Đùa dai = đùa dại!
(GDTĐ) – Đôi khi người lớn có một ý thích kì cục là trêu đùa trẻ con để xem phản ứng của trẻ thế nào. Họ xem chuyện trẻ trả lời thế nào, dùng ngôn từ gì, mặt trẻ biểu cảm ra sao, cáu kỉnh thế nào… làm niềm vui của mình. Thích thú trò giải trí ấy, họ không biết rằng vô tình đã tạo cho trẻ một nếp nghĩ, hơn thế là một tật xấu.
Giấu đồ chơi để trẻ phải ngó trước ngó sau tìm mãi rồi mới chịu đưa ra để thấy trẻ sung sướng reo lên khi tìm thấy… Thôi thì cũng được nhưng đồ chơi hay đồ đạc của trẻ mà cứ bảo là của mình, thậm chí trẻ đang cầm trên tay lại giật lấy rồi ra điều kiện: “ạ đi rồi chú trả!” thì kì quặc vô cùng. Có đứa đành “ạ” để được trả, nghĩa là đã bắt trẻ phải khuất phục quyền uy của mình. Có những trẻ khóc toáng rồi hét ầm lên: “Của cháu chứ! Mẹ cháu mua cho cháu chứ”… Bố mẹ, ông bà trẻ phải can thiệp dỗ dành: “Chú ấy đùa đấy mà!”. Có đứa nghe, có đứa không chịu nghe, vẫn cứ hò hét. Đến lúc ấy, cái “người lớn” kia mới thôi đùa.
Những chuyện như thế, nếu lặp đi lặp lại sẽ gây cho trẻ thói quen phản ứng, chống đối để bảo vệ bằng được lợi ích của mình.
Thỏ (tên ở nhà của bé Phương Linh) hơn 5 tuổi, về quê chơi, các anh chị quý em liền xúm vào hỏi han trêu đùa. Ai cũng thích hỏi chuyện bé, nhưng lại không nghĩ ra được những câu hỏi mới, cứ lặp đi lặp lại: “Thỏ đi mẫu giáo có bị bắt nạt không?”, “Cái váy đẹp này ai mua cho đấy?”, “Mỗi bữa ăn được mấy bát cơm?”… Thỏ tức vì cứ bị hỏi đi hỏi lại liền chạy đi, kéo mẹ lại gần chỗ các anh chị đang ngồi túm tụm dưới gốc vải nói:
– Mẹ trả lời các anh chị này đi!
– Sao con không nói chuyện với các anh, các chị?
– Con cất mồm vào trong túi rồi!
Nói xong bé chạy đi.
Một buổi tối, Thỏ đang chơi xếp hình, mẹ ngồi một bên, bố ngồi một bên. Hai người thay nhau bấu bên sườn trái bé một cái rồi hỏi:
– Con gì cắn Thỏ đấy?
– Bố Sơn!
– Con kiến đốt đấy chứ!
Lại một cái bấu bên phải:
– Con gì cắn Thỏ đấy?
– Mẹ Ly!
– Con mèo cắn Thỏ đấy chứ!
Bố mẹ cứ nghĩ đùa yêu con thế thì có gì đâu rồi lại tiếp tục, lại bịa ra tên con vật nọ, con vật kia để “chối tội”. Không ai biết diễn biến tâm lý con thế nào, đến lúc cháu bảo: “Con mẹ, con bố bấu Thỏ!” thì hai người mới ngộ ra là mình đã đùa dai để đến nỗi con phải trả lời như thế. Không phải là Thỏ hỗn mà theo suy nghĩ của bé “con mẹ, con bố” cũng chỉ nằm trong chuỗi các con vật khác như con kiến, con mèo, con chuột… thôi.
Sau chuyện đó, bố mẹ Thỏ mới rút ra kết luận: chớ đùa dai với trẻ kẻo cháu vô tình nói hỗn với người lớn. Kinh nghiệm ấy chưa kịp phổ biến với ông bà nội, ngoại thì bà ngoại đã “dính đòn”. Đi học về, bà cho Thỏ đi tắm. Đang ngồi trong chậu tắm, đột nhiên Thỏ bảo: “Bà đi ra ngoài để cháu đi vệ sinh không thối lắm đấy!”. Yêu cháu nên bà đùa: “Thối đâu mà thối, thơm đấy chứ!”. Nào cháu có biết đâu là bà đùa nên cãi lại: “Cháu bảo c… cháu thối sao bà cứ bảo thơm?”. Bà cười vẫn cố tình đùa: “Thối đâu nào. Bà thấy thơm đấy chứ!”.
Rất không bằng lòng với ý kiến của bà nên Thỏ ra sức bảo vệ ý kiến của mình:
– Bà vô lý quá, sao bà lại cứ bảo là thơm?.
– Bà thấy thơm thật mà.
Đến đấy thì nó cáu thật sự, nó quyết bảo vệ ý mình vì nó thấy hiển nhiên là mình đúng: “Bà cứ bảo là thơm thì bà ăn nó đi!”. Điếng người vì câu đối đáp hỗn hào của cháu. Bà biết mình dại vì cứ đùa dai cháu nhưng không thể không “chấn chỉnh” cháu: “Thỏ nói thế là hư đấy nhé. Sao dám bảo bà ăn c… cháu?”. Bà bảo thế thì đúng là mình hư rồi. Miệng méo sệch, nước mắt chảy dài, hai tay khoanh trước ngực, đầu cúi xuống, nó vừa khóc vừa nói: “Cháu xin lỗi bà, từ sau cháu không dám hư thế nữa”. Bà ôm cháu vào lòng vỗ về:
– Thỏ biết lỗi thế là ngoan rồi, thôi nín đi, bà yêu!
– Nhưng bà phải hứa là không mách bố mẹ cháu cơ!
Tất nhiên bà sẽ không giữ lời hứa, nhưng lúc này cứ phải hứa với nó vì bà biết lỗi của nó chính là vì lỗi của mình. Từ đó cả nhà nó, ông bà nội, ông bà ngoại đều nhắc nhau, chớ có đùa dai với trẻ mà dại mặt có ngày.
Nguyễn Bắc Sơn – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 61 (tháng 1/2015)