Phụ huynh phải làm gì khi con yêu sớm?
(GDTĐ) – Theo các chuyên gia tâm lý, việc cấm cản học sinh yêu sớm đôi khi không đạt được kết quả như mong đợi. Vì vậy, thay vì cấm, phụ huynh nên giáo dục con em mình biết yêu an toàn và có trách nhiệm.
“Sốc” khi phát hiện con yêu sớm
Chị Thu Trang (38 tuổi, Hà Nội), một ngày tá hỏa khi thấy con trai (cậu bé lớp 7) của mình nhắn những câu tình tứ với bạn gái nhưng chị im lặng không nói gì để quan sát. Và chị biết thêm, cậu con trai chưa kịp lớn của mình đã hôn, đã nhớ nhung rất nhiều cô bạn cùng lớp… Một gia đình khác thì hai bên phụ huynh đã phải cùng “trông nom” cô con gái và cậu con trai của mình. Nghĩa là khi nào các em về bên nhà nào thì phụ huynh bên đó quản lý…
Một cô giáo chủ nhiệm nhận xét, học sinh nam lớp 7, lớp 8 bây giờ thay đổi hàng ngày: ăn diện, chau chuốt, thích thể hiện mình và thường xuyên đi “thả thính” bạn gái. Có nhiều cặp, cô thường xuyên đảo chỗ để không ngồi cạnh nhau, nhưng các bạn khá tự tin, luôn đi theo cô để mè nheo, khóc lóc xin được ngồi lại chỗ cũ. Bởi “ngồi bên nhau rất vui, có động lực” để học hơn…
Ở góc độ khác, chị Thu Hà, một chuyên gia tâm lý đưa ra một câu chuyện về một người mẹ hốt hoảng khi chia sẻ với chị: “Con gái tôi năm nay học lớp 6. Hồi đầu năm, cháu yêu một bạn lớp 9. Tôi phát hiện ra cháu nhắn tin yêu đương với bạn trai. Tôi đã đánh cháu một trận dữ dội, cháu hứa sẽ từ bỏ. Lần 2, tôi lại phát hiện bạn trai chat trên mạng đòi hôn cháu. Tôi quá “sốc” nên đã đánh con rất nặng. Cả nhà đã họp lại và bắt cháu nhắn tin chia tay bạn trai ngay trước mặt ba mẹ. Từ đó vợ chồng tôi quản lí cháu rất chặt, trừ lúc ở trường. Nhưng sau đó, có hôm ngay tại trường học, cháu đã dám cùng bạn trai trốn vào chỗ khuất, chắc là để hôn nhau. Các bạn cháu biết chuyện đã đồn ầm ra toàn trường. Giáo viên chủ nhiệm lớp đã gọi tôi tới trường để họp phụ huynh gấp và cảnh cáo cháu. Tôi tuyệt vọng quá. Tôi đang dọa cho con nghỉ học nhưng cháu phản kháng. Tôi phải làm gì bây giờ cô ơi?”.
Đồng hành cùng con
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Lứa tuổi 13-14 (học sinh lớp 8, lớp 9) là thời điểm dậy thì phổ biến ở học sinh. Thậm chí có em 8-9 tuổi đã bắt đầu có nhiều dấu hiệu thay đổi trong cơ thể. Bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt nên độ tuổi dậy thì ở trẻ em nước ta đã sớm hơn trước đây từ 3-4 năm.
Trước hiện tượng mới đây, một nữ sinh lớp 11 tự tử sau khi clip hôn bạn trai trong lớp bị tung lên mạng xã hội, theo thầy Lâm, nhiều bố mẹ chỉ lo làm sao để con mình ngoan, học giỏi mà không để ý tới việc tạo cho con có những kháng thể để phản ứng lại những tác động của xã hội. Những tác động nhiều khi khiến con bị cô độc, bị đẩy vào vòng xoáy không lối thoát.
Chuyên gia tâm lý Thu Hà chia sẻ thêm: Tôi biết có em cứ đợi bố mẹ ngủ thì trèo lan can ra ngoài đi chơi. Còn nếu bố mẹ xóa facebook thì lập cái mới chỉ trong vòng 1 nốt nhạc. Tại sao phụ huynh cứ cho rằng con mình yêu sớm. Nhưng sớm là mấy tuổi? Ngày xưa bà ngoại mình 10 tuổi đã gả chồng.
Trong SGK, trong chuyện cổ tích, tình yêu luôn được ca ngợi và vẽ lên vô cùng đẹp đẽ. Lọ Lem, Bạch Tuyết, Nàng Tiên Cá… đều đi tìm tình yêu. Chương trình học cũng đầy thơ tình đó thôi. Vậy tại sao đến lượt con yêu thương người khác thì lại là chuyện xấu xa, là chuyện đáng bị đánh mắng? Xấu ở chỗ nào? Ba mẹ có muốn đồng hành cùng con trong những cột mốc quan trọng của cuộc đời không? Vậy tại sao cột mốc đó không phải là mối tình đầu của con?.
Chị Thu Hà nhấn mạnh: “Thường thì, khi được bố mẹ trân trọng, con sẽ luôn cố gắng thể hiện tình yêu của mình là xứng đáng. Tôi biết có một cặp đôi mà cả hai đều là thủ khoa đại học; có cả những em cố gắng giành học bổng du học để được đi cùng với bạn gái. Bạn tôi, từ khi “mở cửa cho 2 con nguyên phòng khách để ngồi học bài cùng nhau thì con không dấm dúi đi hẹn hò nữa”. Tình yêu tuổi học trò, nó là một phần tuổi thanh xuân của con, vậy thì bố mẹ có sẵn sàng làm bạn, làm người đồng hành, làm kiến trúc sư thiết kế cho phần đó trong trẻo hơn, nhẹ nhàng, rực rỡ hơn không?”.
Nhiều khi thoạt đầu chỉ là nhắn 1 cái tin cho người ấy, mẹ đọc trộm từ phía sau quát “nhắn tin với ai, liệu hồn mà học hành đàng hoàng”. Rồi mẹ ngăn cấm. Và thế là con sẽ mãi nhớ y nguyên cảm giác giật mình sợ hãi đó rồi đóng luôn cánh cửa, giữ kín tất cả cảm xúc mới lớn của mình…
Thực tế, các chuyên gia tâm lý cho rằng, đã tới lúc, việc cấm cản học sinh yêu sớm đôi khi không đạt được kết quả như mong đợi. Thay vào đó, phụ huynh nên giáo dục con em biết yêu an toàn, có trách nhiệm. Bởi chúng ta đang sống trong một nền văn hóa tràn ngập các chủ đề về tình dục, từ câu chuyện ngoài quán cà phê, những chương trình truyền hình, trong gia đình, trên mạng xã hội…
Dường như đã có một khoảng cách quá lớn khi một số em sống trong thế giới riêng của mình, không dám tiết lộ những vấn đề của mình vì sợ phản ứng tiêu cực của bố mẹ. Sợ nói cho bố mẹ rồi thì bố mẹ sẽ tưởng tượng ra những thứ kinh khủng hơn để tra hỏi. Nhiều em tin rằng bố mẹ sẽ chẳng thể nào bình tĩnh hoặc muốn hiểu những gì mình nói. Và tất cả những đáng tiếc xảy ra khi chuyện đã rồi.
Nguyễn Mỹ – nguồn: Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 101+102, tháng 5-6/2018