tích của GDMN Hà Nội.
Năm học 1985 – 1986, Hà Nội đã có tới 218 trường mầm non, với 1.774 lớp học. Chỉ tính riêng trong 5 năm từ 2000 đến 2006, số trẻ đã tăng từ 102.000 cháu lên 127.000 cháu, số trường tăng từ 310 lên 456. Việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp đã góp phần tăng tỷ lệ trẻ đến trường, tiêu biểu là ở khối trường ngoài công lập năm 2006 có hơn 60% tổng số trẻ đang theo học. Chất lượng nuôi, dạy trẻ ngày càng được chú trọng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hằng năm giảm khoảng 1,5%. Ngành học GDMN Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích đi đầu trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Từ năm 2008 đến nay
Theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người với 29 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm 10 quận, 19 huyện, 1 thị xã). Giáo dục mầm non của Hà Nội cũng mở rộng về quy mô.
Sau hợp nhất, Hà Nội có 767 trường mầm non, trong đó có 300 trường công lập và 467 trường ngoài công lập. Điều kiện thuận lợi là quy mô lớn, giáo dục MN Hà Tây có điểm mạnh, Hà Nội cũng vậy. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên tham mưu chuyển đổi từ mầm non nông thôn sang mầm non công lập. Đầu 2008, 108 trường mầm non bán công và mầm non nông thôn được chuyển sang mầm non công lập. Năm 2009, Thành phố đã hoàn thành chuyển 507 trường mầm non bán công nông thôn thành trường mầm non công lập. Đây là kết quả của quá trình tham mưu từ các hiệu trưởng, làm tốt tham mưu với các phường, xã, Sở Giáo dục, vụ giáo dục mầm non.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Trưởng phòng GDMN cho biết: Cơ chế chính sách với giáo viên mầm non Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Trong đó, Quyết định số 5263/QĐ-UBND ban hành năm 2007 cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Thành phố đối với giáo viên mầm non. Những giáo viên từ trung cấp được hỗ trợ lương theo bằng cấp (1,86) và được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội chứ không phải lương cơ bản như trước đó, đặc biệt là được truy lĩnh từ 1/1/2007. Điều này giúp các cô giáo phấn khởi, an tâm công tác. Năm 2009, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình giáo dục mầm non, các cô giáo không chỉ thực hiện tốt mà còn phát huy sự sáng tạo của mình. Họ giành rất nhiều giải cao trong các cuộc thi sáng tạo do ngành tổ chức. Hiệu trưởng các nhà trường cũng được đào tào, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Giáo dục mầm non ngày càng khẳng định được vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân”.
Qua 60 năm phát triển, đến nay, 575/577 phường, xã, thị trấn của Hà Nội đều có trường MN công lập. Toàn Thành phố có 905 trường, trong đó có 698 trường công lập. Năm 2009, mới chỉ có 30,8% số trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, đến năm 2013 tỷ lệ này đã nâng lên 100%. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày cũng đạt 100%. Năm 2013, Hà Nội là một trong 10 địa phương đầu tiên của cả nước đạt Chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chỉ đạo thí điểm mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao ở một số trường cũng đang cho thấy hiệu quả tích cực.
Ngành Giáo dục mầm non cùng với hệ thống các cấp học khác của ngành Giáo dục của Thủ đô đã và đang gánh vác sứ mệnh nặng nề nhưng cũng rất vinh quang là sự nghiệp trồng người như Bác Hồ kính yêu đã dạy. Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song Giáo dục mầm non Hà Nội đã có những khởi sắc đáng kể trong nhiệm vụ ươm mầm tuổi thơ, đào tạo nhân lực cho Thủ đô và đất nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp trong 60 năm qua với sự toả sáng của các phong trào thi đua “Dạy tốt- Nuôi tốt- Học tốt”, “Cô giáo người mẹ hiền”, “Xây dựng nhà trường văn hoá- nhà giáo mẫu mực- Học sinh chăm ngoan”, Giáo dục mầm non Hà Nội đã thực sự thực hiện việc chăm cây phải chăm từ gốc…
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tới sự nghiệp giáo dục MN. Người từng căn dặn: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ… Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt ”. Trong chặng đường phát triển của ngành học mầm non, lời dạy của Người vẫn luôn được cán bộ, giáo viên khắc ghi, biến thành phương châm hành động. Ngành giáo dục mầm non Thủ đô cũng ngày càng nhận được nhiều quan tâm của Đảng ủy, UBND thành phố, sự chăm lo của toàn dân, ngành giáo dục mầm non. Đây là yếu tố quan trọng để ngành ngày càng phát triển, chất lượng nuôi dạy trẻ ngày càng nâng cao, tạo nền tảng vững chắc, tiền đề quan trọng để những công dân Thủ đô phát triển ở những cấp học sau, thành những nhân tài góp sức đưa Thủ đô, đất nước ngày càng vững bước đi lên.
Giang Nguyễn – Vũ Toàn
(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 51, tháng 3/2014)