Các quận, huyện triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020
(GDTĐ) –
*Ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm:
Dự Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành GDĐT Hoàn Kiếm có TS Chử Xuân Dũng- Thành ủy viên, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội; lãnh đạo Quận ủy-HĐND-UBND quận Hoàn Kiếm.
Báo cáo tại Hội nghị, Trưởng phòng GDĐT quận Hoàn Kiếm Vương Hương Giang cho biết: Năm học 2018-2019, ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm tiếp tục duy trì đa dạng hóa các loại hình trường lớp đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ trong độ tuổi. Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục được đẩy mạnh, đảm bảo 100% số trẻ trong độ tuổi được vào lớp 1. 100% HS hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6.Công tác dạy học 2 buổi/ ngày và học bán trú được quan tâm chỉ đạo và phát triển cả về số lượng và chất lượng. 100% các trường tiểu học và 56% HS các trường THCS được học 2 buổi/ngày.
Toàn quận hiện có 44 trường học, 19 nhóm trẻ tư thục với hơn 32.000 học sinh. Năm học 2018-2019, ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến. Học sinh các trường đã giành 130 huy chương cá nhân, 9 huy chương đồng đội trong các kỳ thi cấp quốc tế; 108 giải thưởng ở kỳ thi cấp quốc gia.
Quận đã hoàn thành xây dựng và đón Bằng công nhận trường đạt CQG cho trường MN Tháng Tám, nâng tổng số trường học đạt chuẩn lên 23 trường. Hiện nay, quận đang xây dựng mới 4 trường: MN Tuổi Thơ, MN Sao Sáng, TH Tràng An, THCS Ngô Sĩ Liên…
Với những kết quả đạt được, ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2018-2019, được Sở GDĐT Hà Nội tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc 13/13 chỉ tiêu công tác thi đua. Và lần thứ 10, ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm được UBND Thành phố tặng cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” toàn thành phố.
Phát huy thành tích đạt được, ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm hướng đến năm học 2019-2020 với mục tiêu tiếp tục thực hiện nền giáo dục có kỉ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao. Theo đó, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình GDPT mới.Chăm lo, đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kĩ năng sống, giáo dục thể chất cho HS, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh sau THCS, xây dựng trường học an toàn thân thiện tích cực…
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng ghi nhận và biểu dương thành tích tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn ngành giáo dục quận đạt được trong năm học vừa qua. Bước vào năm học mới, Giám đốc Sở đề nghị Phòng GDĐT Quận quan tâm tham mưu với UBND Quận về quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn đảm bảo chất lượng, hiệu quả với mục tiêu cụ thể mỗi lớp học không quá 35 học sinh.Không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, thực hiện chuẩn hóa trình độ giáo viên Tiếng Anh theo kế hoạch của Thành phố. Tập trung đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Quan tâm xây dựng hình ảnh người giáo viên đạo đức, mẫu mực, tâm huyết, sáng tạo, tạo niềm tin với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục trẻ em…
*Ngành GDĐT quận Hoàng Mai:
Đến dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 của ngành GDĐT quận Hoàng Mai có NGƯT.TS Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội; Chủ tịch Công đoàn GD Hà Nội Trần Thị Thu Hà; lãnh đạo Quận ủy-HĐND-UBND quận Hoàng Mai cùng BGH các trường học, đại diện lãnh đạo UBND các phường trên địa bàn quận…
Năm học 2018-2019, quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp của quận Hoàng Mai tiếp tục ổn định và có bước phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em nhân dân trong quận. Tính đến hết năm học 2018-2019, toàn quận có 54 trường công lập, 30 trường ngoài công lập; 417 nhóm trẻ tư thục (tăng 12 trường ngoài công lập, 44 nhóm lớp mầm non tư thục so với năm học trước); 88.563 học sinh (tăng 6.993 học sinh so với cùng kỳ năm học trước).
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao. Tính đến nay, giáo viên các cấp học của quận có trình độ đào tạo trên chuẩn cao. Theo đó, GV mầm non đạt 84,8% (tăng 7,3%); Tiểu học 95,7% (tăng 0,5%); THCS 89,63% (tăng 1,59% so với năm học trước). Toàn ngành có 12 giáo viên tham dự hội thi GVDG cấp Thành phố đều đạt giải với 5 giải Nhất, 4 giải Nhì, 3 giải Ba.
Năm học vừa qua, các trường học của cấp học mầm non đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, không có tai nạn thương tích, dịch bệnh xảy ra. 100% trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo đều được ăn bán trú. 100% các trường mầm non thực hiện tốt các chuyên đề “Đổi mới các hoạt động lĩnh vực phát triển ngôn ngữ”, “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”. 100% trường, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, sử dụng hiệu quả Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. 100% trẻ học 2 buổi trên ngày.
Cấp tiểu học tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn với 206 giải quốc tế, tăng 172 giải so với năm học trước; 120 giải quốc gia, tăng 64 giải; 89 giải cấp Thành phố, tăng 80 giải so với năm học trước.
Chất lượng học sinh giỏi cấp THCS được giữ vững với 13 giải cấp quốc tế (2 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ) tăng 12 giải; 2 giải cấp quốc gia trong đó có 1 giải Xuất sắc, 1 giải Khuyến khích; có 119 giải cấp Thành phố, trong đó có 102 giải thi 10 môn văn hóa, khoa học và 17 giải Olympic tiếng Anh lớp 9, Toán Hà Nội mở rộng, Toefl Junior, Tin học trẻ không chuyên, nghiên cứu KHKT cấp Thành phố.
Đáng chú ý, năm học vừa qua, tổng điểm thi vào lớp 10 THPT công lập trung bình mỗi học sinh lớp 9 toàn quận là 43,37 điểm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, chất lượng thi vào lớp 10 THPT công lập của quận Hoàng Mai đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã toàn Thành phố.
Bên cạnh đó, tham gia các giải vẽ tranh, văn nghệ, thể dục thể thao, học sinh TH, THCS của quận cũng đạt nhiều giải với 12 giải cấp quốc tế; 20 giải cấp quốc gia và 96 giải cấp Thành phố.
Với những thành tích đạt được, năm học 2018-2019, phòng GDĐT quận Hoàng Mai đã được UBND Thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc; Sở GDĐT Hà Nội tặng Giấy khen 13/13 chỉ tiêu thi đua xếp loại tốt và xuất sắc. Ngoài ra, có 4 tập thể và 1 cá nhân được UBND Thành phố tặng Bằng khen; 9 đơn vị nhà trường được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cấp Thành phố; 3 đơn vị, 4 cá nhân được đề nghị Bộ GDĐT tặng Bằng khen…
Năm học 2019-2020, ngành GDĐT quận Hoàng Mai tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm học, đó là rà soát bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học, quản lý…
Ghi nhận, biểu dương kết quả mà ngành GDĐT Hoàng Mai đạt được trong năm học vừa qua, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang đề nghị năm học 2019-2020, ngành GDĐT Hoàng Mai tiếp tục tham mưu với UBND quận rà soát mạng lưới trường lớp khắc phục tình trạng quá tải học sinh nhất là trong giai đoạn toàn ngành đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tích cực đổi mới công tác quản lý, trong đó chú ý đến giáo dục ngoài công lập. Đặc biệt các nhà trường phải quan tâm đảm bảo an toàn cho trẻ; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
*Ngành GDĐT quận Hai Bà Trưng:
Dự Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành GDĐT Hai Bà Trưng có Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến; lãnh đạo Quận ủy-HĐND-UBND quận Hai Bà Trưng.
Quận Hai Bà Trưng hiện có 102 trường học, gồm 65 trường công lập (1 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý), 37 trường ngoài công lập và 88 nhóm, lớp mầm non tư thục với 64.000 học sinh. Năm học vừa qua, ngành đã thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động. Chất lượng các hoạt động giáo dục tiếp tục được giữ vững và phát triển. Trong các kỳ thi, cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, văn nghệ, thể dục thể thao Thành phố, ngành GDĐT quận tiếp tục gặt hái được nhiều thành công với số lượng và chất lượng giải ngày càng cao. Ngành cũng tích cực, chủ động trong việc chỉ đạo các nhà trường thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh được ngành triển khai sáng tạo, hiệu quả. Chất lượng công tác phổ cập giáo dục được nâng cao…
Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, toàn ngành đã có 14 GVDG cấp TP; 415 giải HSG các cấp, trong đó có 9 giải quốc tế, quốc gia, 169 giải TP…Hiện nay, 100% giáo viên của quận đạt chuẩn, trong đó có 82% trên chuẩn. 100% phòng học được xây dựng kiên cố; 100% trường TH và THCS được đầu tư nâng cấp thư viện và phòng tin học…
Nhờ những nỗ lực của toàn ngành, năm học 2018-2019, 13/13 chỉ tiêu thi đua của ngành được Sở GDĐT Hà Nội xếp loại tốt và xuất sắc. Phòng GDĐT quận và Trường THCS Lê Ngọc Hân được UBND TP Hà Nội tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua”.
Trong năm học mới, 2019-2020, ngành GDĐT quận tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục; giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nâng cao chất lượng mũi nhọn. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống. Thực hiện kế hoạch giáo dục Mầm non giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, ngành cũng sẽ chủ động tham mưu quận trong công tác bồi dưỡng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giáo viện lớp 1. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng đồng bộ, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia. Toàn ngành phấn đấu xây dựng 70% số trường học công lập đáp ứng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Chuẩn bị điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó, chú trọng chất lượng thi lớp 10 THPT. Ngoài ra, thực hiện tốt các mặt công tác như: tuyển sinh, chương trình sữa học đường, an toàn trường học…
* Ngành GDĐT quận Bắc Từ Liêm:
Năm học 2018 – 2019, toàn quận có 64 trường, trong đó có 46 trường công lập và 18 trường tư thục. Tỷ lệ trường công lập đạt Chuẩn quốc gia của Bắc Từ Liêm đã đạt 90,5% (đứng thứ 2 thành phố), trong đó có 7 trường đạt chuẩn mức độ 2. Bắc Từ Liêm đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng CNTT với 100% trường học được đầu tư máy tính, máy chiếu phục vụ học tập. Tất cả các trường đều thực hiện quản lý và ứng dụng CNTT trong giảng dạy qua 25 phần mềm. 80% tiết học được ứng dụng CNTT.
Về chất lượng giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đi học đạt 98%, trong đó trẻ 5 tuổi đạt 100%. Tất cả học sinh đều được học 2 buổi/ngày. Kết quả thi vào lớp 10 cấp THPT của học sinh Bắc Từ Liêm được giữ vững, xếp thứ 5 trong số 30 quận, huyện, thị xã. Nhiều học sinh đoạt các giải cao trong các cuộc thi HSG cấp Thành phố, quốc gia và quốc tế. Cụ thể, có 165 giải thành phố (tăng 20 giải so với năm học trước), cấp quốc gia đạt 86 giải (tăng 13 giải), cấp quốc tế đạt 36 giải (tăng 9 giải). Ngành GDĐT quận Bắc Từ Liêm và trường TH Đông Ngạc A đã được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội.
Căn cứ phương hướng nhiệm vụ năm học của Sở GDĐT Hà Nội, ngành GDĐT quận Bắc Từ Liêm xây dựng phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020. Phương hướng chung của giáo dục mầm non là tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định.
Ngành GDĐT Bắc Từ Liêm đã đề ra 8 nhiệm vụ và 8 giải pháp cụ thể để phát triển giáo dục trên địa bàn quận trong năm học 2019 – 2020. Trong đó có một số nhiệm vụ như: Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn góp phần tạo nguồn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới cơ chế trong quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ. Một số giải pháp được đưa ra là: Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông từ THCS; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế; Tập trung nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ; Chú trọng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục…
*Ngành GDĐT huyện Gia Lâm:
Đến dự hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của ngành GDĐT huyện Gia Lâm có Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến; lãnh đạo huyện Gia Lâm; Ban Giám hiệu các nhà trường thuộc 3 cấp học trên địa bàn huyện.
Năm học 2018-2019, ngành GDĐT huyện Gia Lâm đã tổ chức và thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng đều đạt và vượt so với kế hoạch.
Cụ thể về chất lượng giáo dục, ở cấp học mầm non, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 47% (vượt 7% so với kế hoạch); trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%. 100% các nhà trường đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ.
Học sinh cấp TH và THCS tiếp tục duy trì và giữ vững thành tích thi HSG cấp Thành phố. Theo đó, thi HSG lớp 9 các môn văn hóa và khoa học các em đạt 68 giải trong đó có 8 giải Nhì, 27 giải Ba… ; Thi Olympic tiếng Anh lớp 5, lớp 9, các em đạt 2 giải Ba, 1 giải Khuyến khích; đạt 1 giải Ba thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật và 1 Huy chương Đồng thi Toán Hà Nội mở rộng (HOMC).
Bên cạnh đó, các nhà trường đã hưởng ứng tham gia và đạt thành tích tốt ở tất cả các cuộc thi như Giai điệu Tuổi hồng cấp Thành phố, đạt 3 giải Nhì, 1 giải Ba; thi “Mô hình tiêu biểu bảo bệ thiên nhiên – môi trường trong học đường” cấp Quốc gia của cấp học mầm non, có 1 trường đạt giải A và 1 trường đạt giải C…
Trong Hội khỏe Phù Đổng cấp Thành phố, vận động viên các nhà trường ngành GDĐT Gia Lâm đã giành 22 Huy chương các loại, trong đó có 5 HCV, 4 HCB và 13 HCĐ.
Năm học vừa qua, ngành GDĐT Gia lâm tiếp tục quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ, đến nay, toàn huyện đã có 82,74% GVMN, 96,69% GVTH và 82,88% GVTHCS đạt trình độ trên chuẩn. 100% CBQL đạt trình độ trên chuẩn. Tham gia hội thi GVDG và xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm cấp Thành phố, 13/13 giáo viên đều đạt giải trong đó có 2 giải Nhất, 8 giải Nhì, 3 giải Ba. Có 1 giáo viên đạt giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được ngành chú trọng. Năm 2018, huyện Gia Lâm có thêm 5 trường được công nhận đạt CQG. Hoàn thành đạt kế hoạch công nhận lại cho 7 trường. Tính đến nay, toàn huyện có 63/76 trường đạt CQG, đạt tỷ lệ 82,89%.
Với những kết quả đã đạt được, năm học 2018-2019, ngành GDĐT huyện Gia Lâm đã được Bộ GDĐT tặng Cờ thi đua, được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Sở GDĐT Hà Nội đánh giá xếp loại 13/13 chỉ tiêu đạt tốt và xuất sắc. Ngoài ra, có 1 tập thể, 2 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ GDĐT; 4 tập thể, 12 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND TP; 11 trường được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc…
Phát huy những thành tích đã đạt được, năm học 2019-2020, ngành GDĐT huyện Gia Lâm sẽ tập trung thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tích cực đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng mũi nhọn; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học; phát triển mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục chuẩn bị tốt mọi điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới…
* Ngành GD&ĐT huyện Đan Phượng:
Năm học 2018 – 2019, Đan Phượng có 52 trường công lập, 1 trường tư thục và 44 nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục. Đan Phượng đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, cụ thể đã xây mới 2 trường học trên nền đất cũ (MN huyện Đan Phượng và TH Tân Lập B), xây 2 trường học để tách trường (MN Tân Hội B và TH Tân Lập B). Đan Phượng cũng xây thêm phòng học, nhà giáo dục thể chất, sửa chữa nhà vệ sinh với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Huyện cũng tiếp tục thực hiện Đề án làm sân bóng đá mini, nâng tổng số trường có sân bóng mini cho trẻ lên 10 trường.
Năm 2018, Đan Phượng có thêm 4 trường được công nhận Chuẩn quốc gia mức độ 1, thêm 4 trường tiểu học được công nhận Chuẩn quốc gia mức độ 2 và 1 trường được công nhận lại. Như vậy, Đan Phượng có tổng số 47/52 trường đạt Chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 90,4%.
Trong 13 tiêu chí đánh giá của Sở GDĐT Hà Nội, năm học vừa qua, ngành GDĐT Đan Phượng có 3 tiêu chí đạt xuất sắc, 10 tiêu chí xếp loại tốt, phòng GDĐT huyện Đan Phượng được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND TP Hà Nội.
Năm học 2019 – 2020, ngành GDĐT Đan Phượng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phấn đấu trong năm học mới sẽ có thêm 2 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1, 6 trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 2. Đan Phượng cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng dạy học bộ môn ngoại ngữ. Tiếp tục thực hiện đề án xây dựng thư viện mở, đề án xây dựng sân bóng rổ, đề án dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh và triển khai thí điểm đề án lớp học thông minh, trường học điện tử. Một số giải pháp được ngành GDĐT Đan Phượng đưa ra là: đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá học sinh; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong giáo dục…
Giang – Hà – Toàn