Chuyện Học và Hành ở Đài Loan
(GDTĐ) – Tham gia trong đoàn nhà báo của 4 nước ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia theo lời mời của Bộ Giáo dục Đài Loan (ROC- Republic of China), chúng tôi có dịp đến thăm và làm việc với một số trường học, doanh nghiệp từ Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam đến Cao Hùng. Sau chuyến công tác, ấn tượng để lại trong tôi, đó là Đài Loan đã chú trọng thực hiện đưa giáo dục nghề nghiệp vào các trường, kết hợp học đi đôi với hành. Các mô hình giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp tại Đài Loan được đa dạng hóa và có nhiều tiềm năng phát triển.
Từ thập kỷ 90, Bộ Giáo dục Đài Loan đã thành lập Sở Giáo dục Kỹ thuật và Nghề nghiệp, thiết lập hệ thống giáo dục nghề nghiệp từ Trường trung học kỹ thuật nghề nghiệp (155 trường) đến Học viện kỹ thuật (14 trường) và Đại học Khoa học (77 trường). Như vậy, ở Đài Loan ngoài hệ giáo dục phổ thông gồm Phổ thông cơ sở, Trung học phổ thông và Đại học thì còn có hệ giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp.
Từ năm 2013, tỷ lệ học sinh theo học các trường trung học phổ thông là 55% và trung học kỹ thuật nghề nghiệp là 45%. Giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp đã đào tạo được lượng nhân lực kỹ thuật lớn cho các ngành nghề trong nền kinh tế Đài Loan.
Trong chuyến công tác, chúng tôi có dịp đến thăm trường kỹ thuật dạy nghề Chang Jung Christian University tại Đài Nam. Trường có mở chương trình Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái (Bachelor Degree Program of Applied Unmanned Aerial Vehicle Technology). Hiệu trưởng nhà trường, ông Yung Lung Lee dẫn chúng tôi ra một sân lớn, ở đó có nhiều sinh viên đang thực tập điều khiển máy bay không người lái. Không chỉ điều khiển bằng bộ điều khiển cầm tay, ông còn cho chúng tôi thực hành một công nghệ điều khiển mới hơn, đó là để máy bay nhận diện người điều khiển bằng camera, sau đó, chỉ cần đưa tay về đâu, máy bay sẽ bay theo hướng tay chỉ.
Nhà trường đã kết hợp với tập đoàn Công nghệ và Hàng không vũ trụ GEOSAT (Aerospace & Technology Inc) trước đây chuyên về khảo sát địa chất, nay đã phát triển với các lĩnh vực chính là: xe đo vẽ bản đồ (Mobile Mapping System) để chụp hình mặt đất; hệ thống điều khiển chuyến bay (Aircraft flight control system) để chụp, xử lý ảnh trên không và máy bay không người lái. Ông Edward Hsieh – Giám đốc điều hành GEOSAT cho biết: Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp đã phát huy tối đa tác dụng, nhà trường chiêu sinh và mở khóa đào tạo, ngoài giáo viên của nhà trường còn có sự kết hợp giảng viên của doanh nghiệp, nhà trường cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản và học sinh được đến nhà xưởng sản xuất máy bay không người lái của doanh nghiệp để thực tập. Doanh nghiệp kết hợp với các giáo sư của trường cùng nghiên cứu và phát triển những kỹ thuật mới để cải tiến các tính năng của sản phẩm và phong phú thêm bài giảng cho sinh viên. Sinh viên ngoài lý thuyết được học ở trường còn được đến xưởng sản xuất để chuyên sâu thực tế, sau khi tốt nghiệp có thể được doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng.
Tại Trung tâm sản xuất đồ gỗ sáng tạo ở Đài Trung, chúng tôi rất thích thú và ngạc nhiên khi được xem những đồ chơi, vật lưu niệm nhỏ bé, xinh xinh được làm bằng gỗ rất đẹp và sáng tạo. Điều đáng nói ở đây là máy móc làm ra những đồ gỗ này do Đài Loan sản xuất. Đài Loan ý thức rất rõ, họ là một nước nhỏ, không có tài nguyên gì, vì vậy đã đầu tư mạnh cho chất xám. Các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn để Đài Loan mở nhiều khu công nghiệp. Tại Bình Dương đang có khu công nghiệp của Đài Loan, ở đó sản xuất những đồ gỗ sáng tạo được làm từ gỗ của Việt Nam, nhân công của Việt Nam, chỉ có máy sản xuất ra những đồ gỗ đó là của Đài Loan. Trung tâm sản xuất đồ gỗ sáng tạo tại Đài Trung cũng là một mô hình đang phối hợp tốt với Trường đại học khoa học kỹ thuật Đài Bắc đào tạo ra những chuyên gia giỏi để về các khu công nghiệp quản lý, hướng dẫn và cùng làm việc với công nhân.
Mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện giờ là một trong những thế mạnh của Giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp tại Đài Loan. Chính phủ khích lệ doanh nghiệp tận dụng tài nguyên vốn có như cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên giỏi… qua đó khuyến khích doanh nghiệp nhận sử dụng thực tập sinh của các trường. Chính phủ cũng tích cực thúc đẩy nhà trường và doanh nghiệp phối hợp mở các khóa học chuyên ngành để tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có, như vậy có thể cải thiện chất lượng đào tạo, nâng cao về số lượng cũng như chất lượng các nhân tài sau tốt nghiệp, đạt mục đích học kết hợp với hành, có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành nghề.
Trong cuộc gặp gỡ với các báo chí, ông Phan Văn Trung – Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan cho chúng tôi biết: “Chính phủ Đài Loan hiện đang có nhiều chính sách nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á, trong đó quan hệ với Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Trong lĩnh vực giáo dục, Đài Loan đang mở nhiều chuyên ban đào tạo và dành nhiều học bổng cho học sinh Việt Nam”. Các em được Bộ Giáo dục Đài Loan hỗ trợ cho vay các khoản kinh phí sang Đài Loan nhập học, trong quá trình học tập sẽ bố trí ba tháng học kiến thức tại trường và ba tháng đến thực tập tại doanh nghiệp. Trong thời gian thực tập các em được hưởng lương cơ bản 21,000 Đài tệ (tương đương với gần 15 triệu VND/tháng). Sau thời gian học nghề, các em không những thi lấy bằng chứng chỉ tay nghề chuyên môn, còn được học thành thạo ngoại ngữ tiếng Trung, nếu muốn tiếp tục học Đại học hoặc bước vào môi trường làm việc đều rất thuận lợi.
Em Phùng Cún Sáng, sinh năm 1997, quê ở Bình Thuận, theo gia đình đến Đài Loan năm 2015 khi đã học xong lớp 10, sang học tiếp lớp 11, 12 và học điện tử tại trường trung cấp nghề Trung Sơn ở Đài Nam cho biết: Với mức học phí 32.000 Đài tệ/3 tháng, tiền ăn ở 8.000 Đài tệ/1 tháng, đi làm mỗi tháng được hơn 20.000 Đài tệ, trong 3 tháng là đủ cho em tự lo mọi chi phí. Em còn tâm sự: “Em mong sau này được về Việt Nam tiếp tục làm việc và thích học tiếp lên đại học”.
Rời Cao Hùng, trở về Đài Bắc trên chuyến tàu cao tốc chạy trên 300 km/giờ (mà nhiều người nói thích hơn đi máy bay vì êm, không bị say và không bị mất nhiều thời gian làm các thủ tục), chúng tôi cứ suy nghĩ về chuyện học và hành ở Đài Loan, rồi lại nghĩ đến học sinh Việt Nam đang được bố mẹ đầu tư nhiều cho học tiếng Anh, nếu các em biết thêm tiếng Trung nữa thì Đài Loan cũng là một điểm đến đáng quan tâm.
Tùng Lâm – Thủy Linh (nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017)