Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Cần lắm sự nỗ lực của người thầy
(GDTĐ) – Hội Cựu giáo chức TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 29/ NQ/TW VIII (khóa IX) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” bậc tiểu học. Xoay quanh nội dung này, nhiều cựu giáo chức đã tâm huyết đóng góp ý kiến của mình, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người thầy giáo trước yêu cầu đổi mới…
* NGƯT Nguyễn Tam Sơn: Phó Chủ tịch Hội CGC Thành phố, Chủ tịch Hội CQG huyện Thường Tín – “Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nghệ thuật sư phạm của nhà giáo phải cao hơn”
Nghị quyết số 29/NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo là sự chỉ đạo cấp thiết, phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay. Nhiều mô hình dạy học mới được triển khai, như: trường học mới, bàn tay nặn bột… đã mang lại bầu không khí đổi mới và hiệu quả hơn trong dạy và học. Cũng như vậy, việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT Qui định đánh giá học sinh tiểu học là một trong những giải pháp theo đúng tinh thần đổi mới.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có việc triển khai nghiêm túc, thực chất phương pháp đánh giá học sinh bằng nhận xét, đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của người giáo viên. Không chỉ đòi hỏi về trình độ, nghiệp vụ sư phạm mà yêu cầu đổi mới lần này còn đặt người giáo viên vào thế chủ động để họ phát huy hết khả năng lao động sáng tạo cùng sự tâm huyết của mình. Cùng với tài năng sư phạm thì nghệ thuật sư phạm của người thầy giáo cũng phải cao hơn, từ đó người thầy mới có những sáng kiến sáng tạo, có sự đánh giá khách quan, công tâm vì sự tiến bộ của học sinh và tổ chức được khoa học công việc dạy học, không bị áp lực, lúng túng trước yêu cầu đổi mới.
* Nhà giáo Vương Thúy Thìn- Chủ tịch Hội CGC quận Hai Bà Trưng: “Nếu giáo viên không thực sự tâm huyết sẽ nhận xét đánh giá học sinh không chuẩn xác”
Việc đổi mới đánh giá ở bậc tiểu học đã thực hiện theo đúng yêu cầu đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, tự chủ. Ở đây, trong quá trình dạy học, giáo viên được điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm…, để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng toàn diện ở bậc tiểu học. Còn học sinh được tham gia vào đánh giá, được tự học, tự điều chỉnh cách học, giao tiếp, giúp học sinh học tập chủ động, tự tin, tích cực và sáng tạo, đáp ứng với mục đích đánh giá.
Mục đích đổi mới khá rõ ràng, tuy nhiên, điều quan trọng nhất của việc đổi mới này là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp có bắt kịp với yêu cầu đặt ra. Thực tế hiện nay vẫn còn có những giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ, chưa thực sự tâm huyết với nghề. Khi áp dụng các phương pháp dạy học mới cũng như nhận xét đánh giá học sinh qua biểu đạt bằng ngôn ngữ liệu có đáp ứng được với yêu cầu, có đúng với thực tế giảng dạy và trình độ học sinh? Điều này đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ và sát sao, tận tình hơn với học sinh. Việc nhận xét học sinh nếu chỉ làm đối phó sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và động cơ học tập của các em. Người giáo viên có trình độ, tận tâm với nghề, với trò sẽ nhanh chóng thích nghi với yêu cầu đổi mới, biết biến khó khăn thành hành động để khích lệ học sinh, khơi dậy trong các em niềm đam mê học tập và phát huy khả năng của mình.
* Nhà giáo Phạm Huy Thông- Phó Chủ tịch Hội CGC quận Ba Đình: “Giáo viên không thể hài lòng với bản thân trước đổi mới và phải coi học sinh như con mình khi nhận xét đánh giá”
Đổi mới giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay, tuy nhiên đổi mới phải biết kế thừa những giá trị, phương pháp giáo dục hiệu quả đã có từ trước. Việc coi học sinh là trung tâm trong các hoạt động giáo dục, đào tạo đã được thực hiện từ lâu. Vấn đề là đổi mới thế nào để những phương pháp mới, kết quả mới thể hiện đúng tinh thần lấy học sinh là trung tâm, tất cả vì học sinh thân yêu…
Nếu muốn đổi mới một cách thực chất và đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội thì vai trò của người giáo viên phải đặt lên hàng đầu. Đổi mới cần cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai, vì vậy bên cạnh việc quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên thì cần đẩy mạnh công tác đào tạo cử nhân sư phạm trong các trường sư phạm. Hiện nay, sự tâm huyết của người thầy giáo có nhiều điều khác so với các thế hệ đi trước. Áp lực cuộc sống, công việc khiến người giáo viên phải vất vả hơn để bắt nhịp với đổi mới. Nếu chế độ, chính sách cho nhà giáo được quan tâm, thực thi một cách phù hợp với đặc thù công việc và công sức lao động thì họ sẽ yên tâm, chủ động hơn khi bắt tay vào đổi mới phương pháp dạy, đổi mới cách đánh giá học sinh… Về phía giáo viên cũng cần chủ động tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, không thể hài lòng với bản thân trước yêu cầu đổi mới. Khi đánh giá học sinh, giáo viên cần nhìn nhận từ sự tiến bộ của các em, yêu thương học sinh, coi học sinh như con thì việc nhận xét, đánh giá kết quả học tập của học sinh sẽ chính xác, khách quan và đúng với mục tiêu đề ra.
* Nhà giáo Nguyễn Thị Bích Lưu- Hội CGC Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố: “Đổi mới bắt đầu từ nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo”
Đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đổi mới cách dạy, cách học khắc phục lối tuyền thụ một chiều “thầy đọc, trò ghi” là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện nay. Một giáo viên lên lớp cứ nói triền miên thì chất lượng giờ học không thể đảm bảo. Theo tôi, một giờ học chỉ nên dành 20 phút để dạy lý thuyết, còn lại người giáo viên phải tập trung làm sáng tỏ nội dung bài học qua thực hành, liên hệ thực tế… Có như vậy học sinh mới tiếp cận được kiến thức bài học một cách hiệu quả và thiết thực. Để làm được điều này thì vai trò của người giáo viên rất quan trọng. Vì vậy, đổi mới cần bắt đầu từ nhận thức, suy nghĩ của người thầy giáo. Khi người thầy giáo nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thực chất của việc đổi mới gắn với quyền lợi của học sinh, với nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững thì họ sẽ chủ động đổi mới và phát huy hết khả năng của mình. Bên cạnh đó thì cái Tâm của người thầy giáo cũng rất quan trọng. Đặc biệt, với mô hình giáo dục đặc biệt như giáo dục thường xuyên, dạy trẻ khuyết tật…, thì cái Tâm của người dạy phải được đặt lên hàng đầu. Thầy cô thế nào sẽ đào tạo ra học trò thế ấy. Vì vậy, trình độ nghề nghiệp và phẩm chất của người giáo viên càng phải được phát huy hơn khi thực hiện đổi mới cách dạy, cách học.
Gần 40 năm gắn bó với nghề dạy học, nghỉ hưu tôi vẫn tham gia dạy học cho các em học sinh khiếm thị ở Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố. Với đối tượng học sinh đặc biệt này để dạy các em học chữ, học làm người thì người giáo viên cần phải có kinh nghiệm, có tấm lòng rộng mở và cũng không thể không tìm tòi, đổi mới cách dạy, phương pháp dạy để các em tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả nhất.
Hoàng Anh (ghi), Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 70+71, tháng 11/2015