Công nghệ góp phần giúp học sinh tiểu học thích ăn bán trú ở trường
(GDTĐ) – Với học sinh tiểu học, việc nấu những món gì để các em ăn vừa ngon miệng, thích ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển không chỉ khiến các bà nội trợ nghĩ nát óc mà còn khiến những trường tổ chức bếp ăn bán trú đau đầu. Chính vì vậy, sự ra đời của phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” đã giúp các nhà trường giảm bớt công sức và tự tin trong việc nấu ăn cho học trò.
Khoa học và khả thi
Ngày 16/1/2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”. Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc Dự án bữa ăn học đường do Bộ GD&ĐT chủ trì, được phát triển và triển khai bởi Công ty Ajnomoto Việt Nam; Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tư vấn và đánh giá chuyên môn. Phần mềm này ra đời với mục đích hỗ trợ các trường tiểu học bán trú trên toàn quốc tổ chức bữa ăn với thực đơn đảm bảo cân bằng về dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng cho học sinh, phù hợp với từng vùng miền, điều kiện thực tế của địa phương và nhà trường. Hỗ trợ nhà trường tiết kiệm thời gian trong công tác tổ chức và quản lý bữa ăn bán trú. Hình thành cho học sinh thói quen ăn uống lành mạnh thông qua việc giáo dục các kiến thức về dinh dưỡng thực phẩm, góp phần nâng cao sức khỏe của học sinh một cách bền vững.
Phần mềm được phát triển dựa trên 2 tiêu chí là đảm bảo tính khoa học và tính khả thi. Cụ thể, về tính khoa học, đáp ứng tiêu chuẩn dinh dưỡng dành cho lứa tuổi tiểu học; thực đơn có trên 10 loại thực phẩm (không kể gia vị), sử dụng phong phú nguồn thực phẩm cung cấp chất đạm động vật và thực vật, kết hợp nhiều loại rau, củ, quả khác nhau; hạn chế sử dụng thực phẩm đóng gói và chế biến sẵn như xúc xích, lạp xường, chả lụa…; hạn chế sử dụng muối, đường.
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn cho biết: Từ năm 2015, Sở đã phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai thí điểm tại 4 trường tiểu học với tổng số gần 7 nghìn học sinh và đã xây dựng chuẩn được thực đơn 40 bữa không lặp lại. Sau đó, Sở tổ chức hội nghị triển khai phần mềm cho hơn 400 trường tiểu học có bữa ăn bán trú, giúp các nhà trường xây dựng thực đơn có đủ dinh dưỡng, phù hợp với học sinh từng vùng miền. Từ 40 thực đơn có sẵn, mỗi nhà trường có thể xây dựng thực đơn phù hợp với trường mình.
Trước đây, các trường tổ chức ăn bán trú đã nhờ đến sự vào cuộc của các chuyên gia dinh dưỡng từ các công ty đối tác cung cấp các suất ăn. Tuy nhiên, phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” là kênh chính thống, thực đơn được Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tư vấn và đánh giá chuyên môn. Bên cạnh việc ban hành công văn chỉ đạo và tập huấn các trường tiểu học tổ chức ăn bán trú triển khai phần mềm, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã thành lập mỗi trường một tài khoản riêng. Khi có băn khoăn, trường có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia dinh dưỡng của Ajinomoto và họ sẽ đến tận nơi hướng dẫn cho các nhà trường để phần mềm chạy hiệu quả.
Tăng rau xanh, giảm thực phẩm chế biến sẵn
Trường TH Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) là một trong 4 trường đã được triển khai thí điểm phần mềm. Hiệu trưởng Đinh Thùy Dương cho biết: Khi được tham gia chương trình dự án bữa ăn học đường, bữa ăn của học trò đã được thay đổi rất nhiều. Trước hết, nhận thức của cán bộ, giáo viên, CMHS có sự thay đổi bởi dự án này tăng lượng rau, hoa quả cho học sinh. Thực đơn cũng làm cho học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi ăn bán trú ở trường. Kết thúc quá trình thử nghiệm, bộ phận phụ trách bán trú được giảm tải nhiều để dành sự tập trung vào nhiệm vụ chính của trường là dạy và học. Phần mềm dễ sử dụng. Hiện nay nhà trường được cung cấp một bộ thực đơn khiến chúng tôi yên tâm về dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn, đồng thời giúp CMHS yên tâm. Khi ăn bán trú, học sinh được giáo dục kỹ năng xếp hàng khi lấy đồ ăn, kỹ năng ăn uống cho đầy đủ chất.
Theo chia sẻ của cô giáo Đinh Thùy Dương, trong quá trình triển khai phần mềm, với bộ thực đơn có sẵn, trường cần biết cân đối với số tiền 25 nghìn đồng/ ngày để học sinh có bữa ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Một vấn đề mà nhà trường gặp phải là dự án Bữa ăn học đường yêu cầu lượng rau cung cấp trong bữa ăn nhiều. Vì vậy khâu sơ chế vất vả. Để giải quyết vấn đề này, trường đã mua một số máy sơ chế rau, củ, quả… Tiếp sau đó, ở bộ phận chia thức ăn có cân, đong ở khu vực bếp nhưng khi chia ở lớp, giáo viên phải ước lượng số học sinh và số thức ăn để chia cho đều. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm, lòng yêu trẻ các thầy cô đã khắc phục được.
Cô giáo Đỗ Thị Bạch Hoa – Phó Hiệu trưởng trường TH Lê Lợi (quận Hà Đông), một trường mới triển khai phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” cho biết: Để xây dựng thực đơn cho học sinh, trước đây trường phải tự nghĩ và làm theo kinh nghiệm của các cô. Nhà trường cũng thuê một công ty nấu ăn cho các con. Công ty xây dựng thực đơn về dinh dưỡng, nhà trường duyệt thực đơn và cũng thay đổi theo mùa. Sau đó, từ đầu năm học 2016 – 2017 nhà trường thực hiện theo quyển giấy của công ty Ajinomoto và Viện dinh dưỡng. Nhà trường có thể căn cứ vào thực đơn có sẵn để xây dựng thực đơn phù hợp với điều kiện của trường, nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh. Bây giờ có phần mềm, công tác xây dựng thực đơn trở nên nhẹ nhàng và an tâm hơn rất nhiều.
Theo cô Đỗ Thị Bạch Hoa, phần mềm này giúp nhà trường lên thực đơn, đảm bảo dinh dưỡng và dễ tính toán chi phí. Tuy nhiên, mỗi trường cũng cần phải căn cứ vào điều kiện kinh phí và đặc thù của địa phương để xây dựng thực đơn cho học sinh. Ví dụ, trường chỉ thu 20 nghìn đồng/bữa phải lựa chọn thực đơn khác so với trường thu 25 nghìn đồng/bữa. Trường cũng cần căn cứ vào thói quen ăn uống của học sinh ở từng vùng.
PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến: Hà Nội có hơn 650 nghìn học sinh tiểu học thì có hơn 50% học sinh ăn bán trú tại nhà trường. Ở các quận nội thành và thị xã Sơn Tây thì gần như 100% các em ăn bán trú. Chính vì số lượng học sinh tiểu học ăn bán trú ở trường đông nên việc quan tâm đến thực đơn cho các em rất quan trọng. Nếu như cấp học mầm non có nhiệm vụ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, trong đó quan tâm đến việc ăn hàng ngày của các bé, quy định về định mức calo với mỗi cháu trong mỗi bữa ăn; hàng kỳ đều đo chiều cao, cân nặng để đánh giá sức khỏe cho các cháu thì với cấp học tiểu học, việc tổ chức bán trú là đáp ứng nhu cầu của CMHS khi gửi con học theo mô hình học 2 buổi/ngày. Hầu hết các trường không có biên chế cho công tác nuôi dưỡng. Cán bộ quản lý phân công giáo viên, phối hợp với CMHS để quản lý công tác chăm sóc nuôi dưỡng cho các em. Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” sẽ giúp các nhà trường có một bộ công cụ quản lý bữa ăn của học sinh, đảm bảo dinh dưỡng cho các em. Trong quá trình triển khai thử nghiệm phần mềm tại các trường tiểu học, Hà Nội đã lập ra được 40 thực đơn, có nghĩa là 40 bữa trưa không trùng lặp nhau. Tôi mong rằng phần mềm sẽ giúp những bữa ăn của học sinh được cải thiện một cách tích cực, hiệu quả. Điều này được thể hiện trước hết qua việc các em ăn ngon miệng và sau đó có những sự phát triển về sức khỏe, thể lực. |
Vũ Toàn – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 89+90, tháng 5 – 6/2017