Cần có nghị lực để chiến thắng chính mình
(GDTĐ) – Trong cuộc sống hàng ngày, con người phải đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại để sống và tồn tại. Trên đường đời, chúng ta có thể chiến thắng được mọi kẻ thù nhưng nhiều khi không thắng nổi bản thân vì kẻ thù lớn nhất, khó đánh bại nhất của con người là chính bản thân mình. Không ít những tính toán cá nhân, những cám dỗ của tiền tài danh vọng đã làm mất đi lương tâm, phẩm chất tốt đẹp khiến con người sa sút về mặt đạo đức, phẩm hạnh. Vì vậy, con người cần có đủ nghị lực để chiến thắng chính mình.
Thực tế cuộc đời chứng minh có nhiều chiến sỹ cách mạng đã vượt qua chính mình, không lùi bước trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh tính mạng để mang lại cuộc sống độc lập, tự do cho dân tộc. Chính vì tình yêu đối với nhân dân, đất nước cùng ý chí cách mạng kiên cường mà Võ Thị Sáu đã vượt qua cái chết, hiên ngang cất cao tiếng hát khi ra pháp trường khiến giặc Pháp phải sợ hãi. Nguyễn Văn Trỗi bất khuất trước họng súng quân thù Mỹ Ngụy khẳng định ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của dân tộc trở thành tấm gương hy sinh lẫm liệt được Bác Hồ biểu dương. Những tấm gương vì nước quên mình cao cả và anh hùng ấy muôn đời được Tổ quốc, nhân dân biết ơn và ghi công.
Thế nhưng, trong cuộc sống đời thường, nếu mỗi người chúng ta không làm chủ được mình, không nghiêm khắc để vượt qua lối sống cá nhân, ích kỷ, buông thả rất dễ dẫn đến những bi kịch đau lòng khiến ta phải ân hận suốt đời. Biết bao chuyện không hay, không vui do cách sống thiếu lành mạnh, không chiến thắng được chính mình đã làm cho một bộ phận cán bộ thoái hóa, mất phẩm chất tham nhũng và sa sút về nếp sống, đạo đức khiến báo chí, công luận phê phán. Trong hoàn cảnh nào, công việc nào cũng vậy, dù là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, dù là cán bộ đã trưởng thành đang làm việc trong các cơ quan nhà nước hay những người đã nghỉ hưu luôn cần nghiêm khắc với chính mình để giữ gìn phẩm giá trong sạch. Đối với học sinh, những thói xấu lười biếng, không chăm chỉ học tập, rèn luyện; những tính toán cá nhân, ích kỷ… cần gạt bỏ để xây dựng cho mình cách sống tự tin, quyết đoán, thẳng thắn, trung thực sẵn sàng bước vào đời và cống hiến cho cuộc đời bằng chính năng lực, nhiệt huyết và phẩm chất tốt đẹp của mình.
Chúng ta phải nhận thức rằng cuộc chiến để thắng bản thân mình không hề đơn giản, dễ dàng khi “cái tôi”, cái bảo thủ, cái cố chấp trong mỗi con người không bị loại bỏ. Ý chí quyết tâm và nghị lực sẽ là nguồn sức mạnh để con người hoàn thiện chính mình. Câu chuyện về nhân vật trẻ tuổi Paven Coocsaghin trong tác phẩm tự truyện của nhà văn Nga Nicolai Ôxtơrôpxki là một minh chứng sinh động về nghị lực sống luôn biết chiến thắng bản thân mình. Trong chiến đấu Paven đã vượt qua nỗi sợ hãi để trở thành người chiến sĩ quả cảm bảo vệ chính quyền Xô Viết non trẻ. Trong lao động xây dựng đất nước, mặc dù đau yếu, bệnh tật Paven vẫn chiến thắng chính mình, chiến thắng thời tiết giá lạnh khắc nghiệt để trở thành người công nhân điển hình trên công trường đầy thử thách. Đáng khâm phục hơn khi Paven đã tự nghiêm khắc với lối sống hàng ngày vượt qua những thói xấu trong sinh hoạt như tính nóng nảy, vô kỷ luật, hút thuốc lá và cách nói năng thiếu lịch sự trước phụ nữ. Cuộc đời và nghị lực vươn lên để hoàn thiện bản thân của Paven luôn là bài học bổ ích cho tuổi trẻ học đường chúng ta suy ngẫm và học tập.
Như vậy, kẻ thù lớn nhất của con người chính là mình khi ta không đủ can đảm và nghị lực để đánh giá đúng mình, thừa nhận những khuyết điểm về năng lực, về tầm nhìn hạn hẹp, về kiến thức nông cạn và nhất là những thói hư, tật xấu trong sinh hoạt của bản thân. Tuổi trẻ học đường cần biết rằng: Chiến thắng bản thân được bắt đầu từ những việc nhỏ hàng ngày; từ ngay khi còn ở tuổi học sinh và phải liên tục trong suốt cả cuộc đời. Nên chăng, học sinh chúng ta cần rèn luyện thói quen tự lập bằng tính kỷ luật trong sinh hoạt hàng ngày như dậy sớm tập thể dục, vệ sinh cá nhân và sẵn sàng tâm thế thoải mái để đi học. Những đức tính cần có của người học sinh như chăm chỉ, kiên nhẫn, quyết tâm để đạt được kết quả cao trong học tập cũng cần được rèn luyện thường xuyên. Mặt khác, chúng ta cần nghiêm khắc để tự rèn luyện tránh xa những thói hư, tật xấu như cách ăn nói xô bồ thiếu văn hóa, ham mê chơi game, điện tử, chat… mà quên cả việc học hành khiến nhà trường, gia đình, xã hội phải lo lắng. Học sinh chúng ta hãy nhớ lời tâm tình của nhà văn Nga Maxim Gorky: “khắc phục được những cố tật nhỏ chính là giành được thành công lớn” trong cuộc đời mỗi con người.
Rõ ràng, chiến thắng bản thân mình khó khăn hơn gấp nhiều lần so với chiến thắng kẻ thù bên ngoài. Tuy vậy, vinh quang sẽ đến với những ai biết mình, biết người, biết được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình để phấn đấu vươn lên gặt hái thành công. Chính khát vọng chiến thắng và nghị lực phi thường đã giúp các chàng trai U23 Việt Nam vượt qua những đội bóng mạnh hàng đầu châu Á làm nên kỳ tích lịch sử đạt được danh hiệu á quân. Những tấm gương khổ luyện, vượt lên chính mình để trở thành tài năng như tiếng đàn điêu luyện của Đặng Thái Sơn, những sải bơi kỳ diệu của cô gái vàng Nguyễn Thị Ánh Viên, hay đôi bàn tay nâng tạ đầy quyết đoán của lực sĩ Thạch Kim Tuấn và nhiều điển hình khác nữa đã đem lại vinh quang cho mỗi cá nhân và làm rạng danh đất nước. Đó chính là những bài học sinh động và đầy thuyết phục để tuổi trẻ chúng ta học tập, tu dưỡng lập nghiệp sau này.
Con đường đi đến thành công của tuổi trẻ học đường rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố tự thân vận động của mỗi học sinh để có năng lực dồi dào, ý chí kiên cường vượt qua chính mình trong tu dưỡng và học tập.
Trần Cự – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 100, tháng 4/2017