Bài ca sư phạm của người thầy mang cái tên đặc biệt

Bài ca sư phạm của người thầy mang cái tên đặc biệt

(GDTĐ) – Ba lần bị “giáng chức”
Trong số hơn một trăm sinh viên văn khóa 1960 – 1962 của Đại học Sư phạm Hà Nội có một cái tên đặc biệt. Cái tên ấy đặc biệt đến nỗi, không ai tin đấy là tên anh. Vì vậy, trước bàn dân thiên hạ, người ta cho rằng, nó không phải như thế. Đã mấy lần người ta, cứ thế tự nhiên, tự tiện đổi tên anh cho… lọt tai thiên hạ. Không có án kỉ luật, nhưng người ta cứ hạ một bậc xuống cho lôgic. Cái tên đặc biệt ấy là Trần Nguyên Phò! Đương là Hiệu trưởng trường Phổ thông Lao động thành phố Hồ Chí Minh thì trong một buổi phát sóng, đài phát thanh Thành phố lại chữa thành: đồng chí Trần Nguyên, Phó hiệu trưởng trường…

Lần thứ hai cũng bị hạ một cấp: đồng chí Trần Nguyên, Phó trưởng phòng Bổ túc Văn hóa Sở Giáo dục Thành phố (Đài truyền hình Thành phố).

Lần thứ ba, trong Trại hè tiếp bước của học sinh THPT ở Bến Dược, Củ Chi, anh lại được trân trọng giới thiệu: Thầy Trần Nguyên, Phó Chánh thanh tra, đảng ủy viên Sở, đại biểu đảng ủy ngành Giáo dục Đào tạo.

Qua mấy vụ việc trên, ta cũng hình dung ra công việc của anh, từ sau giải phóng (1975), khi anh công tác ở ngành giáo dục Thành phố đến khi nghỉ hưu.

Đoạn đời trước đó, khi anh ra trường về Hải Phòng dậy cũng thật đáng nể. Nhà có hai anh đi bộ đội, một người đã hy sinh, anh dũng cảm để lại ba đứa con lít nhít trứng gà trứng vịt, mặc vợ xoay xở thế nào thì tùy, vẫn hăng hái lên đường đi B (1965). Đến chiến khu Đ, anh được giao một việc xa lạ với nghề được học là lo hậu cần cho Tiểu ban văn nghệ Miền. Sau rồi mới về Tiểu ban giáo dục. Tháng 9/1968, làm Trưởng đoàn giáo dục đi công tác Bến Tre. Ở đó hơn một năm, ngày 21/9/1969, trên đường trở về, anh bị địch bắt giam ở Cần Thơ. Tháng 2 năm sau, bị đầy ra Phú Quốc. Mãi đến tháng 3/1973, sau hiệp định Pa-ri anh mới được trả lại tự do sau gần bốn năm bị tù đầy tra tấn dã man. Sau giải phóng, anh đưa cả gia đình vào sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Học sinh trường cấp 3 Phan Đính Phùng lên đường bảo vệ tổ quốc năm 1973

 

Dạy học trong nhà lao Phú Quốc

Chính trong nhà tù, Phò mới có dịp dạy học. Bảng thì bằng đủ thứ vật liệu kiếm được, phủ vải lên rồi dùng mực của những con cá mực bôi lên cho đen đen. Anh tự soạn chương trình văn cho các lớp học. Lại mở các lớp sư phạm cho những người bạn tù có trình độ khá hơn làm tiểu giáo viên dạy các lớp thấp hơn. Anh Lý Minh Văn (tên thật là Lý Hữu Tấn), cùng bị bắt với Phò bị tên Trần Văn Nhu, cai ngục khét tiếng tàn bạo bắt được khi đang dạy học. Hắn trừng phạt bằng cách dùng kìm nhổ mỗi bàn tay hai móng tay.

Năm 2004, tên thú hình người ấy đã hơn 80 tuổi vẫn còn sống. Phò và nhiều tù nhân khi thăm lại trại giam đã gặp lại hắn đang sống nốt quãng đời tàn còn lại chờ chết, mặc dù không ai hỏi tội hắn. Chính Phò cũng đã bị những tên cai ngục, ác chẳng kém gì hắn, tra khảo đánh đập rồi nhốt vào chuồng cọp, và một lần bị giam cầm cố. Nhưng người đảng viên trung kiên ấy vẫn giữ vững khí tiết, được tín nhiệm bầu vào đảng ủy nhà tù. Sau ngày ra tù, gặp lại nhiều bạn tù, trong đó có ông Trần Văn Trân, bị bắt khai là thượng sĩ y tá, nhưng thật ra là thượng tá sư đoàn trưởng (sau được phong thiếu tướng). Ông Trân vẫn nhớ như in các đồng đội đã chở che, để mình không bị lộ, nhưng nhớ nhất là thầy Kiều Mười Phò. Phò có vốn liếng văn chương, nhất là truyện Kiều do được cô Đặng Thanh Lê (vợ GS Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch hội Kiều học Việt Nam) dậy, lại nghiền ngẫm, học thuộc lòng cả 3254 câu suốt dọc đường Trường Sơn, vào tù mới mang ra kể cho anh em nghe. Rồi bình, rồi ngâm, rồi lẩy, rồi đố, rồi tán, cả tán vui lẫn tán nhảm để cười, để giữ vững khí tiết, để giết thời gian, chờ ngày trở về với đồng đội.

Tượng chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn tại nhà tù Côn Đảo

Trò cưới vợ cho Thầy

… Sau hơn bốn tháng đi ròng, vào đến căn cứ Trung ương cục, Phò gặp lại thầy giáo cũ, anh reo lên: – Thầy Tấn phải không ạ? Tuy quần áo bà ba, mũ tai bèo, nhưng mới mấy năm, anh nhận ra ngay dáng người cao to, giọng Bình Định hơi nằng nặng của thầy. Dĩ nhiên, thầy không nhận ra trò, vì chỉ dậy một số tiết. Trò khai rõ tên, lớp, khóa thầy mới nhận ra anh học trò chỉ kém mình mấy tuổi. Miền Nam có cách gọi tên theo thứ tự số con trong gia đình. Ông Chánh Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương cục có cái tên cũng chẳng kém phần ngộ nghĩnh là Phì, gọi là Năm Phì, anh bí thư Đảng Đoàn bảo, từ nay mày (phụ trách hành chính quản trị, cứ gọi là chánh văn phòng cho oai) là sáu Phò nha, anh Phì, em Phò quá hay rồi. Còn anh Lý Minh Văn, từ nay gọi là Sáu Văn. Thầy trò rất thân nhau, và ngay từ khi mới gặp lại, thầy Tấn đã bảo Phò: – Cậu còn hơn tớ, vợ con đàng hoàng rồi, từ nay không thầy trò nữa, cứ anh em thôi. Nhưng Phò cứ thấy thế nào ấy. Tâm lí học trò thấy có cái gì đó không ổn, cứ như mình cùng mâm, cùng chiếu với thầy. Thôi, tự đặt là út Phò cho xong. Nghĩ đi nghĩ lại cũng chưa khoái lắm. Thôi, hạ xuống hẳn bốn bậc nữa, tuy không phải là con thứ mười, cứ gọi là Mười Phò. Cho đến nay, cái tên ấy vẫn tồn tại, và từ đó thầy trò mới xưng hô anh em.

Thầy vốn ở B10 (Tiểu ban Điện ảnh Giải phóng, từng về Củ Chi làm phim Củ Chi đất thép. Ai xem phim ấy, thì biết lời thuyết minh chính là do thầy viết). Mười Phò ở B2 (Tiểu ban Văn nghệ). Sau thành lập thêm Tiểu ban Giáo dục (B3).

Năm 1968, B3 cử một đoàn hai người, trò Mười Phò, trong cấp ủy làm Trưởng đoàn, được trang bị súng ngắn. Thầy, đảng viên, đoàn viên về Bến Tre công tác. Bến Tre là vùng xôi đỗ giữa ta và địch. Nhiều nơi, ban ngày chính quyền Sài Gòn kiểm soát, ban đêm chúng co cụm vào đồn nên lại thuộc về ta. Đi xây dựng phong trào, công tác dân vận quan trọng hơn cả chuyên môn. Trò trẻ hơn, có kinh nghiệm đời sống hơn. Bà con, nhất là các má, các cô rất thương cán bộ miền Bắc, từ R về. Phò khôn ngoan đưa cho các má, các cô xem ảnh vợ con thay cho lời giới thiệu hoàn cảnh gia đình. Và cũng giới thiệu, anh Sáu Văn vẫn là trai tơ đấy ạ. Mười Phò còn làm một việc rất… vô nguyên tắc là đưa khẩu súng ngắn để thầy đeo… cho oai, để tăng tính hấp dẫn phái đẹp. Và diệu kế ấy rõ ràng góp phần mang lại hiệu quả. Một cô gái Bến Tre, dạy cấp 1, trẻ đẹp, “ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió” mê mẩn thầy. Lễ cưới đơn giản đến tối giản. Không có những thủ tục rườm rà chạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới đã đành. Trong căn nhà thấp lè tè, cột kèo tre, lợp lá dừa nước. Vách quanh nhà, vách ngăn trong nhà cũng bằng lá dừa nước. Hai mâm cỗ cưới thịnh soạn, có thịt gà và cá. Quá sang trong hoàn cảnh ban ngày lúc nào trực thăng Mỹ cũng có thể chụp xuống đầu.

Cha cô dâu e hèm, lấy giọng nói: “Nhân ngày lành tháng tốt, vợ chồng tui đồng ý cho con Năm Chi làm dợ (vợ) anh Sáu Dăn (Văn), cán bộ ngoài Bắc vô hoạt động. Từ giờ trở đi, con là dợ anh Sáu Dăn rồi đó”. Trò Mười Phò nói với nhà gái với bốn cương vị: “Chính quyền, đoàn thể, họ nhà trai và ông mai (mối) xác nhận, anh Sáu Văn là trai tân, từ nay là chồng cô Năm Chi. Chúc anh chị hạnh phúc đến… đầu bạc, răng long”. Lễ cưới không khách mời. Kể cả vợ chồng ba người con gái và cô út chưa chồng là một chục (một chục ở đây là một tá, mười hai người), vừa vặn hai mâm.

Đêm tân hôn, “đôi trẻ” được dành cho một căn buồng không cửa đóng then cài, dù cửa chỉ là tấm liếp lá dừa nước. Nhưng hôm sau, trông gương mặt thầy mình, Phò vẫn nhận ra vẻ hạnh phúc mãn nguyện. Rồi trò lại đi việc trò, kệ thầy nấn ná bao giờ đi thì đi. Hơn một năm lăn lộn với phong trào giáo dục Bến Tre, đoàn được lệnh về R. Kết quả chuyến công tác với thầy Tấn thế là quá mong đợi. Ra đi tay trắng, trở về quả phúc đầy tay. Người vợ trẻ đẹp, kém chồng có…18 tuổi, đến nỗi có câu anh Sáu yêu đời, chị năm Chi mới chào đời.

Thầy trò không ngờ, đường đi chỉ mấy ngày, mà đường về những mấy năm. Vì có kẻ phản bội nên hai thầy trò bị bắt. Chúng khám thấy khẩu súng ngắn trong ba lô thầy, thằng chỉ huy đây rồi, thế là nó ra đòn thầy thừa sống thiếu chết. Mười Phò không ngờ, câu Kiều oái oăm “Tình thương vô ý gây nên tội” đã vận vào mình làm anh ân hận lắm. Trò cũng bị đòn chẳng kém. Rồi hai người cùng bị đầy ra Phú Quốc. Nhưng cả hai thầy trò đều giữ vững khí tiết đảng viên, và trong tù đều hành nghề dạy học. Chỉ có điều, do không cẩn thận cảnh giác, không cắt cử người canh gác nên thầy bị nó bắt quả tang đang dạy bạn tù. Thế là bị hành hạ.

Sau Hiệp định Pa-ri, thầy Tấn được trao trả ở Lộc Ninh. Niềm vui được tự do, trở về với những người ruột thịt, với Đảng, với đồng chí, đồng đội, giữa hai thầy trò, không biết ai hơn ai. Nước mắt ngày gặp lại đủ mài mực viết thành Bài ca Sư phạm đẹp nhất trong những bài ca của thầy trò khóa chúng tôi.

Hồi ký Nguyễn Bắc Sơn – Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 64 (tháng 4/2015)