Dạy học đọc hiểu văn bản nghệ thuật cho học sinh lớp 5

Dạy học đọc hiểu văn bản nghệ thuật cho học sinh lớp 5

(GDTĐ) – Nghị quyết số 29/NQ-TW của BCH Trung ương đã chỉ ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với ngành giáo dục đó là: Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn… Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, phát triển năng lực. Thực hiện tinh thần của Nghị quyết 29, đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học được thực hiện ở tất cả các môn học và cấp học, trong đó có dạy học đọc hiểu ở môn Tiếng Việt cấp Tiểu học.

 

Theo chuẩn kiến thức và kĩ năng môn Tiếng Việt Tiểu học, yêu cầu tối thiểu về đọc hiểu đối với học sinh lớp 5 là: “Bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của một số bài thơ, bài văn, màn kịch của Việt Nam và thế giới, cụ thể là nhận biết được các câu văn, hình ảnh, chi tiết có giá trị nghệ thuật trong các bài văn, bài thơ, màn kịch đã học”. Sự khác biệt khá lớn giữa môn Ngữ văn ở cấp THCS và môn Tiếng Việt cấp Tiểu học khiến cho học sinh khi hết lớp 5 bước vào lớp 6 gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong việc tiếp thu kiến thức, nhất là đối với kĩ năng đọc hiểu văn bản nghệ thuật. Vì vậy, với học sinh lớp 5 – năm học cuối cấp Tiểu học – việc dạy đọc hiểu văn bản nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng cho sự tiếp nối, chuẩn bị cho học sinh có thể học tốt môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở. Dưới đây là lộ trình các hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản nghệ thuật cho học sinh lớp 5 theo các giai đoạn: trước, trong và sau khi đọc.

Các hoạt động trước giờ học

Lên lớp 5, học sinh đã tích lũy được vốn từ vựng và những hiểu biết về tự nhiên, xã hội thông qua hoạt động học tập và trải nghiệm thực tế. Vì vậy, giáo viên nên phát huy năng lực tự học của học sinh thông qua các phiếu giao việc. Nội dung của phiếu giao việc thường gồm các yêu cầu như:

Đọc văn bản theo hướng dẫn:

Giáo viên yêu cầu học sinh đọc trước văn bản. Tuy nhiên, trong phiếu giao việc, giáo viên nên hướng dẫn học sinh đọc kết hợp tìm hiểu bài thông qua hệ thống câu hỏi đơn giản (thông thường ở mức độ 1, 2). Việc hoàn thành các phiếu giao việc được thực hiện trong tiết Hướng dẫn học của tiết học trước.

Tìm kiếm tư liệu liên quan:

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, học sinh được sống trong thời kì phát triển của công nghệ thông tin. Lên lớp 5, các em đã có những kiến thức và kĩ năng cơ bản về tin học. Do đó, việc tìm kiếm thông tin, tư liệu học tập của học sinh khá thuận lợi, dễ dàng. Để ghi nhớ kiến thức bài học một cách hiệu quả và sâu sắc, các em cần tìm hiểu những thông tin cơ bản nhất về văn bản như đôi nét về tác giả, tác phẩm; một số sự kiện, sự việc, thông tin liên quan đến bài đọc. Tùy từng văn bản, giáo viên có những định hướng nhất định giúp học sinh tìm hiểu nhưng nhìn chung nội dung cần tìm hiểu là những sự kiện, sự việc, thông tin liên quan đến nội dung văn bản. Học sinh chắc chắn sẽ hứng thú khi tự khám phá văn bản và chắc chắn các em sẽ ghi nhớ lâu hơn.

Các hoạt động trong giờ học

Chia sẻ, trải nghiệm:

Sự khởi đầu tiết học có ý nghĩa quan trọng cho sự thành công của tiết học đó. Hoạt động chia sẻ là cách khởi động tiết học với mục đích tạo tâm thế, hứng thú học tập và khơi dậy năng lực nền tảng của học sinh. Việc khai thác, phát huy vốn hiểu biết có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ quá trình đọc hiểu của học sinh. Giáo viên cần khai thác hiệu quả vốn hiểu biết của học sinh thông qua hoạt động này. Thời gian dành cho hoạt động chia sẻ thường chiếm khoảng 3-5 phút. Mục đích chính của hoạt động khởi động là học sinh được chia sẻ vốn hiểu biết (đã được tìm hiểu trước tiết học) với các bạn trong lớp và giúp học sinh được trải nghiệm. Bên cạnh việc khuyến khích học sinh chia sẻ các thông tin sưu tầm, giáo viên cần có các biện pháp ghi nhận những đóng góp của các em trong giờ học.

Hướng dẫn học sinh kĩ thuật đọc văn bản:

a. Hướng dẫn học sinh đọc thành tiếng văn bản

Với văn bản nghệ thuật, giáo viên cần tạo cho học sinh thói quen xác định câu dài, các từ ngữ gợi tả, gợi cảm cần nhấn giọng, cách ngắt nghỉ, cách đọc câu chia theo mục đích nói, các từ ngữ cần nhấn giọng, đọc truyện theo phân vai, chú ý sắc thái giọng đọc thể hiện tình cảm của tác giả.

Việc hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm cũng không nhất thiết phải tổ chức sau hoạt động tìm hiểu bài. Có thể ngay từ đầu tiết học, thông qua giọng đọc, cách ngắt nghỉ của học sinh khi đọc bài giáo viên có thể đánh giá được mức độ hiểu văn bản của học sinh. Trong thực tế, nhiều học sinh ngay từ đầu tiết học đã biết cách thể hiện giọng đọc diễn cảm. Điều đó chứng tỏ các em đã hiểu được văn bản thông qua hoạt động trước giờ học. Tùy tình huống, giáo viên hướng dẫn thêm cho các em về cách đọc diễn cảm văn bản thông qua việc dẫn dắt, gợi mở học sinh thể hiện tình cảm, thái độ qua giọng đọc phù hợp với hình ảnh, cảm xúc của sự việc, tính cách nhân vật trong văn bản. Việc đọc diễn cảm văn bản phụ thuộc vào cảm nhận riêng của từng cá nhân học sinh. Vì vậy giáo viên cần khuyến khích học sinh đọc sáng tạo, tránh áp đặt một cách đọc khuôn mẫu.

b. Hướng dẫn học sinh đọc thầm văn bản

Đọc thầm với tốc độ nhanh và hiệu quả cao (nắm bắt đúng và đủ thông tin cơ bản, cảm thụ tốt văn bản nghệ thuật) là mục đích, yêu cầu cơ bản của hoạt động đọc nói chung. Giáo viên cần căn cứ vào nội dung rèn luyện kỹ năng đọc hiểu ở lớp 5 để hướng dẫn học sinh luyện tập trong giờ Tập đọc.

Đọc thầm để tìm hiểu bài theo yêu cầu đề ra (trả lời các câu hỏi hoặc thực hiện các bài tập): Giáo viên cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh nhằm định hướng rõ nhiệm vụ đọc hiểu (Đọc cả bài hay đoạn văn nào? Đọc để biết, hiểu, nhớ hay suy nghĩ, trao đổi về điều gì? …), từng bước hình thành cho học sinh thói quen tập trung chú ý khi đọc thầm để thu nhận thông tin, để hiểu và cảm thụ văn bản nghệ thuật.

Khám phá các giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản theo hệ thống câu hỏi, bài tập phát triển năng lực đọc hiểu:

Việc xây dựng hệ thống câu hỏi và bài tập đọc hiểu các văn bản nghệ thuật dựa trên cơ sở sư phạm của dạy học nói chung. Đó là nội dung dạy học không thể đem đến cho học sinh dưới dạng lí thuyết, diễn giảng mà phải thông qua hệ thống các việc làm, câu hỏi hay bài tập. Việc xây dựng hệ thống câu hỏi đọc hiểu cần dựa trên 04 mức độ nhận thức của học sinh (quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/09/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ GD&ĐT). Với mỗi mức độ nhận thức của học sinh, giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập đọc hiểu với yêu cầu cụ thể. Số lượng câu hỏi mức 3,4 trong hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài của sách giáo khoa rất hạn chế. Nhiệm vụ của giáo viên là cần thiết kế những câu hỏi, bài tập mức 3, 4 (vận dụng) để phát triển năng lực đọc hiểu của học sinh.

Các hoạt động sau giờ học

Đọc mở rộng:

Mục tiêu của dạy học đọc hiểu là học sinh tự đọc hiểu văn bản trong sách giáo khoa, tiến tới đọc hiểu những văn bản gặp trong học tập và đời sống. Sau khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu một văn bản cụ thể, giáo viên nên cung cấp một vài văn bản tương tự và hệ thống câu hỏi, bài tập đọc hiểu để học sinh tự đọc và trả lời câu hỏi, bài tập. Kết quả thực hiện yêu cầu cũng là một cách đo mức độ hiểu văn bản của học sinh. Hiện nay, phần lớn các trường Tiểu học trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đây là một trong những gợi ý để giáo viên thực hiện nội dung dạy học trong tiết hướng dẫn học ở buổi học thứ hai. Với mục tiêu hình thành năng lực đọc hiểu cho học sinh, bên cạnh đọc những văn bản trong sách giáo khoa có sự hướng dẫn của giáo viên, cần giao nhiệm vụ cho các em đọc thêm những văn bản mới cùng đề tài, cùng phong cách, cùng tác giả … để các em có cơ hội trải nghiệm, áp dụng những kĩ năng đã được hình thành vào đọc hiểu văn bản. Từ đó các em dễ dàng giải quyết những nhiệm vụ học tập mới và sử dụng kĩ năng đọc vào việc học.

Chia sẻ thông tin với người thân, thực hành nội dung kiến thức đã học trong cuộc sống; viết, vẽ sáng tạo liên quan đến nội dung đọc hiểu:

Năng lực được hình thành, phát triển trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trong và ngoài lớp học. Nhà trường là môi trường giáo dục chính thống giúp học sinh hình thành những năng lực chung và năng lực chuyên biệt phù hợp với lứa tuổi và bậc học nhưng gia đình và cộng đồng cũng là những môi trường không thể thiếu, đóng vai trò rất quan trọng để hoàn thiện các năng lực của học sinh. Vì vậy chia sẻ với người thân về những thông tin của bài đọc hay viết, vẽ sáng tạo là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần nâng cao năng lực đọc hiểu của các em. Hiệu quả việc chia sẻ đó sẽ tăng lên nếu giáo viên biết định hướng cho học sinh cách thức và nội dung chia sẻ, thể hiện nội dung bài đọc qua các hình thức viết, vẽ sáng tạo.

Lê Thị Thu Hằng (học viên Cao học chuyên ngành Giáo dục học (bậc tiểu học), ĐH Sư phạm Hà Nội 2) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 93, tháng 10/2017