Bác sĩ quân y với “chiếc @ nhân ái”

Bác sĩ quân y với “chiếc @ nhân ái”

(GDTĐ) – Ban đầu gặp ai cũng tưởng bác sỹ quân y Đặng Cát là một lão nông chi điền bởi phong thái sống rất giản dị, gần gũi với mọi người của ông. Hiền lành, chất phác và đức tính khiêm nhường đã làm nên cốt cách một bác sĩ quân y giàu lòng nhân ái khi về đời thường.

 

Ông Đặng Cát sinh ra ở Hải Long, Hải Hậu, Nam Định. Năm 1952 ông vào bộ đội, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng ông được cử đi học quân y và trở thành bác sĩ quân y thuộc bộ đội biên phòng, từng giữ chức Chủ nhiệm quân y của Học viện Sĩ quan Biên phòng (nay là trường Sĩ quan Biên phòng). Sau nhiều năm tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường, cứu chữa cho bao thương bệnh binh, tháng 5/1989 trung tá – bác sĩ quân y Đặng Cát về nghỉ hưu cùng gia đình tại đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Trở về đời thường, với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, bác sĩ Đặng Cát sẵn sàng giúp đỡ điều trị và tư vấn cho bệnh nhân trong làng ngoài xóm. Ông không nề hà ngày đêm, phân biệt giàu nghèo đến từng nhà người bệnh khám và điều trị miễn phí. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều người đến “gõ cửa” nhà ông. Không chỉ có hội viên CCB, bà con trong cụm phường mà còn cả những người ở phường khác, quận khác, nay thì cả một số tỉnh thành trong cả nước tìm đến nhờ bác sĩ chữa trị. Mỗi ngày, ông điều trị trung bình cho khoảng 5 -15 người bệnh.

Với chiếc xe đạp cà tàng sản xuất từ thời bao cấp của người anh họ cho, bà con xóm giềng thường gọi là “chiếc @ nhân ái” đã cùng ông hàng ngày đến từng nhà bệnh nhân, tiêm thuốc và tư vấn sức khoẻ, tìm nhiều phương pháp chữa bệnh tiên tiến để giúp họ mau thuyên giảm bệnh tật. Một mình với “chiếc @ nhân ái” mà ông thường gọi là “ngựa sắt” cùng một chiếc túi vải đựng đồ nghề, dù trời nắng hay mưa, nóng bức hay buốt giá như kim châm, ông vẫn đều đặn rời khỏi nhà từ lúc 7 giờ 30 sáng và thường chỉ có mặt ở nhà hai bữa cơm trưa, chiều. Khoảng 16 giờ chiều, bệnh nhân “kéo” đến nhà ông chật ních. Trung bình mỗi tháng ông đi thăm khám và kê đơn cho hàng trăm bệnh nhân nhưng không lấy của ai một đồng và bất cứ quà biếu nào. Kết hợp khám và kê đơn ông còn tư vấn cho hàng trăm người về thuốc men, bệnh tật, người bệnh cần khám và điều trị ở đâu… giúp cho bệnh nhân tìm được đúng thầy, đúng thuốc.

Một cán bộ lão thành cách mạng là bệnh nhân cũng là hàng xóm được ông Cát chăm sóc thường xuyên nhận xét: “Ông Cát là một bác sĩ có tâm, suốt đời giữ vững phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ”. Chị Phương Vân A, 28 tuổi, ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ bị hẹp van tim, lại mang thai, đã nằm bệnh viện một thời gian rồi trở về nhà tìm đến nhờ. Ông Cát lập phác đồ điều trị tích cực, giúp chị sinh mẹ tròn con vuông. Cháu bé con chị vừa 1 tháng tuổi bị lao hạch, mẹ cháu lại thiếu sữa, ông Cát cần mẫn đến điều trị cho mẹ con cháu gần một năm trời. Ngoài đi khám chữa bệnh miễn phí, bác sĩ Đặng Cát còn tham gia nhiều công tác khác như Bí thư chi bộ cụm dân cư, Phó Chủ tịch Hội CTĐ phường, hội viên CCB, hội viên người cao tuổi, thành viên Hội khuyến học phường… Công việc nào ông cũng tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tấm lòng của bác sĩ Đặng Cát được nhiều người yêu mến, cảm phục. Bà con thân mật gọi ông là “bác sĩ của người nghèo”. Nhiều năm ông Cát được bình chọn là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Rồi tổ chức quốc tế mang tên Theuprme master Chinghai Iternational Association dành tặng cho bác sĩ một trái tim trong suốt, như một “Tấm gương nhân ái sáng ngời thế giới”.

Minh Nguyệt – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 93, tháng 10/2017