Giáo dục giới tính cho trẻ trước tuổi đi học
(GDTĐ) – Giới tính hầu như là lĩnh vực “cấm” mà từ trước tới nay mọi người đều cảm thấy “ngại” khi đề cập tới. Cũng vì vậy mà nhiều tệ nạn, sự hiểu nhầm vì “mù” giới tính đã xảy ra. Giáo dục giới tính hiện nay đã trở thành vấn đề “nóng” cần tiến hành ngay cho trẻ từ khi còn học mẫu giáo. Tại đây, học sinh có thể được tìm hiểu và nói hết những điều được cho là “thầm kín”. Dưới đây là 4 bước để tiến hành giáo dục cho trẻ trước tuổi đi học lớp 1 hiểu biết về giới tính:
Đả thông những quan niệm sai về giới tính cho cha mẹ học sinh: Hiện nay, xã hội tồn tại nhiều cách cư xử sai lầm với giới tính như lạm dụng giới tính, xâm phạm giới tính trẻ nhỏ, lệch lạc trong quan niệm về giới tính hoặc né tránh không dám đối mặt, đề cập… Tuy nhiên, với trẻ nhỏ ngây thơ vẫn tồn tại những thắc mắc như bản thân mình ở đâu mà ra, các bộ phận trong cơ thể mình là những gì, công dụng của chúng… Vì vậy, cần thỏa mãn được mọi nhu cầu hiểu biết của trẻ mới giúp trẻ trưởng thành lành mạnh.
Muốn đẩy mạnh giáo dục giới tính, việc trước tiên là cần phải sửa những quan niệm sai lầm của gia đình và nhà trường trong lĩnh vực này. Cha mẹ thực ra phải là người thầy đầu tiên về mặt này của con trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần cởi mở, dám nói chuyện giới tính cho con. Tuy nhiên rất nhiều cha mẹ và thầy cô giáo lại hiểu sai về giới tính. Do đó, họ cần được bồi dưỡng, học lại những hiểu biết chính xác về giới tính cùng cách giảng dạy.
Cần cho học sinh hiểu biết chính xác về các bộ phận trong cơ thể: Thực ra phạm vi giáo dục giới tính cho học sinh rất rộng không chỉ giới hạn về hành vi “tình dục” nam nữ mà còn cần cho các em biết rõ các bộ phận trong cơ thể, giáo dục tâm lý, tính cách, tình cảm, tiếp nhận vai trò của mình trong xã hội và cách tự bảo vệ… giúp cho trẻ đi sâu tìm hiểu thêm trong quá trình trưởng thành để hiểu biết tâm, sinh lý của bản thân.
Hiểu biết cơ thể của mình là bài học giáo dục giới tính đầu tiên. Để thực hiện bài giáo dục giới tính, giáo viên cần bắt đầu bằng những sinh hoạt hàng ngày. VD, trước tiên nói về các cơ quan như mắt, tai, miệng, mũi rồi sau đó mới nói tới bộ phận sinh dục nam, nữ… làm sao để học sinh hiểu rằng đây cũng là một bộ phận của cơ thể mà thôi, chẳng có gì phải ngượng nghịu…
Rất nhiều cha mẹ đặt tên cho bộ phận này bằng nhiều cái tên không chính xác, cần uốn nắn lại cách gọi cho chính xác.
Sử dụng búp bê vải làm giáo cụ trực quan để dạy học: Ngoài việc dạy kiến thức từ nông đến sâu, thầy cô giáo mỗi lần lên lớp cần mang theo giáo cụ trực quan là búp bê vải trẻ em nam và nữ. Khi đưa búp bê ra, học sinh vì hiếu kỳ sẽ rất hào hứng xem, lúc này giáo viên có thể nhỏ nhẹ kể cho trẻ đề tài được cho là khó nhất: Vì sao bé trai khi tiểu tiện lại đứng còn bé gái lại phải ngồi? và giải thích cho học sinh biết về sự khác nhau giữa bộ phận sinh dục của nam và nữ.
Thành lập phòng tư liệu giáo dục giới tính cho cha mẹ học sinh: Ngoài việc giáo dục giới tính cho trẻ trong và ngoài nhà trường còn cần thành lập nơi cung cấp tư liệu về việc này cho các phụ huynh tham khảo. Tại đây trưng bày nhiều sách vở và hình vẽ về giáo dục giới tính. Ngoài ra còn có băng ghi hình và nhiều búp bê vải giúp phụ huynh tìm hiểu thêm về giới tính. Mục đích của phòng tư liệu là để giúp phụ huynh hiểu chính xác về giới tính, đồng thời cũng dạy cho họ cách chia sẻ với con cái trong lĩnh vực này. Điều đó cho thấy việc giáo dục giới tính không chỉ giới hạn ở trẻ nhỏ mà còn cần cả cho các phụ huynh nhằm đả thông mọi thắc mắc không đáng có.
Diên Niên (Theo Apple Daily) – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 94+95, tháng 11/2017